Tập cuối ký sự sông Cánh Hòm
Danh mục
Ký sự - Tài liệu
NỘI DUNG
Lời dẫn : KÝ SỰ SÔNG CÁNH HÒM TẬP CUỐI: ĐOẠN CUỐI MỘT DÒNG SÔNG. (Xuân Dũng-Hồng Quân) -Đón xem: ptv đọc Nếu những tập trước chúng ta tìm hiểu trên thực địa sông Cánh Hòm với những cuộc hành trình bắt đầu từ phía nam làng Mai Xá Thị, xã Gio Mai hay từ phía tây từ QL.1A chạy về Gio Mỹ gặp làng Nhĩ Thượng thì đến tập kết này, sẽ từ hướng tây bắc cũng chạy về hướng đông lần theo đoạn cuối của một dòng sông. Nội dung này sẽ được phát sóng vào chủ nhật ngày 26/5, vào lúc 6gh15 và 23g15. Mời quý vị và các bạn đón xem.

KÝ SỰ SÔNG CÁNH HÒM

                           TẬP CUỐI:   ĐOẠN CUỐI MỘT DÒNG SÔNG.

                                                                                           (Xuân Dũng-Hồng Quân)

-Đón xem: ptv đọc

 Nếu những tập trước chúng ta tìm  hiểu trên thực địa sông Cánh Hòm với những cuộc hành trình bắt đầu từ phía nam làng Mai Xá Thị, xã Gio Mai hay từ phía tây từ QL.1A chạy về Gio Mỹ gặp làng Nhĩ Thượng thì đến tập kết này, sẽ từ  hướng tây bắc cũng chạy về hướng đông lần theo đoạn cuối của một dòng sông. Nội dung này sẽ được phát sóng vào chủ nhật ngày 26/5, vào lúc 6gh15 và  23g15. Mời quý vị và các bạn đón xem.

-Lời:

     Nếu những tập trước chúng ta tìm  hiểu trên thực địa sông Cánh Hòm với những cuộc hành trình bắt đầu từ phía nam làng Mai Xá Thị, xã Gio Mai hay từ phía tây từ QL.1A chạy về Gio Mỹ gặp làng Nhĩ Thượng thì đến tập kết này, sẽ từ  hướng tây bắc cũng chạy về hướng đông lần theo đoạn cuối của một dòng sông (tên phim).

   Từ khu vực chợ Kênh thuộc xã Trung Sơn,  đi về xã Trung Hải cũng thuộc huyện Gio Linh. Địa bàn xã này cách huyện Vĩnh Linh về phía bắc bởi con sông Hiền Lương, và ở phía đông thì có con sông Cánh Hòm mà chúng tôi đang lần theo để khảo sát và mô tả. Xã này nằm ở đông bắc huyện Gio Linh cũng là địa bàn nông nghiệp chủ yếu với văn minh lúa nước. Dấu vết con sông Cánh Hòm ở nhiều đoạn vòng vèo là những con nước quen thuộc gắn bó với người dân quê từ bao đời nay chảy quanh co theo những cánh đồng chân quê lấm láp. Trong 6 xã phái đông huyện Gio Linh nằm dọc hành lang con sông Cánh Hòm là Gio Mai, Gio Thành, Gio Mỹ, Gio Phong, Trung Giang và Trung Hải thì Trung Hải là xã cuối cùng và có một vị trí địa lý đặc biệt bởi nằm giữa hai con sông Cánh Hòm và Hiền Lương. Trong dải đồng bằng ven biển phía đông huyện Gio Linh, Trung Hải cũng là một vùng quê lâu đời, với một truyền thống lịch sử-văn hóa đáng kể mà các sinh hoạt tín ngưỡng và đời thường phần lớn dựa vào hai dòng sông đã nói ở trên. Trước khi người Việt đến định cư thì đây là vùng đất thuộc vương quốc Chăm Pa, chứa đựng nhiều trầm tích lịch sử-văn hóa cần được nhận diện một cách đầy đủ trong quá trình khảo sát và phục hiện quá khứ, trong đó có cách lấy nước từ các giếng cổ cũng như cách sống hòa hợp bên các dòng sông của chủ nhân vùng đất này xa xưa. Người Việt đến đây theo những cuộc di dân dưới thời phong kiến đã tiếp thu và dung hợp văn hóa của Chăm Pa để tạo nên bản sắc mới ở một vùng đất cổ, hình thành nên những cộng đồng dân cư thích nghi với lối sống linh hoạt của đồng bằng gần sông và gần biển trên dải đất Gio Linh trong suốt nhiều thế kỷ. Điều này đã được chứng thực khi người dân đã biết dựa vào và tận dụng con sông Cánh Hòm, một con sông bán tự nhiên, nói nôm na là nửa trời sinh, nửa người đào trong hàng trăm năm qua. Một con sông có vai trò quan trọng khi làm trung gian đường thủy nối liền hai con sông lớn của Quảng Trị là sông Thạch Hãn ở phía nam và sông Hiền Lương ở phía bắc. Sự hình thành và phát triển những làng xóm lâu đời ở Trung Hải, đoạn cuối sông Cánh Hòm đã minh định cho lối sống thông minh và uyển chuyển của cha ông trên dải đất này từ ngày xưa cho đến hôm nay, tạo nên những bản sắc làng quê in dấu từ đầu cho đến cuối dòng sông này. Có thể nói đây là một trong những thành tựu mà tiền nhân để lại và đang được hôm nay tiếp sức tô bồi bằng đạo lý phải biết hòa thuận với thiên nhiên, trong đó có các dòng sông để tồn tại lâu dài và hợp lý.

   Trung tâm xã Trung Hải nằm ở thôn Hải Chữ, ở đây cũng có một chiếc cầu bắc ngang dòng sông Cánh Hòm cắt địa hình Trung Hải theo hướng bắc –nam băng qua những cánh đồng, làng xóm của tận cùng huyện Gio Linh ở phía bắc.

    Thôn Hải Chữ và nhiều làng xóm nơi đây đích thực là làng cổ, điều này không chỉ dựa vào các hương ước hay câu chuyện truyền khẩu mà còn căn cứ vào sử sách. Theo thư tịch cổ để lại thì những xã này, theo cách gọi của người xưa ra đời cách đây gần cả ngàn năm, xuất hiện sau cuộc nam tiến của người Việt vào năm 1075 khi nhà Lý phạt Chiêm lần thứ nhất. Trong danh sách các xã sau này gọi là làng có tên Hải Chữ như sách “Ô Châu cận lục” của tác giả Dương Văn An. Chỉ tính riêng huyện Gio Linh sau này đã có gần 40 xã như thế. Hải Chữ có nghĩa là cồn biển nhưng tên cũ trước nữa lại là Thủy Chữ lại có nghĩa là cồn sông.

   Ngay cạnh thôn Hải Chữ là thôn Xuân Long. Theo Đồng Khánh dư địa chí vào thế kỷ 19, đơn vị hành chính của một tổng thuộc huyện Gio Linh bây giờ gồm có như sau. Tổng Xuân Hòa có 14 xã, thôn, phường: An Xuân (phường), Bảo Lộc (phường), Cát Sơn (phường), Cẩm Phổ, Cao Xá, Cương Gián, Hải Chữ, Kênh Môn, Thủy Bạn, Thủy Khê, Vũ Xá, Xuân Hòa, Xuân Mỵ, Xuân Long. Làng quê nơi đây gắn bó với dòng sông Cánh Hòm và dòng chảy của con nước đã tạo nên một điểm nhấn dọc con đường thủy trước khi con sông này gặp sông Hiền Lương rồi cùng nhau ra biển lớn. Toàn cảnh sông nước vùng này cho thấy sự đan xen giữa xóm thôn với ruộng đồng, gắn bó với thủy văn xung quanh. Nhất là từ khi hình thành con đập ngăn mặn giữ ngọt thì vị trí này càng trở nên đáng chú ý trong đoạn cuối cuộc hành  trình của một dòng sông. Những người dân làng và cả quanh vùng từ huyện Vĩnh Linh cũng vào đây câu cá, đánh bắt thủy sản, coi đó vừa là thú vui truyền thống dân dã vốn quen thuộc ở những địa bàn sông nước lại góp phần cải thiện bữa ăn hay thu nhập gia đình. Có thể nói đây là hình ảnh đặc trưng của những cư dân sống gần gũi với dòng sông đầy ắp kỷ niệm trong mỗi đời người hôm sớm, để lại vô vàn những cảm xúc vui buồn qua thời gian năm tháng như con nước vơi đầy của tận cùng Gio Linh-Quảng Trị mà thấy như có bóng dáng của kênh rạch, sông nước phương Nam. Câu chuyện có thể không đầu không cuối nhưng bao giờ cũng rất đáng nhớ và sinh động bởi nó luôn cựa quậy trong đời sống thường nhật, kể cả với những người tuổi tác đã gần đất xa trời.

*Ông Hoàng Xuân Lương, thôn Xuân Long, Trung Hải, Gio Linh, nói

 Sông Cánh Hòm cũng chảy dọc qua ruộng đồng, làng xóm Xuân Long cũng làm nên một nét quê ở một nơi nằm giữa hai con sông đáng nhớ. Nhà cửa, ruộng vườn, đường sá Xuân Long hôm nay. Nhưng nếu nhắc lại sau lưng làng quê này là dòng sông Hiền Lương và trước mặt là dòng sông Cánh Hòm thì lịch sử sẽ là cuốn phim quay chậm khi ngược lại thời gian về những tháng năm chinh chiến trường kỳ vừa qua để thống nhất non sôn. Chính những người dân ở đây đã tiếp lương, tải đạn, chở thương binh theo dòng sông Cánh Hòm từ Vĩnh Linh, Gio Linh vào với chiến trường ác liệt, trong đó có Thành Cổ Quảng Trị. Câu chuyện từ khoảng nửa thế kỷ trước lại kết nối với hôm nay ngay giữa làng quê duyên nợ với dòng sông Cánh Hòm từ hàng trăm năm trước.

*Bà Hoàng Thị Chẩm, nt, nói

   Vùng quê này vẫn nuôi dưỡng nhiều ước mơ như phù sa con nước dâng hiến cho ruộng đồng, thôn xóm thắp lên nhiều hy vọng xanh tươi của những con người hiền lành như đất, luôn khao khát đắp xây để cuộc đời ngày một sáng tươi trong vận hội mới của quê nhà.

*Bà Hoàng Thị Chẩm, nt, nói

   Ở địa bàn xã Trung Hải còn giữ nguyên vẹn một làng chài có tên là Bách Lộc, nằm bên cạnh sông Cánh Hòm từ nhiều đời nay. Bách Lộc còn có tên trước kia là Bạch Lộc, tên chính thức bây giờ được khai sinh từ năm 1910, nghĩa là cách đây hơn một thế kỷ. Một làng quê sông nước đã từng tồn tại và nương tựa dòng sông trải qua những vật đổi sao dời nhưng vẫn gần như vẹn nguyên cho đến hôm nay. Những người dân ở đây vẫn thủy chung với nghề chài lưới, với những con thuyền nhỏ bé nhưng bền bỉ theo thời gian như những vật gia truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi lần họ ra sông với con thuyền là mỗi lần họ được tắm mình trong không gian thoáng đãng, là mỗi lần họ được quyền gieo hy vọng trên những vật dụng đánh bắt cá tôm cho cuộc mưu sinh của những cư dân vạn chài chân chất như chính đất và nước của quê nhà.

   Theo chân người dân Bách Lộc trên những con thuyền, bạn sẽ thấy cuộc đời vừa quen vừa lạ và nhiều điều thú vị của sông nước Cánh Hòm mở ra trước mắt, giúp cho những trải nghiệm có vẻ bình thường nhưng ẩn chứa báo điều sâu sắc, có giá trị như nhưng bài học nhân sinh mà không có sách vở nào nói hết được. Ông thầy thiên nhiên dân dã vẫn là vị sư phụ đạt đạo nhưng rất ít lời, thậm chí vô ngôn. Theo con thuyền Bách Lộc, bạn sẽ ra đến ngã ba sông Cánh Hòm gặp sông Hiền Lương, để Gio Linh chạm được Vĩnh Linh giữa trời nước mênh mang, mở ra những tầm nhìn để xóa đi những hữu hạn thường ràng buộc nhân sinh như những niêm luật sống hàng ngày. Thì ra sông gặp được sông cứ như người gặp được người, bạn bè thâm giao lại có dịp cầm tay tri kỷ. Thiên nhiên cũng có những mối tình bền chặt, không ồn ào nhưng chính nó đã tạo đà cho mỗi con người, cho nhiều con người được có dịp khám phá chính mình và người khác, được sống và cảm nhận đầy đủ hơn hạnh phúc và cả những khổ đau của mỗi phận người, nhìn thấy những góc khuất và cả những điều mới lạ từ bà mẹ tạo hóa vĩ đại mà khiêm nhường vô tận.

*Anh Trần Văn Sắt, thôn Bách Lộc, Trung Hải, Gio Linh, nói

   Rời xã Trung Hải, chúng tôi đi vòng ra huyện Vĩnh Linh để có thể quan sát đoạn cuối của dòng sông Cánh Hòm gặp sông Hiền Lương từ một hướng khác. Vì như vậy sẽ có cái nhìn đa diện, đa chiều về hành trình của một dòng sông có số phận khá lạ kỳ trên vùng quê Quảng Trị. Từ phía bắc con sông Hiền Lương nổi tiếng cả thế giới có thể nhìn thấy ngã ba, nơi mà con sông Cánh Hòm gặp con sông Hiền Lương, để rồi hòa chung dòng nước chạy ra biển Cửa Tùng, gặp Biển Đông mênh mông. Cả một vùng trời nước, đất đai trải dài trong tầm mắt con người như thể muốn gởi một thông điệp thiên nhiên đến với con người. Rằng hãy yêu quý, giữ gìn những dòng sông như bảo vật truyền đời vô giá để có thể chung sống hòa thuận với thiên nhiên. Đó cũng là đạo lý trên thuận lẽ trời, dưới hợp lòng người mà cuộc sống hối hả hôm nay, nhiều khi nhân danh văn minh mà con người lãng quên ngoại vật quanh mình. Bài học từ câu chuyện dòng sông Cánh Hòm chắc chắn còn nhiều trang chưa viết hết lên trên mặt đất quê nhà nhưng chắc chắn sẽ vô cùng hữu  ích nếu chúng ta biết cách lắng nghe và cảm nhận.

   Hy vọng ký sự này như là một tham chiếu về dòng sông Cánh Hòm từ đoạn khởi phát đầu tiên cho đến dấu chấm hết sau cùng. Chúng ta đã đi qua nhiều làng mạc,ruộng đồng, rừng cây, con nước dọc theo hành trình của một dòng sông. Phải đi, tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm. Bởi vì dòng sông cũng như con người, có lúc thì phát lộ hiển hiện, rõ ràng như ban ngày, có lúc lại ẩn mình như hàm chứa nhiều điều chưa muốn nói. Dòng sông lặng lẽ chảy sâu vào lòng đất, lòng người với hình dạng mỗi nơi một khác. Nhưng cho dù là thế nào đi nữa thì qua chuyến điền dã này vẫn có thể khẳng định thêm một lần là : sông Cánh Hòm không phải là con sông chết như nhiều người nhầm lẫn, dù rằng việc đi lại không thông đồng bén giọt như xưa kia. Nó vẫn khẳng định sự hiện diện sinh động của mình trên vùng quê Gio Linh trong mỗi ngày đã qua và những ngày ngày đang đến.

   Tạm biệt dòng sông Cánh Hòm, tạm biệt những thôn xóm, ruộng vườn dọc đường đi của ký sự này. Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc hành trình với những trải nghiệm mới, nhưng chắc chắn một điều trong hành trang tình cảm của mình, trong kinh nghiệm sống đã qua với những kỷ niệm không dễ gì khuất lấp, vẫn còn hình bóng và âm vang con nước của một dòng sông có tên gọi: Cánh Hòm.

  

 

  

  

      

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 16/05/2019 10:18 Lê Vĩnh Nhiên 20/11/2019 07:11
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà