Cùng nông dân bàn cách làm giàu 19-4
Danh mục
Cùng nông dân bàn cách làm giàu
NỘI DUNG

Cùng nông dân bàn cách làm giàu 18-4

MC1: Kính chào bà con và các bạn! Rất vui khi được đồng hành cùng bà con và các bạn trong chương trình cùng nông dân bàn cách làm giàu trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị vào thứ 5 hàng tuần.

MC2: Chuyên mục cùng nông dân bàn cách làm giàu tuần này ngoài những thông tin nông nghiệp đáng chú ý, mời bà con và các bạn theo dõi một số hướng dẫn cách quản lý các yếu tố môi trường trong ao nuôi tôm. Phần cuối chương trình chúng tôi sẽ giới thiệu đến bà con và các bạn hiệu quả từ mô hình trồng dưa hấu trên đất cát ở Triệu Phong. Bây giờ là nội dung chi tiết.

Nhạc cắt

( Thay nhau đọc tin )

I.                  THÔNG TIN NÔNG NGHIỆP

1.     Đảm bảo công tác chăn nuôi trong điều kiện nắng hạn kéo dài.

Thưa bà con và các bạn! nắng nóng như hiện nay sẽ có ảnh hưởng nhất định tới ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trâu, bò theo kiểu chăn thả. Lường trước được diễn biến của thời tiết, Cục Chăn nuôi khuyến cáo các tỉnh, thành phố, địa phương, trong đó có Quảng Trị để chủ động ứng phó với nắng nóng cho gia súc, gia cầm…Qua đó, nhằm đảm bảo công tác chăn nuôi trong điều kiện nắng hạn kéo dài.

Theo kế hoạch, các địa phương tập trung nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đào ao tích nước cho gia súc. Hướng dẫn người dân chăm sóc vật nuôi, gia súc, gia cầm… trong điều kiện khô hạn có phương án tiết kiệm nước, chuẩn bị thức ăn, nước uống, tận dụng mọi nguồn nước dùng để làm nước uống cho gia súc, gia cầm.  Ngành Thú y tỉnh Quảng Trị cũng đã và đang tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc gia cầm trong điều kiện nắng nóng cao như hiện nay.  Một trong những nhiệm vụ trước mắt và kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho đàn già gia súc gia cầm hiện tại chính là tăng cường quản lý gia súc, gia cầm và tiêm phòng bổ sung là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững. Tại địa phương chủ yếu là  các hộ chăn nuôi nhỏ, chưa có hệ thống làm mát thì cần tăng cường quạt, hệ thống phun sương nên đối với trâu bò chăn thả, cần bổ sung nước và muối để tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, cần tăng cường vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh tẩy uế chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi. Tiêm đầy đủ các loại vaccine cho gia súc, gia cầm để tăng cường khả năng miễn dịch. Tỉnh Quảng Trị cũng đang rà soát bổ sung đề án tái cơ cấu, quy hoạch chăn nuôi của địa phương, theo đó tiếp tục tìm phương án lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp; tham mưu cơ chế chính sách đặc thù của địa phương cho phát triển chăn nuôi; xây dựng mô hình, hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi và định kỳ tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm.

2.HỘI THẢO NUÔI TÔM HAI GIAI ĐOẠN SỬ DỤNG CHẾ PHẨM SINH HỌC THEO CÔNG NGHỆ BIOFLOC

Vừa qua tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Công ty TNHH SX & TM Trúc Anh ( tỉnh Bạc Liêu) tổ chức hội thảo “Nuôi tôm hai giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học theo công nghệ Biofloc” nhằm mục đích trao đổi kinh nghiệm và đánh giá khả năng áp dụng quy trình này vào địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Tham dự hội thảo có trên 150 đại biểu đến từ Chi cục Thủy sản, Trung tâm Giống thủy sản, phòng Nông nghiệpvà PTNT, phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật trạm Khuyến nông các huyện, lãnh đạo UBND các xã nuôi tôm trọng điểm của tỉnh, các đại lý dịch vụ thủy sản và nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.  

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã được nghe các Thạc sỹ, Kỹ sư đến từ Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị và Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh giới thiệu việc áp dụng công nghệ Biofloc vào nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn. Ưu điểm của mô hình là hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là hội chứng chết sớm trên tôm (Hội chứng EMS thường xảy ra trong 20 ngày đầu của quá trình nuôi). Thời gian nuôi rút ngắn, phát triển nhanh, không sử dụng hóa chất và kháng sinh, chi phí sản xuất thấp, cho giá trị kinh tế cao.

Thông qua buổi hội thảo, bà con nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có thể nghiên cứu và áp dụng quy trình nuôi tôm hai giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học theo công nghệ Biofloc. Đây là mô hình góp phần hình thành một phương thức sản xuất mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành liên kết chuỗi giá trị và đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Mở ra hướng đi mới trong nuôi tôm, góp phần đưa hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phát triển theo hướng bền vững.

3. TẬP HUẤN KỶ THUẬT NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG THÂM CANH THEO VIỆT GAP

Hội Làm vườn tỉnh Quảng Trị vừa phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Chuyển giao công nghệ VACVINA (Hội Làm vườn Việt Nam) tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP cho 30 hộ nuôi tôm tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có gần 1.000 ha diện tích nuôi tôm, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng chiếm hơn một nữa. Tuy nhiên trong những năm trở lại đây dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản diễn biến phức tạp đặc biệt là trên con tôm, cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản còn hạn chế; trình độ kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản của người dân còn thấp. Vì vậy thông qua lớp tập huấn sẽ giúp các hộ nuôi tôm tiếp cận với các kiến thức cơ bản về quy phạm VietGAP trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh; những lợi ích khi áp dụng Viet GAP; phương pháp cập nhật, lưu giữ hồ sơ, sổ nhật ký, đánh giá tác động môi trường, một số vấn đề qua tâm khi nuôi tôm theo VietGAP và các mối nguy an toàn vệ sinh thực phẩm; kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP. Từ đây các hộ nuôi sẽ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc áp dụng Vietgap vào nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh.

Việc triển khai lớp tập huấn nhằm chuyển giao khoa học - công nghệ tiên tiến cho người dân nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Qua đó, từng bước hướng dẫn người nuôi áp dụng VietGAP đối với nuôi tôm thương phẩm ,để hướng đến việc sản xuất tôm sạch, chất lượng cao, góp phần tăng tính cạnh tranh tôm của Việt Nam trên thị trường.

Nhạc cắt

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng cát

Thưa bà con & CB! Vùng cát ven biển của tỉnh Quảng Trị có diện tích tương đối lớn nhưng những năm trước đây khai thác chưa hiệu quả. Nhằm đầu tư phát triển và khai thác thế mạnh vùng cát, tỉnh đã có nhiều chủ trương như ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIII, về phát triển KT-XH miền biển, vùng cát, tạo nên những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa nông nghiệp miền biển và vùng cát phát triển theo hướng bền vững.

Toàn tỉnh có tổng diện tích vùng cát hơn 48.686 ha bao gồm 30 xã, thị trấn. Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 04, các địa phương đã cải tạo thành công vùng cát ven biển, hạn chế được nạn cát bay, cát lấp bằng mô hình nông- lâm kết hợp, biến vùng cát hoang hóa thành các vùng sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Cùng với phát triển nuôi trồng thủy sản, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp trên cát đang mang lại hiệu quả kinh tế khá trong phát triển kinh tế vùng cát ven biển của tỉnh. Việc di dân ra vùng cát lập các làng sinh thái cũng khẳng định một thành công không nhỏ của chủ trương khai thác vùng cát của tỉnh.

Những năm qua, các xã vùng cát tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Những vùng trồng lúa, khoai lang không hiệu quả đã được nông dân chuyển đổi sang trồng các loại lạc, ớt, đậu xanh, dưa, cây gia vị, các loại rau màu… có hiệu quả kinh tế cao hơn, hình thành những vùng chuyên canh hàng hóa như: trồng cây mướp đắng ở Gio Mỹ, Gio Thành (Gio Linh); vùng chuyên canh ném ở Hải Quế, Hải Dương (Hải Lăng), trồng rau chất lượng cao, trồng ớt xuất khẩu ở các xã miền biển Triệu Phong, Hải Lăng; vùng trồng dưa non ở Vĩnh Chấp, Vĩnh Tú (Vĩnh Linh)…

Tại Vĩnh Linh, Vĩnh Thái là một xã vùng ven biển của huyện Vĩnh Linh với hầu hết diện tích là đất cát, nên phải đối mặt với những khó trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngoài các cây màu truyền thống, những năm gần đây một số bà con ở thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái đã đưa cây mướp Khía vào trồng thử nghiệm. Qua một thời gian cho thấy, cây mướp Khía là cây trồng thích nghi nhanh, cho năng suất và sản lượng cao cũng như mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân nới đây.

Gia đình bà Nguyễn Thị Chuyễn ở thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái huyện Vĩnh Linh là một trong những hộ tiên phong đưa cây mướp Khía vào trồng thử nghiệm trên diện tích đất cát nhà mình. Trước đây trên diện tích 1,5 sào đất cát gia đình bà đã thử nghiệm trồng một số cây màu nhưng không hiệu quả, nên chủ yếu vùng đất bỏ không. Quá tìm hiểu các mô hình phát triển nông nghiệp trên đất cát ở nhiều địa phương khác, trên diện tích đất cát quanh nhà, bà Chuyễn đã tiến hành trồng thử nghiệm cây mướp khía. Qua quá trình trồng, nhận thấy đây là cây trồng phù hợp với vùng đất cát, năng suất cao, được thị trường ưa chuộng nên bà quyết định mở rộng diện tích. Bà Nguyễn Thị Chuyễn – thôn Đông Luật xã Vĩnh Thái huyện Vĩnh Linh cho biết:

P/v bà Nguyễn Thị Chuyễn: Thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh

Với kỹ thuật trồng đơn giản, không tốn công chăm sóc và chi phí đầu tư ít, đầu ra dễ dàng nên mô hình mướp Khía đang được nhiều bà con trên địa bàn thôn Đông Luật nhân rộng. Hiện nay ở thôn Đông Luật xã Vĩnh Thái đã có gần 50 hộ đưa vào trồng với diện tích từ nữa sào đến 1,5 sào/hộ. Với giá bán khoảng 20.000 đến 25.000 đồng/kg thì mỗi sào mang lại cho thu nhập trên 10 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Hồng – Khuyến nông viên xã Vĩnh Thái huyện Vĩnh Linh cho biết thêm:

P/v chị Nguyễn Thị Hồng: Khuyến nông viên xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh

Huyện Triệu Phong là địa phương có diện tích đất cát ven biển khá lớn, hơn 12.000 ha. Huyện đã thực hiện tốt Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng cát, hình thành những mô hình kinh tế tổng hợp về nông, lâm, thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kết quả nổi bật nhất trong chiến lược khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng cát của huyện Triệu Phong là đã xây dựng được 11 làng sinh thái với 465 hộ. Phần đông các hộ khi di dân ra làng sinh thái đều là hộ nghèo, nhưng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai nên đã cải thiện tốt đời sống. Nông dân tại các làng sinh thái đều thiết lập vành đai rừng phòng hộ; xây dựng hệ thống cung cấp nước tưới, đào kênh tiêu úng, cải tạo gần hàng ngàn héc ta đất cát để trồng các loại cây nông nghiệp như đậu đỗ, lạc, dưa, cây gia vị, rau màu; đào ao nuôi cá; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đưa lại thu nhập khá. Bình quân thu nhập đầu người ở các làng sinh thái đạt từ 15- 20 triệu đồng/ năm. Những ngôi nhà khang trang, vườn cây, ao cá mọc lên ngày càng nhiều.

Ông Trần Mai Son, Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng, Triệu Phong cho biết: Được sự lãnh đạo, hỗ trợ đầu tư của huyện, Đảng bộ và chính quyền địa phương đã nỗ lực chỉ đạo, động viên người dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng các mô hình sản xuất, kinh doanh. Làng sinh thái của xã phát triển kinh tế khá với việc chuyển đổi sang trồng các loại cây cho năng suất cao như ném, đậu đỗ các loại, dưa hấu, dưa gang... kết hợp phát triển mạnh đàn gia súc, gia cầm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 là kinh tế từ biển và ven biển đóng góp 30- 40% tổng GDP của tỉnh, trong đó phát triển nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản chiếm một phần đáng kể. Để phát triển kinh tế vùng cát theo hướng bền vững, những năm tới tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ ngành nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với hệ sinh thái vùng ven biển; đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh vùng đất cát ven biển theo mục tiêu phòng hộ kết hợp kinh tế; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Khai thác thế mạnh vùng cát bằng xây dựng các mô hình kinh tế tập trung, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để tăng hiệu quả sử dụng đất và giá trị trên một đơn vị diện tích là hướng phát triển lâu dài và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần cải thiện đời sống của người dân.

Nhạc cắt

HIỆU QUẢ MÔ HÌNH DƯA HẤU TRÊN ĐẤT CÁT LONG QUANG

Bà con và các bạn thân mến, vùng đất cát bạc màu thường khó giữ nước, giữ phân bón, do đó năng suất của các cây trồng thường rất thấp, để khai thác được thế mạnh, làm giàu từ chính mãnh đất này thì yếu tố đầu tiên là cần phải chọn được loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất cát. Để giúp bà con có thêm hướng lựa chọn cho mình, phần cuối chuyên mục cùng nông dân bàn cách làm giàu tuần này chúng tôi xin giới thiệu với bà con hiệu quả mô hình trồng dưa hấu trên đất cát tại thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong.

Vụ Dưa hấu năm nay gia đình chị Phan Thị Dỏ thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong đã phát triển trồng gần 1.800 hố dưa hấu, trên diện tích đất cát hơn 7 sào. Theo chị Dỏ, trồng dưa hấu tương đối đơn giản, chủ yếu là bỏ công nhiều chứ chi phí không bao nhiêu. Nhờ thời tiết năm nay khá thuận lợi và chị đã áp dụng quy trình chăm bón đúng kỹ thuật, nên năng suất thu được của vườn dưa gia đình chị cao hơn so với mọi năm. Hiện nay 7 sào dựa hấu của gia đình chị đang bước vào giai đoạn thu hoạch, bình quân 1 sào chị thu đực 1tấn rưỡi dưa, so với giá thị trường hiện nay khoảng 5000 đồng/kg sẽ mang lại cho gia đình chị từ 50 - 60 triệu đồng.

 Được biết trên vùng đất cát này trước đây gia đình chị Dỏ chỉ trồng keo lai, keo lá tràm để chống cát bay cát lấp, sau đó chuyển sang trồng sắn, khoai lang nhưng hiệu quả thu được không cao, chủ yếu để phục vụ chăn nuôi. Nhờ chuyển sang trồng dưa hấu nên hiệu quả cao hơn hẵn so với các loại cây trồng khác. Chị Phan Thị Dỏ chia sẻ:

P/v Chị Phan Thị Dỏ - thôn Long Quang,xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong

Trước đây, khu vực trồng dưa ở HTX SXKDDVTH Long Quang là bãi cát trắng, hoang hóa, người dân trong thôn đã cải tạo đất để trồng một số loại cây như ngô, dưa leo, ném… nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. 10 năm trở lại đây, HTX vận động các thành viên và một số người dân ở trong thôn đưa cây dưa hấu vào trồng, không ngờ loại cây này phù hợp với đất cát, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Hiện nay, toàn HTX SXKDDVTH Long Quang có 237 thành viên, trong đó 185 thành viên tham gia trồng dưa hấu với tổng diện tích khoảng 22 ha/2 vụ/năm, sản lượng bình quân 1 ha 2,5 tấn, giá bán bình quân từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Nhờ trồng dưa hấu, nhiều hộ có mức thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/hộ, đặc biệt có một số hộ thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Tổng thu từ dưa hấu của toàn HTX năm 2018 đạt 2,3 tỉ đồng. Giống dưa được trồng ở HTX chủ yếu là Trang nông 12 và Hắc mĩ nhân. Dưa hấu Long Quang khi chín trái to, vỏ bóng láng và có sọc xanh thẳm, ruột đỏ, thơm, ngọt, nhiều nước nên được người tiêu dùng tin dùng. Vì thế, mỗi lần đến vụ thu hoạch dưa, đa số các hộ trong HTX đều bán hết sản phẩm với mức giá khá ổn định. Ông Phan Chiến – Giám đốc HTX Long Quang xã Triệu Trạch huyện Triệu Phong cho biết:

 

P/v Ông Phan Chiến – GĐ HTX Long Quang xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong

Trong kế hoạch xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp lợi thế của huyện năm 2018, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Triệu Phong đã xây dựng nhãn hiệu tập thể sản phẩm nông nghiệp lợi thế của huyện, gồm 2 sản phẩm: Dưa hấu Long Quang và nước mắm Gia Đẳng. Theo đó, đơn vị đã tiến hành làm việc với Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã, các HTX triển khai kế hoạch đăng kí nhãn hiệu tập thể; hướng dẫn địa phương, đơn vị liên quan làm các thủ tục hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị chứng nhận hợp lệ nhãn hiệu tập thể đối với 2 sản phẩm nói trên. Đây là tín hiệu vui của những người trồng dưa ở Long Quang. Ông Phan Chiến, Giám đốc HTX SXKD DVTH Long Quang cho biết thêm: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất và kinh doanh sản phẩm dưa hấu ở địa phương hiệu quả và phát triển bền vững, thời gian qua HTX SXKDDVTH Long Quang đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng ở huyện, tỉnh hoàn thiện các thủ tục pháp lí trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Dưa hấu Long Quang” do HTX đại diện làm chủ sở hữu. Trong thời gian chờ đợi kết quả, HTX tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ nông dân áp dụng khoa học kĩ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; khuyến khích nông dân đưa các loại cây giống có năng suất cao, phù hợp vào sản xuất trên vùng cát để tăng thu nhập. Riêng đối với cây dưa hấu, kế hoạch trong những năm tới, HTX phấn đấu mở rộng trồng từ 3 - 5 ha/năm, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ trong tỉnh mà còn ra các tỉnh lân cận”.

 

Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch Lê Hoài cho biết: “Những năm gần đây, địa phương xác định dưa hấu là một trong những loại cây chủ lực, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, mặc dù dưa hấu Long Quang được nhiều người đánh giá cao về chất lượng nhưng người dân sản xuất chủ yếu theo cách thức tự tìm thị trường tiêu thụ nên khá vất vả. Để tạo tin tưởng cho người tiêu dùng đối với sản phẩm dưa hấu Long Quang, giúp nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, giá bán ổn định, UBND xã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn HTX SXKDDVTH Long Quang phối hợp với các ngành chức năng làm các thủ tục hồ sơ xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với quả dưa hấu. Nếu việc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Dưa hấu Long Quang” thành công thì đây là lợi thế cho địa phương, tạo động lực cho nông dân tiếp tục nỗ lực phấn đấu tăng năng suất, cung cấp sản phẩm sạch để người tiêu dùng yên tâm hơn, giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

 

          Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 16/04/2019 09:53 Lê Vĩnh Nhiên 16/04/2019 14:22
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà