TẠP CHÍ VĂN NGHỆ CHỦ NHẬT
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

QRTV giới thiệu: Tạp chí Văn nghệ chủ nhật xin trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn chương trình với những nội dung đặc sắc về văn hóa Quảng Trị  với các bài viết về Quảng Trị của cây bút trong tỉnh. Chương trình được PS vào lúc 9h30, 19h 30 ngày 30/10 chủ nhật, 16h30 ngày thứ hai ngày 31/10. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

                                       NỘI DUNG TẠP CHÍ

                          Tạp chí văn nghệ chủ nhật 30.10.2022

PTV: Xin chào Quý vị và các bạn đang đến với Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, Kính mời Quý thính giả cùng đến với những nội dung chính sau đây:

- Bản tin Văn hóa

- Bài viết:

+ Tãn văn Hương khói quê nhà- tác giả Nguyễn Việt

+ Cảm nhận về cây sáo trúc trong đời sống văn hóa tinh thần

+ Phần cuối Chương trình là tiểu mục Dọc đường Văn nghệ

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình

1.Tại xã Lìa, cùng với quá trình xây dựng và phát triển, người dân nơi đây vẫn còn gìn giữ nhiều nếp sống văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng và nghề đan lát truyền thống. Vừa qua tại đây đã tổ chức ra mắt Câu lạc bộ cồng chiêng và đan lát gồm 22 thành viên là người dân tộc Pa Kô đến từ 10 thôn trong xã.

Câu lạc bộ được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động hàng năm về phát triển và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc để đề nghị cấp ủy, chính quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch. Nghiên cứu, sưu tầm, sáng tạo, khôi phục lại các làn điệu, nhịp múa cồng chiêng, nghề đan lát truyền thống, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của Nhân dân; tổ chức biểu diễn phục vụ Nhân dân và du khách vào các dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội tại địa phương; tiếp tục mở rộng, thu hút các cá nhân có nguyện vọng và tình nguyện tham gia câu lạc bộ.

Việc thành lập Câu lạc bộ cồng chiêng và đan lát nhằm khôi phục và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

2.UBND vừa tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 ngày 15/4/2022 của HĐND tỉnh Quảng Trị về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 – 2030. Trong đó chú trọng việc quảng bá văn hóa mảnh đất và con người Quảng Trị

Kế hoạch bao gồm các chính sách hỗ trợ lập quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch tỉ lệ 1/2000; hỗ trợ nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch cộng đồng; hỗ trợ đầu tư các khu du lịch cộng đồng, sinh thái; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng trong các khu di tích lịch sử, văn hóa khi liên kết khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể nhằm phát triển du lịch; hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ công tác xúc tiến du lịch; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh du lịch…

                                                   Nhạc cắt

 MC: Kính thưa quý vị. 2 tiếng quê nhà luôn là niềm nhớ nhung da diết trong mỗi chúng ta. Đặc biệt đối với những người xa xứ thì quê nhà luôn ăm ắp với bao kỷ niệm. Mời quý vị đến với bài viết về quê hương của tác giả người Quảng Trị- Nguyễn Việt

Một sớm tinh sương, bầu trời gấp chăn mây cuộn tròn thành từng bó nhỏ lăn tròn tứ phía, để ánh quang loang dần giữa bao la. Vài tiếng chim non líu lo đánh thức vòm lá còn đang say ngủ, cỏ cây nghiêng mình chắt chiu sương sớm. Trên mỗi liếp nhà tranh, những ngọn khói trắng mỏng bay toả lên cao, chao nghiêng theo từng cơn gió nhẹ như vẽ ra cả một bức tranh thuần hậu miền thôn dã. Buổi sớm  mai về, nhìn khói toả nhà ai bên xóm, lòng ta bỗng dậy lên một niềm thương da diết nơi xứ sở quê nhà.

 

Nơi ấy có mái nhà lợp ngói cũ đã rêu phong thành bạc, vẫn bền bỉ che chắn nắng mưa suốt bao mùa sương gió, nơi gìn giữ dấu tích của quá khứ năm xưa hiển hiện, có bàn tay cha tỉ mẩn xếp gạch từng viên, có ánh mắt mẹ ngóng lên đầy lắng lo dẫu đôi bàn tay vẫn thoăn thoắt chuyền gạch hoài không nghỉ, và chiếc thang gầy trẽo trẹt theo từng lối tay đưa. Mồ hôi rơi từng dòng ướt đẫm chiếc quai lụa nón lá, còn cơn gió đồng làng cứ mãi chăm chỉ quạt mát tấm lưng già đang phơi ra giữa nắng nồm oi bức. Lá chuối bên hè nhà xào xạc thổi, từng bụi tre rì rào gỡ tóc, tiếng lồ ô nổ rôm rốp cho chú gà con đang kiếm ăn thi thoảng lại giật thót mình.

 

Nơi ấy có vạt rau xanh rì góc vườn nhỏ, miên man bên ao cá những thảm cỏ non dài, vài cánh bướm rập rờn dìu dặt và chú chuồn chuồn kim theo gió dạt cánh mềm nhẹ đậu trên một nhánh cỏ may. Có cành nè khô là đà mặt nước cho chú bướm vàng ngơ ngẩn soi bóng mình dưới hồ cá xanh trong. Những con cá cũng nhao nhao đớp khí, hay cố đớp lấy bóng hình yểu điệu nhất sau một đời lột xác của đời sâu. Cố ước ao cũng có đôi cánh mỏng để vượt thác trời qua được Vũ môn quan mà thả sức ngao du giữa chín tầng mây non nước. Nom xuống mặt hồ mỗi cơn gió thổi qua làm lăn tăn xao động từng con sóng nhỏ, những vòng tròn nước cứ dập dờn lan mãi ra xa, đẩy chiếc lá tre khô dạt trôi giữa mênh mang hồn hậu của ao cá quê nhà. 

 

Nơi ấy có những chiều tha thẩn mót củi khô trên đồi bạch đàn thơm nồng mùi lá. Những cành khô xào xạc trên một thân cây vừa tay với, được hái xuống bó thành từng bó gọn ghẽ. Những đứa thấp bé hơn thì đi nhặt nhạnh những cành gãy đã khô đét giòn rụm, có cả những nhành khô đã lìa cây rụng sẵn. Con đường bạch đàn xanh mát, bóng nắng chỉ là những chấm nhỏ li ti rơi rớt giữa đường mòn. Mấy đứa tha hồ vui chơi trong đó, có đứa hái thật nhiều cành lá xanh và xếp thành một tấm đệm dày êm mát. Có đứa vít cong một thân cây bạch đàn non và ngồi lên đó chơi trò cưỡi ngựa, có đứa đan bện những sợi chuối mềm cột giữa hai thân cây thành chiếc võng nhỏ vô cùng thích thú. Nằm lên đó nhìn tầng tầng lớp lớp trời xanh qua bạt ngàn tán lá, nghe hơi mát thấm mềm mê tơi vào da thịt, cái vị quê hương rất riêng ấy cứ trở đi trở lại hoài trong từng nếp thở tuổi trưởng thành.

 

Lại ngỡ như nhìn thấy trong mắt vườn chuối sau hè nhà, có mấy đứa đang hái những chiếc lá khô, xé lá lấy gân, làm những sợi võng đan tay kì thú. Có đứa hái lá chuối non cuộn thành chiếc kèn lá thổi tu tu vang dội cả góc vườn. Có đứa rọc lá xanh, làm chiếc súng đại bác từ thanh sườn của tấm lá chuối to. Có gốc ổi trơn mòn chỗ chân leo, có những bụi tre tần ngần buông gió mát, có những trò chơi suốt cả tuổi thơ cũng vẫn còn mới lạ, có cả một kho cổ tích dẫu lang thang hoài trong đó cũng vẫn thích thú vô chừng. Sớm thức dậy nghe gà con ríu rít theo mẹ ra vườn, nghe heo kêu rộn ràng đòi rau cám, ngửi mùi khói hăng nồng nơi chái bếp. Chỉ muốn nằm dài nghe hơi sớm thoảng qua cửa sổ nhỏ bên giường, chỗ mà mỗi đêm ánh trăng vào tận gối, có tiếng dế nỉ non không nghỉ và tiếng ếch nhái ngoài đồng như đang hát bản nhạc đồng dao. 

 

Nơi ấy có gốc rạ cọng rơm thơm mùi bùn đất. Có mùi khói lam chiều bay lên từ mỗi liếp nhà tranh. Có đàn trâu bò cắm cúi gặm cỏ, thỉnh thoảng lại ngẩng đầu lên kêu nghé ọ gọi bầy. Mỗi sớm lại chiều có bếp lửa mẹ nhen nơi chái bếp, lửa tí tách cười lốp đốp nhai từng nhánh củi khô, hương củi bạch đàn hòa trong làn khói mỏng, bay vi vút lên trời qua từng kẽ phên thưa. Bếp lửa nhen từ tay mẹ ấp iu ban sớm, ánh lên má mắt mẹ màu sắc đỏ nồng hươm, cho những vun vén bao mùa tần tảo, cho những hi sinh muôn lối vuông tròn. Ánh lửa đỏ từ những thành củi nhỏ, nhớ tay cha chặt củi đầu hè, những giọt mồ hôi nơi bàn tay làm cán rựa lâu ngày nhẵn bóng, cho những cuộc đời con từ gian khó bay lên. Gửi ước mơ lên những cánh diều nơi đồng xa mây trắng, gió thổi ngược chiều, diều vút cánh bay.

 

Nơi ấy có nụ cười hồn nhiên trong vắt. Nơi ấy có bếp lửa tựa lòng những yêu thương, có làn khói nơi chái nhà bảng lảng, nhoè mắt thương những no đói cuối mùa. Nơi ấy còn mãi trong tận cùng nỗi nhớ, mỗi hơi thở nơi bắt đầu đều thấm vị bùn nâu. 

 

Để hồn quê mãi bền bỉ trong hồn nhớ. Có mấy ai thành người nếu không có quê hương.

Phát một đoạn bài hát Em có về Quảng Trị với anh Không

                                                      Nhạc cắt

Phát một file sáo trúc

Quý vị và các bạn vừa nghe anh Đức Tám- hiện cư trú tại Thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị biểu diện hòa âm một giai điệu sáo trúc lời bài hát “Quảng Trị yêu thương” một sáng tác của cố nhạc sĩ Trần Hoàn.

Thưa quý vị, hiện nay phong trào sáo trúc không thịnh hành như trước, đã có nhiều loại nhạc cụ hiện đại khác xuất hiện và thay thế cây sáo trúc đơn sơ. Tuy nhiên ở đâu đó trong các miền quê Quảng Trị, chúng ta vẫn bắt gặp âm thanh dập dìu của cây sáo trúc lúc trưa hè hay trong đêm tối. Chúng ta hãy tìm hiều về một số đặc điểm của nhạc cụ sáo trúc

  Sáo là một loại nhạc cụ thổi hơi có từ thời cổ đại được sử dụng phổ biến ở nhiều nơi. Ở Việt Nam loại sáo này được gọi chung thành một cái tên thân thuộc “Sáo Trúc". Sáo thường được sử dụng để độc tấu, hòa tấu trong các dàn nhạc chèo, hát văn, tiểu nhạc. Độ mạnh, nhẹ nhanh, chậm trong luồng hơi của người nghệ sĩ diễn tấu sẽ ảnh hưởng tới cao độ của nốt âm, vậy nên muốn thổi ra âm thanh xúc động lòng người, cần phải nắm vững cách khống chế âm lượng, học được cách khống chế khẩu hình môi, luồng hơi.

Thời xưa sáo trúc có 6 lỗ bấm cách đều nhau nhưng về sau không còn được sử dụng. Ngày nay có các lỗ bấm được tính toán và thiết kế theo hệ thống thất cung (Do Re Mi Fa Sol La Si) gồm 6 lỗ bấm cơ bản (sáo 6 lỗ) và có thể có thêm 4 lỗ để chơi thăng giáng (10 lỗ).Lỗ định âm được thiết kế trên thân cây sáo trúc giúp cho người chơi có thể xử lý dễ dàng trong việc định âm cho các nốt nhạc.

Sáo thường được làm từ tre, trúc, nứa hoặc gỗ, ngoài ra còn có thể làm từ nhựa, kim loại (nhôm, inox), xương,... hoặc thậm chí bằng vàng. Mỗi loại vật liệu cho ra một âm sắc đặc trưng khác nhau. Chất lượng vật liệu ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng âm thanh mà cây sáo phát ra. Riêng với sáo trúc, nứa thì vật liệu dùng để làm sáo thường là cây trưởng thành hoặc tốt hơn là loại đã già, nhiều năm tuổi (nhưng không quá già), âm chắc, đanh, không sâu bệnh hay mối mọt.

Sáo làm từ nhựa hoặc kim loại thường chế biến công nghiệp nên độ chuẩn xác của nốt cao, ít bị sai lệch. Sáo trúc, nứa hoặc gỗ thường chế tạo thủ công nên độ chuẩn xác đòi hỏi rất nhiều ở vật liệu và tay nghề của người chế tạo. Tuy nhiên, các loại sáo này lại cho ra âm sắc hay hơn.

Tiếng sáo trúc được hòa lẫn với âm nhạc tạo nên những bản nhạc trong trẻo, đôi lúc đậm chất buồn đi vào lòng người. Và âm nhạc này khá hữu ích dành cho bạn trong những thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, thiền. Đưa bạn vào một không gian nhẹ nhàng, sâu lắng sau bức tường ồn ào và nhộn nhịp của cuộc sống.

Anh Đức Tám - hiện cư trú tại Thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, chia sẽ ( Trích Băng)

                                           

                       Nhạc hiệu của Dọc đường Văn nghệ

 

MC: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh Tạp chí Văn nghệ chủ nhật,

Thưa quý thính giả! Nhiều người yêu thích tác phẩm văn học "Người không mang họ" của cố nhà văn Xuân Đức, chúng ta cùng đến với tác phẩm qua bài viết sau của Xuân Dũng.

  Trong các sáng tác của nhà văn Xuân Đức thì tiểu thuyết “Người không mang họ” (xuất bản năm 1983, được giải thưởng nhà nước về VHNT năm 2007, được dựng thành phim thu hút khán giả lúc ấy) là một “ca” thú vị dù nó chưa phải là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông.

  Ngay từ khi mới ra đời, nó đã được bạn đọc hồ hởi đón nhận, rồi được dựng thành phim,  được báo chí khai thác khá nhiều, hiện câu chuyện này đang được kể lại trên màn hình Đài HTV của tp HCM.  Nhân vật chính của “Người không mang họ” Trương Sỏi lại là tướng cướp càng không phải là nhân vật chính diện, nhân vật tích cực như quan niệm vốn có trong văn học nghệ thuật trước đây,  đặc biệt là thời kỳ bao cấp.

 Nhà văn Xuân Đức lúc sinh thời cho rằng:   Câu chuyện về “Người không mang họ” nếu kể ra cũng dài nhưng có một điều là nhân vật tướng cướp Trương Sỏi lúc đầu được hình thành từ một nguyên mẫu có thật trong đời, có gốc gác Vĩnh Linh vượt tuyến vào Nam, rồi sau được xem là bị tử hình ở Vinh vì tội trạng mà mình đã gây ra.  Cuốn này được NXB CAND  in ra với số lượng 3 vạn bản, một con số bây giờ nằm mơ cũng không thấy và được dư luận rất quan tâm.  Dưới vẻ ngoài là truyện vụ án nhưng tác giả đã đưa vào những tình tiết hình sự, cũng có đánh nhau như kiểu “chưởng” Kim Dung. Có thể độc giả họ cũng thích những chuyện như thế. Nhưng khi trả lời thì không ai nhấn mạnh điều này. Công chúng đa số thương cảm nhân vật tướng cướp, mặc dù biết rằng Trương Sỏi đã gây ra tội ác thế này, thế nọ, nhân quả như vậy cũng không có gì quá đáng, nhưng nói thì nói vậy mà người ta vẫn thấy động lòng, vẫn thông cảm và thương cảm với nhân vật này. Tức là  viết thế nào đó chạm được vào sợi dây tình cảm của người đọc khiến người ta xúc động, dù có thể độc giả không đọc kỹ và nghĩ kỹ như tác giả. Trương Sỏi suy cho cùng cũng là nạn nhân của việc chia cắt đất nước, của chiến tranh khốc liệt, của những định kiến hẹp hòi trong những hoàn cảnh đặc biệt ngặt nghèo, ai cũng muốn chiến thắng bằng tất cả mọi giá. Nghĩa là nguyên nhân sâu xa cũng bắt đầu từ chiến tranh, dù nó hiện hình trực tiếp hay gián tiếp. Sức sống của cuốn truyện cho thấy nó đã gợi lên những nỗi niềm đồng cảm khiến người đọc, người xem nhớ lâu. Tức là điều mình gởi gắm, nói chữ nghĩa là thông điệp của mình đã thành công.

   Nhân tiện, nhà văn Xuân Đức nhắc đến hai chuyện. Nhà văn Nguyễn Quang Lập đã nói khi cuốn sách vừa mới xuất bản : “Người ta cứ nói và nhấn mạnh viết truyện phải có tính nhân văn này nọ. Ông Xuân Đức, ông viết một cuốn truyện vụ án không thấy lên gân  gì cả mà đọc vẫn thấy đầy chất nhân văn”. Cũng chính nhà văn Nguyễn Quang Lập kể rằng, chính đạo diễn nổi tiếng Đặng Nhật Minh nói với nhà văn này:  tôi chúa ghét truyện vụ án, vậy mà khi ngồi đợi ở bến xe, đã đọc một mạch từ đầu đến cuối truyện  “Người không mang họ” .

Nhà văn Xuân Đức có một người con trai đầu hiện nay đang công tác và sinh sống tại Quảng Trị- Đó là nhạc sĩ Xuân Vũ, trong những sáng tác của mình thì anh có một một bài hát sáng tác về người Cha của mình sau khi ông qua đời, ca khúc có tựa đề “Cha tôi”, xin mời quý vị và các bạn cùng thưởng thức bài hát qua sự thể hiện của NSUT Đăng Thuật.

FILE nhạc

                                             

                                                   Nhạc cắt

Thưa quý vị và các bạn, Nhà thơ Tân Trà có thể là một cái tên chưa được nhiều người ở vùng quê Quảng Trị biết đến. Cũng dễ hiểu thôi vì phần lớn cuộc đời ông công tác ở nơi khác.

   Tân Trà tên thật là Lê Đình Hiên, sinh năm 1921 tại Hải Thọ, Hải Lăng, Quảng Trị. Ông là nhà giáo dạy học từ trước năm 1945 và giác ngộ cách mạng. Năm 1946 là Trưởng ty Bình dân học vụ, năm 1949 là Trưởng ty Thông tin tỉnh Quảng Trị, ủy viên Ban chấp hành tỉnh ủy Quảng Trị. Năm 1950-1953 ông công tác tại Nha Bình dân học vụ, năm 1954 là Trưởng phòng Bổ túc văn hóa, Sở giáo dục Hà Nội. Ông là người đầu tiên của ngành giáo dục Hà Nội được tặng thưởng  Huân chương Lao động về thành tích bổ túc văn hóa và xóa nạn mù chữ.

   Ông đã xuất bản hai tập thơ, đó là “Thơ bốn câu của Tân Trà” (1977) và “Mắt biển” (1993).

    Nhà thơ Tân Trà có những đóng góp khá rõ nét ở thể thơ tứ tuyệt, một thế mạnh trong sáng tác thi ca của ông. Cách tìm thi tứ, chọn lọc hình ảnh để thể hiện thành thơ đúng nghĩa trong một dung lượng ngắn gọn đòi hỏi mọi thứ phải cô đúc theo kiểu “ý tại ngôn ngoại”. Và nhà thơ như một nhà điều khắc lành nghề, không được ôm đồm, lựa chọn điểm nhấn từng bài để có kết thúc bất ngờ và thi vị. Nhà thơ Tân Trà đã biết chú ý đúng mức điều này và lao động thi ca nghiêm túc nên tạo được những tác phẩm có chất lượng.

   Trong bài :”Biển trong bão táp”, tác giả viết như sau :

    Bão trước chưa tan, tiếp bão sau

    Biển gầm dằn vặt nỗi gian lao

    Nghĩ thương con sóng từ trong trứng

    Mới lọt lòng ra đã bạc đầu.

  Nói về nỗi khổ vì thiên tai, mượn biển nói người, lại có ai câu kết khó lòng đoán trước tạo được ấn tượng trong lòng bạn đọc cũng là một con sóng thơ của Tân Trà trong tứ tuyệt.

  Hay cũng viết về biển nhưng bài thơ  “Mắt biển” lại có cách nhìn và khai thác của không gian, đi từ tả thực đến liên tưởng siêu thực, tạo một nét duyên thơ trong tình yêu đôi lứa:

   Đường chân trời nhẹ nét mi cong

   Khép lại màu xanh non nửa vòng

   Là biển, mắt em hằng ấp ủ

   Lòng anh năm tháng đỡ mênh mông.

  Người ta hay ngợi ca biển mênh mông và đương nhiên đó cũng là một đặc trưng của biển. Còn Tân Trà lại thấy đường chân trời như đôi mắt em khiến lòng anh “đỡ mênh mông” tức có nghĩa là không còn cô đơn, rợn ngợp. Một cách nói khá mới của nhà thơ.

  Đi xa quê mẹ nhưng vẫn nhớ đến ngôi làng ruột thịt nên chi nhà thơ trào lên nỗi nhớ những hình ảnh thân thuộc và da diết :

   Hoàng hôn tiếng vạc gọi thu về

   Đồng trũng làng Diên nước khỏa đê

   Bên bếp than hồng ngồi cạnh mẹ

   Rắc ngò thơm phức cháo le le.

                                                       (Thư ở quê nhà)

   Và khi nhớ về dòng Thạch Hãn, nhà thơ đã có có cách nói nhẹ nhàng, ngắn gọn mà đầy khơi gợi, cách nói không hề lên gân mà nhuần nhị và thuyết phục, đặc biệt khái quát tình cảm tự hào vào trong câu cuối:

    Nước tỏa hương đàn, thơm quá trăng

   Nguồn Hàn nuôi dưỡng sức nghìn năm

   Nhận chìm tàu giặc, ba trăm chiếc

   Một khúc sông thôi, đã Bạch Đằng.

                                                                              (Sông Thạch Hãn)

  Đôi khi lịch sử lớn lao, rộng dài lại cô đọng trong mấy câu thơ rất ngắn qua suy ngẫm về một vật quá ư nhỏ nhoi và giản dị, đó là “Chiếc bình vôi”:

   Khai quật chân Thành Cổ

   Nguyên vẹn chiếc bình vôi

   Vua chúa đi lâu rồi

   Còn lại người thợ gốm.

    Những tác phẩm này đã phần nào cho thấy có một Tân Trà của thơ tứ tuyệt.

  Mời quý vị và các bạn nghe bai thơ Sự Trung thực của nhà thơ Tân Trà qua giọng ngâm của Nghệ sĩ ngâm thơ Thúy Ái ( Băng thơ)

  

Quý vị và các bạn vừa nghe xong CT Tạp chí Văn nghệ CN, CT được Việt Hà biên tập, cùng sự tham gia thực hiện của…. Hẹn gặp lại quý vị trong CT lần sau

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 24/10/2022 16:08 Lê Vĩnh Nhiên 24/10/2022 16:47

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà