Người yêu thơ QT (PT) 19/10
Danh mục
Tạp chí người yêu thơ Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Ct thơ 19/10 -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct, chúng ta cùng đến với thơ từng đăng tải trên tạp chí văn nghệ địa phương, bài của An Thái, chúng ta cùng nghe. -Tiếp nối ct, Hiếu Giang sẽ có bài viết cảm nhận về một nhà thơ tài hoa từng gắn bó và đóng góp cho quê hương Quảng Trị. Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Phần cuối ct, là mở đầu câu chuyện giữa pv với một nữ nghệ sĩ tài năng đã yêu thơ và đến với thơ sự nghiệp nghệ thuật đã thành công viên mãn. Chúng ta cùng theo dõi (băng). -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: người yêu thơ QT, ct này do Xuân Dũng biên soạn với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

Điểm thơ:

 

-Mục điểm thơ, chúng ta cùng đến với hai tác giả sáng tác mang hơi hướng của tân hình thức từng có tác phẩm trên tạp chí Cửa Việt  qua chọn lọc của chúng tôi.

  Bài thơ “Mưa đêm” của nữ tác giả Bạch Diệp như là âm bản của độc thoại nội tâm, thậm chí của vô thức thốt lên những lời thì thầm chừng như không rõ  trong bóng đêm của lặng im và suy tưởng:

   Con sâu trên rìa lá
Co mình xanh
Giọt nước ăn mòn đêm rền rĩ


Bên bờ vực của sự im lặng
Nó ngắm nhìn
Bóng đen của cơn mê và sự náo loạn
Phủ lên thân thể trơ trọi
Đêm lặng im
                         Không lời giải thích

  Thơ nói thành lời nhưng lại như thể muốn vươn tới sự vô ngôn, khiến người đọc chìm vào trong bóng đêm nhận thức, để cảm và giải mã trong một sự liên tưởng không rõ ràng. Thơ cứ tiếp tục như một cách mộng du:

  Đi ra khỏi cái kén
Ta mừng như lũ sâu non
Cứ ngỡ sẽ in dấu chân bé tí lên bãi biển
Và những chiếc hố cho lâu đài cát
Nhưng chỉ sóng biết
Sẽ không có điều mong đợi ấy đâu
Là lần cuối cùng nhau


Khi ta tìm một lý do
Biển lặng thinh
                      không lời giải thích
Mưa
như nước mắt xa xỉ
                                 ăn mòn đêm.

   Tương tự cách nói có phần gãy khúc, đứt đoạn, nhiều khi khó hiểu tác giả Đỗ Thượng Thế đã có bài thơ mang tên khá trừu tượng như chính bài thơ mà nó chuyên chở, bài thơ “Từng ngụm heo may”. Mở đầu tác giả viết:

  Trôi về những nhánh rong non

đâu đó thì thầm câu chuyện về ngụm nước

mùa thu hai chiếc bóng tươi trong

tôi và em đã uống

tôi và em

đã trôi...

  Chưa phải tù mù, bí hiểm nhưng dứt khoát không phải khó hiểu nếu ai quen với những bài thơ thông thường dễ hiểu, cách tư duy và thể hiện theo kiểu truyền thống quen thuộc. Bài thơ bắt đầu từ những cảm nhận về cá thể rồi dịch chuyển nhanh sang những trường liên tưởng có vẻ mông lung:

   nhiều năm rồi

dòng sông ngày ấy cứ đầy lên khát

đầy lên ánh mắt mưa đêm đầy lên tiếng gọi lặng thầm  

chỉ còn tôi uống tôi dật dờ cỏ lau vầng mây lạnh lùng hóa đá

tôi uống tôi ánh lửa trong khu vườn nồng thơm mơ sớm

có em chạy về từ cánh đồng lúa chín

em bừng tươi đóa cúc mặt trời

đậm hương mười tám

hồn nhiên ngã vào lòng tôi mùa thu thêm tươi trong và bất tận

tôi uống tôi con đường nhiều năm mất ngủ

dòng tâm trạng ngược xuôi

độc thoại biển báo trắng

những đi những về như biển động như ma ám

tôi uống tôi giai điệu mơ hồ phút giây đốt sáng

phút giây dò tìm tàng xanh đang trôi

những viết tắt nỗi mong manh hy vọng

những cơn thơ vẫn cứ mọc mầm

 

nhiều năm rồi

sông đầy lên những nhánh rong non

đầy lên cánh chim trĩu nặng ráng chiều

tôi uống tôi từng ngụm heo may chớm trở

và đâu đó

tiếng ve ra bề cầm cự.

        Đúng là khó hiểu nhưng nếu đọc kỹ, ngẫm kỹ thì vẫn thấy đó là thơ với những biểu tượng mang tính thi ca, những nhận thức mới về cuộc sống nhiều khi quen thuộc đến sáo mòn.

  Hai bài thơ trên có thể thách thức sự cảm nhận về thơ của nhiều người , tuy nhiên đó cũng là một cách tìm tòi, muốn làm mới thơ theo xu hướng hiện đại. Mọi nỗ lực cách tân đều đáng được trân trọng và ghi nhận, miễn đó không xa rời ra phía ngoại vi thơ.

 

              ÁM ẢNH TRONG THƠ MỘT NGƯỜI QUẢNG TRỊ XA QUÊ.

                                                                                      ( Xuân Dũng)

   Thời gian biểu hiện trong thơ Hồ Sĩ Bình theo nhiều sắc thái và cung bậc cảm xúc. Có thể hiện hữu như cách tính số học về một hiện tượng nghiêng theo chiều siêu thực :”ta ngồi đếm bóng chiều se sắt nắng/đếm vàng phai trong biếc đẫm hanh hao” rồi bất chợt thời gian lại co giãn theo tâm trạng :”góc phố nhiều khi không có điện/đêm bỗng dài hơn tiếng nguyệt trầm/có ai hát níu mùa thu ở lại/chớm mưa về bóng núi đã mênh mang...” (tưởng như...)

  Đại lượng thời gian và cách đo đếm theo cung bậc cảm xúc nhiều khi không còn nặng chuyện chính xác hay không hoặc nếu có cũng  chỉ là giả định. Nhưng không phải vì thế mà xúc cảm, đặc biệt là nỗi lòng đối với mẹ và cố hương Quảng Trị vô vàn yêu dấu lại có thể nhạt nhòa:

   chiếc cầu mới như một vầng trăng khuyết

   hay trăng non cũng thế thôi mà

   tôi tìm mẹ về nơi không có mẹ

   chỉ để tìm nỗi thương nhớ xa xưa

                            (quê ngoại)

  Về lại cố hương ai mà chẳng muốn nhưng ngay cả điều này nói như Xuân Diệu : “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt” nên Hồ Sĩ Bình vẫn mang nỗi niềm của Lưu Nguyễn trần hoàn, lắm lúc thấy thấm một nỗi cô đơn không dễ gì chia sẻ và nỗi buồn dù chưa gặp đã thấy trước rồi phải chia tay, người viết như đứng trước một nghịch lý trớ trêu nhưng đó lại là chân lý không thể khước từ. Nhà thơ như muốn kêu lên:

   quê quán ơi

   bao lần trở lại

   trở lại bao lần

   cũng chỉ để mà đi

  Và thi nhân thường tiếc nuối thời gian, vật vã với thời gian rất nhiều khi người thơ muốn phân thân, hóa thân trong các chiều kích thời gian khác nhau để ao ước sống hết với những cảnh giới khác nhau của một kiếp người:

  người về nói với ngày xưa

  tiếng chim đã khản bên bờ ruộng dâu

 

  người về có biết mai sau

  chuông ngân đã rụng đêm sâu giếng vàng...

                                  (lục bát xuống hàng)

  Nhưng cảm thức thời gian đầy đủ nhất, cô đặc cảm  xúc Hồ Sĩ Bình và khá tiêu biểu cho thơ anh về mặt này là thi phẩm “mới đây” :
   sớm mai chưa kịp cầm tay

   hoàng hôn níu bóng một ngày đã qua

  

   mùa xuân mới chạm tay ngà

   đã nghe sương khói nhạt nhòa nỗi xa

 

   một người mới nhấm hoàng hoa

   chén nghiêng chưa kịp đã qua đông rồi

 

   mới đây rồi cũng một đời

   tóc thơm buổi trước cũng lời tà huy

 

   thôi rồi em với ngày xưa

   mai tôi về nhớ ngày mưa trên ngàn

    Đương nhiên thơ Hồ Sĩ Bình còn những điều đáng nói khác nữa. Tuy vậy Ám ảnh thời gian vẫn là hiện hữu đặc trưng nhất trong thơ của một người quê Quảng Trị, có khi vài câu, có khi cả đoạn, thậm chí cả bài. Nhiều bài đọc từng câu có vẻ không thấy dấu vết thời gian rõ nét nhưng tổng thể cả đoạn, cả bài lại thấy nao nao cảm xúc và hiện hữu một thời –gian-tâm-trạng rót đầy tâm trạng thời gian. Ví như những bài thơ :”ngoài nớ trong ni”, “bảng tên trường”, “ngày bão rớt”, “ký ức phố huyện”,”thư cũ”, “vết cắt”, “uống rượu rừng biên”,“hương xưa mẹ và em”...

   Thành thực mà nói, theo tôi thơ Hồ Sĩ Bình nhiều bài, nhiều câu không mới, nhiều từ dùng đã cũ. Nhưng những bài thơ, câu thơ của anh dành được cảm tình và sự chia sẻ của người đọc chính nhờ ám ảnh thời gian gần như thường trực trong cảm xúc thi ca được viết nên bằng một tâm trạng âu lo, muộn phiền và sốt sắng gặp gỡ, sốt sắng chia ly. Và dù thường xuyên ăn ngủ, vui buồn với kỷ niệm đã qua và chưa tới, với mỗi thời khắc  nhưng anh không quên nỗ lực sống và làm việc hết mình để có được những tác phẩm văn chương bắc cầu đến cả với những người không quen biết, và đôi khi, vì một lý do nào đó, vẫn còn hờ hững với thời gian.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 13/10/2019 10:04 Lê Vĩnh Nhiên 26/07/2022 14:41

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà