Ct thơ 21/3 pt
Danh mục
Tạp chí người yêu thơ Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Ct thơ 21/3 -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct hôm nay, chúng ta cùng đến với những sáng tác của nhà thơ địa phương được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng quê nhà Quảng Trị, bài của An Thái. Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Qúy vị và các bạn thân mến! Tiếp nối ct, sau khi tìm hiểu và cảm nhận về những nhà thơ quê hương Quảng Trị, Hiếu Giang có bài viết sau, chúng ta cùng theo dõi. -Phần cuối ct, mời quý vị và các bạn cùng nghe cuộc trò chuyện giữa pv với một nhà tác giả thơ Quảng Trị (băng) -Qúy thính giả vừa nghe ct: tạp chí người yêu thơ QT, ct này do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

                                                                   (Xuân Dũng)

 

-Tạp chí Người yêu thơ Quảng Trị tuần này xin điểm thơ đã đăng tải trên trang thông tin điện tử của Hội VHNT tỉnh Quảng Trị.

   Nhà thơ đồng thời cũng là nhà báo Lê Văn Trâm mới đây hiện diện với hai bài thơ sau nhiều năm lăn lộn với nghề báo, đó là bài “Trăng quê” và “Đông”.

   Khi về lại làng cũ Lệ Xuyên, anh đã viết một bài lục bát có pha chút biến thể để ít nhiều làm mới một thể thơ truyền thống:

    Lại về quê cũ 
tìm trăng
Tầng tre xao xác 
mây giăng cuối trời 
Thương về cố quán
chơi vơi 
Nửa vầng trăng khuyết
gợi thời chia xa 

  Có lẽ không gì gợi nhớ đến kỷ niệm bằng hình ảnh trăng quê, nó là hình ảnh nên thơ và giàu hoài niệm, nhất là với những người đa từng trải. Trong hoài cảm của một người đứng tuổi và qua không ít thăng trầm của cuộc đời, tác giả Lê Văn Trâm đã có giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng khi khắc họa những cảnh vật tượng trưng cho hồn vía quê nhà. Bài thơ như muốn lạc vào mộng du dù đời rất thực và người thơ đã viết tiếp:

  Ngàn năm cũng ánh trăng tà
Ngập ngừng 
ký ức buồn qua ngọn nồm 
Ôm lòng 
một nỗi cô thôn
Người xưa đồng vọng thắp hồn chơ vơ.

  Bài thơ buồn, hẳn nhiên, và đầy tâm trạng dù hình tượng thơ có phần không mới.

  Trong bài “Đông” nhà thơ Lê Văn Trâm cũng với giọng thứ buồn bã trong thơ trong giai điệu nhẹ nhàng và chảy vào nội tâm da diết:

  Xào xạc lá
Vàng rơi ngày xa vắng 
Gió mưa về
Khúc hát trăm năm 
Ai gọi mãi
vầng trăng tỉnh thức
Dạt dào đêm hương gió bay về

   Có gì mông lung, có gì vô định, có gì như khó lòng nắm bắt, nhưng vẫn có thể cảm được hồn người viết khi thi nhân thốt lên rằng:

  Lạc bóng đời 
Một mình ta ngồi lại
Mưa hắt hiu 
Ngày trắng xóa triền đồi
Thương nhớ quá 
Một thời lầm lỗi 
Để ai buồn đi hết trăm năm

  Đó là những giọt mưa thơ rơi ngược về ký ức Lê Văn Trâm.

   Cũng trên trang thông tin điện tử của Hội VHNT tỉnh Quảng Trị có tác giả Thy Lan với bài thơ “Trò chuyện với dòng Lam”. Đây là bài thơ thiên về tả thực, gắn với địa danh cụ thể là dòng sông Lam khi bạn bè gặp lại. Tác giả viết:

   Bên dòng Lam, nghe câu hò xứ Nghệ

Điệu ngọt thương dằng dặc những ngày xa

Anh cháy đỏ một mùa hoa phượng vĩ

Ánh đèn đêm còn đó dấu chân về.
 

Em háo hức những ngày còn đến lớp

Mái trường Vinh kỷ niệm vẫn nguyên màu

Trăm lối đi, lối nào mình đã hẹn?

Trăm nẻo tìm, còn đó tiếng ngày xưa!

  Thơ nhẹ nhàng, nữ tính nhắc lại những kỷ niệm cũ của một thời học hành tuy không có những tìm tòi, dụng công nhưng có được tình cảm cũng là điều đáng ghi nhận.

   Khúc dân ca da diết người về

Điệu ví dặm say lòng người ở lại

Sông ngoái mặt khúc nào xanh màu lá

Khúc nào lơ đễnh để trôi xa!
 

Sông cứ trắng, bình yên câu chuyện cũ

Sóng duềnh lên khúc giận, khúc thương

Sông cứ thẫm những điều chưa kịp biết

Chút mong manh làm khói trắng xa dần.
 

Sông như thể người nay đây mai đó

Bến Thủy bên cầu vẫn đợi trông!

  Chúng tôi vừa điểm qua một vài tác giả, tác phẩm có mặt trên trang thông tin điện tử của Hội VHNT tỉnh Quảng Trị.

 

 

 

                   THƠ CỦA QUÊ NHÀ.

                                                           (Xuân Dũng)

 

  Thi thoảng rảnh rổi ngồi một mình, tôi thường nhớ đến đồng môn, đồng nghiệp tài hoa bạc mệnh như Hàn Nguyệt, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Tiến Đạt...Họ đã đi xa, thật xa nhưng đôi khi cảm giác dường như vẫn còn đâu đó gần gụi nhưng vì mình bươn chải giữa dòng đời bận rộn nên có lúc sao nhãng bạn bè.

Nguyễn Tiến Đạt tòng sự sau cùng tại báo Quảng Trị. Anh viết báo tinh nhạy, sắc sảo còn làm thơ thì ý tứ sâu xa mà lời lẽ có duyên, nhiều lúc bông phèng, cựa quậy khiến người đọc thích thú, cười xong lại gật đầu ngẫm nghĩ, đôi lúc không khỏi giật mình.

Người thơ Nguyễn Tiến Đạt trước hết là chàng trai thôn dã, nơi mà những chân trị xóm làng, gia tộc hằng ngự trị và phủ bóng ngàn năm. Khi “ Cùng con đánh chiêng nhà thờ họ Nguyễn”, người viết hóa thân trong lời thơ lục bát nghe như “chuyện hò” Quảng Trị:

   Đưa con về vái họ hàng

   Ta cùng giòng giống xa làng bấy nay

   Cha sinh chỉ một chốn này

   Mới sinh con giữa phố đầy đèn hoa

   Chiêng này con đánh giùm cha

   Đánh vang cho họ Nguyễn ta cùng mừng.

Tiếng chiêng linh thiêng, không còn là vật vô tri vô giác thông thường mà hun đúc, hàm ẩn khi thiêng dòng họ, nối người đã khuất với người đang sống, gợi nhắc nhiều điều đáng nói và đáng nhớ như tiếng chim quê kiểng gọi đàn:

   Nhà thờ phượng múa rồng bay

   Cây đa còn đó trúc này còn đây

   Tiếng chuông gọi kẻ lạc bầy

   Ai chê phận bạc, ai rày phận đen

   Quê hương máu chảy ruột mềm

   Trăm năm chỉ một cõi thiêng cội nguồn!

 

   Bùng...biêng...là bùng...biêng...bùng...

Nhưng bước sang bài thơ “Mu-gic” thì lại thấy một chân dung thơ của chàng thi sĩ gốc gác nông dân này muốn bắc một nhịp cầu văn chương giữa hai dân tộc qua câu chuyện của chính bản thân mình, một tự tình thơ rất chi Nguyễn Tiến Đạt:

   Dẫu tôi yêu hoa hồng, hôn nhành vi-ô-lét

   Đọc thơ Pu-skin và cầm tay người đẹp

   Tôi vẫn là mu-gic của làng tôi

   Nơi hạt lúa nằm mơ mở cánh mặt trời.

Này nhé, nhà thơ cũng mơ mộng và lãng mạn như ai, nếu cần cũng lịch thiệp và đầy văn hóa với người đẹp. Nhưng vẫn khai rõ với nàng, lý lịch của mình là mu-gic (nông dân theo cách gọi của người Nga) không hề che giấu, trái lại còn coi đó là căn -cước-văn-hóa rất đáng tự hào nên không hề thiếu tự tin khi nhắc đến. Khổ thơ sau có thể là một minh họa cụ thể khả năng quan sát tinh tế dẫn đến sự phát hiện và sự liên tưởng rất thơ khi viết về làng quê:

   Những ông Thiện-Ác đều đeo mặt nạ

   Chỉ loài nghê lại mang mặt chính mình

   Duy con biết điều này là sự thật

   Vì chúng con đời mẹ nở trang kinh.

Những câu thơ cuối đã tái khẳng định về mu-gic Nguyễn Tiến Đạt khi thi vị hóa cội rễ, đặc biệt cấu cuối là một liên tưởng lạ và thi sĩ :

   Dẫu tôi yêu hoa hồng hôn nhành vi-ô-lét

   Đọc thơ Phu-skin và cầm tay người đẹp

   Tôi vẫn là mu-gic của làng tôi

   Nơi bàn chân xòe năm cánh mặt trời.

Một Nguyễn Tiến Đạt tài hoa và đa tình ngay khi anh viết về một địa danh chất chứa lịch sử, dồn nén cả nỗi niềm dân tộc như Hiền Lương. Chất trường ca gần gũi  cách nói sử thi cũng vẫn không hề lấn át nhân vật trữ tình khi tự sự về một thời trai gái dù đôi khi chưa hẳn là đôi lứa yêu nhau.

   Tôi như chú ếch uồm uôm triệu năm há mồm trên bến vắng

   Đợi gánh hát em về áo mũ xênh xang

   Hãy hát đi! Con sơn ca rót mật lưng trời

   Sông bắt đầu ngân rồi đấy, ánh sáng chung chiêng ân ái cùng con đò

                                                                      (Bến Hiền Lương)

Bạn đọc thường hay nhắc đến hai câu “bản quyền” Nguyễn Tiến Đạt như một tuyên ngôn thi: “Vô vi thì buồn, viết thì sợ/Trời rộng đành đưa chén ngang mày” như lối thể hiện ám gợi, nghĩa vượt ra ngoài chữ vẫn hay gặp trong thơ Đạt, chạm đến tiềm thức, vô thức và tâm linh trong thi ca: “Anh vẫn về lối cũ/Nghe một tiếng mèo hoang/Trên tóc mai ớn lạnh/Vết thời gian in hằn” (Mười năm)

Quay lại với bài thơ “Bến Hiền Lương”, Nguyễn Tiến Đạt thăng hoa thơ trong cảm xúc như thể lên đồng rất cần khi nói chuyện tâm linh bằng những thi ảnh ma mị, khác thường dù chiến tranh tưởng đã lùi xa lại  vẫn hằn lên gương mặt hòa bình, lại vẫn chung gối chăn với người kể cả  trong và ngoài giấc ngủ. Đây cũng là một phát hiện bằng thơ nửa thực nửa hư của thi sĩ Nguyễn Tiến Đạt:

   Trên dòng sông vọng điệu hò đưa linh

   Của những nỗi niềm tiền kiếp

   Rào rào dốc đỉnh Trường Sơn

   Chiến tranh rạch qua đời tôi những đường sấm sét

   Người đôi bờ nửa đêm hay thức giấc

   Cả những đêm sau năm hai nghìn

   Những người già chưa bao giờ qua được bên kia sông

   Họ vẫn còn lởn vởn trên mặt nước

   Đêm đêm tôi nghe những tiếng gọi đò và tiếng người xin lửa

   Họ ra đi trước ánh sáng mặt trời thắp lên.

Đọc lại thơ Đạt lại thấy anh có khí chất và phong độ thi sĩ,  có vẻ thi nhân từ trong huyết quản. Tôi thấy anh tài hoa và có thể cả đào hoa như thơ của chính mình, cả cái chất hài hước, bông lơn dù viết thơ tình. Tôi lại nhớ hồi mới tái lập tỉnh Quảng Trị, anh đem tập thơ tới tạp chí văn hóa văn nghệ địa phương. Tình cờ tôi đọc và bỗng nhiên nhớ hai câu từ bấy đến giờ: “Ơi người tóc bạc cùng tôi/Lại đây ta nói những lời bướm ong”.

Tôi cho thơ như thế là đạt vì quá Đạt! Nên dù anh có đi xa nhưng thơ vẫn cứ phảng phất đâu đó cùng với anh em, bạn bè, với những người ở lại.

 

  

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 18/03/2020 09:51 Phạm Xuân Dũng 18/03/2020 09:51

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà