TẠP CHÍ VĂN NGHỆ CHỦ NHẬT
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

 QRTV giới thiệu: Trong những ngày này, các tầng lớp trong xã hội của chúng ta dành những tình cảm để tri ân các quý thầy cô giáo đã và đang đứng trên bục giảng. Những người được xã hội xem như là người lái con thuyền tri thức chở các thế hệ trẻ đến với bến bờ tương lai. Chương trình Tạp chí Văn nghệ chủ nhật của Đài PTTH Quảng Trị đúng vào dịp 40 năm ngày Nhà giáo Việt nam ( 20/11/1982- 29/11/2022) sẽ giới thiệu một số tác phẩm của các thầy cô giáo Quảng Trị sáng tác cũng như những bài viết về những người thầy cô giáo đã và đang đứng trên bục giảng. Chương trình được PS vào lúc 9h30, 19h 30 ngày 20/11 chủ nhật, 16h30 ngày thứ hai ngày 21/11. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

 

                                       NỘI DUNG TẠP CHÍ

                          Tạp chí văn nghệ chủ nhật 11.9.2022

PTV: Xin chào Quý vị và các bạn đang đến với Tạp chí VNCN tuần này.

 Kính thưa quý vị, trong những ngày này, các tầng lớp trong xã hội của chúng ta dành những tình cảm để tri ân các quý thầy cô giáo đã và đang đứng trên bục giảng. Những người được xã hội xem như là người lái con thuyền tri thức chở các thế hệ trẻ đến với bến bờ tương lai. Chương trình Tạp chí Văn nghệ chủ nhật của Đài PTTH Quảng Trị đúng vào dịp 40 năm ngày Nhà giáo Việt nam ( 20/11/1982- 29/11/2022) chúng tôi sẽ dành phần lớn thời lượng chương trình để giới thiệu một số tác phẩm của các thầy cô giáo Quảng Trị sáng tác cũng như những bài viết về những người thầy cô giáo đã và đang đứng trên bục giảng

Kính mời Quý thính giả cùng đến với những nội dung chính sau đây:

- Bản tin Văn hóa

- Bài viết:

+ Tập thơ “Mật ngôn của biển” của Nhà giáo- nhà thơ Võ Văn Luyến

+ Giới thiệu bài thơ “ Mật ngôn” qua giọng ngâm của nghệ sĩ ngâm thơ Ngọc Lan

+Phần cuối chương trình là các bài viết trong tiểu mục Dọc đường Văn nghệ

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình

                                                 Nhạc cắt

1.Trong các ngày từ 12- 14/11/2022, tại xã Hướng Phùng, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lớp tập huấn truyền dạy cồng chiêng của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

Tham gia lớp tập huấn có đại diện các câu lạc bộ Cồng chiêng, câu lạc bộ văn nghệ truyền thống của các thôn bản thuộc các xã: Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Phùng và Hướng Tân. Lớp học lần này nhằm mục đích cao nhận thức trong cộng đồng dân tộc thiểu số về việc bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng. Bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng biểu diễn cồng chiêng, đồng thời tạo điều kiện để trao đổi kinh nghiệm giữa các Câu lạc bộ Cồng chiêng trong toàn huyện, qua đó góp phần bảo tồn những giá trị độc đáo của văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

2.Sáng 17/11, Sở Giáo dục và Đào tạo QuẢNG Trị tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982 - 2022) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.

Để được kết quả đó, biết bao thế hệ thầy và trò, những người làm công tác GD&ĐT đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tất cả vì sự nghiệp GD&ĐT. Đến nay, quy mô trường, lớp được củng cố, mở rộng; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng mới đồng bộ. Đây cũng là dịp ngành giáo dục Quảng Trị ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành GD&ĐT tỉnh nhà suốt hơn 40 năm qua, tri ân các thế hệ nhà giáo đi trước đã không quản gian khó, trọn đời tận tụy với sự nghiệp “trồng người” để cho thế hệ hôm nay được vinh dự tiếp bước truyền thống vẻ vang.

 

                                                Nhạc cắt

 Kính thưa quý vị và các bạn. Mỗi dịp 20/11 hàng năm lại về thì đối với các thế hệ học trò luôn có những niềm vui chung với những người thầy, người cô giáo dạy dỗ mình. Những đóa hoa tặng thầy cô ngày ấy rất giản dị mà thắm đượm nghĩa thầy trò. Chúng tôi xin gửi đến quý vị những kỷ niệm của ngày không xa ấy qua tãn văn “ Nhớ hoa ngày ấy tặng Cô Thầy” của tác giả cô giáo Hoài Thương hiện đang đứng trên bục giảng tại tỉnh Quảng Trị

Buổi sáng của một ngày tháng 11,nắng vẫn vàng nhạt và cái lạnh chỉ vừa se se, dìu dịu, mênh mang ... Tôi lại nhớ ngày xưa, khi tôi còn là một đứa học trò nhỏ ở thôn quê,vào cái thời mà cha mẹ nhiều khi còn muốn con bỏ học để đỡ đần việc đồng áng.

Âý là vào khoảng giữa đông, khi cái rét cắt da cắt thịt len lỏi khắp nơi cũng là lúc chúng tôi háo hức vì sắp được đi thăm thầy cô. Háo hức vì lòng yêu thầy cô nhưng có lẽ trong suy nghĩ non nớt và giản đơn của chúng tôi lúc ấy, sự háo hức cho một ngày được tung tăng cùng chúng bạn, một ngày được truyền tay nhau ôm bó hoa thập cẩm đủ mọi sắc màu và xòe nở tung tóe đến nhà thầy cô còn nhiều hơn.

Ngoài hoa ra thì chúng tôi chưa bao giờ tặng thầy cô bất cứ một món quà gì. Đơn giản vì không ai bảo chúng tôi làm thế. Bố mẹ chúng tôi bận lo ngày hai bữa cơm nên kính trọng thầy cô cũng theo kiểu của những người nghèo. Vả lại lúc ấy giả thử có tiền đi nữa thì ở một làng quê nông thôn đói nghèo đeo đẳng cũng đâu có ai bày bán thứ gì để chúng tôi mua tặng thầy cô ...

Hoa tặng thầy cô của chúng tôi nó lọc sọc, màu mè và tự do hết chỗ nói. Chúng tôi không mua hoa bởi không ai bán hoa. Săp tới ngày hiến chương nhà giáo là bọn nhóc chúng tôi bảo nhau mỗi đứa kiếm sẵn đâu đó mấy bông hoa. Miễn có hoa là được chớ hoa gì không quan trọng.

Sáng sớm của ngày 20/11, chúng tôi tụ tập ở nhà một đứa trong bọn. Mỗi đứa góp vào một vài bông hoa trong vườn nhà hay ngắt đâu đó trên đường đi, thảng hoặc cũng có đứa hái trộm của hàng xóm hay mò vào tận khu vườn ươm của các cụ già trong xã.

Thôi thì đủ loại hoa: cúc vạn thọ rực rỡ vàng, bông hồng nhung thơm ngát có những cánh hoa mịn như nhung, bông cúc tím ngắt bé như chiếc cúc áo...lại còn cả bông mào gà màu đỏ rực y như mào của một con gà trống.

Đâu đã hết. Giữa bó hoa lộn xộn và nhí nhố của chúng tôi đôi khi còn cả một vài bông huệ trắng...mà sau này mỗi khi chợt nhớ tôi còn thấy khóe mắt mình cay cay.

Ấy vậy mà chúng tôi cho rằng bó hoa của mình thật là tuyệt. Tôi cũng mê mẩn những bông hoa kia chẳng kém gì lũ bạn. Chúng tôi giành nhau, tị nạnh nhau để được ôm bó hoa trong tay. Qua một đoạn đường nhỏ là đứa đang ôm phải chuyển cho đứa khác. Có đứa chân đất, quần thủng mà cứ rồng rắn,tưng bừng đến thăm thầy cô, ánh mắt sung sướng, rạng rỡ như đi xem hội.

Thầy cô tôi thấy trò đến thăm thì ra đón,cũng vui mừng hạnh phúc không kém. Nhận bó hoa từ tay học trò tặng với vẻ cảm động thương mến mà chẳng bao giờ lộ chút gì khó chịu trước món quà ngô nghê, vụng dại của chúng tôi.

Cô giáo tôi lúc đó cũng nghèo nhưng nhà cửa sạch sẽ lắm. Cô kéo ghế cho chúng tôi ngồi rồi lấy chuối cho chúng tôi ăn. Ý chừng cô biết thể nào chúng tôi cũng đến nên chuẩn bị trước. Cô ân cần hỏi đứa này nhà có ăn cơm trộn sắn nạo không, đứa kia buổi trưa nhà thường ăn gì. Đôi lúc cô chớp chớp đôi mắt. Tôi thấy mắt cô đỏ lên trong một thoáng, tròng mắt hình như ươn ướt rồi vui tươi trở lại ngay...

Học trò bây giờ cũng đến thăm và tặng hoa cho tôi vào mỗi dịp hiến chương nhà giáo,những bó hoa đẹp được bó một cách trang trọng và khéo léo... Mỗi lần nhận hoa tôi đều xúc đông và trong tâm trí lại hiện ra những bó hoa tặng thầy cô xưa.

Thầy cô tôi nay đã già. Có người đã ra đi...nhưng đọng.mãi trong lòng thế hệ học trò như chúng tôi là những kỉ nịệm về tình thầy trò một thời gian khó.

Kỷ thuật phát một đoạn bài hát Mong ước kỷ niệm xưa

                                     

     NHẠC CẮT

File ngâm bài thơ “ Mật ngôn” của Ngọc Lan. LƯU Ý PHÁT MỘT ĐOẠN NGẮN

MC: Quý vị vừa nghe nghệ sỹ ngâm thơ Ngọc Lan ngâm bài thơ “ Mật ngôn” của Nhà giáo- nhà thơ Võ Văn Luyến. Xin được giới thiệu nghệ sỹ ngâm thơ Ngọc Lan hiện là chủ tịch CLB thơ huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, là một giáo viên cống hiến cho sự nghiệp trồng người đã nhiều năm.

Kính thưa quý vị Nhà Giáo- Nhà thơ Võ Văn Luyến đã có hơn 30 năm đứng trên bục giảng. Hiện anh đang là Hội viên Hội văn học Nghệ thuật Quảng Trị. Anh đã ra mắt đọc giả nhiều tập thơ, khảo luận phê bình văn học. Trong Chương trình hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với quý thính giả tập thơ “ Mật Ngon” qua bài viết của Nhà báo Nguyễn Thanh Bình, vốn là sinh viên Trường Đại học SP Huế và có những năm tháng đưa con chữ lên non, hiện anh đang công tác tại báo Thanh Niên

 Không phải ngẫu nhiên mà anh lấy tựa tập thơ mới nhất của mình là “Mật ngôn của biển”, mà đồ chừng Võ Văn Luyến bằng ngôn ngữ thơ, muốn giải mã những thao thức, trăn trở giữa bộn bề cái đa sự của thế sự…

Điều ấy được nhà thơ Võ Văn Luyến, cũng là nhà giáo đã từng đứng bục giảng 32 năm qua, tỏ bày trong suốt 101 bài thơ với 145 trang. Và đời đến với thơ anh như một cuộc tao ngộ thấm đẫm tình thân ái. Anh viết về mẹ và cha, rồi đặt trang trọng ở đầu tập thơ với những dòng se sắt niềm thương yêu, nhớ nhung tưởng niệm: “Đêm nằm mơ. Mẹ gánh con đi dưới trời pháo sáng. Xót cây lúa năm mất mùa đại hạn. Chân quấn rạ khô vấp ngã mấy lần…” ( bài thơ: Con về bão giông). Niềm tưởng nhớ ấy, khi anh dâng lên hương hồn mẹ, khiến cho ai cũng liên tưởng rằng mình cũng đã có bao lần như thế. Mẹ là một bầu trời xanh vực dậy những mơ ước cho cuộc đời. Nhưng khi trở về, mẹ đã không còn nữa! Anh nghẹn xót trong tâm can, viết như gào lên với từng con chữ: “Mẹ ơi. Bốn mươi chín ngày khăn tang đầu con. Bốn mươi chín ngày thương nhớ nghẹn dòng. Bốn mươi chín ngày đường xa vạn dặm. Bốn mươi chín ngày con về bão giông”.

Còn với cha, Luyến nói bằng cả một sự kính trọng tôn thờ. Bài thơ Vĩ nhân của tôi, anh viết dường như trong một tâm trạng dằn lòng lại, nhưng cũng bộc phát một niềm tin yêu vô bờ bến: “Người lưng trần lấy nắng mưa làm áo. Lấy nồm nam quạt mát tháng năm. Lấy nghĩa nhân ghìm cương con tạo. Lấy nghìn xưa truyền lửa chim bằng”. Cái sự che chắn, truyền lửa cho con suốt cả một đời từ một người cha, bỗng dưng như tái hiện lại trong tôi, bởi một buổi tối nhiều gió ngồi ở căn sảnh rộng trên sân thượng của một nhà hàng ở TP.Đông Hà đã lung linh ánh điện, anh bỏ ly xuống và nói một câu: “Vĩ nhân của tôi là cha tôi!". Để rồi, với sữa mẹ lời cha, anh đi vào đời và càng ngày càng “chín” nhiều hơn với cuộc đời sâu thẳm, rộng dài.

Lại nữa, vì có vấp, dù là vấp cái sự tình tứ, cũng phải ngẫm. Nên chi Võ Văn Luyến đã ngẫm với cái sự Rỗng: “Rỗng cơn đau ánh chớp u minh/xanh nỗi buồn xa ngái/mưa niềm vui rồ dại/lênh đênh rỗng bước mùa/ngậm sương cỏ rỗng tóc thưa/trái trăng rỗng nhịp chuông chùa nhớ quên”. Khi đọc bài này, chợt nghĩ có lẽ anh viết sau một cơn say chăng, bởi cái trống rỗng nhưng rất hồn hậu của một kẻ say… rất hiền! Rồi sau đó anh Vọng, anh Mơ, anh Hẹn rồi anh lại Ném. Những bung xung sự đời có lúc tươi rói, nhưng lại có lúc cằn cỗi quá khiến anh muốn quăng đi: “Ném lên ngọn cỏ/sương mật/nắng cúi nhặt/ném lời hứa/vào nụ hôn/lời hứa biến thành rỉ sắt” (bài thơ: Ném). Chỉ mấy câu mà đau như lúc hoạn nạn vận vào một cuộc tình gió đã mang đi, còn lại một mình ngồi giữa đồi xanh, mà rỉ máu vết thương lòng.

Cũng vì cái tựa tập thơ có phần bí ẩn, nên tôi cũng đã đi tìm, mà nghĩ như cùng có anh bên cạnh, để thấy cái trùng dương xa tít mặn mòi ấy hiện diện ra sao? Thì này đây, Võ Văn Luyến đã giấu kỹ trong một bài, với cái tứ rất lạ: “Khi những mật ngôn của người lắng trong tiếng thở/gió tấu khúc du miên dựng hứng khởi tay lá vẫy chào/mây nõn lắm trên bờ vai thiếu nữ/biển triều dâng nỗi nhớ cồn cào” (Mật ngôn). Cách xa đó đúng 100 trang, như một sự sắp đặt tình cờ bắt gặp một đảo Lý Sơn nồng nàn ẩn hiện, mà mỗi chữ của mỗi đầu câu làm thành tựa của bài thơ: “LÝ lẽ nào con tim chưa thấu nỗi/SƠN nhân tìm biển biếc bao đời/TRONG nỗi nhớ có dấu chân của cát/TA triều cường cùng con sóng chơi vơi”! (bài thơ: Lý Sơn trong ta).

Ngoài những sự đa tình, giấu trong chữ nghĩa của Luyến là cái đa sự, luận ngộ về sự đời, mà bất cứ nhà thơ đích thực nào cũng không buông bỏ được. Thơ, dù hiền lắm, vẫn ẩn chứa nỗi đau nào đó. Luyến đau thế này, tưởng nhẹ nhàng nhưng ngẫm thì không: “Có quên không/những rác rưởi cho trôi ra biển/giữ lại trong lành/đám mây rồi sẽ tan nhanh/nhưng từ đám mây kia những câu thơ trầm thống cất lên/bài bi ca thanh lọc tâm hồn/anh chờ trời sáng” (bài thơ: Mưa gõ tâm hồn). Như đầu bài thơ này anh nói rằng 2 giờ sáng trở giấc dậy “ngồi nghe mưa và gõ phím”. Cái lạnh trong lòng với mưa miền Trung, nghĩ đâu sá gì với những buốt lạnh sự đời mà anh đang muốn xua đuổi, mà nó cứ bám lấy như một nỗi-đau-ký-sinh không bao giờ trốn chạy trái tim đa cảm!

Nhưng nếu nói rằng thích bài thơ nào nhất trong tập thơ này, thì mỗi người xin có một lựa chọn cho riêng mình.  Và có thể đó là bài Đêm nghe tiếng mọt kêu. Bởi bài thơ này mang một sức nặng ẩn dụ, mà nếu không biết nhận diện tiếng đêm, trong thanh vắng, thì khó lòng mà viết xen lẫn bi-hài được vậy. Nhưng, có được cái tự khích tự trào ấy, các bạn thơ biết Võ Văn Luyến đã lăn lộn tích lũy tự cái ngày anh còn là một anh . lính nơi miền biên cương xa xôi vào những năm cuối thập niên 70 vắt sang thập niên 80 của thế kỷ trước. Và Nhà thơ Võ Văn Luyến vẫn vậy, với tâm tư đầy chất chứa nhưng luôn hiền hậu đi giữa cuộc đời”

Chia sẽ cảm xúc khi viết tập thơ “ Mật ngôn của biển”, nhà thơ Võ Văn Luyến tâm sự ( Trích Băng 1)

Khép lại bại viết về tập thơ “ Mật ngôn của biển” của Nhà thơ Võ Văn Luyến.  Mời quý vị và các bạn nghe lại bài thơ “Mật ngôn” của anh qua sự thể hiện của nghệ sỹ ngâm thơ Ngọc Lan

Kỷ thuật phát File ngâm bài thơ “ Mật ngôn”

                                                      Nhạc cắt

   Thưa quý vị và các bạn! Nhân chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Xuân Dũng có bài viết sau, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. 

  Trước khi trở thành nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp, nhà văn, nhà văn hóa nổi tiếng quê hương Quảng Trị Hoàng Phủ Ngọc Tường với những tác phẩm xuất sắc, trong đó có bút ký vào hàng tuyệt phẩm được đưa vào sách giáo khoa để dạy cho học sinh với tên gọi: “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, có một thời gian khá dài làm nghề dạy học. Trong nhàn đàm “Bài học vỡ lòng của tôi”, nhà văn nhắc đến thời thơ ấu được khai tâm từ một ông giáo già nghiêm nghị ở một trường học được gọi là “trường thầy Toại”.

     Ngay trước Cách mạng Tháng Tám 1945, cũng có một ngôi trường hết sức đặc biệt, tồn tại không đầy hai tháng nhưng có một vị trí lịch sử rất quan trọng, đó là Trường Thanh niên Tiền tuyến. Mục đích của nó là đào tạo sĩ quan phục vụ cho chính phủ Trần Trọng Kim nhưng lại trở thành một cơ sở cách mạng đắc lực, là một chiếc nôi đào tạo nên nhiều tướng lĩnh thành danh, nhiều trí thức yêu nước nổi tiếng. Học viên đặc biệt bởi nhiều người “trâm anh thế phiệt”. Ví như Tôn Thất Hoàng con của Thượng thư Tôn Thất Đằng, Võ Sum con Án sát Võ Chuẩn, Đặng Văn Việt con Tổng đốc Đặng Văn Hướng, Lê Thiệu Huy con giải nguyên Hán học Lê Thước…Ấy vậy từ ngôi trường “xanh vỏ đỏ lòng” này, nói theo kiểu bây giờ là tạo nên một nguồn nhân lực, nhân tài hết sức có ích cho Tổ quốc.

    Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ghi nhận công tích của “thế hệ vàng” với những cống hiến nổi bật như : kéo cờ độc lập trên kỳ đài Ngọ môn (Huế) năm 1945, bắt nhóm biệt kích Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ (Thừa Thiên-Huế), tham gia Nam tiến kháng chiến chống Pháp từ tháng 10/1945. Những tướng lĩnh, chỉ huy tài giỏi như Cao Pha, Phó tư lệnh Đặc công, Cao Văn Khánh, trung tướng, Phó tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, hay Đặng Văn Việt “vua đường số 4” đánh cho giặc Pháp thất điên bát đảo…Đó là nhờ vai trò to lớn của những người thầy như Gs Tạ Quang Bửu, thành viên sáng lập trường cùng luật sư Phan Anh hay Phan Tử Lăng, giám đốc Trường Thanh niên Tiền tuyến, một sĩ quan xuất sắc được Pháp đào tạo với lòng yêu nước nhiệt thành đã hướng ngôi trường về với cách mạng, với Tổ quốc và nhân dân.

    Nhà văn hào hứng ghi nhận: “Dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi để thu thập kiến thức quân sự, nhưng nhờ trí thông minh tính trời hòa nhập với trí khôn đánh giặc của nhân dân, các sinh viên trường Thanh niên Tiền tuyến đã lập nên những chiến công kỳ lạ ngay từ những phút mở màn lịch sử giành chính quyền cách mạng”.

   

    Trong bài nhàn đàm “Thầy Đào Duy Từ”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tôn vinh tài năng quân sự và chính trị của danh nhân Đào Duy Từ, tên tuổi ông gắn liền với một công trình quân sự tên gọi “Lũy Thầy” ở Quảng Bình. Ông đúng là nhà quân sự giỏi, là người thầy tài đức của bậc đế vương muốn an dân trị quốc. Ông là trợ thủ đắc lực cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên mở mang cơ nghiệp xứ Đàng Trong. Tác giả viết về ông: “Điều khiến cho mãi đến ngày nay chúng ta vẫn có lý do để giữ lòng ngưỡng mộ đối với ông chính là nhân cách kẻ sĩ của Đào Duy Từ. Kẻ sĩ đem tài ra giúp vua chúa trong sự nghiệp an dân, nhưng không bao giờ xu nịnh, luồn cúi trước quyền lực”.

                                                NHẠC CẮT

 

Qúy vị và các bạn thân mến! Tiếp nối ct, chúng ta cùng tìm hiểu một nhà văn, nhà báo tiêu hiểu của quê hương Quảng Trị qua bài viết sau của Xuân Nguyên, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.

  

  Nhà văn, nhà báo Hồng Chương tên thật là Trần Hồng Chương, sinh ngày 1/5/1921 tại làng Phương Sơn, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, mất ngày 18/3/1989. Ông từng là tổng biên tập tạp chí Cộng sản, chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam.

    Ông là tác giả của các tập thơ, tiểu thuyết, lý luận, phê bình văn học như : Máu lửa đồng quê (thơ, 1948), " Ngược đường số 9" (truyện, 1958), "Một luồng gió mới" (tiểu thuyết, 1959), "Phương pháp sáng tác văn học nghệ thuật" (1962), "Mấy vấn đề lý luận và phê bình văn nghệ" (1965)...Ông được Đảng và nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

  Đối với văn chương, Hồng Chương cũng đã có tình yêu từ tuổi hoa niên. Ngay từ năm mới 16 tuổi, khi gởi mẹ bài thơ đã  thể hiện lòng yêu nước thiết tha:

Nhưng mẹ! Lòng con đã quyết rồi
Ra đi khi nắng tắt bên đồi
Tình nhà, nợ nước đem cân nhắc
Nặng, nhẹ, bên nào, hỡi mẹ ơi!...

  Và từ khi cuộc kháng chiến chống Pháp mới một năm, ông đã tham gia đội biệt động Đường 9. Và từ cuộc chiến đấu gian lao và anh dũng đã cho ra đời một bài thơ dài mang dáng dấp trường ca "Biệt động đường số 9" của Hồng Chương. Tác phẩm mang hơi hướng của một "tráng sĩ hành" hiện đại về người chiến sĩ mới khi tham gia cách mạng. Những câu thơ mang âm hưởng tráng ca hào sảng ra đời trong khói lửa đường 9 một thời kháng Pháp trên quê hương Quảng Trị : “Thưở đất nước mịt mù khói đạn/Thân nam nhi dày dạn phong sương/Tuốt gươm cắp súng lên đường/Âm thầm chính khí, hào hùng nước non/Xót quốc biển gia vong lắm lúc/Tím bầm gan sùng sục uất đầy/Vứt đe, quẳng bút, xếp cày/Đoàn quân biệt động từ nay ra đời/Người chiến sĩ ra nơi chiến đấu/Gót rỗ nhăng in dấu hành binh/Sẹo ghi từng trận chiến chinh/Mắt hoe lửa giận, trán khinh hiểm nghèo…”

   Sau khi sáng tác thơ và tiểu thuyết, nhà văn Hồng Chương chuyên tâm với mảng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật. Cây bút lý luận phê bình Hồng Chương tỏ ra nhạy cảm, tinh tế trước các hiện tượng văn học. Chẳng hạn khi nhận định về một nhà văn lớn của dòng văn học hiện thực phê phán trước Cách mạng Tháng Tám : " ...Nguyễn Công Hoan thường tả những cảnh oái oăm vô lý trong xã hội cũ, làm cho người đọc thấy được sự thối nát của xã hội cũ: một bọn người vô tình nhẫn tâm bắt một anh kép hát bông lơn trong lúc cha anh đang hấp hối; một anh phu xe hôm ba mươi Tết kéo phải một chị giang hồ không tiền cũng đi tìm khách; một người mẹ bỏ con nằm một mình để đi theo trai... tất cả tình đời éo le, chua cay đau xót trong xã hội cũ hiện ra dưới ngòi bút Nguyễn Công Hoan.
...Toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Công Hoan là cả một pho tài liệu rất quý về "lịch sử xã hội" nước ta thời thuộc Pháp. Vì vậy chúng ta rất quý trọng các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan.”

    Cuộc đời của nhà báo, nhà văn Hồng Chương là một tấm gương sống, chiến đấu và lao động trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

 Kết thức chương trình hôm nay, kính mời quý vị và các bạn thưởng thức bài hát có tên là “ Ký ức tinh khôi” ca khúc của tác giả Trương Hằng Nga qua sự thể hiện của nữ ca sỹ Khánh Huyền.

Trương Hằng Nga là một nhạc sỹ trẻ không chuyên, hiện đang là giáo viên tại trường Tiểu học& THCS xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Tốt nghiệp Cao đẳng môn Tiếng Anh vào năm 1989. Cô đã có nhiều năm dạy ở các vùng núi, vùng sâu của tỉnh Quảng Trị. Mời quý vị lắng nghe

Phát bài Ký ức tinh khôi

                            

PTV: Quý vị và các bạn vừa nghe xong CT Tạp chí Văn nghệ CN, CT được Việt Hà biên tập, cùng sự tham gia thực hiện của…. Hẹn gặp lại quý vị trong CT lần sau

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 18/11/2022 09:23 Lê Vĩnh Nhiên 18/11/2022 09:54

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà