Tiểu mục văn hóa pt 21/10
Danh mục
Chương trình thời sự
NỘI DUNG
Lời dẫn : SỔ TAY VĂN HÓA: NHỮNG NGƯỜI THẦY TRONG LỊCH SỬ. (Xuân Dũng) -Ptv dẫn: Thưa quý vị và các bạn! Tiếp tục theo dõi cảm thức của nhà giáo, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường về những người thầy, chúng ta cùng nghe bài viết cuối trong loạt bài này với nhan đề "Những người thầy trong lịch sử". Bài của pv Xuân Dũng.

-Lời:

Tìm trong lịch sử những nhân vật văn tài, khí tiết đều hơn người như Cao Bá Quát vốn cũng là người thầy từng dạy học, Hoàng Phủ Ngọc Tường phát hiện những điều thú vị.

Đó là thơ Cao thi sĩ luôn tụng ca những con chim bay cao, bay xa thể hiện khát vọng cao cả của mình, một kẻ sĩ luôn trăn trở trước thời cuộc và luôn muốn cải biến hiện thực, không cam chịu cảnh sống tầm thường theo phường giá áo túi cơm. Đó là chim hồng, chim phượng và chim hạc.

Nhà văn nhận xét người xưa: “Giấc mơ đầy hùng tâm tráng chí đó rốt cuộc đã vỡ ra thành vị đắng của hiện hữu vướng vất trong văn chương Cao Bá Quát. Có lẽ trong những năm làm ông đồ dạy trẻ ở núi rừng Sơn Tây, Cao Bá Quát đã nhìn thấy hình ảnh của ba con chim nói trên hiện lên trong tầm mắt. Và nếu Cao Bá Quát đã không làm được con chim hồng hạc bay cao chín tầng mây, thì ông cũng không bao giờ là con chim hoàng điểu kiếm ăn bên cây gia, bên cây dâu” (Chim huyền hạc).

*

Người thầy trong quan niệm của Hoàng Phủ Ngọc Tường có vẻ không chỉ giới hạn trong vị thế cụ thể của những người đứng trên bục giảng.

Suy rộng ra người thầy trong văn chương của ông còn là những con người tài, đức, khí tiết, ưu dân ái quốc dù trực tiếp dạy học hay chưa hề lên lớp buổi nào. Những bậc như thế là thầy của thiên hạ. Ví như “vạn thế sư biểu” Chu Văn An hay “sao Khuê” Nguyễn Trãi, “người ham chơi” Nguyễn Công Trứ…

Tài năng, học vấn, đạo đức, chí khí của họ có sức lan tỏa sâu rộng, là bài học sinh động trao truyền cho nhiều người, cho cả cộng đồng, không chỉ lúc họ đang sống, mà ngay cả khi đã chết, ngay cả với nhiều đời sau. Bởi cuộc đời họ chính là bài học lớn dù nhiều khi họ không phải là thầy và không có duyên với nghề dạy học.

Nếu đọc những bài viết về những con người như thế sẽ cảm thêm nhiều điều thú vị, bổ ích. Học theo Nguyễn Trãi mà làm được như ông, văn chương có khi mạnh hơn cả đạo quân chỉ vì Ức Trai là bậc thầy trong việc “mưu phạt tâm công”, lấy đại nghĩa và chữ nghĩa để phá tan quân xâm lược. Dù kết cục đời ông bi đát bởi bàn tay của bọn gian thần thì tên tuổi vẫn sáng ngời như “sao Khuê” để hậu thế sau mấy trăm năm vẫn đến Côn Sơn, nói như Hoàng Phủ là “mượn đá để ngồi”.

Hay chơi được như Nguyễn Công Trứ thì thiên hạ xưa nay cũng được mấy người, vì đó là “người ham chơi” thứ thiệt theo cách định danh và tôn vinh của nhà văn. Nguyễn Công Trứ là một văn nhân tài tử phóng túng đời mình, để lại cho đời nhiều bài học và giai thoại về sự chơi. Chơi như thế mới khó, thậm khó. Nhưng mặt kia của con người này thì sự làm của ông, chỉ nói riêng chuyện khai khẩn đất đai, chiêu mộ dân nghèo an cư lạc nghiệp cũng đủ được người đương thời nghiêng mình và đời sau thờ phụng.

Những người thầy đúng nghĩa, dù tầm vóc và cống hiến khác nhau, ở mọi thời đều xứng đáng được tôn vinh.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 20/10/2019 15:06 Lê Vĩnh Nhiên 26/07/2022 14:41
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà