Cùng nông dân bàn cách làm giàu 23-5
Danh mục
Cùng nông dân bàn cách làm giàu
NỘI DUNG

Cùng nông dân bàn cách làm giàu

MC1: Kính chào bà con và các bạn! rất vui khi được gặp lại bà con và các bạn trong chương trình cùng nông dân bàn cách làm giàu tuần này.

Bà con và các bạn thân mến! Tưới nhỏ giọt là một trong những hình thức ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp với nhiều ưu điểm vượt trội như tiết kiệm nước, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất,... nâng cao năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng nông sản và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất.

MC2: Tại tỉnh ta, công nghệ tưới nhỏ giọt đang được nông dân của các huyện, thành phố ứng dụng rộng rãi, bước đầu khẳng định thành công, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Chuyên mục cùng nông dân bàn cách làm giàu hôm nay sẽ giới thiệu đến bà con và các bạn hiệu quả của các mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, mời bà con và các bạn cùng theo dõi.

Nhạc cắt

Hiệu quả của việc ứng dụng tưới nhỏ giọt trong cây trồng ở Quảng Trị

          MC1: Bà con và các bạn thân mến! Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm giảm bớt chi phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Do đặc thù của khí hậu địa phương vào mùa hè thường xuất hiện hạn hán nên công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước được nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tìm tòi, lựa chọn, thực hiện áp dụng trên cây trồng cạn. Đây là công nghệ tưới hiện đại ít tốn công lao động, tiết kiệm nước, đem lại hiệu quả kinh tế.

MC2: Tưới nhỏ giọt là kỹ thuật tưới cung cấp nước vào rễ cây dưới dạng các giọt nước nhỏ ra chậm với lưu lượng không đổi nhờ các cơ chế đều tiết áp lực nước của các đầu nhỏ giọt gắn chìm trong ống dẫn hay lắp bên ngoài ống.
Đến nay, hệ thống tưới nhỏ giọt là biện pháp tưới tiêu tiết kiệm nước nhất, giảm đến 30-60% nước so với phương pháp tưới truyền thống. Nông dân có thể cung cấp nước, phân bón đến đúng vùng rễ tích cực với liều lượng nhỏ, vừa đủ để cây trồng hấp thu hết thông qua hệ thống máy bơm, van, đường ống dẫn nước, đường ống nhỏ giọt, và hiện đại hơn là kết nối với hệ thống máy tính kiểm soát.

MC1: Để có hệ thống tưới nhỏ giọt đạt yêu cầu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nó phải là một hệ thống vận hành một cách tinh tế và “cảm nhận” được sự lớn lên, phát triển từng ngày cho mỗi loại cây trồng, đặc biệt là các loại cây ngắn ngày, và phải cung cấp nước tưới và phân bón thích hợp nhất để đạt kết quả vụ mùa như mong muốn của nhà nông. Ưu điểm dễ nhận thấy khi ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vào canh tác rau và hoa trong nhà kính, là người nông dân có thể tiết kiệm được từ 30 đến 50% lượng nước tưới, tiết kiệm đến 30% chi phí phân bón, tiết kiệm công chăm sóc, làm cỏ, bón phân. Thông qua hệ thống này, việc duy trì độ ẩm phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây cũng được thuận tiện và chính xác hơn rất nhiều so với phương pháp tưới khác. Như vậy nhìn một cách tổng thể, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt này sẽ giúp người nông dân nâng cao mật độ canh tác, tăng năng suất, và quan trọng hơn là chất lượng nông sản luôn được đảm bảo qua việc quản lý được dinh dưỡng cây trồng.

MC2: Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vào canh tác sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tố hơn cho sản xuất nông nghiệp. Mặc dù phải bỏ tiền đầu tư một lần trong khi nhiều lúc giá nông sản cao thấp thất thường, tuy nhiên hiểu rõ được lợi ích của việc ứng dụng công nghệ vi tưới, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã và đang đầu tư từng bước hệ thống tưới nhỏ giọt. Có thể kể đến ở đây là hệ thống tưới nhỏ giọt được áp dụng trên cây tiêu.

Từ trước đến nay, để tưới cho cây tiêu, người trồng tiêu trong tỉnh Quảng Trị thường áp dụng biện pháp tưới thủ công truyền thống. Kỹ thuật này tương đối đơn giản, sử dụng vòi tưới bằng tay để tưới vào gốc tiêu đến khi đủ nước. Phương pháp này tốn công chăm sóc (tưới, bón phân), sử dụng nhiều thuốc BVTV, nước, điện trong khi năng suất thường thấp và không ổn định. Hiện nay, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về công nghệ tưới nhỏ giọt của Netafim, Israel, một số hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh bắt đầu tiếp cận và áp dụng công nghệ này. Đây là công nghệ tưới có nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt là có thể gia tăng năng suất và chất lượng tiêu, giảm nhiều công chăm sóc và có thể kết hợp bón phân, phun thuốc. Những kết quả đạt được bước đầu từ việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã cho thấy công nghệ này đem lại hiệu quả cao đối với người trồng tiêu.

 

MC1: Anh Nguyễn Đức Phương, một nông dân trồng tiêu ở thôn Hương Bắc, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh đã sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cây hồ tiêu của mình được hơn 2 năm. Với diện tích 1 ha, anh Phương đầu tư 60 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho hơn 1.000 gốc tiêu. Anh cho biết trước đây, khi tưới nước cho tiêu với phương pháp tưới thủ công truyền thống, anh phải xoay vòng tưới liên tục hằng ngày. Chuyển sang áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, mỗi lần tưới chỉ 4 giờ/ha. Theo anh, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm được 50% lượng nước tưới, 40 % lượng phân hóa học NPK, giảm 80-90% công tưới nước và bón phân, trong khi năng suất hồ tiêu tăng hơn 40% so với tưới tràn.

 

MC2: Không chỉ áp dụng cho cây hồ tiêu, hiện nay mô hình tưới nhỏ giọt đã được các hộ dân áp dụng cho các loại cây khác. Hộ chị Lê Thị Liên, ở thôn Xuân Mai, xã Gio Bình, huyện Gio Linh hiện đang áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt trên 4 sào tiêu và 1 sào cỏ voi để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi bò. Trước đây khi chưa áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, gia đình chị thu được trung bình 7 tạ tiêu/năm. Sau khi áp dụng công nghệ này, năng suất hằng năm đạt trung bình khoảng 10 tạ tiêu/năm (tăng 40 - 50%). Chị Liên cho biết, khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, việc bón phân cho tiêu cũng tương đối dễ dàng, tiết kiệm nhân công, chỉ cần hòa tan phân và cho vào hệ thống tưới, với cách bón phân này đã nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón, cây hấp thụ chất dinh dưỡng dễ dàng và đều đặn đến vùng hoạt động của bộ rễ thông qua nước tưới. Phương pháp tưới và bón phân này đảm bảo độ ẩm và lượng chất dinh dưỡng luôn cung cấp ổn định nên cây hồ tiêu sinh trưởng tốt, nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm, đặc biệt hạn chế tình trạng sâu bệnh. Chị cho biết thêm, hệ thống khá bền, ít hỏng, chi phí thấp, không phức tạp nên rất dễ vận hành, trong thời gian tới sẽ nhân rộng trên toàn bộ vườn tiêu của gia đình.

 

MC1: Với chi phí đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây tiêu bình quân 40 - 60 triệu đồng/ha tuỳ theo quy mô, địa hình và kích thước của vườn tiêu, chỉ sau 1 đến 2 năm sử dụng, người trồng tiêu đã có thể thu hồi được tiền đầu tư hệ thống tưới qua việc tăng năng suất, giảm chi phí nhân công tưới nước bón phân, giảm chi phí tiền điện hay tiền dầu chạy máy bơm tưới, giảm chi phí đầu tư phân bón, thuốc BVTV. Việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây tiêu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc tăng thu nhập người trồng tiêu cũng như tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới và có nhiều triển vọng mở rộng việc áp dụng công nghệ này.

 

MC2: Có thể khẳng định, lợi ích thiết thực của hệ thống tưới nhỏ giọt là nhu cầu về nước thấp; hệ thống có thể vận hành thường xuyên; giảm sự rửa trôi hóa chất vào môi trường; hạn chế sự xói mòn đất; giảm chi phí vận hành; làm cho độ ẩm đất đồng đều và luôn đạt ở mức tối ưu cho cây trồng; làm cho vùng rễ tơi xốp, tăng khả năng hô hấp của rễ nên tăng hiệu quả hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây, phát triển mạnh khối lượng rễ tích cực; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm chi phí đầu tư công lao động, phân bón, tăng hiệu quả kinh tế. Ngoài sử dụng để tưới nước còn sử dụng cho việc bón phân. Việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước vào qui trình canh tác trên cây trồng cạn có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho các cây trồng cạn ở tỉnh Quảng Trị chỉ mới các hộ gia đình có điều kiện về nguồn vốn và khả năng tiếp cận kỹ thuật tốt áp dụng. Để nhân rộng mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh, cần có sự quan tâm của các ban, ngành liên quan trong việc hỗ trợ vốn cho nông dân, cũng như chuyển giao tập huấn kỹ thuật thiết kế xây dựng, nhằm góp phần thích ứng với tình trạng hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra. Việc ứng dụng hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến như tưới nhỏ giọt vào sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nhạc cắt

Quảng Trị: Triển khai mô hình tưới nhỏ giọt cho cây cam trồng mới

MC1: Bà con và các bạn thân mến! Hiện nay tình trạng khô hạn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang tác động rất lớn đến sự sinh trưởng phát triển của cây trồng nói chung và cây cam nói riêng. Vì vậy, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để cung cấp nước cho cây cam nhằm giảm bớt chi phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu là rất cần thiết.

Nhằm đưa những tiến bộ kỹ thuật về tưới nước tiết kiệm vào canh tác cây cam, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, đem lại lợi nhuận cho người sản xuất; Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai thực hiện mô hình “Tưới nhỏ giọt cho cam trồng mới”. Đây là một hoạt động trong chuỗi dự án “Xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cam, bưởi an toàn gắn với chuỗi giá trị tại các tỉnh miền Trung” thuộc chương trình khuyến nông Trung ương.

MC2: Mô hình được triển khai với quy mô 2 ha tại thôn Cam Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ và thôn 1B, xã Hải Thái, huyện Gio Linh với 05 hộ tham gia. Trong quá trình triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã tiến hành các hoạt động: tập huấn, hỗ trợ vật tư, vận hành sử dụng, theo dõi, kiểm tra định kỳ, tổ chức tham quan hội thảo. Qua hơn 2 tháng triển khai trồng đến nay các cây trồng đã bắt đầu thích ứng trên vùng đất mới.

Mô hình được triển khai trên diện tích 5 ha với 5 hộ tham gia. Tham gia mô hình Anh Lê Văn Trung thôn thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng,  huyện Triệu Phong cùng như các hộ hưởng lợi khác đã được trung tâm khuyến nông hỗ trợ 110% giống, 30% vật tư phân bón ngoài ra trong quá trình thược hiện mô hình cán bộ kỷ thuật trung tâm thường xuyên tham gia chỉ đạo các hộ dân tất cả các khâu trong trong quy trình kỷ thuật. Anh Lê Văn Trung - thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng,  huyện Triệu Phong cho biết:

Băng ghi âm

MC1: Được biết, hiện nay cây cam hiện đang là loại cây cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân 250 – 400 triệu đồng/ha.mục tiêu ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học trong đó có áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để xây dựng vườn Cam sạch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng góp phần phát triển cây Cam trên địa bàn tỉnh theo hướng an toàn, bền vững. Qua quá trình triển khai vườn cam trồng mới áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho tỉ lệ cây sống cao (trên 95%), cây sinh trưởng phát triển tốt. Kỹ sư Nguyễn Cữu Tuấn – Trung tâm khuyến nông Quảng Trị cho biết thêm:

Băng ghi âm

MC2: Việc triển khai mô hình sẽ nâng cao ý thức của người dân trong việc trồng, chăm sóc vườn cam so với lối canh tác cũ. Đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có năng suất chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp thị trường, theo hướng liên, doanh liên kết góp phần tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng. Góp phần đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng nền nông nghiệp phát triển hiện đại, bền vững.

Nhạc cắt

HIỆU QUẢ MÔ HÌNH TRỒNG LẠC

ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ TƯỚI TIẾT KIỆM

MC1: Thưa bà con và các bạn! Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp thì việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản suất đặc biệt được coi trọng. Vụ Đông Xuân 2018-2019, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai mô hình trồng lạc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng sản xuất hàng hóa tại xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ. Hiện nay mô hình đã đến thời kỳ thu hoạch và mang lại những kết quả rất khả quan.

MC2: Ông Nguyễn Đình Lợi thôn Phú Ngạn, xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ có 6 sào đất màu tại xứ đồng Chăm thôn Phú Ngạn, vụ Đông Xuân năm nay gia đình ông tham gia vào chương trình dự án cải thiện nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên cây lạc với diện tích 3 sào. Theo đó, để phục vụ cho việc gieo trồng lạc, dự án đã xây dựng cơ sở hạ tầng tưới phục vụ cho ruộng mô hình khi thời tiết khô hạn. Giống lạc chương trình đưa vào sử dụng là L14 giống có thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng rộng, tỷ lệ nhân cao. Lạc được bố trí gieo trồng với khoảng cách 22cm x 10cm x 1 hạt/hốc (tương đương 45 cây/m2). Trong quá trình gieo cấy lạc đã ứng dụng cơ giới hóa bằng máy gieo hạt MGH-1. Kết quả trên ruộng lạc mô hình, năng xuất và chất lượng lạc đều cao hơn so với trồng đại trà, với 3 sào lạc trong chương trình này sẽ cho ông  thu nhập cao hơn 1.500.00 đồng so với 3 sào trồng bên ngoài mô hình. Ông Nguyễn Đình Lợi chia sẻ:

P/v ông Nguyễn Đình Lợi – thôn Phú Ngạn, xã Cam Thanh, Cam Lộ

MC1: Mô hình trồng lạc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng hàng hóa được triển khai tại HTX Thanh Sơn, thôn Phú Ngạn, xã Cam Thanh có 47 hộ tham gia với diện tích 10,68 ha. Tham gia mô hình các hộ đã được hỗ trợ 100% giống lạc L14 đảm bảo phẩm cấp và chế phẩm vi sịnh, 30% phân bón nhả chậm và một phần kinh phí để mua máy gieo lạc.

Ngoài ra khi tham gia mô hình các hộ dân đã nắm bắt được các kỹ thuật mới như sử dụng chế phẩm trichoderma nhằm gia tăng lượng vi sinh vật có ích trong đất, cải tạo đất; sử dụng đạm ure hạt vàng 46a+ thay thế ure thông thường nhằm giảm thất thoát phân bón và tăng hiệu quả sử dụng phân cho cây lạc.

 Việc triển khai mô hình trồng lạc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng hàng hóa đã đạt được kết quả rất khả quan, đặc biệt là việc nâng cao mật độ cây lạc một cách hợp lý và sử dụng hệ thống tưới đã đảm bảo năng xuất cũng như hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, năng suất của ruộng lạc mô hình đạt 25 tạ/ha cao hơn ruộng đại trà 3 tạ/ha. Ông Nguyễn Thanh Oai – PGĐ HTX Thanh Sơn xã Cam Thanh huyện Cam Lộ cho biết:

P/v ông Nguyễn Thanh Oai - PGĐ HTX Thanh Sơn, xã Cam Thanh, Cam Lộ

Việc triển khai mô hình trồng lạc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm đã mang lại hiệu quả so với sản xuất truyền thống trên cả 3 mặt hiêu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế và hiệu quả về mặt xã hội. Thông qua mô hình bà con nông dân đã được tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng vào sản xuất đại trà trong thời gian tới, nhằm mang lại hiệu quả ngày càng cao.

Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 22/05/2019 07:48 Lê Vĩnh Nhiên 04/06/2019 14:24
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà