Ký sự núi rừng Bắc Hướng Hóa, tập 2: Kỳ thú đại ngàn
Danh mục
Ký sự - Tài liệu
NỘI DUNG
Lời dẫn : KÝ SỰ NÚI RỪNG BẮC HƯỚNG HÓA Tập 2: KỲ THÚ ĐẠI NGÀN. (Xuân Dũng-Hồng Quân) -Đón xem: PTV đọc Nói gì thì nói, như chúng ta đã biết, trước hết phải luôn khẳng định rằng thiên nhiên Bắc Hướng Hóa là một tập hợp đa dạng sinh học rất có giá trị với hệ động thực vật phong phú, nhiều loài quý hiếm. Bên cạnh đó là núi rừng ở đây còn ẩn chứa nhiều điều kỳ thú cần được tìm tòi và khám phá . Nội dung này sẽ được phát sóng vào CN: 8/9, lúc 6g15 và 23g15. Mời quý vị và các bạn nhớ đón xem.

-Lời:

   Nói gì thì nói, như chúng ta đã biết, trước hết  phải luôn khẳng định rằng  thiên nhiên  Bắc Hướng Hóa là một tập hợp đa dạng sinh học rất có giá trị với hệ động thực vật phong phú, nhiều loài quý hiếm. Bên cạnh đó là núi rừng ở đây còn ẩn chứa nhiều điều kỳ thú cần được tìm tòi và khám phá (tên phim).

   Khu vực bảo tồn nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh, mùa khô từ tháng 1 đến tháng 5(Biểu đồ khí hậu Việt Nam). Ba tháng có lượng mưa nhiều nhất là tháng 8, 9 và 10. So với khí hậu Quảng Trị, vùng này mùa khô đến sớm hơn và mùa mưa cũng đến sớm hơn.

  Nhiệt độ trung bình năm vào khoảng từ 24oC-25oC tương đương với tổng nhiệt năm khoảng 8300-8500oC. Mùa đông tương đối lạnh và rất ẩm ướt do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, nhiệt độ trung bình trong các tháng này ở vùng đồng bằng xuống dưới 22oC, còn trên các vùng có độ cao từ 400-500 m trở lên thường xuống dưới 20oC và nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất xuống dưới 15oC ở Khe Sanh vào tháng 12 và tháng 1. Ngược lại mùa hè do có sự hoạt động của gió Tây nên rất nóng và khô. Có tới 3-4 tháng (từ tháng 1 đến tháng 5) nhiệt độ không khí trung bình lớn hơn 25oC, tháng nóng nhất thường là tháng 4 hoặc tháng 5 nhiệt độ trung bình lên tới 29oC. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối lên tới 39-40oC. Độ ẩm trong các tháng này cũng xuống rất thấp, dưới 30%.

  Theo các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy giá trị nhiều mặt của khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Những đặc trưng về địa hình, địa chất, vị trí địa lý cộng với tính đa dạng cao hay thấp của Hệ thực vật quyết định giá trị của nó về mặt môi trường. Bắc Hướng Hoá tỉnh Quảng Trị có độ cao từ 400 tới 1771 m, có một số đỉnh cao như: Đỉnh Voi Mẹp cao 1771m; đỉnh Sa Mù cao 1550 m. Nơi đây là thượng nguồn và là khu vực sinh thuỷ của nhiều sông suối. Về địa chất khu vực Bắc Hướng Hoá phần lớn là núi đất, song cũng có những dải núi đá vôi, những đặc trưng này cộng với hệ thực vật đa dạng với 7 kiểu thảm thực vật và hệ thực vật phong phú. Mặt khác rừng Bắc Hướng Hoá ít bị tác động, đang giữ được những đặc tính nguyên sinh; Nhiều diện tích rừng nguyên sinh hấp dẫn có cây gỗ lớn, nhiều loài gỗ có giá trị hiếm gặp trên cả nước. Trước đây rừng khu vực này là nơi trú quân, cất giấu, vận chuyển các nhu yếu phẩm, quân trang, quân dụng đã có đóng góp to lớn vào công cuộc thống nhất đất nước.. Ngày nay, những thảm rừng nguyên sinh này vẫn cần mẫn bảo vệ, che chở, giảm thiểu những thảm hoạ lớn của thiên nhiên như: Lũ lụt, gió bão, xói mòn, khô hạn; Duy trì bầu không khí trong lành cho sự sống của con người và là nơi cư trú cho nhiều loài động vật hoang dã.

      Vùng sơn cước Bắc Hướng Hóa nổi tiếng với con đèo Sa Mù. Đây có thể coi là huyết mạch gia thông gần như độc đạo nếu muốn khám phá núi rừng Trường Sơn ở khu vực hiểm trở này. Con đèo này dài hơn 20 cây số quanh co uốn lượn giữa một vùng sơn cước hùng vĩ với nhiều nét nguyên sơ không dễ kiếm tìm ở nhiều nơi khác, kể cả những khu vực lâm sơn vốn được nhiều người biết đến. Nhiều người đã coi đây là điểm giao hòa giữa đất và trời  vùng cao phía bắc Hướng Hóa. Từ thị trấn Khe Sanh vào cho đến chỗ bắt đầu tiếp giáp tỉnh Quảng Bình thông qua con đèo này khoảng cách cũng gần cả trăm cây số, núi rừng tiếp nối núi rừng và dốc đèo cũng tiếp nối dốc đèo. Nếu dừng chân có lẽ bất kỳ chỗ nào dọc đường cũng bắt gặp rất nhiều dòng suối lớn nhỏ luồn lách miệt mài quanh năm suốt tháng giữa trùng điệp đại ngàn. Những con suối này có vai trò rất lớn trong hệ thống thủy văn của vùng đất bắc Hướng Hóa. Chúng giữ ẩm, giúp cho cây cối và muông thú có được một ngôi nhà thiên nhiên trong lành để tồn tại và phát triển,  tác động điều hòa môi trường sinh thái ở một vùng đất rộng lớn hàng vạn ha cao cách mặt nước biển ngót nghét hàng ngàn mét. Tất cả những yếu tố về độ cao, động, thực vật, địa chất-thủy văn, trong đó có ngàn vạn con suối lớn nhỏ này đã có một chức năng rất quan trọng: đó là ngoài việc giúp ích cho chính bản thân khu vực bắc Hướng Hóa thì còn có chức năng hỗ trợ rất quan trọng cho việc phân lũ một số con sông lớn ở Quảng Trị. Ý nghĩa của nó không chỉ là tác động to lớn với núi rừng mà có có vai trò hết sức tích cực đối với miền xuôi. Bên các con suối vô số tàng đá lớn nhỏ trầm ngâm bên các con suối như minh chứng cho cấu tạo địa chất được hình thành từ hàng triệu năm trước cho đến hôm nay tạo nên cảm giác hoang sơ gợi nhớ về thời nguyên thủy hồng hoang, một dĩ vãng rất đỗi xa xôi chỉ còn trong ký ức đất đai. Nhưng có một điều lạ, những điều này vừa xa vời sương mù huyền thoại, cổ tích lại vừa tồn tại thực tế hôm nay ngay dưới chân đi, ngay dưới mắt người. Có những địa danh chỉ cần đọc tên đã thấy hiện lên khung cảnh núi rừng như thác Chênh Vênh, dù đây chỉ mới là dưới chân đèo nhưng khung cảnh đã bao la hùng vĩ. Đương nhiên còn những cảm giác mới lạ khác nữa không dễ gọi tên tuy nhiên nếu đến đây dù chỉ một lần cũng đã thấy đất trời như đổi khác.

   Địa hình khu vực là vùng núi thấp ở phía nam của giải Trường Sơn Bắc với dãy núi cao trên 1000 m chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam dọc ranh giới hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Về phía Quảng Trị địa hình nâng cao hơn, chia cắt mạnh, độ dốc cao phổ biến từ 15-25o, có nhiều nơi, nhiều chỗ dốc đứng. Trong khu vực có các đỉnh cao điển hình như: Động Sa Mù (1550m) gần đỉnh đèo Sa Mù và Động Voi Mẹp/Voi nằm (1771m) ở phía đông nam khu bảo tồn. Trong khu vực ngoài đồi, núi đất chiếm đa số còn lại có hai dãy núi đá vôi. Ở gần trung tâm là dãy đá vôi chạy theo hướng Đông-Tây, ranh giới hai xã Hướng Lập và Hướng Việt, gần trung tâm xã Hướng Việt có dãy núi đá vôi chạy theo hướng Bắc-Nam.

   Khu vực xã Hướng Lập cũng là một điểm nhấn trong hệ thống thiên nhiên bắc Hướng Hóa. Núi rừng ở đây còn ẩn chứa nhiều điều chưa được khám phá mà ngay con người bản địa ở đây nhiều lúc cũng phải ngỡ ngàng. Bởi những nơi tưởng chừng quen thuộc như lòng bàn tay đối với cư dân bản địa đã gắn bò hàng ngà đời nay nhưng một ngày kia bỗng phát lộ những điều kỳ thú chưa từng biết đến, mở ra những góc nhìn mới lạ về thiên nhiên, lật sang một trang mới giữa núi rừng miền tây Quảng Trị. Một đặc điểm địa chất rất đáng chú ý cần được giới khoa học nghiên cứu tường minh là khu vực động Brai ở xã Hướng Lập. Cả một vùng đất mênh mông, trập trùng quanh năm hầu như sương mù bao phủ đã tạo nên một quần thể cảnh quan kỳ vĩ và huyền bí như chính bản chất thâm sâu không dễ gì hiểu hết của đại ngàn. Nhiều người cho rằng động Brai nằm trong hệ thống núi đá vôi chạy dài từ Quảng Trị ra tới Quảng Bình. Đương nhiên như đã nói vùng đất này còn chứa đựng nhiều và rất nhiều những điều kỳ lạ và thú vị cấn tiếp tục với những tìm tòi, khám phá trước mắt cũng như lâu dài. Bởi vì câu chuyện của Hướng Lập cũng như các nơi khác trong khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa luôn mời gọi những nhà khoa học và cả những ai yêu đại ngàn, nhằm giải tỏa những tò mò chính đáng, những khao khát muốn nắm bắt bí ẩn của tự nhiên để mở ra những cánh cửa nhìn vào thẳm sâu tạo hóa của con người hiện đại.

    Theo khảo sát và đánh giá của ngành chức năng:  Khu bảo tồn  sẽ thu hút các nguồn tài trợ của các tổ chức Quốc Tế thông qua các dự án hợp tác về khoa học, môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Cảnh quan khu bảo tồn là một phần của giải Trường Sơn với đường Hồ Chí Minh hùng vĩ sẽ là một mắt xích trong hệ thống du lịch của tỉnh Quảng Trị trong tương lai. Nơi đây thật sự sẽ thu hút du lịch sinh thái đối với khách trong nước và Quốc Tế.

   Do vị trí địa lý, địa hình, hệ động thực vật, khí hậu và cảnh quan mang nhiều giá trị đặc biệt là giá trị đặc hữu nên du lịch sinh thái, khám phá và trải nghiệm đã ngày được nhiều người chú ý. Kể cả với những cán bộ bảo tồn thường ngày đến với rừng lặng lẽ với công việc thì rất nhiều điều mới lạ đã mở ra trước mắt dù có thể nói họ đã gắn bó nhiều năm với nhiệm vụ công tác của mình ở những nơi không phải người nào cũng có điều kiện đặt chân đến được. Vì vậy những điều chưa biết vẫn sẽ còn rất nhiều hứa hẹn sẽ mở trang những trang mới lạ của cuốn sách đại ngàn có lẽ không bao giờ khép lại trang cuối cùng bởi tập đại thành thiên nhiên là hầu như vô tận và những gì con người thu nhận được cũng chỉ là hữu hạn nhỏ nhoi.  Du khách trong và ngoài nước ngày một nhiều hơn đến với Khu Bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hóa thông qua con đèo Sa Mù ngày càng có mặt nhiều hơn trên các phương tiện thông tin báo chí cũng như mạng xã hội. Du khách, nhất là lớp trẻ đã đến đây chinh phục và thỏa tính hiếu kỳ. Họ được tự do tự tại tắm mình trong thiên nhiên kỳ vĩ và ngoạn mục, được trải lòng mình trước cây rừng, đá núi, suối khe, được bầu bạn với thiên nhiên tránh xa những náo nhiệt thị thành phố xá, những cơm áo mưu sinh tất bật mệt nhoài, tạo nên những khoảng lặng trong đời sống để có thể sống chậm lại, thưởng thức nhiều hơn  giá trị và ý nghĩa của cuộc đời sau những ngày học hành, làm lụng vất vả.

*Anh Trần Văn Hùng, cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa-QT, nói

   Người dân bản địa phần lớn là bà con dân tộc thiểu số dân tộc Vân Kiều và Pa Kô đã gắn bó với núi rừng như máu thịt. Họ ngày càng hiểu hơn giá trị to lớn và lâu bền  trường cửu của đại ngàn và hiểu hơn những công việc thiết thực của mình.

*Ông Hồ Văn Sâm, thôn Cợp, xã Hướng Lập, Hướng Hóa, QT, nói

*Ông Hồ Văn A Xóc, nt, nói

     Thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đã mở ra những chân trời cho khoa học, đời sống và du lịch. Những đỉnh cao gần 1800 mét sừng sững giữa đất trời, những cánh rừng bạt ngàn với thảm thực vật bát ngát tầm nhìn, những dốc đèo uốn lượn, những khe suối   và vực sâu hun hút cứ thúc giục con người đến đây làm bạn và tìm hiểu. Núi rừng còn che chở những loài thú chỉ còn trong sách đỏ, những kỳ hoa dị thảo hiếm hoi trong truyện cổ ngày xưa, những đỉnh cao và vực sâu, những cổ thụ và những dây leo, mỗi thứ đều có một đời sống thật sự của riêng mình; có những thứ hiển lộ dễ hiểu và cũng cô số thứ hàm ngôn, bí hiểm không bao giờ có thể hiểu hết luôn thách đố con người. Tất cả hiện lên như một bức tranh thủy mặc trầm tư và bí ẩn, vô ngôn như những gì đắc đạo đang khiêm nhường mà vĩ đại hiện diện giữa cõi nhân gian.  Những bí mật của nguyên sinh đang lặng im cất giữ giữa đại ngàn đang chờ con người tiếp tục trong hành trình khám phá. Cuốn sách tự nhiên cũng sẽ vô thủy vô chung, không có trang đầu và trang cuối với điều kiện không ai, không kẻ nào được phép gạch xóa, xé rách từng trang giấy chứa đựng quá khứ, hiện tại và vị lai của mỗi đời người.    

    Qua những núi rừng có tên mà dường như không tuổi sẽ cảm nhận đủ đầy hơn sinh lực dồi dào bất tận và huyền bí của bạt ngàn sơn cước. Mỗi địa danh, mỗi tên gọi cỏ cây, muông thú đều gợi nhắc những gì là quý giá nhất mà cũng thiết thân nhất đối với con người. Khi biết rằng câu chuyện môi trường sinh thái đang nóng bỏng ở rất nhiều nơi, thành chủ đề thời sự hàng ngày, được vang lên ở vô số diễn đàn khoa học và chính sự thì mới thấm thía ý nghĩa vô cùng to lớn của thiên nhiên. Những ân sủng từ thiên nhiên sẽ tồn tại vĩnh hằng nếu như con người biết nâng niu, gìn giữ kho báu tự nhiên.

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 27/08/2019 05:23 Lê Vĩnh Nhiên 20/11/2019 07:11
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà