Đất và người QT(pt) 11/10
Danh mục
Chương trình thời sự
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất pt 11/10 -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct với mong mỏi phản ánh những đổi thay của một vùng quê Quảng Trị, Hiếu Giang có bút ký sau. Chúng ta cùng nghe. -Thưa quý vị và các bạn! Để tiếp tục tôn vinh những cá nhân, họ tộc có đóng góp cho quê hương đất nước, trong ct kỳ này, An Thái có bài "Một dòng họ vẻ vang". Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. -Phần cuối ct là tùy bút Nguyên Xuân về một nhà văn với tầm văn hóa sâu rộng đã gắn bó và sáng tác nhiều về Quảng Trị. Chúng ta cùng theo dõi. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct : đất và người QT, ct này do Xuân Dũng biên soạn và thực hiện với sự tham gia của ..thân ái chào tạm biệt.

 Bút ký :

                                    KHỞI SẮC MIỀN TÂY.

                                                                                   (Xuân Dũng)

   Rong ruổi dặm trường núi rừng Bắc Hướng Hóa  cũng là thêm một dịp được hiểu thêm thiên nhiên hùng vĩ, được tắm mình trong không khí đại ngàn bảng lảng khói sương như huyền thoại và cũng là cơ hội để trải nghiệm nhiều hơn với mảnh đất và con người vùng cao Quảng Trị, một nếm trải không phải lúc nào cũng có. Bởi chất liệu nơi này vừa cổ xưa lại vừa thanh tân, mới mẻ.

   Hướng Phùng cùng với nhiều nơi khác của vùng cao Bắc Hướng Hóa đã có những cuộc chuyển mình khá ngoạn mục, đem lai một đời sống ngày càng đỡ vất vả, nhọc nhằn, đem lại một sinh khí mới cho núi rừng, bản làng đã như những cột mốc cắm vào đất đai,sống chết với núi rừng biên viễn, giữ yên bờ cõi trong mỗi ngày mưa tháng nắng. Điệp khúc xanh của núi rừng sẽ còn vang vọng như những lời nhắc nhủ, mỗi sơm mai lên, mỗi buổi chiều về trên mảnh đất đã trở thành máu thịt, hồn vía của biết bao đời, bao người tạo lập nơi phên dậu miền tây. Rồi sẽ yên lòng hơn khi biết rằng vẫn còn nhiều, rất nhiều người tâm huyết và gắn bó với núi rừng. Họ bằng cách này hay cách khác, bằng những đóng góp tùy theo tâm lực của mình đang biến mảnh đất cao và xa trên dải Trường Sơn sẽ vươn lên trong vận hội của núi rừng. Gương mặt đất đai, gương mặt núi rừng sẽ phản chiếu gương mặt con người trong mỗi khoảnh khắc mà chúng ta đang sống. Tất cả sẽ hòa quyện trong bản tổng phổ với rất nhiều cung bậc và âm lượng cho một Trường Sơn đang cựa mình tỉnh giấc, để đánh thức tiềm năng của những gì mà nhiều người gọi một cách bóng bẫy là lay động "nàng công chúa ngủ trong rừng". Đó là một hiện thực không phải xa vời nếu gắn chặt con người với đất và rừng, để họ hoàn toàn có thể vững vàng tư thế như cây rừng trong cuộc sống lâu dài từ hôm nay cho đến mai sau. 

   Nhưng dù trong hòa bình thì mảnh đất này vẫn luôn nhớ về những người đã hy sinh lặng thầm khi chiến tranh chấm dứt khi thực hiện nhiệm vụ xác định cương vực Tổ quốc nơi vùng biên viễn. Họ sẽ sống mãi với núi rừng Hướng Hóa, với bà con ở xứ sở đại ngàn.

   Và dẫu là vùng cao nhưng nếu bạn đến với trường tiểu học Hướng Phùng thì chắc chắn cảm giác ngỡ ngàng và khâm phục sẽ tràn ngập trong lòng người quan sát. Đó không chỉ là một ngôi trường khang trang mà quan trọng hơn là có nhiều sự lạ và bổ ích cho sự nghiệp trồng người.

 Hôm chúng tôi lên vừa mới vào năm học mới chứng kiến thêm những đổi thay thật sự đáng mừng. Ngôi trường vùng cao nhưng nội quy rất nghiêm túc, nền nếp thực sự bài bản. Đặc biệt là sáng kiến và công sức, tâm huyết khi tạo dựng một không gian hướng tâm đến những anh hùng danh nhân, những chiến công vẻ vang,  những mảnh đất lịch sử biểu hiện tình yêu quê hương đất nước và chủ quyền thiêng liêng biển đảo. Những kiến thức từ sách địa lý, lịch sử đã trở nên gần gũi, thân thương trong chính mái trường, mái nhà của thầy trò trường tiểu học Hướng Phùng. Và dù ở vùng cao còn lắm khó khăn nhưng bên cạnh việc học hành, tu dưỡng thì  nếp sống văn minh đã được đề cao và thực hiện khiến mọi người, nhất là với ai mới đến lần đầu không khỏi kinh ngạc và càng thêm yêu mến ngôi trường.

*Thầy giáo Nguyễn Mai trọng, hiệu trưởng trường tiểu học Hướng Phùng, nói

   Đã qua rồi sắc màu tái xanh nhợt nhạt của một vùng cao triền miên sốt rét, một vùng cao heo hút luôn có cảm giác quá đỗi xa xôi cách trở với thế giới bên ngoài, gần như một ốc đảo cách biệt với thế giới văn minh, một nơi chốn nhiều khi đứt bữa,  thường gắn với biệt danh rùng rợn : rừng thiêng nước độc. Tất cả đã qua rồi để có thể khép lại một trang buồn trong quá khứ đại ngàn. Dù còn những gian lao, dù còn khó nhọc nhưng đổi thay ở vùng cao là câu chuyện có thật của núi rừng vốn thường trầm mặc. Bao la núi rừng, bát ngát màu xanh và lung linh hy vọng là những cảm giác thật lạ xâm chiếm con người khi đến đây cùng trải nghiệm và khám phá.

 

            MỘT DÒNG HỌ VẺ VANG.

                                                                     (Xuân Dũng)

  Họ Hoàng làng Bích Khê thuộc xã Triệu Long, huyện Triệu Phong ngày nay như nhiều người đã biết, đã nói vốn có tiếng khoa cử. Ông Hoàng Hữu Bính từng đỗ tiến sĩ Hoàng giáp dưới triều vua Thành Thái năm 1889. Đang làm Tử Khê lúc ấy được coi là vườn đào tụ nghĩa tập hợp những người chống giặc ngoại xâm. Không may ông bị bệnh rồi mất tại quê nhà. Con ông Hoàng Hữu Xứng học hành đỗ đạt làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, giám khảo các kỳ thi hương, thi hội. Trải qua những lận đận quan trường khi vận nước rối ren, ông vẫn được nhìn nhận là một ông quan mẫn cán, thanh liêm, nặng lòng với dân với nước. Ông để lại cho đời sau cuốn sách quan trọng về bản đồ đất nước: “Đại Nam quốc cương giới vựng biên” do ông đứng ra tổ chức biên soạn và Nghĩa Trũng Đàn, một nghĩa cử sáng ngời sau hơn cả trăm năm.

Đạo nghĩa mà làng Bích Khê dày công tô bồi và trong đó họ Hoàng cũng góp phần bao đời vun đắp hiển hiện trong những nhà thờ họ, thờ chi của họ này. Trước một ngôi nhà thờ Hoàng tộc Bích Khê có hai câu đối nhắc nhở con cháu và mọi người về lẽ sống: “Tri túc tâm thường lạc. Vô cầu phẩm tự cao”, tạm dịch: Biết đủ tâm sẽ vui vẻ, không cầu cạnh, phẩm giá mình tự cao. Thật đáng để đời nay suy ngẫm.

Ông Hoàng Hữu Cương hậu duệ Hoàng tộc làng Bích Khê tâm đắc với chuyện họ Hoàng dù khi còn hàn vi hay thành đạt luôn lấy đạo đức làm đầu. Đó chính là vốn quý của dòng họ qua mấy trăm năm.

Dạo quanh làng sẽ thấy dấu ấn của Hoàng tộc Bích Khê. Hầu như vẫn còn nhiều hình ảnh và tư liệu được lưu giữ ở những nơi thờ phụng trang nghiêm. Người đến đây sẽ có dịp hiểu thêm về một dòng tộc từ xưa đến nay nổi danh trong thiên hạ. Hầu như đời nào từ cổ chí kim họ này cũng có người thành đạt và quan trọng hơn là có đóng góp cho quê hương đất nước. Qua hàng trăm năm thế gian biến cải, dòng họ này vẫn giữ được phong độ của mình góp nhân tài vật lực vào công cuộc hộ quốc an dân. Dù làm ruộng hay làm quan, dù ở làng hay xa xứ ai nấy đều giữ được gia phong, tự hào về truyền thống dòng họ của mình ngõ hầu nuôi chí lập thân, lập nghiệp. Đây chính là điểm đặc sắc của Hoàng tộc Bích Khê.

Về Bích Khê không thể không đến thăm nhà lưu niệm bà Hoàng Thị Ái, một bậc tiền bối cách mạng, suốt đời tận hiến cho Tổ quốc, nhân dân được đồng bào, trong đó có các Tổng Bí thư Đảng như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu dành cho nhiều tình cảm đặc biệt. Ngày bà tạ thế, dù được mai táng ở nghĩa trang Mai Dịch tận thủ đô Hà Nội thì con cháu họ Hoàng và dân làng Bích Khê vẫn nghiêng mình tưởng nhớ một người con tận trung chí hiếu của quê hương Quảng Trị. Sự tưởng niệm những người yêu nước như Hoàng Thị Ái, Hoàng Hữu Chấp sẽ vĩnh hằng.

Tùy bút:

                      MỘT NHÀ VĂN LỚN VỚI QUẢNG TRỊ

                                                                                     (Xuân Dũng)

  Sau Hà Nội và Tây Bắc thì Quảng Trị là vùng đất thu hút nhiều tâm can và bút lực của nhà văn Nguyễn Tuân. Ông có đến mười bài ký về Quảng Trị, trong đó có nhiều trang đau đáu về cầu Hiền Lương và sông Bến Hải trong thời gian nước non chia cắt.

Trước Cách mạng Tháng Tám, nhà văn thèm đi như thèm sống này đã xê dịch trong Nam ngoài Bắc và mặc dù chỉ đi qua nhưng cầu Hiền Lương, Quảng Trị vẫn gieo vào lòng ông những ấn tượng khó quên: “Tôi may mắn hơn nhiều đồng bào tôi, tôi có cái vinh dự được qua cầu Hiền Lương... Tôi đi bằng tàu hỏa, tôi đi bằng tàu biển, tôi đi bằng ôtô hàng...”.

Nhưng khi hòa bình lập lại thì bước chân nhà văn đã khựng lại trước chiếc cầu giới tuyến. Ông quặn thắt ruột gan khi không vào được miền Nam, được thăm lại non sông liền một dải.

Ông uất nghẹn nỗi đau chia cắt nên thốt lên rằng cầu Hiền Lương là “cầu ma”. Vì sao thế? Bởi vì cầu sinh ra là để giao thương, để mọi người qua lại nhưng lúc ấy cầu Hiền Lương lại phải đặt trên vai mình gánh nặng lịch sử, lại bị xô đẩy làm giới tuyến phân đôi không thể qua về.

Và một chiếc cầu mà không thể đi lại, qua về một cách bình thường như ngàn vạn chiếc cầu khác thì chỉ thể gọi là “cầu ma“ mà thôi. Trong bài ký này, ông đã gọi lên không chỉ một lần về “cầu ma”, “cầu giả vờ”, “tuyệt không có bóng bộ hành qua lại”.

Ngay cả màu sơn của cầu cũng bị chia làm hai màu ngăn cách khiến nhà văn cảm thán “trông cũng đã khỉ lắm rồi!”.

Cũng thật thú vị và hi hữu khi các tài liệu lịch sử viết về cầu Hiền Lương đều có tham khảo ký Nguyễn Tuân, nhất là đoạn nói về những tấm ván trên cầu. Nhà văn kỹ tính và kỳ khu đã tỉ mẩn đếm từng tấm ván lót cầu Hiền Lương để rồi mô tả: “Cầu chia làm hai phần, mỗi bên dài 89 m, sơn hai màu khác nhau. Bờ Bắc gồm 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm...” (Cầu ma).

Trong bài ký Cắm cột mốc giới tuyến, Nguyễn Tuân đã xót xa trước số phận oan ức, đau buồn của dòng sông Bến Hải và chiếc cầu Hiền Lương.

Ông gọi đó là “dòng sông không có đủ hai bờ”, là “sông tuyến” khi oằn mình gánh những oan khiên lịch sử.

Để rồi khi có hiệp định Paris năm 1973, ông mới vào phía nam sông Bến Hải chứng kiến cảnh hoang tàn của một chiến địa trên quê hương “Bà mẹ Gio Linh”. Trước mặt ông hiện ra cảnh “Quán Ngang chiến sự và vụn gãy chiến cụ nóng bỏng, thấy cả một vùng đất ruộng Gio Linh nhất đẳng điền này đã trở nên những trảng cỏ tranh cỏ lác điểm điểm đều đều những giếng ao bom”.

Và đó là quang cảnh hòa bình khi chiến tranh mới vừa ngưng tiếng súng mở ra một chân trời mới trên quê hương Quảng Trị.

 

 

 

Chú thích duyệt

Chú ý chấm nhuận bút hợp lý

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 08/10/2019 11:28 Lê Vĩnh Nhiên 14/10/2019 09:38
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà