TẠP CHÍ VĂN NGHỆ CHỦ NHẬT
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

 QRTV giới thiệu: Tạp chí Văn nghệ chủ nhật xin trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn chương trình với những nội dung đặc sắc về văn hóa Quảng Trị  với các bài viết về Quảng Trị của cây bút trong tỉnh. Chương trình được PS vào lúc 9h30, 19h 30 ngày 13/11 chủ nhật, 16h30 ngày thứ hai ngày 14/11. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

                                       NỘI DUNG TẠP CHÍ

                          Tạp chí văn nghệ chủ nhật 13.11.2022

PTV: Xin chào Quý vị và các bạn đang đến với Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, Kính mời Quý thính giả cùng đến với những nội dung chính sau đây:

- Bản tin Văn hóa

- Bài viết:

+ Tãn văn Mùa gió nắng xôn xao của tác giả Hiền Trần

+ Cảm nhận về giọng người Quảng Trị trong hoạt động nghệ thuật qua bài viết của Minh Tâm

+ Phần cuối Chương trình là tiểu mục Dọc đường Văn nghệ

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình

1. Trong tháng 10 vừa qua, UBND huyện Hướng Hóa, cùng với các cấp, ngành, đơn vị liên quan đã tiến hành khảo sát tổng hợp việc bảo tồn các nhạc cụ cổ truyền trên địa bàn toàn huyện.

Qua khảo sát, toàn huyện Hướng Hóa hiện có 412 nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô đang được lưu giữ tại các hộ gia đình,  chủ yếu là cồng chiêng, khèn, sáo, trống, tù và, thanh la…Phần lớn nhạc cụ truyền thống kể trên do các nghệ nhân sinh sống trên địa bàn huyện chế tác. Hiện nay, toàn huyện có trên 80 nghệ nhân có khả năng chế tác các loại nhạc cụ của người Vân Kiều, Pa Kô. Nhiều người trong số họ tuy tuổi già, sức yếu nhưng vẫn dành thời gian chế tác nhạc cụ. Phần lớn họ đang là thành viên của các câu lạc bộ, đội nghệ nhân như: Câu lạc bộ cồng chiêng thị trấn Lao Bảo, Đội nghệ nhân xã Lìa, Đội nghệ nhân bản Pa Nho.

2.“ Cổng trường chải mái tóc xưa” là ấn phẩm nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường Nguyễn Hoàng của nhà thơ Võ Quê. Là món quà tặng quý thầy cô, đồng môn nên ông đã dành sự trân trọng, nâng niu trìu mến đối với ngôi trường cũ của mình.

Với một tình yêu tha thiết, những hồi ức tươi đẹp ngày xanh luôn sống mãi, bút ký “Cổng trường chải mái tóc xưa” là tiếng lòng, là tâm nguyện của nhà thơ với mong muốn gắn kết bao thế hệ học trò trường Nguyễn Hoàng xưa. Dù bôn ba chân trời góc bể, sinh sống trong hay ngoài nước, thành đạt hay sống đời bình dị vẫn luôn đoàn kết, trên tinh thần tôn trọng chí hướng của nhau. Chỉ còn lại những hồi ức thật đẹp, thật hồn nhiên trong sáng dưới mái trường Nguyễn Hoàng như thuở nào. Ấn phẩm đưa người đọc cùng trở về dưới mái trường thân yêu một thuở mà có lẽ ai cũng đã có một lần nhớ nhung bồi hồi, xao xuyến: “Năm tháng đi tình yêu vẫn ở/Mai cho dù tóc trắng với ngàn lau!”.\

 

                                                Nhạc cắt

Mc: Kính thưa quý vị và các bạn. Đông về theo từng cơn gió khi nắng nhạt màu dần rồi tan loãng vào mùa trôi. Đông về trên từng tán bàng bỗng một sớm mai thức dậy thấy khẳng khiu trơ cành trụi lá. Màu bàng lá đỏ xen với những chiếc lá vàng rơi vãi dưới gốc cây già thường thức dậy cả một niềm bâng khuâng khó tả. Chân bước nhẹ nghe tiếng xào xạc bỗng thấy thương cả một đời lá thở mùa xanh. Mời quý vị và các bạn cản nhận không khí đầu đông qua tãn văn Mùa nắng gió xôn xao của tác giả người Quảng Trị- Hiền Trần

 Từ trong sương sớm, những hạt nắng đầu ngày đã ươm mình trên từng cánh lá nhỏ đang lao xao dập dềnh trong gió. Gió tinh nghịch rung rinh những hàng cây bãi cỏ trong bản đồng ca bất tận của mùa sang. Để nắng ngẩn ngơ rơi mình từ nơi này qua nơi khác, nắng nhảy nhót chuyền cành từ cành này sang cành khác. Thu chuẩn bị sang ngang rồi đấy, đông về rét buốt, ấy mà nắng cuối mùa vẫn cứ lịm ngọt mê say. Ta đi trong nắng mai hồng, óng ánh như tơ lụa, vai ta đầy nắng chảy, tóc ta gió mê mải, thổi bồng bềnh nhẹ bay.

 

Khoảng khắc mùa đi qua mùa, thu tan vào đông là khoảnh khắc lòng ta bỗng dưng dịu mềm lắm. Nắng vừa ấm, óng như mật, không đủ làm rơi những giọt mồ hôi oi nồng. Gió lao xao mát lành thoáng chút lạnh se sẽ, vừa đủ để lòng ta dịu dàng, vừa đủ để lòng ta luyến nhớ, dễ dàng mỉm cười với từng người ta quen trên phố, dễ dàng bỏ qua những giận hờn rất khẽ, quên thật nhanh những bực dọc bất ngờ và thường trở lòng nhớ tới những bóng người đã lâu không gặp. Tưởng như lại về trong mùa gió trở năm nào, đứng dưới cánh tràm rơi vương đầy trên tóc mây nơi bến bờ có gió nắng lao xao. Có một màu áo trắng hoá mê say.

 

Để ta thương sắc vàng của tràm gió, cứ mỗi độ hoa rơi sắc vàng lại phủ kín cả lối đi. Vài nhánh hoa vô ưu còn đeo mãi dưới gót giày năm cũ, về đến sân nhà vẫn ngơ ngẩn hoài những hạt vàng tràm vương. Để ta lại về nơi bờ đê đầy gió, buông tim mềm ôm trọn hết sắc cải trổ ngồng rợp cả bến sông bờ bãi. Sắc cải vàng miên man nhắc nhớ người con gái năm rất xưa nào đó sao cứ đợi ai không lấy chồng. Nên đông buồn mênh mang không đủ ấm dù cải vàng đốt nắng vàng hoang hoải giữa mùa buông. Để ta thương nhụy vàng thăm thẳm giữa sắc trắng tinh khôi của Xuyến chi trong chiều, hoa trắng mảnh mai hoa buồn diệu vợi, hoa nhắc ta nhớ về người năm cũ không tên.

 

Dẫu nắng có buông dài hết thảy giữa trời mây, thì gió vẫn uyển mình giữa mênh mang hoa cỏ, gió đem lạnh về tìm gặp những chiếc khăn đan. Gió đem lạnh về ủ ê cả một mùa đông xám. Gió hát lao xao trên từng nhánh lau gầy, lại gợi buồn thương chân người viễn xứ. Những bông hoa dại ven bãi cỏ bờ đê vẫn da diết hoài những tâm tình không nói. Là những mối tình vì bởi chia xa mà hoá tình thành vĩnh cửu, hoá thành lau sậy mãi buông trong mịt mờ, rung rinh thân mềm chôn nỗi nhớ người đi xa. Liệu có mùa nào dẫn bước chân cũ quay về tìm hoa không? Để mỗi khi thu tàn đông tới, mùa gió nắng lại lao xao trên mỗi nhánh hoa mềm.

 

Có những ngày ta rong ruổi trên đường, mở hết khẩu trang áo nắng để da mềm miên man cùng gió. Để lòng ta rộng thênh thang, để tim ta đừng chật chội bởi nhớ nhớ quên quên của nếp trở tuổi trưởng thành. Để ta thấy mình cũ kỹ như là quá khứ, như mùa đông nào đó ngồi lặng im bên ô cửa sổ bằng sắt màu xanh thiên thanh mỏng, ngắm hàng tràm vàng phía xa và thả trôi lòng giữa hồn nhiên cây cỏ. Là những năm mặc chiếc áo khoác thật dày rồi đắm mình trong giấc mơ thanh xuân về mối tình cây lá và gió, về những mối tình lãng mạn mùa đông với chiếc nhẫn cầu hôn giữa những cánh hồng hình trái tim thắp trên nền tuyết lạnh xứ Hàn. Rồi chợt buồn thương những nhành hoa không màu sắc. Xót xa lòng những hoài niệm xa xôi.

 

Đông về theo từng cơn gió khi nắng nhạt màu dần rồi tan loãng vào mùa trôi. Đông về trên từng tán bàng bỗng một sớm mai thức dậy thấy khẳng khiu trơ cành trụi lá. Màu bàng lá đỏ xen với những chiếc lá vàng rơi vãi dưới gốc cây già thường thức dậy cả một niềm bâng khuâng khó tả. Chân bước nhẹ nghe tiếng xào xạc bỗng thấy thương cả một đời lá thở mùa xanh. Ta đã nghe ai đó gọi cây bàng là cây báo mùa, mỗi mùa trôi qua, bàng đều vì mùa mà thay màu lá, vì mùa mà tốt tươi, vì mùa mà rơi rụng. Ta bỗng thương những hạt nhựa trống trải trên cây, nơi chỗ cuống lá rụng, còn đó những run rẩy xa xót của cành. Hãy nhẹ nhàng thương cây mùa rụng lá, nếu tình yêu là chiếc lá màu xanh, ta sẽ hiểu nỗi đau của cây mùa lá rụng. Phải vậy chăng?

 

Khi đông đã về ngang đầu ngỏ vắng, nắng cuối đường sắp nhẹ cánh bay xa. Khi những chuyến xe trên đường cũng vì đông mà chùng chình chậm rãi, đất hanh hao khô nứt những vết hằn. Ta bỗng thấy tim gầy thao thiết bao hoài nhớ, những ngày cũ năm nào bỗng thức dậy lao xao!

    

   Phát MỘT ĐOẠN bài hát Nhớ Về Quảng Trị - Vân Khánh hát

          Thưa quý vị và các bạn. Quý vị và các bạn vừa nghe ca sĩ người Quảng Trị: Vân Khánh hát một ca khúc về Quảng Trị nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng sáng tác, thơ của cố nhà thơ  Quảng Trị: Tạ Nghi Lễ. bài hát dduwwocj trích trong Album ‘ BÔNG LAU TRẮNG của Vân Khánh                     

Thưa quý vị. Xứ sở thiên nhiên khắc nghiệt mưa dầm nắng ác đã tạo nên một cách sống mạnh mẽ nơi con người Quảng Trị. Sự mạnh mẽ trong tâm hồn và cả toát ra bên ngoài, từ hình vóc rắn rỏi đến phát âm chắc nịch, thậm chí coi là... nặng. Nhưng giọng nặng mà khỏe ấy không phải là một bất lợi, không hề là một bất lợi, mà ngược lại, người Quảng Trị tự tin với lối phát âm của mình và mang giọng nói ấy đi xa hơn trong lĩnh vực nghệ thuật. Mời quý vị và các bạn nghe bài viết sau của tác giả Minh Tâm

Chỉ riêng trong âm nhạc, Quảng Trị đã sinh ra nhiều nhạc sĩ và ca sĩ danh tiếng. Điều đặc biệt là tất cả nghệ sĩ ấy đều dành cho quê hương một tình yêu lớn, thông qua việc chọn đề tài và cách thức biểu hiện. Họ mang “tinh thần nhà quê” và làm sang cho dòng nhạc trữ tình quê hương.

 

Hãy nghe ca sĩ Vân Khánh đọc lời tựa cho chính album của mình: Bông lau trắng, đó là những rừng lau trắng bạt ngàn đường Chín, là một trời khói trắng một vùng hoa lau, Đông Hà, Cam Lộ, là mẹ đợi con tóc hóa ngàn lau trắng. Chất giọng mộc mạc quê nhà, ca sĩ quê Vĩnh Linh đã dẫn người nghe đi qua những miền quê Quảng Trị bằng âm nhạc với các ca khúc: Sông Hiền Lương, Nhịp chèo sông Hiếu, Mưa chiều Khe Sanh, Giọng hò thương nhớ... Nghe ca khúc Quảng Trị, ngày con về của Mai Hoài Thu qua giọng hát Vân Khánh, ấn tượng nhất khi ca sĩ cất lên tiếng gọi thân thương: Mạ ơi.

 

Xa quê và thành danh ở miền Nam, rồi được thính giả khắp nơi yêu mến, song Vân Khánh thường về quê tham gia các chương trình để phục vụ bà con, gần gũi và thân thiện với mọi người. Có lần ở chương trình Vu lan tại Triệu Phong năm 2012, khi được cài một bông hoa hồng lên áo, cô tâm sự: “Chỉ cần nghe tiếng Quảng Trị gọi, là con về”.

 

Âm nhạc là tiếng lòng và tiếng lòng ấy phải được cất lên bằng ngôn ngữ nơi người nghệ sĩ đang viết. Những nhạc sĩ đi qua Quảng Trị đã khéo léo đưa lời ăn tiếng nói vào ca khúc và được cả nước yêu mến, chẳng hạn nhạc sĩ Hoàng Vân trong Bài ca Vĩnh Linh: Ngó bên tê Trường Sơn một dải, nghe bên ni sóng vỗ Cửa Tùng. Những từ ngó, bên tê, bên ni đã được “nhạc hóa” thành giai điệu mà vẫn giữ chất riêng có của vùng quê miền giới tuyến. Chỉ cần nghe, là biết đang nói về Quảng Trị.

 

Riêng “ngó”, từ bắt đầu bài hát đã gây ấn tượng mạnh và đắt giá. Bởi “ngó” của người Quảng Trị không chỉ là nhìn, mà còn mang nghĩa ngóng trông. Nó phù hợp với hoàn cảnh ra đời, ấy là khoảng năm 1966, nhạc sĩ Hoàng Vân được vào tuyến lửa thực tế sáng tác. Ông đã viết ca khúc Quảng Bình quê ta ơi và mấy hôm sau liền vào vùng giới tuyến viết Bài ca Vĩnh Linh. Nhạc sĩ thận trọng viết và không vội công bố, phải đến khi ra lại thủ đô, ông hát thử cho những người Quảng Trị nghe để góp ý rồi mới thu thanh phát sóng.

 

Sau này có ca khúc Ngẫu hứng Đông Hà - Rứa khi mô anh về (của nhạc sĩ quá cố Nguyễn Thúy Hương), ngay khi công bố đã được thính giả thích thú và yêu mến. Những người Quảng Trị xa quê, nghe bài hát có thể cảm nhận một thành phố đang dần sôi động như tiết tấu, nhưng đến cao trào, nhạc sĩ liền ngắt phách để cho một câu hỏi: Rứa khi mô anh về? Đây là kỹ thuật chuyển giai khá độc đáo và đầy... ngẫu hứng. Nhất là nhạc sĩ đã đưa nguyên câu nói quen thuộc của người Quảng Trị như một sự nhắc nhở.

  

Trong điện ảnh, giọng nói đôi khi là thứ được người ta nhớ đến nhiều hơn cả. Nhớ và ấn tượng, giọng nói riêng chính là “tiếng nói riêng” của người làm nghề. Cũng có khi chính giọng nói trở thành đặc sản, đặc sắc mà thông qua đó các đạo diễn tuyển chọn vai.

 

Kim Oanh (sinh năm 1993), nữ diễn viên Quảng Trị đã sớm có được những thành công bước đầu trong nghề. Với ngoại hình dễ nhìn, khuôn mặt trong sáng thân thiện, đặc biệt giọng nói chân chất mộc mạc Quảng Trị đã gây được thiện cảm với khán giả mọi miền. Kim Oanh nhập vai Lan trong phim truyền hình dài tập Những cô gái trong thành phố (phát sóng năm 2019) của đạo diễn Vũ Trường Khoa. Bộ phim là câu chuyện xoay quanh bốn cô gái tỉnh lẻ ra thành phố lập thân lập nghiệp. Với đề tài đó, rõ ràng sự góp mặt của những diễn viên mang giọng nói đa vùng miền là điều tất yếu. Và Kim Oanh được chọn, được đạo diễn khuyên nói đúng chất giọng quê nhà.

 

Dù nhiều năm sinh sống học tập ở thủ đô, Kim Oanh đã hòa nhập với môi trường và nói được giọng Hà Nội, nhưng khi được yêu cầu nói giọng Quảng Trị, thì đúng như “chim trở về đàn”, có thể thỏa sức cất lên âm thanh bản năng nhất, hồn hậu nhất và cũng tự nhiên nhất.

 

Đến bộ phim dài tập Lửa ấm (phát sóng năm 2020), Kim Oanh vào vai Hiền. Đạo diễn Đào Duy Phúc lại đề nghị Oanh diễn thử một đoạn bằng hai giọng nói. Cuối cùng, đoàn làm phim quyết định Kim Oanh sẽ nói giọng Quảng Trị. Trên nhiều trang báo và mạng xã hội, cô được nhắc tên với biệt danh “nữ diễn viên nói giọng Quảng Trị”. Đó là một sự ưu ái đầy yêu thương và đáng tự hào.

*

Nhìn lại nhiều năm về trước, khi mà người quê lên thành phố thường “học theo” cách sống của người phố, nói theo tiếng nói của người ta, âu cũng là dễ hiểu cho một sự hòa nhập. Ngày nay, khi thế giới phẳng và xã hội gần như được cân bằng hơn, sự đa dạng được chấp nhận, sinh ngữ và ngôn ngữ cũng không ngoại lệ. Với nghệ thuật, cái riêng bao giờ cũng được trân trọng, vì nó đồng nghĩa với sự khác lạ, sự mới mẻ.

 

Giọng Quảng Trị tuy mộc mạc, tuy nằng nặng, thậm chí khó nghe, nhưng với nghệ thuật, không có khoảng cách nào là không vượt qua được. Điều quan trọng là người ta không tự ti với cái chất riêng của mình. Có rất nhiều nghệ sĩ người Quảng Trị đã làm được điều ấy, quê nhà với họ không chỉ là hình ảnh để mang theo, mà là cả âm thanh hồn cốt.

Đoạn kết câu chuyện nói về giọng người Quảng Trị. Mời quý vị nghe những sẽ chia của một ca sĩ trẻ người Quảng Trị tuy còn trẻ tuổi nhưng giọng hát của cô đã thu hút sự quan tâm của công chúng TP Hồ Chí Minh. Ca sỹ Trịnh Bách Thủy ( Trích Băng)

   

                    Nhạc hiệu của Dọc đường Văn nghệ

MC: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh Tạp chí Văn nghệ chủ nhật,

-Quý thính giả thân mến! Thời gian nghệ thuật trong thơ Hồ Sĩ Bình là một đóng góp của thi sĩ, đó cũng là nội dung bài viết sau của Xuân Nguyên, chúng ta cùng theo dõi.

Mang tâm trạng hồi cố “Đi tìm thời gian đã mất” nên thời gian nghệ thuật trong thơ Hồ Sĩ Bình, một nhà thơ quê Quảng Trị sống ở Đà Nẵng,  là thời gian hoài niệm, thời gian tâm trạng. Mặt khác cũng mang tâm thế không mấy khi bằng lòng trước thực tại nên dù chạm mặt “thời gian tìm thấy” lẽ ra phải hoan hỉ  thì vẫn có cảm giác một Hồ Sĩ Bình gồng gánh u buồn từ tiền kiếp.

  Ngay những bài thơ mà tên gọi đã là một địa danh cụ thể, nói những điều rất giản dị đời thường trong một không gian cố định thì ý niệm thời gian cứ như muốn bật ra từ vô thức:“...lưỡi dao đâm vào nỗi nhớ”  chính là hoài niệm về quá khứ sinh viên Huế. Cách dùng động từ mạnh và cách ví von khá lạ khi để cái cụ thể hữu hình (chiếc xe) đâm như lưỡi dao xuyên qua cái trừu tượng vô hình (nỗi nhớ). Vì vậy đoạn thơ và cả bài thơ thoạt nghe như khẩu ngữ hội thoại đời thường lại có chất thơ từ câu chữ như thế.

    Một hôm nào đó về lại quê nhà Quảng Trị nghe cảnh vật và cả thời gian như thể chiêm bao khi lắng nghe “mộng mị quanh đời” :

   hoa cái vàng nghìn thu

          cũng một màu thảng thốt

   mưa bui bay tháng giêng ơi

   một chiều không đổi

   Dường như bất lực trong tâm thế muốn cố định hóa những gì đã qua, muốn đóng đinh kỷ niệm trên cây thập giá thời gian. Nhưng vô ích nên nhà thơ đành mượn thơ trong một nỗi niềm gần như tuyệt vọng như kẻ sắp chết đuối trên dòng sông của thì-quá-khứ. Lớp sương mù tâm trạng như vây bủa  cảm thức triết học về “thân phận lưu đày” trước một hiện thực dù là hiện thực tâm trạng cũng quá đỗi mong manh.

   Thời gian biểu hiện trong thơ Hồ Sĩ Bình theo nhiều sắc thái và cung bậc cảm xúc. Có thể hiện hữu như cách tính số học về một hiện tượng nghiêng theo chiều siêu thực :”ta ngồi đếm bóng chiều se sắt nắng/đếm vàng phai trong biếc đẫm hanh hao” rồi bất chợt thời gian lại co giãn theo tâm trạng :”góc phố nhiều khi không có điện/đêm bỗng dài hơn tiếng nguyệt trầm/có ai hát níu mùa thu ở lại/chớm mưa về bóng núi đã mênh mang...”

  Đại lượng thời gian và cách đo đếm theo cung bậc cảm xúc nhiều khi không còn nặng chuyện chính xác hay không hoặc nếu có cũng  chỉ là giả định. Nhưng không phải vì thế mà xúc cảm, đặc biệt là nỗi lòng đối với mẹ và cố hương Quảng Trị vô vàn yêu dấu lại có thể nhạt nhòa:

   chiếc cầu mới như một vầng trăng khuyết

   hay trăng non cũng thế thôi mà

   tôi tìm mẹ về nơi không có mẹ

   chỉ để tìm nỗi thương nhớ xa xưa

                           

  Về lại cố hương ai mà chẳng muốn nhưng ngay cả điều này nói như Xuân Diệu : “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt. Nhà thơ như muốn kêu lên:

   quê quán ơi

   bao lần trở lại

   trở lại bao lần

   cũng chỉ để mà đi.

Tiếp ngay sau đây. Kinh mời quý vị nghe bài thơ “ Sau cơn lũ” của nhà thơ Hồ Sĩ Bình. Qua giọng ngâm thơ của Nghệ sĩ ngâm thơ người Quảng Trị Ngọc Lan. FILE THƠ

                                          

                                                   Nhạc cắt

-Thưa quý vị và các bạn! Nhà văn Lê Tri Kỷ có nhiều đóng góp cho văn xuôi hiện đại Việt Nam, trong đó có truyện ngắn, bài viết sau của Xuân Dũng sẽ nói đôi điều, chúng ta cùng theo dõi.

   Lê Tri Kỷ là nhà văn quê Quảng Trị, ông đã qua đời nhưng để lại nhiều tác phẩm có giá trị văn học, trong đó có truyện ngắn.

      Truyện ngắn  “Mụ Quới” lấy bối cảnh vùng quê Quảng Trị cũng sau Cách mạng Tháng Tám. Nhân vật vốn khá phổ biến ở làng quê thời thực dân phong kiến với những thói xấu như lười nhác, cắp vặt, đanh đá, chua ngoa khiến nhiều người ghét. Nhưng khi nước nhà độc lập, bà thấy cuộc sống cung quanh nhiều người giác ngộ, ý thức mình bây giờ là  người dân tự do, không nô lệ, hầu hạ ai cả, phải có lòng tự trọng, tự hào và cố sống tử tế. Và bà đã lột xác không ngờ trở nên một công dân mới, quá trình hoàn lương không đơn giản nhưng đầy hứa hẹn trong một bối cảnh rung trời chuyển đất. Mọi người không gọi bà là “Mụ  Quái” như trước nhưng cũng không thể gọi “Mụ Qúy” như tên khai sinh nghe chưa thuận tai nên gọi chệch đi là “Mụ Quới”. Một truyện ngắn hay và cảm động vì tác giả luôn nâng niu số phận con người, phát hiện ra những mầm thiện dù là nhỏ nhất để thắp sáng cuộc đời này. Chính lòng tin vào sự hướng thiện gần như bất diệt của con người mà nhà văn của chúng ta đã viết nên truyện ngắn”Giấy chứng nhận cho quỷ dữ” được cả giới văn bút trầm trồ. Nhân vật Nguyễn Viết Lới phạm trọng tôi gián điệp trong kháng chiến bị tòa án Bình Trị Thiên kết án tử hình. Nhưng cán bộ công an Lê Huy bằng lòng trắc ẩn và vị tha đã xin cho giảm án. Lới cái tạo rất tốt, hơn hai mươi năm được ra tù. Lẽ ra câu chuyện sẽ chẳng cần bàn thêm nếu như Nguyễn Viết Lới không đến xin ông cán bộ công an cao cấp Lê Huy một giấy chứng nhận đã từng bị tù đày để chính phủ Pháp hoàn trả lương. Ông Lê Huy quá bối rối bèn đến nhà Lới để tìm sự thật. Người vợ ông ta đã nói những lời rất thấm thía : “

  "Bác cho rằng ông Lới nhà tôi vẫn là một tên gián điệp? Thế thì hai mươi ba năm cầm giữ ông ấy trong trại các bác làm được việc gì?... Bày ra các trò thể thao văn nghệ thi đua, khen thưởng để mà làm gì, nếu các bác bắt một tên gián điệp vào tù lúc hai mươi tuổi, khi ra tù hắn gần năm mươi hắn vẫn y nguyên là một tên gián điệp? Không, tôi không tin các bác xoàng như vậy, vì qua thực tế ông Lới nhà tôi, tôi hiểu các bác quả là những thợ rèn người kỳ tài, thế thì chỉ có điều là các bác không hiểu, không tin vào sự nghiệp đẹp đẽ của mình. Viên quặng ra khỏi lò thành thép là điều ai cũng thấy. Nhưng con người xấu ra khỏi lò thành người tốt không phải ai cũng chịu ngay vì nó còn bị bao nhiêu thứ lòng dạ hẹp hòi và đầu óc tối tăm của con người kéo lại"...

   Có khi người bỏ công và tâm gieo nhân nhưng lại chưa dám tín vào kết quả. Nhưng đó cũng là một biểu hiện suy cho cùng cũng rất con người và hoàn toàn có thể thông cảm được. Và đó cũng là một bài học sâu xa trước khi muốn nhận xét về một con người, kể cả những người mà ta tưởng chừng quen thuộc như lòng bàn tay cũng vậy.

Phát MỘT ĐOẠN bài hát Nhớ Về Quảng Trị - Vân Khánh hát

  

Quý vị và các bạn vừa nghe xong CT Tạp chí Văn nghệ CN, CT được Việt Hà biên tập, cùng sự tham gia thực hiện của…. Hẹn gặp lại quý vị trong CT lần sau

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 10/11/2022 09:33 Lê Vĩnh Nhiên 10/11/2022 10:56

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà