Tạp chí VNCN 5.2
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí văn nghệ chủ nhật 5.2.2023

PTV: KÍnh chào Quý thính giả đang đến với chương trình Tạp chí VNCN tuần này. Trong thời lượng phát sóng của chương trình, chúc Quý thính giả sẽ có thêm những thông tin hữu ích và thú vị về lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin gửi đến Quý thính giả những nội dung chính sau đây:

- Độc đáo Chương trình “Chiếu trạng ngày xuân”

- Quảng Trị sôi nổi với những lễ hội truyền thống

- Cảm xúc về những vần thơ mùa xuân

-Tiểu mục dọc đường VN:

+ Đến với tập sách "Eng về Quảng Trị đi eng" của Ngọc Hồ

 + Những giai điệu đẹp trong ca khúc: "LỜI TỎ TÌNH MÙA XUÂN"

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

1. Thưa Quý vị và các bạn! Nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa chào đón năm mới Quý Mão - 2023,  vừa qua tại xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh- địa phương nổi tiếng có hơn 600 năm lưu giữ nét đẹp văn hoá nói chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã tổ chức Chương trình “Chiếu trạng ngày xuân”.

Tại chương trình, các nghệ nhân và thành viên Câu lạc bộ Chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã biểu diễn nhiều tiết mục chuyện trạng được dàn dựng công phu, đặc sắc, như: “Ăn bột lọc mọc neng” (Ăn bột lọc mọc răng); “Trấy bí ngô làm thuyền thúng” (Trái bí ngô làm thuyền thúng); “Cơn ớt mần 2 sàng cấp” (Cây ớt làm 2 sàng cấp)…Chương trình với ý nghĩa tạo không khí vui tươi, phấn khởi những ngày đầu năm mới, đồng thời hướng về các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương đã thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân đến xem, cổ vũ.

2. Đến hẹn lại lên, cứ mỗi độ Tết đến xuân về làng Mai Xá Chánh cùng thôn Mai Xá và khu dân cư Mai Hà long trọng tổ chức Lễ hội Đua thuyền truyền thống làng Mai Xá trên sông Hiếu- đoạn đi qua xã Gio Mai, huyện Gio Linh.

Mai Xá là ngôi làng cổ trên 600 năm tuổi nằm ven con sông Hiếu ở Quảng Trị với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa từ lâu đời. Cuộc sống lao động của nhiều người dân làng Mai Xá quanh năm gắn liền với nghề sông nước nên đã sản sinh ra nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc vẫn còn được gìn giữ và phát huy cho đến tận ngày hôm nay như: Lễ hội “Rước hến”, lễ hội “Cầu rạy” (còn được gọi là lễ hội “Cầu ngư”) và đặc biệt là lễ hội “Đua thuyền”. Lễ hội đua thuyền truyền thống làng Mai Xá diễn ra sôi nổi luôn để lại trong lòng người xem nhiều cung bậc cảm xúc, thể hiện ước muốn một năm mưa thuận gió hòa của người dân đã có từ xa xưa.

3. Định kỳ mười năm một lần, sau khi thu hoạch xong mùa màng, tùy theo từng dòng họ mà người Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị tổ chức lễ nối dây ân linh thần núi. Đây là một lễ tục độc đáo, có từ hàng trăm năm trước được bà con nơi đây gìn giữ cho đến ngày hôm nay.

Lễ nối dây ân linh thần núi diễn ra trong 2 ngày, 1 đêm với nhiều nghi lễ với ý nghĩa vừa tạ ơn thần núi Kỗh Plăng, vừa cầu an cho dân làng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Thông qua lễ này gợi nhớ cho lớp hậu thế thấy được những hành động, ứng xử đẹp của con người với thiên nhiên nơi mình đang sinh sống, gắn chặt tình đoàn kết cộng đồng, nâng cao trách nhiệm của cá nhân và tập thể trong cộng đồng làng bản. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, người Pa Kô ở dãy Trường Sơn hùng vĩ luôn gìn giữ, phát huy nét độc đáo của lễ nối dây ân linh thần núi trường tồn theo năm tháng.

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Chúng ta đang cùng nhau trải qua một mùa xuân mới với bao niềm tin và kỳ vọng. Cũng như bao làng quê khác trên đất nước VN, tết đến xuân về là dịp người dân tổ chức nhiều lễ hội vui xuân đón Tết. Trong những ngày này, khắp nơi trên mọi miền quê Quảng Trị đều tràn ngập không khí tưng bừng, sôi nổi của các lễ hội mừng xuân mới. Tất cả tạo nên bức tranh ngày Tết đặc sắc và ấn tượng, đồng thời gìn giữ và quảng bá nét đẹp văn hóa của quê hương đến bạn bè trong và ngoài nước. Các lễ hội cũng là dịp gắn kết cộng đồng, mang lại niềm vui và hy vọng một năm mới ấm no, hạnh phúc vẹn toàn.

Quảng Trị có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, là nơi giao thoa của các luồng văn hóa từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Trải qua những biến thiên của lịch sử, trên mảnh đất Quảng Trị sớm tích tụ những tinh hoa thời đại để hình thành nên những giá trị tinh thần, tô điểm, làm phong phú cho cuộc sống trong sinh hoạt văn hóa ở mỗi cộng đồng dân cư. Đặc biệt, hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, khi trời đất giao hòa, lòng người hân hoan, khắp mọi miền quê Quảng Trị lại sôi nổi diễn ra các lễ hội mừng Đảng – mừng Xuân đậm nét văn hóa truyền thống, cầu cho mùa màng bội thu, năm mới may mắn, làm ăn phát đạt, thể hiện tinh thần thể thao, tình đoàn kết. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị văn hóa riêng, tạo không khí ấm áp, vui tươi với sức sống của ngày Xuân.

P/v: Ông Lê Đình Anh- Phân hội Văn nghệ dân gian VN- Hội VHNT Quảng Trị cho rằng:

Đã thành thông lệ, vào những ngày cuối năm cũ và đầu năm mới, vùng quê Quảng Trị lại rộn ràng, tưng bừng với các lễ hội. Bên cạnh phần nghi lễ cầu an, cầu ngư mang ý nghĩa tâm linh với niềm mong ước một cuộc sống thanh bình, những vụ mùa bội thu, no ấm... là phần Hội với khá nhiều trò chơi dân gian, đậm nét đặc trưng làng xã và nền lúa nước Việt Nam. Nét khác biệt trong các hoạt động lễ hội ở các vùng quê Quảng Trị  là dù vẫn kế thừa những nét tinh hoa truyền thống, song đã được cách tân và bổ sung thêm cho phù hợp với tinh thần của đời sống đương đại.

 Các lễ hội dân gian truyền thống Quảng Trị luôn mang đậm nét của nền nông nghiệp lúa nước, thường được tổ chức vào mùa xuân, như “lễ hội cầu mùa”, “cầu thần”, “cúng giàng”. Để xin ơn trên ban cho một năm mới bình an, tươi đẹp, no đủ, sung túc, hạnh phúc, tiêu biểu như: Lễ hội chợ đình Bích La, lễ cầu ngư, lễ rước lộc, hội cù, hội vật, hội đu, hội chèo cạn, đua thuyền,… Lễ hội cầu mùa, mừng lúa mới, cơm mới, nhà mới đối với đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô hướng đến vụ mùa bội thu, no ấm, hạnh phúc.

P/v: Ông Lê Đình Anh- Phân hội Văn nghệ dân gian VN- Hội VHNT Quảng Trị nói thêm:

Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, và cho dù mỗi làng quê, mỗi vùng đất có một nét riêng trong việc tổ chức các lễ hội nhưng tất cả các hoạt động này đều cùng hướng tới mục đích: Đưa con người trở về với nguồn, thể hiện sức mạnh cộng đồng làng xã, địa phương hay họ tộc. Lễ hội cũng là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư; là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc theo cách riêng, kết hợp giữa yếu tố tâm linh và các trò chơi dân gian...

Từ xưa đến nay, lễ hội là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa cộng đồng nên bao giờ cũng thấm đượm tinh thần đoàn kết và nhân bản sâu sắc. Những lễ hội đa sắc màu truyền thống của con người và vùng đất Quảng Trị không những góp phần rèn luyện thể lực, phục vụ lao động  sản xuẩt mà còn thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm và sự gắn bó cộng đồng.Việc đẩy mạnh bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản truyền thống đã làm khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước; khơi dậy những nét đẹp bản sắc của con người Quảng Trị, cổ vũ động viên nhân dân hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống, xây dựng quê hương, đồng thời gắn kết tình làng nghĩa xóm thân thương; góp phần làm cho ngày xuân thêm vui tươi và ấm áp.

Trích bài hát: Quảng Trị trong tôi

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Chúng ta đang ở trong những ngày đầu xuân với không khí Tết Nguyên Đán vẫn còn để lại nhiều dư vị. Đây là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm khi cỏ cây hoa lá đâm chồi nảy lộc, lòng người phơi phới với nhiều hy vọng trong hương sắc của mùa xuân.

Trích bài thơ: Tình xuân

 

PTV: Quý vị và các bạn vừa đến với 1 trích đoạn trong bài thơ Tình xuân- 1 sáng tác của nhà thơ Trần Thị Lý qua phần diễn ngâm của NSUT Mạnh Hùng. Vâng! Mùa xuân bao giờ cũng trở thành đề tài sáng tác của thi ca, hội họa với  những sắc màu tràn đầy sự sống. Với nhà thơ Trần Thị Lý, mùa xuân cũng để lại trong chị những cảm xúc đặc biệt qua những vần thơ trong bài thơ: Tình xuân.  Chúng ta hãy cùng nghe những chia sẽ của nhà thơ Trần Thị Lý với cảm hứng sáng tác về mùa xuân trong những ngày đầu xuân mới.

1.Thưa nhà thơ Trần Thị Lý, vừa rồi chúng ta đã nghe bài thơ Tình xuân qua giọng ngâm của Mạnh Hùng. Chị có thể chia sẽ một chút về bài thơ này ạ?

TL

2. Vâng! Với bài thơ này thì những hình ảnh nào của muag xuân đc chị tập trung thể hiện ạ?

3.  Mùa xuân luôn là niềm cảm hứng của các văn nghệ sỹ. Bản thân chị cũng là 1 người yêu thơ. Vậy theo chị lý do tại sao muag xuân luôn mang lại nhiều cảm hứng trong sáng tác VHnT ạ?

4. Từ hiện thực của cs, khi đi vào trong các tp VHNT thì mùa xuân sẽ đc người nghệ sỹ cảm nhận dưới những góc nhìn khác nhau phải ko ạ?

5. Chúng ta đang ở trong không khí của mùa  xuân. Qua ct hôm nay, xin chị chia sẽ một vài niềm tin, kỳ vọng của mình trong năm mới ạ?

Xin cảm ơn nhà thơ Trần thị Lý, chúc chị một năm mới an lành và may mắn.

Trích bài hát: Mùa xuân ơi 

PTV: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Tạp chí VNCN của Đài PTTH Quảng Trị.    

Thưa Quý vị và các bạn! Tập sách "Eng về Quảng Trị đi eng" là một tập sách khá đặc biệt của một cây bút Quảng Trị xa quê thu hút người đọ. Tiểu mục Dọc đường văn nghệ,  mời Quý vị cùng nghe bài viết của Xuân Nguyên có tựa đề:  “NẶNG LÒNG VỚI TIẾNG QUÊ HƯƠNG”

 

   Nhân đọc tập sách "Eng về Quảng Trị đi eng" của Ngọc Hồ, NXB Thanh Niên, tôi đã chứng kiến nhiều người yêu Quảng Trị quê hương đến quặn lòng, nhất là những ai xa xứ. Nhưng thương nhớ cội nguồn theo một cách riêng như tác giả Ngọc Hồ kể cũng là điều đặc biệt và hiếm có.

   Yêu quê, nhớ quê rồi tìm hiểu phương ngữ Quảng Trị để gom nhặt lời ăn tiếng nói của ông cha bao đời truyền lại như một báu vật văn hóa cần phải nâng niu, gìn giữ. Và sợ mai một nên in thành sách, quả thực tâm huyết này thật đáng trân trọng.

   Ngay trong lời tựa, người viết đã nói rõ mình là người làng Trà Liên (Triệu Giang, Triệu Phong, Quảng Trị) chạy bom đạn năm 1972 khi  vừa một tuổi : " Mới vừa chập chưng, chưa bỏ bụ/ Mạ đã bồồng tui chạy khỏi làng/Pháo tạt sau lưng, người bươn tới/ Trời côi đại lộ nắng chang chang".

   Tập sách chia ba phần rõ rệt, phần đầu có tên "Miền hoài niệm" , phần hai là  "Theo dòng thời sự", hai phần này là thơ, phần cuối là phụ lục, gồm những bài văn xuôi,  tất nhiên dùng phương ngữ Quảng Trị đến mức tối đa, rặt Quảng Trị.

   "Miền hoài niệm" như phù sa ký ức, lắng đọng những vẫn thơ chân tình, mộc mạc nhưng là gan ruột chắt chiu.  " Có mối tình đơm bôông từ chiếng mội/ Trong vạn ngày chị sương nác ê bai/ Có bầy em lấm lem dòm bắt tội/ Đã nậy khun theo tiếng mạ thở dài/Có một thời béc mắt chộ sắn khoai/ Đa vàng óóng, chinh trần đi vô rậy/Côi độộng/ Ngồi nghe hơi heo may..." (Thời gian vô tình)

   Những ấn tượng hơn cả là những bài thơ về gia đình ruột thịt xốn xang lòng người, những hoài niệm thân thương đã hóa thành trai ngọc trong ký ức mỗi người Quảng Trị.

" Khi neng cỏ đã theo về với đất/ Mệ  ngoại tui vẫn trệu trạo méng trù/ . Đây là những câu đặc tả mệ ngoại bằng phương ngữ Quảng Trị rất chân thực, hay vào bậc nhất trong số những vẫn thơ dân dã mà tôi đã từng được đọc. Rồi thần thái mệ như một ký họa sắc nét không thể lẫn lộn khi ngồi nhớ người đã khuất : " Mười năm trước, ôông râng còn mạnh mẹ/ Cũng chín mươi bỗng khuất núi về trời/ Từ bựa nớ, mệ buồn hay lặng lẹ/ Ngồi nhai trù mà mắt ngó xa xôi..."

 Và bài thơ kết thúc lại vui như ruột rà hội ngộ, chân tình mà xúc động khi muốn tìm về lại tuổi ấu thơ : " Mệ ơi mệ, gắng khỏe nhiều nghe mệ/ Hè năm ni, con nhích định chạy về/ Chừ khun nậy, cứ sèm in lối nớ/ Mệ đi mô, miềng dọi nấy thôi tê/ "Cấy thằng Nhỏ, mi cứ toàn nói trạng/ Mi khung về, tau đi trước đó nghe"...(Mệ ngoại tui).

   Phần hai "Theo dòng thời sự" cũng có nhiều bài đọc được. Chuyện bão lụt cũng được ghi lại rõ ràng : "Mả cha cấy bạo số 10/Mần cu su lọi giữa trời tang thương/ Eng miềng quệt hột sầu vương/Lấm lòa lấm luện ngó nương đạ sèm/ Mạ tra chống cậy hom hem/ Cha ngồi mắt nụi kèm nhèm thở ra: /    Phần cuối phụ lục với những bài văn xuôi, nghe tên cũng biết hồn vía và giọng điệu quê nhà  : "Tiếng làng tui", "Dạy kèm tiếng Quảng Trị", "Đi mô cũng gặp”.  

 Sau mỗi bài dù văn vần hay văn xuôi đều có chú thích, để "dịch" tiếng Quảng Trị ra tiếng phổ thông. Vì không phải ai cũng hiểu hết đặc sản phương ngữ quê nhà, kể cả người Quảng Trị  đang sống nơi chôn nhau cắt rốn.

   Bởi vậy đọc tập sách này của Ngọc Hồ là có thêm một tiếng nói tri âm, là thêm ấm lòng khi đón nhận thêm được một tình yêu Quảng Trị nồng nàn và sâu nặng, tha thiết với quê nhà...

Trích bài hát: Quảng Trị- mảnh đất này thương lắm người ơi

 

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Mùa xuân luôn là niềm cảm hứng bất tận để các nhạc sỹ dành tặng những ca khúc đẹp nhất cho cuộc đời.  Trong những ca khúc viết về mùa xuân và tình yêu của thời bao cấp và sau đó một vài năm thì bài hát "Lời tỏ tình mùa xuân" của cố nhạc sĩ Thanh Tùng là bài hát được nhiều người yêu thích.

 

Trích bài hát:"LỜI TỎ TÌNH MÙA XUÂN"

Mở đầu bài hát là khung cảnh lãng mạn học trò một thưở:

Mùa Xuân đến đạp xe trên phố tóc xõa vai mềm.

Mùa Xuân hát  nụ hoa thơm ngát nở trên môi hồng.

Mùa xuân rất hiền lặng yên ngồi nghe tôi hát.

Và tôi biết rằng nói yêu em là điều khó khăn.

Mùa xuân đến rồi, mùa xuân nói giùm với em.

Tình yêu rất gần

Tình yêu hãy đừng là cánh chim.

   Hãy hình dung và nhớ lại khi mùa xuân về đạp xe trên phố. Chiếc xe đạp một thời chưa phải đã quá xa hiện diện trong các bài hát về tình yêu lứa đôi, tình yêu học trò như "Xe đạp ơi" của Ngọc Lễ hay "Phượng hồng" của Vũ Hoàng có câu: "Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phương, em chở mùa hè của tôi đi đâu..." xao xuyến, còn với Thanh Tùng thì mùa xuân gắn liền với hình ảnh chiếc xe đạp giản dị ngày nào, nhưng lại chở đầy tình yêu và mùa xuân, cho dù: nói yêu em là điều khó khăn. Và dù thế bài hát vẫn trong trẻo, tràn ngập niềm tin yêu:

 Em ơi nghe chăng mùa xuân?

Mùa xuân hát ở trong lòng!

Đất nước với sức sống mới

Như chim én bay trên trời cao...

Em ơi nghe chăng tình yêu?

Tình yêu hé nở ban đầu!

Như xuân đang sang mênh mang,

Như con tim yêu thương nồng say...!

   Dù là thời nghèo khó, nhưng tình yêu vẫn vang lên khúc hát thanh xuân, yêu đời sáng trong và dào dạt. Như là sức sống của mùa xuân, luôn chan chứa những dự cảm thiện lành và những ước mơ tươi đẹp, của quê hương đất nước và của cả lứa đôi.

   Điệp khúc vang lên một hồi kết ngân vọng:

   Mùa Xuân lại đến với những tiếng hát bát ngát

Với những con người

Cuộc đời mang tim say trong tương lai

Mùa xuân vẫn còn đang ở lại.

Mùa xuân rất hiền, lặng yên ngồi nghe tôi hát.

Còn em lặng yên ngồi nghe lời tỏ tình của mùa xuân!

   Lời tỏ tình mùa xuân, lời tỏ tình trong ngần, dễ thương và tràn ngập tin yêu. Một lời tỏ tình đã đi qua bao thế hệ những người yêu âm nhạc vẫn còn vang vọng đến hôm nay. Lời tỏ tình mùa xuân vẫn đồng hành với lớp trẻ và không chỉ lớp trẻ, khi tình yêu vẫn vang lên trong trái tim không chỉ một đôi người...

Trích: :"LỜI TỎ TÌNH MÙA XUÂN"

 

PTV: Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 31/01/2023 22:20 Cao Thị Ánh Tuyết 31/01/2023 22:20

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà