CTPT CÙNG NÔNG DÂN LÀM GIÀU PHÁT SÓNG NGÀY 2-11
Danh mục
Cùng nông dân bàn cách làm giàu
NỘI DUNG

Cùng nông dân bàn cách làm giàu

Thứ 5 ngày 2/11/2017

Chào quý vị và bà con!Rất vui được gặp quý vị và bà con trong 15 phút của chuyên mục CNDBCLG. Chương trình hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu đến bà con  mô hình trồng cây đinh lăng với số lượng lớn tại Hướng Hóa. Tiếp đó là một số quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đinh lăng cho hiệu quả cao. Sau đây là phần nội dung chi tiết. Mời bà con và các bạn cùng nghe.

Nhạc cắt

Bánh đa Phương Lang – sản phẩm mới từ tâm huyết của một người phụ nữ:

Thưa quý vị và bà con! Bằng sự nhẫn nại, kiên trì vượt qua khó khăn trong cuộc sống, chị Đỗ Thị Chanh, ở thôn Phương Lang, xã Hải Ba huyện Hải Lăng đã góp phần tạo nên một sản phẩm mới mang thương hiệu của quê hương, đưa kinh tế gia đình vươn lên khá giả, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương. Ghi nhận của PV Thái Hiền, mời bà con và các bạn cùng tìm hiểu.

Làm bánh ướt từ lâu đã trở thành nghề truyền thống tại thôn Phương Lang. Ngoài những buổi chạy chợ, làm đồng, thời gian nông nhàn, hầu hết chị em phụ nữ trong thôn Phương Lang đều chọn nghề làm bánh ướt để tăng thu nhập. Chị Chanh cũng vậy, tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, hàng ngày chị cũng làm bánh đem ra chợ bán. Tuy nhiên, sau một thời gian theo nghề, chị Chanh nhận thấy nếu ai cũng làm bánh ướt thì việc tiêu thụ sản phẩm sẽ rất khó khăn do cung lớn hơn cầu.

 

Trong lúc sản phẩm bánh đa có thị trường tiêu thụ khá lớn nhưng địa phương chưa sản xuất được, tiểu thương tại các chợ trên địa bàn phải đi mua bánh đa từ các địa phương khác về bán. Năm 1990, chị Chanh quyết định chuyển sang làm bánh đa. Bắt tay vào làm một loại bánh mới, chị gặp rất nhiều khó khăn vì từ cách pha bột đến tráng bánh đều khác hoàn toàn so với bánh ướt truyền thống. Ngay cả cách phơi bánh chị cũng rất lúng túng do không biết cách đặt bánh trên vỉ phơi. Khó khăn chồng chất nhưng đã quyết làm nên chị không nản chí. Cứ sau một mẻ bánh thất bại, chị học được một chút kinh nghiệm và sau nhiều lần thất bại như thế chị đã tự tay cho ra lò những chiếc bánh đa dẻo thơm, đầy đặn, được người tiêu dùng đón nhận. Từ đó, một loại sản phẩm mới mang tên bánh đa Phương Lang đã ra đời và tiêu thụ rộng rãi tại các chợ địa phương và một số vùng lân cận. Chị Chanh cho biết thêm:

Phỏng vấn:

 

Chưa thỏa mãn với thị trường tiêu thụ đang có, chị Chanh vẫn mong muốn mang sản phẩm bánh đa Phương Lang đến với thị trường rộng lớn hơn. Chị nghĩ ra một cách là sẽ đem sản phẩm đến những nơi đông người qua lại, nhất là các lễ hội hay các điểm du lịch để giới thiệu đến với du khách trong cả nước. Nghĩ là làm, trong một dịp đem bánh đa đến bán cho khách hành hương về La Vang (xã Hải Phú), sản phẩm của chị đã được một thương lái Hà Nội chú ý đến. Ban đầu, vị khách này chỉ mua vài chục chiếc mang về dùng thử, từ đó chính chất lượng của bánh đa Phương Lang đã mở ra thị trường tiêu thụ mới tại Hà Nội.

Nhận thấy nghề sản xuất bánh đa của chị Chanh đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, nhiều hội viên, phụ nữ tại thôn Phương Lang cũng học tập và làm theo. Không chỉ truyền đạt kinh nghiệm, chị Chanh còn nhận bao tiêu sản phẩm nên các chị em yên tâm sản xuất. Với mong muốn được giới thiệu sản phẩm của quê hương đến với đông đảo người tiêu dùng trong cả nước, không dừng lại ở thị trường Hà Nội, chị Chanh đã tìm thêm nhiều nơi tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc, phía Nam.

 

Khi đã tìm được đầu ra khá ổn định, lại nhận thấy nhu cầu việc làm của lao động nữ tại địa phương khá lớn, đến năm 2014, được sự đồng ý của chính quyền địa phương và Hội Phụ nữ, Tổ hợp tác (THT) sản xuất bánh đa Phương Lang được thành lập với 28 thành viên do chị Chanh làm tổ trưởng. Chị Chanh cho biết thêm:

 

Phỏng vấn:

“So với sản xuất nhỏ lẻ trước đây, khi thành lập THT đem lại rất nhiều thuận lợi như chất lượng sản phẩm đồng đều hơn nên rất dễ tiêu thụ trên thị trường, quá trình sản xuất có tổ chức nên hiệu quả sản xuất được nâng cao, thu nhập của các thành viên từ đó cũng cao hơn….

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra sản phẩm bánh đa đáp ứng nhu cầu của thị trường, từ tháng 5/2017, được sự hỗ trợ của đề án khuyến công tỉnh, THT của chị Chanh đã đầu tư mua máy tráng bánh đa trị giá trên 115 triệu đồng, công suất tăng gấp 3 lần so với việc tráng bánh thủ công trước đây. Có máy móc hỗ trợ, hiện nay THT sản xuất bánh đa Phương Lang hoạt động khá hiệu quả, sản xuất khoảng 50.000 cái bánh đa/ tháng, sau khi trừ chi phí, lãi ròng khoảng 50 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm cho 28 hội viên phụ nữ với thu nhập bình quân từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Từ sau khi thành lập THT, các hội viên phụ nữ trong thôn Phương Lang rất phấn khởi vì đã tìm được việc làm phù hợp với thu nhập ổn định. Không chỉ tạo thêm thu nhập cho lao động nông thôn, với vai trò là tổ trưởng THT, chị Chanh còn thường xuyên chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của mỗi thành viên. Chị thành lập quỹ riêng của THT rồi kêu gọi các thành viên tham gia, từ đó đã hỗ trợ kịp thời các chị em, hội viên khi ốm đau hay gặp khó khăn trong cuộc sống. Những dịp lễ, tết trong năm, chị đều đứng ra tổ chức các buổi liên hoan, vui chơi, giải trí để động viên, cổ vũ hội viên, phụ nữ. Với khát vọng làm giàu chính đáng và mong muốn tìm thêm việc làm cho các hội viên, phụ nữ, ngoài nghề sản xuất bánh đa, chị Chanh còn tìm tòi học thêm nghề dán áo mưa bộ để tăng thu nhập, khách hàng chị hướng tới chủ yếu là những người lao động.

          Dẫn chúng tôi tham quan cơ sở sản xuất áo mưa, chị Chanh cho biết: “Nhận thấy những người làm nông hay các tiểu thương buôn bán tại các chợ phải dùng những chiếc áo mưa tiện lợi, chỉ một lần sử dụng rồi vứt đi vừa tốn kém còn gây ô nhiễm môi trường. Hay những người có điều kiện hơn mua áo mưa bộ nhưng cũng nhanh hỏng chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, tôi muốn tạo ra một sản phẩm áo mưa bộ chắc chắn, vừa giữ ấm cho người sử dụng, đảm bảo độ bền, chắc và giá cả hợp lý để phục vụ cho đông đảo người lao động. Từ ý tưởng đó, năm 2009 tôi tìm học thêm kỹ thuật dán áo mưa rồi vay mượn tiền mua máy móc, nguyên liệu để thực hiện”. Đến nay, sau hơn 8 năm sản xuất, sản phẩm áo mưa của chị Chanh đã tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng địa phương và các vùng lân cận. Bình quân mỗi ngày, chị Chanh sản xuất khoảng 30 bộ áo mưa các loại, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng. Vươn lên từ trong gian khó, cơ ngơi chị gây dựng hôm nay được tạo nên từ sự quyết tâm, lòng đam mê và tình yêu quê hương mãnh liệt.

 

Ước mơ lớn nhất của chị Chanh là sản phẩm bánh đa Phương Lang sẽ xây dựng được thương hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm để tiếp tục đứng vững trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng biết đến, đó là cơ sở để chị tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

 

 

Nhạc cắt

Phát triển cây đinh lăng trên vùng núi Hướng Hóa

 

Thưa quý vị và bà con! Nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, một số hộ dân trên địa bàn xã Tân Long, huyện Hướng Hóa đã tìm và ứng dụng giống cây đinh lăng vào sản xuất. Hiện nay, cây đinh lăng đang phát triển và hứa hẹn sẽ là giống cây trồng mới nâng cao thu nhập cho bà con.Ghi nhận của PV Nguyên Bảo, mời bà con cùng tìm hiểu.

 

Cách đây gần 1 tháng, nhóm hộ gia đình ông Lê Thanh Hóa, thôn Long An, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa đã tìm hiểu và đưa vào trồng cây đinh lăng trên diện tích hơn 1,2 héc ta. Sau khi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhóm hộ ông Hóa đã mua giống từ tỉnh Vĩnh Phúc về trồng để tăng thu nhập. Đồng thời, lắp hệ thống nước tưới tự động để cung cấp nguồn nước cho cây. Anh Lê Đăng Quang, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong – người chăm sóc đinh lăng tại mô hình của ông Lê Thanh Hóa cho biết:

 

Phỏng vấn:

 

Mô hình trồng cây đinh lăng của ông Lê Thanh Hóa là một trong 2 mô hình trồng đinh lăng đầu tiên tại xã Tân Long, huyện Hướng Hóa. Theo người dân và chính quyền địa phương, nếu chăm sóc và cây phát triển tốt thì 1 héc ta khoảng 4 vạn cây giống, sau 3 năm có thể cho thu hoạch. Với giá hiện tại thu nhập khoảng 500 – 600 triệu đồng/héc ta sau 3 năm, gấp 6 – 7 lần so với trồng chuối. Loại cây này được tận thu từ rễ, thân và lá phục vụ cho việc sản xuất các loại thuốc chữa bệnh. Được biết, những người trồng đinh lăng tại đây đã tìm hiểu và sẽ hợp đồng đầu ra cho sản phẩm với các công ty sản xuất dược phẩm. Ông  Võ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long, huyện Hướng Hóa nói thêm:

 

 

Phỏng vấn:

 

Trước đây, trên các diện tích trồng đinh lăng, người dân trồng chuối để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với giá chuối bấp bênh, hiệu quả không cao khi chuối ngày một phát triển nhiều hơn, những nông dân tại Tân Long đã mạnh dạn tìm và áp dụng trồng cây đinh lăng. Với ý chí dám nghĩ, dám làm tìm ra loại cây trồng mới trên vùng đồi, cây dược liệu đinh lăng sẽ là hướng mới, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích của nông dân vùng cao Hướng Hóa ./.

                                                                                            Nguyên Bảo

 

Nhạc cắt

Kỹ thuật trồng cây đinh lăng

Thưa quý vị và bà con! Hiện nay, ở một số địa phương, bà con nông dân hoặc các trang trại đã biết trồng cây đinh lăng với số lượng lớn vì loại cây này rất kinh tế cao. Tuy nhiên, trồng như thế nào để có hiệu quả cao nhất. Mời bà con cùng tìm hiểu trong phần cuối của CM hôm nay.

Cây Đinh lăng thuộc họ Ngũ gia bì, có kỹ thuật trồng cây không quá khó. Loài cây này là một loại dược liệu quý bởi con người có thể sử dụng được toàn bộ cây từ rễ, củ, cành và lá để làm thuốc trị bệnh, bồi bổ sức khoẻ và làm gia vị cho các món ăn Đinh lăng thuộc loại cây nhỏ, cao khoảng 0,8-1,5m, thường được trồng làm cây cảnh trước nhà hoặc chùa, miếu. Cây có lá kép, mọc so le, lá 3 lần xẻ lông chim, mép khía có răng cưa. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành tán. Quả dẹt, dài 3-4mm, dày khoảng 1mm. Lá đinh lăng phơi khô, nấu lên có mùi thơm đặc trưng, dân gian gọi nôm na là mùi "thuốc bắc". Lá tươi không có mùi thơm này.

Đinh lăng là cây sống nhiều năm, ưa ẩm, ưa sáng nhưng cũng chịu hạn, chịu bóng nhưng không chịu úng ngập. Cây có biên độ sinh thái rộng, phân bố trên khắp các vùng sinh thái, có thể phát triển trên nhiều loại đất nhưng tốt nhất là đất pha cát. Cây phát triển mạnh khi nhiệt độ dưới 25 độ C (từ giữa thu đến cuối xuân).

Đinh lăng gồm có các loại: Đinh lăng lá tròn, đinh lăng trổ, đinh lăng lá to, đinh lăng đĩa, đinh lăng rang :lá 2 lần kép, thân màu xám trắng. Đinh lăng nếp là loại lá nhỏ, xoăn, thân nhẵn, củ to, rễ nhiều và mềm, vỏ bì dày cho năng suất cao và chất lượng tốt, đây là loại hay được chọn để làm giống. Đinh lăng tẻ là loại lá sẻ thùy to, vỏ thân xù xì, màu xanh nhạt, củ nhỏ, rễ ít và cứng, vỏ bì mỏng, năng suất thấp. Loại này người dân không nên trồng.

Chuẩn bị trồng: Đinh lăng là loại cây chịu hạn, không ưa đọng nước, phát triển tốt ở vùng đất pha cát, tơi xốp, có độ ẩm trung bình. Khi trồng đại trà, diện rộng, người dân phải cày bừa làm đất tơi, lên luống cao 20cm, rộng 50cm. Nếu ở vùng đồi, người trồng phải cuốc hốc sâu 20cm, đường kính hố 40cm. Đinh lăng trồng bằng cách giâm cành và có thể trồng được cả bốn mùa nhưng tốt nhất là giữa xuân.

Thời vụ: Người nông dân nên trồng vào mùa xuân, từ tháng 1-4. Vào mùa hè, cây được trồng cần phải giâm hom giống 20-25 ngày cho ra rễ mới đem trồng. Người trồng có thể giâm cành bằng cách đem hom cắm xuống đống cát để trong bóng mát, khoảng cách trồng: 40 x 50 cm hoặc 50x50 cm. Mật độ của cây là khoảng 40.000 đến 50.000 cây/ha.

Phân bón và kỹ thuật bón phân

Bón lót: Mỗi hecta, người dân nên bón lót 10- 15 tấn phân chuồng, 400- 500 kg phân NPK, bón toàn bộ lượng phân lót, tránh bón sát và hôm giống.

Bón thúc: Ở năm đầu, vào tháng 6 sau khi trồng, cây cần được bón thúc 8kg urê/sào bằng cách rắc vào má luống rồi lấp kín. Cuối năm thứ 2, vào tháng 9 sau đợt tỉa cành, cây nên được bón thêm phân chuồng 6 tấn/ha và 300 kg NPK+100 kg kali. Ngoài ra người trồng cần bón thúc vào mùa thu, vun đất phủ kín phân bón để cây có điều kiện phát triển mạnh vào năm sau

Kỹ thuật trồng: Bà con đặt hom giống cách nhau 50cm, đặt nghiêng hom theo chiều luống, giữa các hom bón lót bằng phân chuồng 4kg/sào và 20kg phân NPK (tránh bỏ phân sát hom giống), sau đó lấp hom, để hở đầu hom trên mặt đất 5cm. Khi trồng xong, người dân nên phủ rơm rạ hoặc bèo tây lên mặt luống để giữ độ ẩm và tạo mùn cho đất tơi xốp. Nếu đất khô, người nông dân phải bơm nước ngập 2/3 luống hoặc tưới nước đảm bảo độ ẩm cho đất trong vòng 25 ngày nhưng không được để ngập nước, nếu trời mưa liên tục phải thoát nước ngay để tránh thối hom giống. Có hai cách trồng.

Một là kết hợp làm cảnh và thu dược liệu: Người dân có thể trồng thành từng hốc hoặc từng hàng thẳng tắp hoặc theo hình dáng tuỳ thích (hình thoi, vòng tròn, vòng ô voan...)

Trồng từng hốc: Người trồng đào hốc có đường kính 1m, sâu 35-40cm, lót đáy hố bằng miếng PE hay nilon cũ (để rễ cây tập trung trong hố, khi thu hoạch sẽ lấy gọn cả bộ rễ một cách dễ dàng). Sau đó, người dân trộn đất với phân chuồng hoai mục (10kg) cho đầy hố, nén đất xuống rồi trồng cây đã ươm vào, ba cây một hố theo hình tam giác đều, cây cách cây 50cm. Cây cần được tưới nước và ấn chặt đất xung quanh gốc, người chăm nên vun đất tạo thành vồng có rãnh thoát nước xung quanh. Nếu có, bèo tây ủ vào gốc để giữ ẩm là tốt nhất.

Trồng theo hàng thẳng hoặc tạo hình dáng: Bước đầu tiên là người trồng đào băng rộng 40cm, sâu 35-40cm,  lót nilon cũ hoặc PE cũ xuống đáy và trồng cây như trên (không đặt cây theo hình tam giác đều mà chỉnh theo hàng thẳng hoặc hình dáng định trồng).

Hai là trồng trên diện tích lớn: Người nông dân cần làm luống rộng 60cm, cao 35-40cm, bổ hốc thành hai hàng lệch nhau, cây cách cây 50cm. Bước tiếp theo là người dân cho phân hoai mục xuống, lấp đất mỏng, đặt cây đã ươm  vào trồng, tưới nước rồi ấn chặt đất quanh gốc. Nếu cây được trồng trên đất dốc, người trồng phải làm luống theo đường đồng mức để tránh trôi màu, hạn chế thoát nước nhanh sau khi mưa.

Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh: Đinh lăng là cây phát triển quanh năm, chịu hạn, ít sâu bệnh. Hầu như không cần sử dụng thuốc BVTV. Từ năm thứ 2 trở đi, người chăm cần tỉa bớt lá và cành, mỗi năm 2 đợt vào tháng 4 và tháng 9. Mỗi gốc chỉ nên để 1-2 cành to. Trong giai đoạn đầu, người trồng cần chú ý phòng từ kịp thời tránh ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây. Người chăm bón có thể dùng thuốc hoặc bắt sâu bằng tay vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Ngoài ra, người dân có thể dùng một số loại thuốc phòng trừ sâu xám hoặc dùng một trong các loại thuốc sâu dạng hạt, bột, trộn một phần thuốc với 10 phần đất bột khô rắc vào quanh gốc cây khi cấy trồng có tác dụng phòng trừ sâu xám rất tốt.

Thu hái, chế biến, bảo quản

Lá: Khi chăm sóc, người trồng cần tỉa bớt lá chỗ quá dầy. Khi thu vỏ rễ, vỏ thân , người thu nên thu hoạch lá trước, sau đó mới chọn hom giống. Lá thu được đem hong gió cho khô là tốt nhất (âm can), cuối cùng sấy cho thật khô.

Vỏ rễ, vỏ thân: Người nông dân có thể thu hoạch vào cuối thu năm thứ 2 (cây trồng 5 năm có năng suất vỏ rễ vỏ thân cao nhất). Rễ và thân câycần được rửa sạch đất cát, cắt rời rễ lớn, hong gió một ngày cho ráo nước (giúp bóc vỏ dễ hơn) để riêng từng loại vỏ thân, vỏ rễ sau khi bóc. Rễ nhỏ có đường kính dưới 10mm không nên bóc vỏ, loại đường kính dưới 5mm nên để riêng. Rễ cần được phơi, sấy liên tục đến khi khô giòn.

Phân loại: Loại I là vỏ, rễ cây loại có đường kính (lúc tươi) từ 10mm trở lên. Loại II là vỏ thân và vỏ rễ có đường kính dưới 10mm (vỏ thân gần gốc dày trên 2mm). Loại III là các loại rễ và vỏ thân mỏng dưới 2mm.

Chúc bà con thành công với mô hình trồng cây đinh lăng.

Thái Hiền tổng hợp và biên tập từ: nongnghiepnongthon, nongnghiepvietnam

Chào cuối!

 

 

 

 

 

 

 

Chú thích duyệt

chuyên mục đã được phòng CMCĐ duyệt, nội dung đảm bảo. Đề nghị alnhx đạo xem và cho thực hiện

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 30/10/2017 08:13 Lê Vĩnh Nhiên 30/10/2017 10:08
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà