Sức khỏe và đời sống 11 8 2019 – Biến chứng tiểu đường và những điều cần biết
Danh mục
Sức khỏe và đời sống
NỘI DUNG
Lời dẫn : Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi gặp lại quý vị và các bạn trong chuyên mục Sức khỏe đời sống, chương trình đang được phát trên tần số 92,5Mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Quý vị và các bạn có thể nghe lại chương trình trên địa chỉ trang web www.quangtritv.vn Chị Như Quỳnh này, cách đây cũng khá lâu, trong chương trình Sức khỏe đời sống, chị còn nhớ chúng ta đã từng tuyên truyền về bệnh tiểu đường không? Vâng, đúng rồi, trong chương trình đó chúng ta đã giới thiệu rõ về triệu chứng, điều trị và các phòng bệnh tiểu đường như thế nào. Tuy nhiên có một vấn đề mà các bệnh nhân cần biết để chủ động phòng ngừa các biến chứng do bệnh tiểu đường xảy ra mà chúng ta chưa nêu rõ cho bệnh nhân. Tiểu đường hiện đang là một căn bệnh xã hội và ngày một phổ biến. Những biến chứng từ bệnh tiểu đường cũng rất nguy hiểm nếu bệnh nhân không biết để phòng tránh. Trong chương trình Sức khỏe đời sống hôm nay, chúng tôi giành phần lớn thời lượng giới thiệu đến quý vị và các bạn những điều cần biết về biến chứng của bệnh tiểu đường. Phần cuối chương trình, mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu một số thông tin về bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng để nhận biết và điều trị. Mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Sức khỏe và đời sống – Biến chứng tiểu đường và những điều cần biết

Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi gặp lại quý vị và các bạn trong chuyên mục Sức khỏe đời sống, chương trình đang được phát trên tần số 92,5Mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Quý vị và các bạn có thể nghe lại chương trình trên địa chỉ trang web www.quangtritv.vn

Chị Như Quỳnh này, cách đây cũng khá lâu, trong chương trình Sức khỏe đời sống, chị còn nhớ chúng ta đã từng tuyên truyền về bệnh tiểu đường không?

Vâng, đúng rồi, trong chương trình đó chúng ta đã giới thiệu rõ về triệu chứng, điều trị và các phòng bệnh tiểu đường như thế nào. Tuy nhiên có một vấn đề mà các bệnh nhân cần biết để chủ động phòng ngừa các biến chứng do bệnh tiểu đường xảy ra mà chúng ta chưa nêu rõ cho bệnh nhân.

Tiểu đường hiện đang là một căn bệnh xã hội và ngày một phổ biến. Những biến chứng từ bệnh tiểu đường cũng rất nguy hiểm nếu bệnh nhân không biết để phòng tránh. Trong chương trình Sức khỏe đời sống hôm nay, chúng tôi giành phần lớn thời lượng giới thiệu đến quý vị và các bạn những điều cần biết về biến chứng của bệnh tiểu đường. Phần cuối chương trình, mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu một số thông tin về bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng để nhận biết và điều trị. Mời quý vị và các bạn cùng nghe.

 

Nhạc cắt

Bài 1 – Những biến chứng khi bị tiểu đường

Thưa quý vị và các bạn! Bệnh tiểu đường hiện đang là một trong những bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ gia tăng cao ở Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Và những biến chứng do bệnh tiểu đường gây là rất nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Trong bài viết sau của PV Nguyên Bảo, chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý vị và các bạn những biến chứng thường gặp khi bị tiểu đường. Mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Ông Trần Văn Ninh ở thôn An Lộng, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong bị bệnh tiểu đường đã 17 năm nay. Sống chung với bệnh tật, ông Ninh phải đến cơ sở y tế để lấy thuốc uống hàng ngày. Nhưng do biến chứng của bệnh, ông thường xuyên vào viện để điều trị. Trước đây do tiểu đường gây biến chứng nên làm cho mắt ông bị mờ, sau thời gian điều trị hai mắt đã đỡ hơn trước. Lần nặng nhất gần đây là ông bị biến chứng suy thận mạn, người bị phù, xuất huyết đường tiêu hóa và bị gout. Đi lại, ăn uống khó khăn nên sức khỏe của ông Ninh ngày một giảm dần. Sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ điều trị, bệnh tình của ông đã đỡ hơn nhiều. Tuy nhiên, để hồi phục sức khỏe như cũ thì quả là một điều khó khăn với ông Ninh. Ông Ninh chia sẻ thêm:

Trích băng:

Biến chứng từ tiểu đường sang suy thận, xuất huyết tiêu hóa không chỉ gặp ở ông Ninh mà còn thấy ở nhiều bệnh nhân khác.

Còn với ông Ngô Ngọc Hồng ở xã Trung Hải, huyện Gio Linh thì bị tiểu đường đã gây ảnh hướng đến thần kinh và hạ đường huyết. Tiểu đường đã gây cho ông bị chóng mặt, xuất huyết não nên phải nhập viện cấp cứu. Sau khi vào viện, ông đã tỉnh và ăn uống được nhưng lại bị liệt không dậy được. Bà Ngô Thị Huế, con gái ông Hồng cho biết thêm:

Trích băng:

Biến chứng bệnh tiểu đường có 2 nhóm chính là biến chứng cấp tính và mạn tính. Biến chứng cấp tính là những biến chứng xảy ra đột ngột trong thời ngắn, rất dễ gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay người bệnh tiểu đường ít tử vong vì dạng biến chứng này mà chủ yếu tử vong vì các biến chứng mạn tính. Biến chứng thường gặp ở bệnh nhân bị tiểu đường đó là bệnh về tim mạch, bệnh võng mạc tiểu đường, biến chứng thần kinh, bệnh thận do tiểu đường, biến chứng bàn chân, bệnh về da và hạ đường huyết.Như vậy, tiều đường gây biến chứng đến mọi các cơ quan trong cơ thể. Người bệnh tiểu đường có thể bị biến chứng tim mạch ngay tại thời điểm chẩn đoán hoặc sau vài năm mắc bệnh. Đó có thể là bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim hay nguy hiểm hơn như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Nghiên cứu cho thấy có khoảng 65% người tiểu đường tử vong vì biến chứng này.Võng mạc cũng là cơ quan dễ bị biến chứng vì nơi đây tập trung rất nhiều mạch máu nhỏ cũng như dây thần kinh thị giác. Ban đầu, đường huyết cao có thể chỉ làm một số mạch máu bị xuất huyết. Nhưng nếu quá trình này tiếp diễn, có thể khiến võng mạc bị bong, rách gây mù lòa.Biến chứng mắt của bệnh tiểu đường có thể gây mù lòa nếu không điều trị sớm.Biến chứng mắt của bệnh tiểu đường có thể gây mù lòa nếu không điều trị sớm.

Đặc biệt, bệnh thận là bệnh dễ gặp nhất với bệnh nhân bị tiểu đường. Lượng đường trong máu cao gây tổn thương tới hàng triệu vi mạch (mạch máu nhỏ) tại thận, làm suy giảm chức năng lọc, bài tiết của thận, nặng hơn là dẫn đến suy thận phải chạy thận nhân tạo hoặc thay thận.

Ngoài ra, bệnh về da, hạ đường huyết cũng là những hiểu hiện dễ nhận thấy khi bệnh nhân bị bệnh tiểu đường biến chứng. Làm gì để nhận biết và chủ động phòng ngừa biến chứng ở tiểu đường, chúng tôi sẽ chuyển đến quý vị và các bạn trong ít phút nữa./.

Nhạc cắt

Bài 2 – Chủ động phòng tránh và điều trị biến chứng tiểu đường

Thưa quý vị và các bạn! Bệnh tiểu đường, dù là type 1 hay type 2 đều có thể gây ra các biến chứng trên tim mạch, bàn chân, suy thận, mù lòa và nhiều rủi ro khác. Tuy nhiên, bằng cách kiểm soát tốt đường huyết, kiểm soát các bệnh cơ hội (tăng huyết áp, mỡ máu) và phòng ngừa sớm biến chứng, bạn có thể chung sống hòa bình với căn bệnh này. Trong bài viết sau, Pv Nguyên Bảo đã có dịp tìm hiểu qua chia sẻ của bác sĩ Đỗ Quang Vinh, Phó khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Để phòng ngừa biến chứng cấp tính và mạn tính của bệnh tiểu đường, người bệnh cần ổn định được đường huyết và cân bằng lại các rối loạn chuyển hóa. Bởi ổn định đường huyết chỉ giúp phòng biến chứng cấp tính và bảo vệ vi mạch. Nếu kết hợp với cân bằng rối loạn chuyển hóa mới phòng được các biến chứng mạch máu lớn và thần kinh khác. Một số giải pháp giúp phòng ngừa biến chứng cấp tính và mạn tính của tiểu đường bao gồm: ăn uống đúng cách: cần tạo thói quen ăn uống đa dạng, trong đó chỉ ¼ là thực phẩm chứa tinh bột, ¼ cho thịt cá và ½ là rau xanh. Ngoài ra, nên ăn rau luộc vào đầu bữa, ăn đúng giờ giấc và tránh bỏ bữa sáng.

Và phối hợp tốt với bác sỹ cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân phòng ngừa được biến chứng tiểu đường. Đặc biệt, người cán bộ y tế phải có y đức, chuyên môn mới chọn ra phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Bác sĩ Đỗ Quang Vinh, Phó khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết thêm:

Trích băng:

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tập thể dục đều đặn, vì không chỉ giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh mà còn làm giảm đề kháng lnsulin – nguyên nhân chính gây tăng đường huyết sau ăn. Không bỏ tập thể dục quá 2 ngày liên tiếp hoặc ngồi lâu liên tục > 90 phút. Cùng với đó, cần hạn chế thuốc lá, rượu bia, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng, thăm khám định kỳ hay chăm sóc bàn chân mỗi ngày đều có tác dụng giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng ở người tiểu đường. Bác sĩ Đỗ Quang Vinh, Phó khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị khuyến cáo thêm:

Trích băng:

Hi vọng rằng, với những chia sẻ của bác sĩ Đỗ Quang Vinh và của những người thực hiện chương trình sẽ giúp người bệnh đái tháo đường hiểu rõ về những biến chứng và có cách phòng ngừa tốt nhất, đảm bảo sức khỏe cho chính mình./.

Nhạc cắt

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Thưa quý vị và các bạn! Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một trong những căn bệnh phổ biến hiện nay, bệnh để lại nhiều hậu quả, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt thường ngày. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là hiện tượng bao xơ bên ngoài đĩa đệm thoái hóa hoặc chịu tác động tiêu cực dẫn đến bị rách khiến khối nhân nhầy theo vết nứt của vòng sợi thoát ra khỏi vị trí bình thường, chèn ép ống sống, rễ thần kinh gây đau đớn. Thoát vị đĩa đệm cột sống là nguyên nhân chính gây đau cột sống thắt lưng, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ lấy đi khả năng hoạt động và gây biến dạng cột sống. Bài viết của CTV Nguyên Hương, mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Chúng ta có thể nhận biết hiện tượng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thông qua 1 số biểu hiện như: Đau nhức tại vùng bị thoát vị đĩa đệm: xuất hiện những cơn đau nhức, có thể lan sang cánh tay, mông và chân dọc theo dây thần kinh khiến người bệnh vô cùng khó chịu, đứng ngồi không yên. Cơn đau có thể kéo dài liên tục và theo từng đợt. Đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Gây đau dây thần kinh liên sườn: đau tăng khi nằm nghiêng, ho. Bệnh nhân sẽ thấy đau vùng cột sống lưng, tê, mất cảm giác từng vùng ở mông, chân, bàn chân, trường hợp nặng có thể bị liệt. Đau vùng cột sống lưng: đau lan theo hình vòng cung ra phía trước ngực, dọc theo khoang liên sườn: đau, tê, mất cảm giác từng vùng ở mông, chân, bàn chân, nếu không hỗ trợ điều trị sớm sẽ gây biến chứng liệt. Xuất hiện các cơn đau khi cúi người, ho hoặc hắt hơi. Người bệnh khi ngồi, đứng hoặc nằm sấp quá lâu cũng gặp những cơn đau. Ngoài ra, người bệnh còn gặp phải những cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội từ thắt lưng xuống khu vực mông và một trong hai mặt chân do đĩa đệm thoát vị ở cột sống thắt lưng chèn ép lên dây thần kinh. Nghiêm trọng hơn, người bệnh còn có thể bị rối loạn đại tiện tiểu tiện, rối loạn cương dương. Bà Lê Thị Thủy, ở thành phố Đông Hà bị bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng nhiều năm nay cho biết:

Trích băng:

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, trong số đó có 1 số nguyên nhân chính như: chấn thương cột sống, do bệnh lý về cột sống, thừa cân, béo phì, do tuổi tác: Khi tuổi cao, đĩa đệm bị mất dần nước, dưỡng chất và trở nên khô. Từ đó, vòng bao xơ bên ngoài nhân nhầy bị thoái hóa, bên trong nhân nhầy sẽ phình ra. Khi đĩa đệm ngày càng suy yếu, sẽ làm tăng áp lực lên cột sống, các nhân nhầy bên trong có thể sẽ bị vỡ ra và được xem là thoát vị đĩa đệm.

Điều trị thoát vị đĩa đệm hiện nay chủ yếu là nội khoa, như sử dụng thuốc giảm đau, chống co thắt cơ vân, chống viêm.... Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ khám sẽ chỉ định thuốc, bạn không nên tự mua thuốc để điều trị, bởi hầu hết các loại thuốc trị bệnh này đều có tác dụng phụ bất lợi cho một số trường hợp có kèm theo bệnh hen suyễn, dạ dày, tăng huyết áp... Ngoài ra, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể áp dụng điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu như xoa bóp, dùng sóng radio cao tần, laser, bấm huyệt... Nếu bệnh nặng không thể điều trị nội khoa, bác sĩ có thể điều trị ngoại khoa nhưng hạn chế tùy theo sức khỏe bệnh nhân. Nếu không được điều trị đúng, sớm thì thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng. Thường gặp nhất là hiện tượng chèn ép dây thần kinh tọa và rễ thần kinh, gây nên đau nhức, buốt vùng mông, lan dọc theo đùi xuống cẳng chân, ngón chân, mu bàn chân. Nặng nề hơn, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể gây gây liệt, tàn phế, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh cũng như gia đình, xã hội. Tiến sĩ- Bác sĩ Ngô Tiến Minh, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương- Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết:

Trích băng:

Những người mắc thoát vị đĩa đệm ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và hiệu quả lao động. Thoát vị đĩa đệm có thể xảy đến ở nhiều vị trí khác nhau của cột sống (cột sống cổ, lưng, thắt lưng, cùng cụt...), nhưng thắt lưng là hay gặp nhất.Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng để lâu sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại, thậm chí bại liệt suốt đời. Chính vì vậy, khi có biểu hiện của bệnh lý, cần đến ngay các cơ sở y tế để chẩn đoán và tìm hướng điều trị đúng cách.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Bảo 09/08/2019 07:22 Lê Vĩnh Nhiên 19/08/2019 09:24
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà