Ct thơ 4/1 pt
Danh mục
Tạp chí người yêu thơ Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Ct thơ 4/1 -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct là mục điểm thơ, chúng ta cùng đến với những sáng tác đăng tải trên tạp chí văn nghệ địa phương. Bài của An Thái. Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Tiếp nối ct Hiếu Giang có bài viết ghi nhận về một nhà thơ nặng tình quê với mảnh đất Quảng Trị. Mời quý thính giả cùng theo dõi. -Phần cuối ct là cuộc trò chuyện giữa pv với nhà thơ Võ Văn Hoa, hiện đang sinh sống tại Hải Lăng (Quảng Trị). Chúng ta cùng theo dõi. -Qúy thính giả vừa nghe ct : người yêu thơ Quảng Trị, ct này do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của ...thân ái chào tạm biệt.

Điểm thơ :

 

   Chúng ta cùng đến với thơ Mai Thanh Vinh đăng tải trên tạp chí Cửa Việt.

   Trong bài thơ "Thu sang", tác giả viết:

    Lục tung kí ức khóc cười

dầm dề con mắt mấy mươi năm

cũng đâu vui thêm một bữa

mà vàng màu lá từng xanh...

   Thu sang, nghĩa là thời gian tiếp tục trôi, điều này có ý nghĩa với những ai lớn tuổi. Cho nên sự việc tự nhiên, đương nhiên mà nhiều khi thốt lên trong ý nghĩ giật mình, như câu thơ: mà vàng màu lá từng xanh.

   dẫu đẩy xô cho lòng nghiêng ngả

cũng ôm mộng mị một đời

ngày xoa vỗ rót đêm vào khát

ngửa mặt cười tiếng khóc lịm đáy sâu


và cứ thế 

vỗ tay nhảy múa

thả tiếng cười giòn như mảnh thủy tinh sắc lẹm

cứa thinh không rách giọt nắng trong veo

   Hai câu cuối trong đoạn thơ trên là một cách tìm tòi thể hiện mới của người viết như muốn rạch một nhát thơ điêu khắc không gian từ cảm thức thời gian.

   cố dằm mình trong nỗi bi thương

vẫn không hái chùm sao phía trước

lẽ nào bỏ lại cuộc chơi

thì thôi

tìm về con sóng

ru bời cát trắng

thu sang...

  Khổ cuối trở về với cách nói quen thuộc dù vẫn là thơ. Hình như dao động thơ nhiều khi giống dao động con lắc, dù có lay động bao nhiêu rồi cũng trở lại trạng thái ban đầu.

   Trong bài thơ "Lời ru tiếng gió" cũng của tác giả Mai Thanh Vinh, nhà thơ đã viết:

   Sợi nắng buông trên đôi vai người đàn bà

giống như áo mỏng

không đủ che vết rạn thời gian

không giấu vết nứt thịt da

tâm hồn trầy xước

nàng muốn cười khi gió hắt hiu

   Cảm xúc có vẻ trừu tượng khó nắm bắt và thịt da hiển lộ lại đổi chỗ cho nhau trong cách thể hiện cựa quậy, sinh động, muốt bứt phá ra khỏi cách cảm và thể hiện thông thường. Để rồi, nhà thơ lại viết:

   người đàn bà cõng nắng dầm sương

khản tiếng rao buồn ran trong ngực

thì thôi vậy

trút vào đêm trắng

mặc sông đời ngụp lặn về khơi


người đàn bà

ngửa mặt ngó trời

xanh xa quá

lời ru như tiếng gió...

   Không điều gì rõ ràng, không điều gì có thể nắm bắt trong tay, tất cả mông lung như chực tuột ra như cát và bay đi như gió trong thơ Mai Thanh Vinh.

 

    MỘT NHÀ THƠ NẶNG TÌNH QUÊ.

                                                                          (Xuân Dũng)

   Hễ nhắc đến nhà thơ Nguyễn Văn Dùng là người ta nhắc đến hai câu thơ quen thuộc với công chúng trong bài “Giếng” của ông : “Em ra giếng gánh nước trong/Còn tôi ra giếng để không làm gì”. Hai câu thơ có duyên, vừa tình tứ lại vừa cắc cớ thi sĩ như chính tác giả, trong chừng mực nào đó làm nên “thương hiệu” Nguyễn Văn Dùng, dù ông đã làm rất nhiều thơ và tôi đồ rằng đó cũng chưa hẳn là những câu thơ chọn lọc nhất của ông.

   Dễ thấy rằng tâm cảm quê hương là dòng thơ chủ đạo của nhà thơ Nguyễn Văn Dùng. Ngay tập thơ mới nhất vừa xuất bản gần đây  “Khúc hát sông Hiền” cũng cho thấy điều này. Nhan đề nhiều, rất nhiều bài thơ của ông cũng chứng thực cho tình yêu quê hương của ông, từ “Thương miền nắng gió”, “Gặp lại sông Bến Hải”, “Quảng Trị mình”, “Thị xã và tôi” cho đến “Chiều tím Cửa Tùng”, “Sa Lung bên lử bên bồi”, “Nắng Đông Hà”, “Xuân về bên sông Hiếu”...Lối viết của ông lại ảnh hưởng đậm nét âm hưởng dân gian từ ca dao lục bát cho đến hò sông nước, hò giã gạo nên tình quê càng thắm thiết, nồng nàn. Trong bài “Thương miền nắng gió”, tác giả mô tả quê hương với những chi tiết chân thực từ đời sống:

   Ở nơi này, anh nhớ nhiều về em

  Chao ! Cái nắng quê mình như lửa đốt

   và cái gió miền Trung như bão giật

   cái mưa xứ mình như thác đổ triền miên.

    Hay khi đứng trước “Sa Lung bên lở bên bồi” hồn thơ như trẻ lại với những đam mê, day dứt  như thời trai trẻ với câu kết bất ngờ thi sĩ  nhớ tiếc một dòng sông ký ức:

   Một ngày trời đất hao hanh

   Quên câu thơ cũ em thành cô dâu

   Xênh xang áo váy qua cầu

   Con sông gầy guộc bạc đầu nhớ thương...!

     Nhưng thơ Nguyễn Văn Dùng không chỉ đơn thanh, đơn sắc theo lối bộc bạch dân dã có phần quê kiểng. Có những bài thơ lục bát đầy đặn càm xúc và dụng công trau chuốt nên vẫn khá hay theo cách Nguyễn Văn Dùng. Như khi ông cũng nặng lòng với một nhà văn quê hương nên sáng tác bài thơ “Hoa phù dung” tặng Hoàng Phủ Ngọc Tương.

   Với tay hái đóa phù dung

   Ai hay hoa đã tận cùng hư vô

   Tháng năm nông nổi dại khờ

   Hình như sương trắng nhuộm bờ heo may.

    Viết như vậy có thể xem cũng là một tri âm của Hoàng Phủ, bởi tinh tế thấu cảm những nỗi lòng nhau nhiều khi không dễ nói, hoặc không dễ gì nói hết.

   Phù dung nay đã về đâu

   Có người vò võ đêm thâu ngày dài

   Phập phồng hơi thở bên tai

   Nghe mong manh tiếng gót hài làm tin.

    Cũng như có đôi lần thơ ông đột biến giọng điệu khác lạ, cách lập ý, lập ngôn cũng khác khiến người đọc không khỏi ngỡ ngàng và thú vị trước một đột biến thơ của Nguyễn Văn Dùng. Bài thơ “Một vạn ngày”  là một dẫn dụ sinh động.

   Anh đã mất một vạn ngày để yêu em

   Anh không muốn mất thêm một vạn ngày để quên em được nữa

   Qũy thời gian của anh không còn nhiều chỉ tính bằng cơm bữa

   Dù chẳng còn bao nhiêu với anh vẫn quý giá vô cùng.

     Một Nguyễn Văn Dùng không còn có vẻ ngoài đùa cợt, hài hước mà đầy suy tư và triết lý. Thơ tình đầy triết luận mà vẫn không theo lối mòn, vẫn tươi mới trong lý lẽ và cảm xúc.

   Anh đã mất một vạn ngày độ lượng bao dung

   Anh không muốn mất thêm một vạn ngày để xót xa hơn được nữa

   Không gian chật hẹp của anh  không đủ ô-xy để bùng lên ngọn lửa.

   Dù chật chội nhỏ nhoi với anh lại quý giá vô cùng.

    Tình cảm cổ điển nhưng cách nói hiện đai, trẻ trung và đó là một thành công cần được lưu tâm khi nói đến thơ tình Nguyễn Văn Dùng.

   Anh đã mất một vạn ngày để nuôi lớn tình thân

   Anh không thể để mất thêm một vạn ngày để quên tình lãng mạn

   Thời gian không gian  với anh đã tận đáy đã bên bờ giới hạn

   Dù tất cả đã phù du với anh là thứ quý giá nhất trên đời.

    Tôi có cảm giác có vẻ như nhà thơ Nguyễn Văn Dùng sáng tác nhanh, nhiều và không mấy khó khăn, vật vã, đó có thể là “thể tạng”  văn chương của mỗi người. Tuy vậy bên cạnh những thành công của thi sĩ Nguyễn Văn Dùng cần được nhìn nhận đúng mức, bạn đọc vẫn muốn nhà thơ chọn lọc hơn mỗi khi cầm bút, tiết chế hơn trong tìm kiếm đề tài và thể hiện để giảm bớt những bài thơ trung bình, có thêm được những thi phẩm được công chúng mến yêu và nhắc nhở.

 

  

  

  

  

   

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 01/01/2020 11:35 Nguyễn Việt Hà 13/01/2020 08:38

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà