SỨC KHỎE ĐỜI SỐNG 3-8
Danh mục
Sức khỏe và đời sống
NỘI DUNG

 

SỨC KHỎE VÀ ĐỜI SỐNG

3-8-2022

H: Quý vị và các bạn đang đến với CM SKĐS của Đài PTTH QT. Thưa quý vị! Thời tiết chuyển mùa nóng lạnh đột ngột, kèm theo mưa là điều kiện thuận lợi cho các loại virus gây bệnh phát triển mạnh. Thời điểm này trẻ em và kể cả người lớn rất dễ mắc những bệnh về rối loạn tiêu hóa và viêm đường hô hấp trên, viêm tai mũi họng,...Đặc biệt nhiều người nhập viện liên quan đến bệnh hô hấp và sốt siêu vi.  Chuyên mục SKĐS tuần này xin giành phần lớn thời lượng để thông tin đến quý vị một vài lưu ý về dịch sốt virus khi chuyển mùa.

Nhạc cắt

Q: Biểu hiện thường gặp ở những trường hợp sốt do virut, thường sốt cao từ 38 đến 39 độ C, thậm chí 40 đến 41 độ C. Trong cơn sốt người bệnh thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol... Ngoài ra, kèm theo viêm long đường hô hấp với các biểu như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng có thể đỏ...Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo, hiện nay đang là thời điểm mà nhiều bệnh có nguy cơ bùng phát cúm, sốt xuất huyết, viêm màng não… biểu hiện ban đầu của những bệnh này tương đối giống nhau và cũng giống sốt virus. Nhất là với trẻ em sốt có thể là biểu hiện của nhiều loại bệnh nên gia đình tuyệt đối không được tự điều trị cho trẻ mà phải đưa trẻ tới cơ sở y tế khi trẻ sốt cao và có kèm theo các triệu chứng trên. Nếu là trẻ nhỏ bị sốt virus còn lên cơn co giật liên hồi kèm tình trạng khó thở, không phát hiện đưa ngay đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời rất dễ biến chứng khôn lường như động kinh, viêm màng não…Thầy thuốc ưu tú, TS, BS Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa hô hâp Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết thêm:

Phỏng vấn:   

H: Đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng phụ huynh tự ý dùng thuốc cho trẻ. Phần lớn, số trẻ bị sốt đến bệnh viện sau khi đã tự dùng thuốc kháng sinh mà không hiệu quả. Thậm chí, nhiều trẻ còn bị thêm tiêu chảy do tác dụng phụ của kháng sinh. Điều này gây khó khăn cho quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh. Nhiều cha mẹ thấy con sốt cao lâu ngày chưa khỏi tự ý dùng thuốc hạ sốt quá liều hoặc truyền dịch tại nhà mà chưa có chỉ định của bác sĩ rất nguy hiểm sức nguy hại bởi bệnh sẽ không được cải thiện mà còn làm nặng hơn có thể gây tai biến, tử vong. Thầy thuốc ưu tú, TS, BS Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa hô hâp Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết thêm:

Phỏng vấn:  

Q: Các bệnh do virut gây ra hầu hết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng. Trẻ bị sốt virus thường khỏi bệnh trong 7 ngày, tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị sớm rất dễ bị biến chứng sang viêm phế quản phổi. Đây là biến chứng nặng thường gặp và bùng phát thành dịch với diễn biến phức tạp và nguy hiểm. Trẻ em khi bị sốt cáo 39 – 40 độ C kèm theo mệt mỏi, đau cơ, đau họng, chán ăn, quấy khóc… nếu không được hạ sốt kịp thời, trẻ dễ bị co giật, có thể dẫn đến suy hô hấp, thiếu ôxy não, làm suy giảm trí tuệ hoặc nặng hơn là để lại di chứng nặng nề về não. Vì vậy, khi sốt từ 38,5 độ C trở lên cần sử dụng thuốc hạ sốt là paracetamol.Có thể sử dụng thuốc chống co giật đặc biệt là trẻ em có tiền sử co giật khi sốt cao (có chỉ định của bác sĩ ). Nếu sốt cao liên tục mà chưa đủ thời gian 4 đến 6 tiếng để uống tiếp thuốc hạ sốt thì cần chườm khăn ấm vào trán, mặt, cổ, bẹn, nách, lưng, bụng. Thầy thuốc ưu tú, TS, BS Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa hô hâp Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết thêm:

Phỏng vấn:  

H: Đặc biết, phụ huynh cần lưu ý không dùng nước đá hoặc nước quá lạnh, quá nóng để lau cho trẻ. Khi trẻ nóng sốt nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát. Khi sốt cao gây nên tình trạng mất nước, rối loạn cân bằng điện giải, nên có biện pháp bù lại lượng nước và điện giải đã mất bằng oresol, cháo muối loãng, nước cam, chanh... Đối với trẻ em có tiền sử co giật, nếu trẻ bị co giật thì cần phải cởi bỏ quần áo, lau mát và sử dụng thuốc hạ sốt qua đường hậu môn. Cần đến ngay bệnh viện điều trị kịp thời, không để suy hô hấp nặng mới đi cấp cứu. Để đề phòng bội nhiễm trẻ nhỏ cần được vệ sinh răng, miệng, mắt sạch sẽ bằng cách xúc họng bằng nước muối loãng, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9% tránh bội nhiễm đường hô hấp. Cần ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, tăng cường ăn và uống nước hoa quả, đây là một yếu tố quan trọng nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể giúp lui bệnh nhanh hơn.

​Q: Cũng cần chú ý: Phải đưa trẻ đến khám ngay khi có các dấu hiệu sau: Khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, đặc biệt là trên 39 độ C mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng. Sốt li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục và tăng dần, buồn nôn, nôn khan nhiều lần, sốt kéo dài trên 5 ngày. Sốt virus rất dễ gây thành dịch nên khi mắc bệnh cần cách ly trẻ bị bệnh (có thể cho trẻ nghỉ học) vì dễ lây cho nhiều trẻ khác. Vậy còn với người lớn sốt siêu vi có biểu hiện như thế nào? Cách điều trị ra sao? Mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu trong phần tiếp theo cuả chuyên mục.

Nhạc cắt

H: Sốt do nhiễm virus thường được gọi là sốt virus hoặc sốt siêu vi. Sốt siêu vi thường gặp hơn ở trẻ em nhưng cũng có khi xảy ra ở người lớn. Bệnh có thể tự khỏi nếu được phát hiện sớm và xử lý tốt. Vậy sốt siêu vi ở người lớn kéo dài mấy ngày và khi nào thì cần đi bệnh viện chữa trị? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây:

Q: Sốt siêu vi ở người lớn là bệnh lý thường gặp mỗi khi thời tiết giao mùa, do tình trạng nhiễm siêu vi khuẩn (virus) gây ra. Nhiễm virus có thể xảy ra ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể như: ruột, phổi hay toàn bộ hệ hô hấp... Bệnh đặc trưng bởi những cơn sốt nặng dần nếu không được điều trị. Sốt siêu vi là bệnh nhiễm khá phổ biến đối với trẻ em và người già do hệ miễn dịch còn yếu hoặc đã suy giảm theo thời gian. Sốt siêu vi khiến cho phần đầu và các cơ có cảm giác đau mỏi, là một bệnh dễ lây lan, đặc biệt là trong môi trường lao động, phải sinh hoạt và làm việc chung với nhiều người... Biểu hiện của bệnh sốt siêu vi thường bao gồm: sốt cao trên 39 độ, cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, những cơn sốt thường trở nặng vào buổi chiều hay về đêm. Bác sỹ Nguyễn Thị Diễm Hà – Bệnh viện Y dược TP HCM cho biết thêm về sốt siêu vi ở người lớn:

Phỏng vấn:

H: Đối với người lớn, triệu chứng của sốt siêu vi hay gặp là: Cảm giác mệt mỏi, cơ thể nặng nề. Bệnh nhân bị sốt siêu vi luôn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Trong giai đoạn đầu mới nhiễm bệnh, các virus xâm nhập, gây ra sự mất cân bằng nghiêm trọng nhưng hệ miễn dịch chưa thể nhận ra và phản ứng lại, khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, nặng nề. Đây là dấu hiệu điển hình của sốt siêu vi ở người lớn. Dấu hiệu tiếp theo là đau nhức cơ bắp bất thường. Phần lớn những cơn đau nhức này sẽ kéo dài đến khi khỏi bệnh. Biểu hiện nữa là sốt cao: Những cơn sốt cao liên tục là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh sốt siêu vi ở người lớn. Thời gian đầu, cơ thể bệnh nhân sẽ sốt nhẹ, rồi thân nhiệt dần dần tăng lên do mức độ nhiễm càng nặng. Khi đó, bệnh nhân cần nhanh chóng sử dụng thuốc hạ sốt nhằm tránh trường hợp sốt cao đến 40 – 41 độ C, nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Bác sỹ Nguyễn Thị Diễm Hà – Bệnh viện Y dược TP HCM cho biết thêm về sốt siêu vi:

Phỏng vấn:

Q: Triệu chứng nghẹt mũi thường xuất hiện ở người lớn bị sốt siêu vi và gây cảm giác khó chịu. Người bệnh nên dùng thuốc điều trị triệu chứng này để hạn chế những ảnh hưởng không tốt đến hệ hô hấp. Ho và chảy nước mũi là một triệu chứng khác của sốt siêu vi đối với hệ hô hấp. Bệnh nhân bị ho và chảy nước mũi thường xuyên khi nhiễm virus sốt siêu vi. Điều này là nguyên nhân khiến cho virus lây lan sang những người xung quanh. Do đó, bạn nên sử dụng một chiếc khăn riêng, giữ vệ sinh sạch sẽ và hạn chế tiếp xúc với người khác. Tốt nhất là nên nghỉ ngơi tại nhà, hoặc ở trong khu vực cách ly với mọi người, nhằm hạn chế tối đa khả năng lây lan. Da nổi mẩn đỏ là triệu chứng khá phổ biến đối với các bệnh nhiễm và dị ứng, vì vậy nên rất khó phân biệt. Để xác định chính xác hơn, cần dựa vào tình trạng sức khỏe bản thân kèm theo các triệu chứng khác. Đối với các biểu hiện của sốt siêu vi của người lớn, khi mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh thì nên có sự tư vấn thăm khám từ bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất, tránh tình trạng chần chừ, kéo dài, bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

H: Trong đa số các trường hợp, thường người lớn sẽ bị nhiễm virus kéo dài hơn và nặng nề hơn so với trẻ em. Vì khi bị ốm, người lớn thường có thái độ chủ quan, chần chờ, không chịu điều trị một cách nghiêm túc, vì nghĩ rằng đó chỉ là cảm sốt bình thường. Vì vậy nên nhiều người đang nhiễm virus nhưng vẫn đi làm, vẫn sinh hoạt với mọi người bình thường, khiến cho bệnh nhanh chóng lây lan. Hơn nữa, chế độ ăn uống thất thường cùng với nhiều yếu tố chủ quan khác nhau sẽ làm cơ thể bị suy sụp nhanh chóng. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp sốt siêu vi ở người lớn đều không quá nguy hiểm và có thể tự hết trong vòng 5 – 7 ngày, cao nhất là 10 ngày, nếu được xử lý và chăm sóc tốt. Bác sỹ Nguyễn Thị Diễm Hà – Bệnh viện Y dược TP HCM cho biết thêm về sốt siêu vi:

Phỏng vấn:

Q: Đối với sốt siêu vi nhẹ, người lớn có thể tự điều trị tại nhà bằng cách sử dụng thuốc hạ sốt, bổ sung vitamin C và cân bằng điện giải. Đối với bệnh nặng, cần đưa người bệnh đi khám, xét nghiệm, chẩn đoán để có phác đồ điều trị thích hợp, kịp thời. Khi mắc bệnh sốt siêu vi, người lớn nên ưu tiên cho việc nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, ăn thức ăn dễ tiêu, bổ sung nước và điện giải đầy đủ, tránh tiếp xúc với những người xung quanh. Đặc biệt, khi nhận thấy những biểu hiện của bệnh, nên tìm cách xử lý ngay lập tức hoặc đến bác sĩ kiểm tra, tránh thái độ chủ quan, để xảy ra những biến chứng sau này.

Nhạc cắt:

H: Thưa quý vị và các bạn! Khi cơ thể sốt là khi nhiệt độ cặp ở nách ≥ 37,5 độ C hoặc nhiệt độ trực tràng ≥ 38 độ C. Sau đây là một số món ăn nên và không nên ăn khi bạn bị sốt. Bởi lưu ý điều này có thể giúp bạn chăm sóc tốt hơn cho người thân của mình trong mùa dịch bệnh này: Nên uống nhiều nước: Khi cơ thể bị mất nước, các vi rút vi khuẩn thường phát triển mạnh mẽ hơn. Khi sốt, bạn nên uống nhiều nước lọc hơn bình thường để bổ sung lượng nước đã mất đi. Việc bù đủ nước khi sốt sẽ giúp bạn không bị kiệt sức, các độc tố trong cơ thể cũng sẽ được loại bỏ nhanh và dễ dàng hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên thay nước lọc bằng nước đun sôi để nguội pha với hydrit hoặc oresol để bù điện giải.

Q: Nên ăn thức ăn lỏng: Soup, bún, phở, đồ ăn loãng dễ nuốt được nấu cùng với thịt gà, thịt heo, thịt bò sẽ góp phần giúp bạn bổ sung được dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, xoa dịu cơn khó chịu. Đặc biệt, cháo hoặc soup được nấu từ thịt gà –nhất là gà ác- ngoài tác dụng bổ sung dinh dưỡng còn giúp cơ thể chống lại mất nước và viêm nhiễm. Nước hoa quả, sinh tố: Các loại trái như cam, chanh, dâu tây, xoài, chuối… là lựa chọn ưu tiên trong thời gian bạn bị sốt. Hãy chịu khó ăn trái cây vì nó vừa cung cấp thêm vitamin cho cơ thể, vừa giúp giảm sốt, bù đắp lại các chất điện giải đã bị mất. Nếu không muốn ăn, bạn có thể xay sinh tố hoặc ép thành nước hoa quả để dễ uống hơn.

H: Ăn nhiều rau xanh: Những thực phẩm quen thuộc như cà chua, rau mồng tơi, rau muống, rau cải, rau dền… chế biến dưới dạng luộc, nấu canh đều có lợi ích hạ nhiệt nhất định khi bạn đang bị sốt. Đừng nên quá kiêng cữ trong khẩu phần ăn thời gian đang bị bệnh này, bạn sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng. Bổ sung sữa chua: Sữa chua cũng là một món ăn có lợi khi bạn bị ốm hoặc sốt, chúng sẽ giúp bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột, giúp cơ thể khỏe hơn, tiêu hóa tốt hơn, tránh mắc thêm các bệnh khác.

Q: Không nên: Uống nhiều nước đá, nước lạnh. Không nên uống trà: Uống nhiều trà và uống trà quá đậm đặc sẽ làm cho não ở trạng thái bị kích thích, làm tăng huyết áp dẫn đến làm tăng thêm nhiệt độ cơ thể người bệnh. Mặt khác, nếu bệnh nhân đang sốt mà uống trà sẽ làm giảm tác dụng hoặc mất hẳn tác dụng của thuốc hạ sốt. Không nên ăn trứng, Mật ong, tỏi, ớt, tiêu: Các gia vị cay, đồ ăn cay làm sản xuất rất nhiều nhiệt trong cơ thể, chính vì thế, đây cũng là lý do mà những người đang bị sốt nên hạn chế các thực phẩm cay nóng.

MC: Hi vọng một vài thông tin về dịch sốt khi chuyển mùa mà chúng tôi vừa chuyển đến quý vị sẽ giúp quý vị có thêm thông tin cần thiết để chăm sóc sức khỏe của mình và người thân tốt hơn trong thời điểm chuyển mùa này. Cm SKĐS tuần này xin tạm dừng tại đây. Chào tạm biệt và hẹn gặp lại!

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 01/08/2022 07:03 Lê Vĩnh Nhiên 01/08/2022 08:45
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà