TẠP CHÍ VĂN NGHỆ CHỦ NHẬT
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

 QRTV giới thiệu: Tạp chí Văn nghệ chủ nhật xin trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn chương trình với những nội dung đặc sắc về văn hóa Quảng Trị  với các bài viết về Quảng Trị của cây bút trong tỉnh. Chương trình được PS vào lúc 9h30, 19h 30 ngày 6/11 chủ nhật, 16h30 ngày thứ hai ngày 7/11/2022. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

                                       NỘI DUNG TẠP CHÍ

                          Tạp chí văn nghệ chủ nhật 6.11.2022

PTV: Xin chào Quý vị và các bạn đang đến với Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, Kính mời Quý thính giả cùng đến với những nội dung chính sau đây:

- Bản tin Văn hóa

- Bài viết:

+ Tãn văn Dáng quêc còn mãi bóng mùa phai- tác giả Trần Hiền

+ Cảm nhận về điệu Hò khoan, Hò hụi trong dân ca cổ truyền Bình Trị Thiên

+ Phần cuối Chương trình là tiểu mục Dọc đường Văn nghệ

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình

1.Vào ngày 28/10 vừa qua, tại điểm Du lịch thôn Chênh Vênh, Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị đã diễn ra phục dựng Lễ Hội mừng lúa mới của đồng bào Vân Kiều Quảng Trị Lễ hội mừng lúa mới là một nghi lễ quan trọng trong đời sống của đồng bào Vân Kiều tại huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Lễ hội được tổ chức bắt đầu từ tháng 5 hàng năm.

Từ xưa đến nay, cây lúa luôn gắn kết với đời sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều trên dãy Trường Sơn thuộc huyện miền núi Hướng Hóa. Cuộc sống gắn với núi rừng, nương rẫy, điều kiện canh tác khó khăn, nên họ luôn mong ước về sự no đủ. Lễ mừng lúa mới cũng bắt nguồn từ đó, là dịp để bà con bày tỏ sự cầu mong của mình với các đấng thần linh, cho họ những vụ mùa bội thu, cho đời sống của bản làng được đủ đầy. Trong lễ mừng lúa mới, người Vân Kiều chuẩn bị lễ vật rất chu đáo. Những người phụ nữ Vân Kiều cùng nhau đi gùi củi, lấy nước, cắt lá dong, lấy rau củ trên rừng trên nương để chuẩn bị phục vụ lễ cúng mừng lúa mới. Còn những người đàn ông thì cầm cung, nỏ, ná, đeo nơm lên rừng xuống suối để tìm kiếm những thành quả mà thiên nhiên ban tặng như cá, mật ong rừng,…

Việc phục dựng Lễ hội nhằm khôi phục và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

2.

                                                   Nhạc cắt

 MC: Kính thưa quý vị. 2 tiếng quê nhà luôn là niềm nhớ nhung da diết trong mỗi chúng ta. Đặc biệt đối với những người xa xứ thì quê nhà luôn ăm ắp với bao kỷ niệm. Mời quý vị đến với tãn văn “Dáng quê còn mãi bóng mùa phai” của tác giả người Quảng Trị- Trần Hiền

Ta tìm về lối nhỏ trong một chiều nhạt nắng, chút tàn rơi vàng óng vạt cỏ mềm. Cây khế già nơi góc vườn tần ngần gỡ gió, buông lơi hương lành giữa thảm lá vàng đã rơi lâu thành mục. Nền đất vì thế mà mát rượi, thơm nồng mùi ngai ngái của đất xưa. Ta khẽ đưa tay vào từng thớ cây thớ cỏ để nhớ một thời hồn hậu với đất lúa, với mái ngói nâu già tháng năm trôi thành cũ, với bức tường bê tông quét vôi trắng đã bao ngày phai dấu bởi rêu phong. 

 

Nhìn đâu đây như bóng bà quét sân mỗi chiều cất nắng, ông ngồi vót tre đan giỏ nơi chái dại sau vườn. Từng lũy tre nghiêng dài cùng bóng chiều hiu hắt, giữa ao làng bọn trẻ làm vang động những khóm sen. Bóng cây phủ tràn đầy lên góc vườn mờ tối, tiếng ếch nhái kêu ran sau những liếp cỏ dày. Vài thanh tre dài gác tạm sau chái bếp, dùng để rào giậu vài khoảnh vườn rau, để đàn gà tung tăng nơi khóm khoai gốc chuối sẽ e dè tránh mổ những mầm non. Ta sẽ thấy bóng chiều hôn tạm biệt lên ngọn cau rồi tan mất, chỉ còn những đám mây trôi nhẹ giữa tầng không. Bóng đêm kéo chăn mềm đắp lên làng quê nhỏ, để rực vàng bếp củi lửa vừa nhen.

 

Ta bước khẽ chân trần trên nền sân gạch, một niềm xưa quen thuộc bỗng trội mình. Đôi bàn chân ta như uống thật no những hiền hoà dung dị bởi đất quê mình mát dịu lắm thay. Một nỗi nhớ tinh khôi bỗng buông mình rất khẽ, cựa vào miền nhớ những yêu dấu thanh bình. Nơi ngõ nhỏ cây leo lâu thành giậu, bỗng khao khát tìm câu hát ru xưa, câu ca dao mẹ hát hoài không nghỉ có cánh cò trắng muốt giữa đồng xa. Để lắng nghe tiếng quét lá sạt sạt đầu hè, để thấy bên góc cửa sổ có bóng ai ngồi la đà bơm mực vào chiếc bút máy kim tinh. Để lại nghe tiếng bà mắng um lên nơi chuồng lợn béo, tiếng gà gù rù gù rù khi đêm chưa kịp đặc quánh đã im lìm. 

 

Rồi ta sẽ ngồi thật lâu bên những chum sành đã cũ, nơi ghi dấu đôi bàn tay của mẹ của bà trải qua những ngày đông tháng giá lạnh cắt ruột gan. Nào chum đựng gạo, đựng muối, nào chum đựng ruốc, đựng tương, chum dùng muối cua, chum đựng tương bần. Một dấu tích của năm xưa hiển hiện, những năm đèn dầu khói toả nhà tranh, những năm lắng lo bữa mai bữa mốt. Những năm bà còn mặc tấm áo nâu sòng, chiếc quần lụa đen, quấn khăn vành tóc. Những năm cha mặc chiếc quần vải nâu tanh tưởi mùi bùn. Ngõ làng quanh co dưới bóng tre và trúc, những mái tranh đơn bền bỉ giữ nếp nhà.

 

Để những đêm cuối thu chờ gió mùa đông bắc, ta lặng nghe tiếng khế rụng bên hè. Nghe tiếng bà nơi cuối nhà ho khẽ, ông mở tủ tìm mảnh chăn bông sợi được làm từ vỏ cây đay đem lên người đắp ấm. Cả ngôi nhà như chùng chình trong hơi ấm quen thuộc cổ kính của bao mùa. Mùi chăn cất lâu trong tủ thường làm cho lòng ta nao nao hoài cổ, một mùi hương rất quen và cũng rất cũ cứ xông lên đầy ắp khoang mũi, kéo ký ức ta dạt trôi giữa những ngày giông gió ngày xưa. Để ta nghe những cựa mình chậm rãi giữa đêm thâu. Để đất đai xứ sở như hoá thân vào từng ngõ ngách của máu huyết con người, để hồn quê bền bỉ giữa muôn trùng những đổi thay náo nhiệt.

 

Và mùa giá rét trôi cho mùa xuân chạm ngõ, những nồi bánh chưng xanh sẽ mãi sôi ùng ục giữa sân nhà, đêm ba mươi vài cành đào nở rộ, cho một khắc giao thừa vạn vật sẽ sinh sôi. Để ta về ôm choàng lấy manh áo ấm bằng bông dày, ông treo nơi góc tường, sau chân giường bằng gỗ xoan đã cỗi già nâu bóng. Ôm chiếc áo vào lòng ôm cả nỗi nhớ dẫu xa xôi. Ta bước tìm nơi phòng xưa nhà cũ, một nỗi yêu thương bền bỉ mãi trong hồn. Hồn quê xưa đó, nếp nhà xưa đó, vẫn mãi còn nghiêng bóng giữa bao dấu mùa trôi. Là bởi vì hồn quê đã hoá thành cội rễ, có ai thành người nếu "thiếu, bỏ quê hương".

 

Bước chân trần giữa nền đất của mảnh vườn đầy cỏ dại, nghe rắc rắc tiếng cành khô mục cũ, nghe xào xạc tiếng lá rộm cỏ dày, nghe hương đất thấm dần qua da mỏng, nghe tiếng gọi của ngày xưa vọng về.

 

Để hoà trộn hồn quê trong huyết mạch, vẫn bền bỉ mãi hoài giữa những bóng mùa phai.

 

Phát một đoạn ngắn bài hát Nhớ Về Quảng Trị ( Lê Thu Uyên hát)

                                                      Nhạc cắt

Phát một file Hò hụi

MC: Thưa quý vị và các bạn, Quý vị và các bạn vừa nghe một đoạn Hò hụi Bình Trị Thiên. Nhận xét về các làn điệu hò nổi tiếng ở Bình Trị Thiên, các nhà âm nhạc học chú trọng đến làn điệu hò mái nhì man mác, mênh mang trên sông Hương, hò hụ, hò khoan giã gạo rộn ràng, thắm thiết ở Quảng Bình, Quảng Trị; điệu hò ô vang vọng xa vắng não nùng trong đêm khuya ở đồng bằng Thừa Thiên. Trong chương trình hôm nay. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm một số nét độc đáo trong điệu hò hụi ho khoan ở vùng đất nhiều thiên tai lũ lụt này.

 


Trùm lên tất cả các làn điệu ấy, làm nổi bật bản sắc của hò Bình Trị Thiên, chính là lối hò theo ngũ cung "hơi nam giọng ai" rất đặc biệt của dân vùng này. Nét "ai" trong các làn điệu hò đã biểu lộ tâm hồn, tính cách con người Bình Trị Thiên một cách đậm đà và sâu sắc. Vì qua khỏi đèo Hải Vân, ta sẽ nhận thấy dân vùng này hò với ngũ cung oán như ở Nam Bộ. Nét hò linh hoạt, tuy thắm thiết nhưng không ẩn nét man mác, não nùng như hò Bình Trị Thiên. Ngay trong lối hò vui chơi như hò bài thai ở Trị Thiên, ta vẫn thấy vương vấn nét buồn, trái lại hò lô tô ở Quảng Nam thật vui nhộn, biểu lộ tâm tính ưa hoạt động, vui tươi của dân vùng đất mới.


Vì sao tiếng hò của Trị Thiên lại man mác, não nùng làm vậy? Có nhiều cách giải thích khác nhau dựa trên hoàn cảnh lịch sử, địa lý, sự giao lưu văn hóa dân tộc Champa qua bao thế kỷ, nhưng có lẽ yếu tố cốt yếu vẫn là con người sinh sống từ bao năm ở vùng đất có truyền thống văn hóa và đấu tranh với thiên nhiên lẫn ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử giữ nước của dân tộc. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của nông dân Bình Trị Thiên dưới chế độ phong kiến, nhìn lại vẫn là đời sống của một giai cấp bị áp bức, bóc lột nặng nề mà thời tiết khắc nghiệt, đất đai khô cằn hẹp hòi đã tác động thật sâu xa trong từng tâm hồn con người để khi cất lên tiếng hò, họ không thể nào không thể hiện nét buồn u uất. Tiếng hò chính là tiếng lòng của quần chúng, nhân dân lao động là nỗi niềm chất chứa từ bao đời, là tâm sự riêng được bộc lộ trong một hoàn cảnh và một không gian riêng biệt. Thể hiện tâm tư của người nông dân vốn "vui ít khổ nhiều". Như ở Bình Trị Thiên, có lẽ tiếng hò ở vùng đất này có khả năng bộc lộ mạnh mẽ và sâu sắc nhất.

Nhưng vốn là nơi có văn hóa truyền thống, các câu hò ở đây vẫn có một giá trị cao về văn học. Có thể nói Bình Trị Thiên là nơi phát sinh các câu hò ru em đằm thắm, hò mái nhì đầy tính trữ tình, hò bài thai thanh nhã, hò khoan giã gạo thiết tha, sâu sắc xứng đáng được chọn là những câu hò tiêu biểu cho giá trị văn học dân gian toàn quốc:

Đi sâu vào cấu trúc ngôn ngữ các câu hò hụi, hò khoan ta sẽ thấy các biện pháp tu từ, các phương pháp ẩn dụ, so sánh, sử dụng ngôn ngữ địa phương đã được dùng thật sáng tạo, nhuần nhuyễn và gợi cảm. Trong hò đối đáp nam nữ ở Bình Trị Thiên, trí thức ngôn ngữ được thể hiện thật phong phú. Một số lớn các câu hò đố (hò đâm bắt) đã sử dụng các hiện tượng của ngôn ngữ, như hiện tượng cùng âm khác nghĩa, hiện tượng cùng nghĩa khác âm, hiện tượng từ đối nghĩa, từ trái nghĩa, nói lái, dùng từ Hán Việt và thuần Việt rất tinh vi, xác đáng và đầy nghệ thuật.

Hò hụi hò khoan thường được người dân hát trong các dịp chèo đò, giã gạo và các lễ hội làng tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình . Hò khoan có đặc trưng sử dụng những lời ăn tiếng nói mộc mạc trong cuộc sống hàng ngày để bày tỏ nỗi lòng cũng như đối đáp. Thông thường các đội hò khoan thường được chia làm 2 phe (nam nữ hoặc 2 làng khác nhau) để thi đối đáp. 9 mái hò khoan Lệ Thủy bao gồm Lỉa trâu; Mái nhài (dài); Mái ruỗi; Mái chè; Mái nện; Mái ba; Mái xắp; Mái hò khơi và Mái hò Nậu xăm.

Ngày 8-5-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công nhận hò khoan Lệ Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Phát lại file Hò hụi

 

Qua nội dung các câu hò, chúng ta dễ nhận thấy tâm tư, tình cảm của nhân dân đã thể hiện thật trung thực và mãnh liệt, qua bao thời đại và chế độ từ chế độ phong kiến đến chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Đó là thái độ phản kháng chế độ phụ quyền nghiệt ngã, đòi hỏi tự do trong vấn đề hôn nhân, tôn trọng đạo lý nhân nghĩa. Đến khi cách mạng giương cao ngọn cờ đấu tranh cho độc lập, tự do dân tộc, đánh đổ đồng thời chế độ phong kiến cùng các thế lực tư bản đế quốc, hò Bình Trị Thiên đã phản ảnh kịp thời các nội dung trên. Các lối hò nhân nghĩa phát suất từ hò khoan Lệ Thủy, hò địch vận, hò vận chuyển phát xuất từ làn điệu hò mái nhì ở phía nam sông Bến Hải là những hình thức sống động chứng tỏ sự biến chuyển kịp thời của hò Bình Trị Thiên trên bước đường dùng văn nghệ làm vũ khí cách mạng, chống ngoại xâm và xây dựng chế độ xã hội ngày thêm vững mạnh. Hò Bình Trị Thiên đã theo dòng vận động của lịch sử mà sinh sôi nảy nở. Từ trong lòng dân tộc mà phát sinh, nó đã đóng góp vào kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam những tác phẩm nóng hổi tính thời sự. Hò Bình Trị Thiên đã có sức sống mãnh liệt trong tâm hồn, trong ý chí của quần chúng. Nó đã trở nên máu thịt của nhân dân Bình Trị Thiên.

Kết thúc chương trình mời quý vị nghe  một số nhận xét  về hò Bình Trị Thiên của Nghệ Nhân ưu tú Vũ Mạnh Thi, hiên nay đang sinh sống tại tại làng Mai Xá, Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị ( Trích Băng)

                                           

                       Nhạc hiệu của Dọc đường Văn nghệ

 

MC: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh Tạp chí Văn nghệ chủ nhật,

Thưa quý thính giả ! Nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ đã có nhiều tác phẩm đặc sắc để đời, chúng ta cùng theo dõi bài viết sau của Xuân Dũng.

Nhà văn, nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ (17/4/1948-29/8/1988) là hiện tượng sân khấu đặc biệt thời kỳ đầu của Đổi Mới. Ông được nhà nước truy tặng giải thưởng cao quý nhất về văn học nghệ thuật: giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 năm 2000. Trong gia tài tác phẩm của ông có một vở kịch để đời mang tên "Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt" đã được công diễn rất nhiều lần trong và ngoài nước, đem lại thành công vang dội.

Chắc nhiều người Việt không xa lạ gì với truyện cổ tích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

   Chuyện là thế này : Trương Ba vốn người lương thiện lại có biệt tài chơi cờ tướng,  đã có bận đánh với với tiên cờ Đế Thích khi ông nhà trời này cải dạng xuống hạ giới, hai bên gặp nhau cũng kỳ phùng địch thủ. Đáng lẽ Trương Ba chưa phải lìa trần nhưng vì hai vị tiên quyết định sự chết của con người là Nam Tào và Bắc Đẩu chấm ẩu vào sổ trời nên Trương Ba mới phải hồn lìa khỏi xác. Biết chuyện Đế Thích thương tình nhưng cũng chỉ còn nước cho Trương Ba được sống bằng cách nhập hồn vào anh hàng thịt vừa mới chết. Thế là tồn tại một người hồn nọ, xác kia. Mọi chuyện giữa hai bà vợ, con cái và xóm làng từ đấy mà sinh ra rắc rối, oan khiên với đủ chuyện bi hài.

   Chỉ từ ý tưởng “hồn người này, xác người kia” mà nhà viết kịch đầy tài năng đã  thổi vào tác phẩm một luồng sinh khí nghê thuật  thấm đẫm nhân văn và triết lý thâm hậu chinh phục công chúng văn học và sân khấu. Nguyên tắc sáng tạo nghệ thuật “Bình cũ, rượu mới” đã được vận dụng triệt để và tài tình để làm nên một kiệt tác sân khấu hiện đại.

   Thoạt đầu vở kịch là lý giải vì sao Trương Ba chết oan? Hãy nghe một ông nhà trời là Nam Tào nói về thiên đình : “Các tiên tào mắc nô giỡn…còn lũ thiên binh thì đừng nhắc đến còn hơn, chúng độ này cờ bạc, rượu chè tuý luý, bỏ bê phận sự. Thiên đình gì mà như cái chợ, chẳng còn ra cung cách phép tắc gì!”.

  Mượn xác anh hàng thịt để sống, hồn Trương Ba không thể thanh thản. Cuối cùng sau bao nhiêu dằn vặt, suy tư ông đã có một quyết định kinh người: phải chết thêm lần nữa, lần này thì không thay đổi. Ông dốc lòng với tiên cờ Đế Thích  để ông tiên còn ít nhiều lương tri này giúp mình chết vĩnh viễn. Trương Ba nói : “Ông tưởng tôi không ham sống hay sao? Nhưng sống như thế này còn khổ hơn cái chết. Sống thế này mới thực là chết. Sẽ không còn một kỷ niệm tốt lành nào về Trương Ba nữa, không còn Trương Ba nữa. Còn lấy lý lẽ gì khuyên thằng con tôi đi vào con đường thẳng được. Cuộc sống giả tạo này có lợi cho ai? Đúng, chỉ có bọn khốn kiếp là lợi lộc”.

   Mâu thuẫn tăng tiến và xung đột kịch đã lên đến đỉnh điểm đòi hỏi phải giải quyết. Và Hồn Trương Ba quyết định chết thêm lần nữa và lần này vĩnh viễn lìa đời.

   Với tất cả những thành công trác việt, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là đỉnh cao sáng tác khác lạ trong gia tài kịch đồ sộ  của một nhà viết kịch tài ba và xứng đáng để đời, lưu danh  hậu thế.

 

 

 

 

 

 

Sau đây mòi quý vị nghe một trích đoạn về vỡ kịch nói “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của nhf viết kịch Lưu Quang Vũ qua sự thể hiện của MC Trần Thiện Tùng ( Trích băng)

                                                   Nhạc cắt

Qúy thính giả thân mến! Nhà thơ Hồ Sĩ Bình gần đây ra mắt tập thơ "Ngày sinh của gió", mời thính giả cảm nhận tác phẩm mới qua bài viết sau của Xuân Nguyên.

 

   "Ngày sinh của gió" của nhà thơ Hồ Sĩ Bình, một người Quảng Trị xa quê đang sống và làm việc tại đô thị bên sông Hàn là tập thơ duy nhất đoạt giải thưởng của Hội nhà văn thành phố Đà Nẵng năm 2021.

   Ám tượng "gió" không chỉ hiển ngôn trong tên gọi khai sinh của các bài thơ như "Hà Nội chiều gió", " Gió đã tang bồng", "Mùa quên gió", " Gió vội sa kỳ", "Ngày sinh của gió" mà còn thấp thoáng, ẩn hiện trong nhiều ý tứ, câu chữ, đôi khi hoang dại hút hồn như một đam mê phóng túng:

"...  Rượu không còn hương

      chi còn mùi khói chín đầy chăn gối

   người phụ nữ Ê Đê bỏ lá cây gì

      gởi vào trong vò rượu nỗi nhớ

   dài rộng mênh mông đại ngàn

      đi đâu chồng cũng đừng quên về nhà

   chớ nghe gió rủ rê

   mà quê buôn làng..."

                                                                   (Uống rượu giữa rừng)

   Nhưng thường khi gió hiện ra như những phiêu bồng lưu lạc hay những giật mình xa xôi ở nơi không phải quê nhà:

   "câu hát ngày xưa mẹ hát nơi bến sông

    trong tiếng ve của khúc hát đồng ca mùa hè thị xã

    bóng mát đã bị đánh cắp

    tuổi thơ, tiếng ve, cánh phượng hồng lạc gió một trời xa".

                                                                                  (ve và trí nhớ)

   "dừng bước thị thành đêm trở gió

    nghe lộng phù vân lạc mất nhau"

                                                                 (nhiều khi)

   "em có còn chờ tôi

     bên bậu cửa

     nơi chỗ ngồi gió lùa"

                                                                 (chờ)

   Gió đã thành một hệ quy chiếu tâm tưởng, thành ước mơ, thành hoài niệm, cho dù nhiều khi lặn sâu vào tiềm thức, vô thức, chìm trong hồn vía rồi khi có cơ hội lại bềnh bồng trong thơ, vẫn gợi nhắc đến nó dù thoạt nghe có vẻ mơ hồ nhưng thực ra hiện hữu:

   "tôi mãi ngồi chờ tôi

    một câu thơ phía trước

    chỉ một câu thôi

    để đám mây bay lên

    nhấc tôi khỏi mặt đất

    khỏi nhìn thấy em

    xa ngái ngùi ngụi nghìn trùng"

                                                 (quán nhỏ lưng đèo)

   Và có khi gió hóa thân thành nhân vật trữ tình bầu bạn với thi nhân trong mỗi lục bát tâm hồn. Dù có thêm gió lắm lúc chỉ để- thấu- nỗi -một- mình:

   "mai về ngồi với gió ngàn

    đem hong vạt nắng võ vàng dấu chân

    rót thêm một chén rượu tàn

    một mình ngồi lại giữa ngàn sương lay"

                                                    (đã rày mộng xa)

   "gió đã tang bồng" là một tả thực lãng mạn của thi nhân, có thể coi đây là một "tuyên ngôn thi" hệ trọng về gió khi thân xác xê dịch và tâm trạng giang hồ. Giọng thơ đượm màu hoài cổ, cũng chan chứa khát khao lá rơi về cội, được an ủi cả khi chỉ biết nương tựa vào bản ngã :

   " ta lầm lạc chân trời góc bể

     đi rất xa để mong được về gần

     những nương náu tưởng thơm mùi mật ngọt

     đủ xác xơ cho những giọt thương thầm...

   "Hà Nội chiều gió" là hiện thực đã tráng men siêu thực để ngôn từ không chỉ là thông báo mà còn là cảm giác, là những mơ hồ diệu vợi và cả những ẩn ức thi ca:

   "nhớ ông già điếu cày

    rít một hơi dài

    ngọt sắc như lưỡi gươm đâm toạc bầu trời

    như tiếng rượu chuyển

             trong ghè rượu bên bếp lửa

    và chén trà đậm màu thuốc bắc..."

                                                    

  Chọn gió làm cảm hứng và tâm điểm sáng tác, nhà thơ Hồ Sĩ Bình đã có một cuộc phiêu bồng thi vị nhiều hứng khởi và sáng tạo. Dù rằng tập thơ không chỉ là những trải nghiệm liên quan đến gió, cho nên nhiều điều trong các thi phẩm có mặt ở đây vẫn còn chờ đợi, hẹn gặp lại vào một dịp khác.                                                

Mời quý vị và các bạn nghe bai thơ ‘Giấc mơ” qua giọng ngâm của Nghệ sĩ ngâm thơ Quảng Trị- Ngọc Lan ( Băng thơ)

  

Quý vị và các bạn vừa nghe xong CT Tạp chí Văn nghệ CN, CT được Việt Hà biên tập, cùng sự tham gia thực hiện của…. Hẹn gặp lại quý vị trong CT lần sau

 

 

 

                                             

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 02/11/2022 16:12 Lê Vĩnh Nhiên 03/11/2022 09:09

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà