Chuyên mục SKĐS 26 5 2019 - Đảm bảo an toàn thực phẩm ngày hè
Danh mục
Sức khỏe và đời sống
NỘI DUNG
Lời dẫn : Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi được gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình sức khỏe đời sống của Đài PTTH Quảng Trị. Chương trình đang được phát trên tần số 92,5Mhz trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Thưa quý vị và các bạn! An toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống xã hội, không những ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe con người, đến sự phát triển của giống nòi, thậm chí tính mạng người sử dụng, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch và an ninh, an toàn xã hội. Mùa hè thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tăng cao. Trong chương trình Sức khỏe Đời sống tuần này, chúng tôi xin chia sẻ với quý vị và các bạn một số biện pháp nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa hè.

Chuyên mục SKĐS 26 5 2019 - Đảm bảo an toàn thực phẩm ngày hè

Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi được gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình sức khỏe đời sống của Đài PTTH Quảng Trị. Chương trình đang được phát trên tần số 92,5Mhz trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

Thưa quý vị và các bạn! An toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống xã hội, không những ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe con người, đến sự phát triển của giống nòi, thậm chí tính mạng người sử dụng, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch và an ninh, an toàn xã hội. Mùa hè thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tăng cao. Trong chương trình Sức khỏe Đời sống tuần này, chúng tôi xin chia sẻ với quý vị và các bạn một số biện pháp nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa hè.

Nhạc cắt

Bài 1: An toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa hè

Thời tiết trong mùa hè thường nóng ẩm khiến tình trạng ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Trong mùa hè, với thời tiết nóng và ẩm, thiếu nước sạch, trang thiết bị bảo quản không đầy đủ, không bảo đảm vệ sinh, gia tăng sử dụng nước đá ăn uống, nguyên liệu tươi sống bảo đảm an toàn, chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm rất cao, nhất là thức ăn được chế biến có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa…

Mùa hè, thời tiết nóng và ẩm làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh, ruồi nhặng, chuột… là vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe đối với một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng thói quen sử dụng thức ăn đường phố, thực phẩm chín ở những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố do ô nhiễm thực phẩm, thức ăn chín.

Bên cạnh đó, hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm đang trở thành nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng. Theo kết quả điều tra của Cục An toàn thực phẩm, kiến thức của các nhóm đối tượng người sản xuất, kinh doanh, người chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đang được nâng cao đáng kể nhưng “thực hành đúng” về an toàn thực phẩm còn khá hạn chế. Thói quen “đơn giản” trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến… tại các đám cưới/giỗ; không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; kinh doanh thức ăn đường phố ở địa điểm ô nhiễm; sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm bị ô nhiễm… thì sẽ gia tăng nguy cơ xảy ra ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm và các sự cố ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Ông Lê Văn Quốc, Quản lý 1 nhà hàng tại thành phố Đông Hà chia sẻ:

Trích băng:

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”.

Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải chú ý cả hai mặt “Lợi – Hại” của chiếc tủ lạnh. Tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo; thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng.

Như vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm thì người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản, trách nhiệm trong bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng. Bác sĩ Phạm Thị Thùy Dung, Phòng Nghiệp vụ, Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị cho biết:

Trích băng:

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế và các ban, ngành liên quan; trách nhiệm, đạo đức của người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm thì người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức, nắm vững những kiến thức cơ bản trong bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm nhằm phòng tránh các vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra./.

Nhạc cắt

Bài 2: Tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

Tại Quảng Trị, nhiều hoạt động sẽ được triển khai nhằm hướng đến 3 mục tiêu chính: Tăng cường truyền thông về các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tại các cơ sở nhỏ lẻ và làng nghề; tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lí, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng.

Ngộ độc thực phẩm là bệnh xuất hiện sau khi ăn những thức ăn nhiễm độc, nhiễm khuẩn, thức ăn bị biến chất, ôi thiu hoặc có chất bảo quản phụ gia. Người bị ngộ độc thường có biểu hiện nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng… gây hại đến sức khỏe khiến cơ thể mệt mỏi. Đặc biệt, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, người bị ngộ độc thực phẩm có nguy cơ dẫn tới tử vong. Trẻ em và những người có hệ miễn dịch kém chính là đối tượng dễ bị ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho người sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn là vô cùng quan trọng. Trong mùa hè, thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các nấm men, nấm mốc, vi sinh vật phát triển. Cùng với đó, tình trạng thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ chưa được quan tâm; ô nhiễm môi trường gia tăng; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, nước giải khát, nước đá, kem… tăng cao, trong khi điều kiện bảo quản thực phẩm còn hạn chế, thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm soát …đã khiến cho nguy cơ về ngộ độc thực phẩm rất đáng lo ngại.

Công tác truyền thông phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho cộng đồng dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tiệt trùng các dụng cụ, bát đũa trước khi ăn uống; phổ biến các quy định đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; hướng dẫn người dân cách lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn; tuyên truyền để người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các loại thực vật, động vật nguy hiểm như: nấm độc, cá nóc, ốc lạ, quả lạ…, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Tăng cường giám sát ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng, chuẩn bị sẵn sàng phương án, phương tiện, vật tư… để cấp cứu, xử lý kịp thời khi xảy ra ngộ độc thực phẩm. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học, các bếp ăn tập thể là rất quan trọng. Cần coi nâng cao chất lượng bữa ăn tập thể, siết chặt công tác kiểm tra nguồn cung cấp thực phẩm, an toàn trong chế biến thực phẩm tại bếp ăn tập thể ở trường học, khu công nghiệp...là việc làm thường xuyên. Nguồn cung cấp thực phẩm phải đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với thực phẩm nấu chín thường xuyên lưu mẫu thức ăn trong tủ lạnh 24 giờ. Trong quá trình sử dụng thực phẩm nếu chất lượng thực phẩm không đảm bảo thì có biện pháp xử lý kịp thời không để tình trạng dùng thực phẩm kém chất lượng trước khi chế biến. Các trường cần đầu tư mua sắm trang thiết bị đồ dùng phục vụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Trần Vương Thịnh, Phụ trách bán trú trường tiểu học Hàm Nghi, thành phố Đông Hà cho biết:

Trích băng:

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm xảy ra trong mùa hè cần chú ý: Đối với các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, mùa hè nắng nóng ảnh hưởng đến việc bảo quản và chế biến thực phẩm, thức ăn dễ ôi siu, số lượng người ăn đông do đó dễ bị ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Do vậy người chế biến thực phẩm cần giữ gìn vệ sinh, chọn mua thực phẩm tươi sống, rõ nguồn gốc, không nên để thức ăn quá lâu sau khi nấu xong, không sử dụng các thực phẩm có nguy cơ ngộ độc cao như các loại mắm, gỏi bóp...Đối với khách du lịch và thí sinh dự thi trong những ngày nắng nóng cần uống nhiều nước, ăn hoa quả hợp vệ sinh, không nên ăn thức ăn, uống nước giải khát tại các quán vĩa hè nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh, từ chối hoặc không sử dụng các thực phẩm không an toàn để đảm bảo cho sức khỏe. Đối với người chế biến kinh doanh thực phẩm, những người trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn uống cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc phòng chống ngộc độc và các bệnh lây qua đường ăn uống, thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm, sử dụng đủ nguồn nước sạch để chế biến và vệ sinh dụng cụ, khuyến cáo thực hiện 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn.

Cùng với các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, cần  phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời biểu dương, cũng như công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật; gắn trách nhiệm của các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương và các đoàn thể chính trị xã hội; đồng thời phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Ông Lê Quốc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị cho biết:

Trích băng:

Để công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện tốt, các nhà quản lý phải chỉ đạo, tổ chức thanh, kiểm tra toàn diện nhằm đảm bảo sản phẩm, thực phẩm đến với người tiêu dùng được an toàn. Đối với các nhà sản xuất và người kinh doanh thực phẩm cần phải nâng cao nhận thức, có ý thức đạo đức trong việc sản xuất ra sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người dân hãy là những người tiêu dùng thông thái, lựa chọn các mặt hàng được kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và người thân, đồng thời phối hợp với ngành chức năng nhằm phát hiện, tố giác để xử lý kịp thời những cơ sở vi phạm./.

Nhạc cắt

Bài 3 - Hiệu quả từ những câu lạc bộ phòng chống bệnh không lây nhiễm

Thưa quý vị và các bạn! Ở độ tuổi càng cao, con người càng dễ mắc các chứng bệnh của tuổi già. Trong đó nhiều nhất là các bệnh không lây nhiễm về tim mạch, huyết áp, xương khớp.v.v. Không cần đến bệnh viện mà vẫn có thể hạn chế được các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi là thông điệp mà Hội NCT phường 5 thành phố Đông Hà muốn vận động hội viên thực hiện. Đó là câu lạc bộ phòng chống các bệnh không lây nhiễm mà Hội NCT phường 5 triển khai thực hiện trong thời gian qua. Câu lạc bộ này có ý nghĩa như thế nào trong việc chăm sóc người cao tuổi địa phương, chúng tôi mời quý vị và các bạn nghe bài viết sau.

Hiện nay, nhận thấy ngày càng nhiều người bị các bệnh không lây nhiễm liên quan đến xương khớp, tim mạch, huyết áp, Hội NCT phường 5 đã tổ chức thành lập Câu lạc bộ phòng chống các bệnh không lây nhiễm thu hút khá nhiều hội viên tham gia. Mục đích của câu lạc bộ là tập hợp những người cao tuổi bị các bệnh không lây nhiễm để cùng chia sẻ việc điều trị bệnh nhất là điều trị bằng phương pháp thể dục dưỡng sinh, có chế độ ăn uống hợp lý, và ngủ nghỉ đúng giờ giấc. Ông Ngô Quang Trinh, 85 tuổi ở phường 5, thành phố Đông Hà chia sẻ, việc tổ chức thành lập câu lạc bộ rất bổ ích với người cao tuổi. Bởi tham gia câu lạc bộ, các thành viên không chỉ được chia sẻ bệnh tật, cùng nhau tìm ra cách chữa trị hạn chế đến các cơ sở y tế, người cao tuổi còn được chia sẻ những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống. Ông Ngô Quang Trinh cho biết thêm:

Trích băng:

Sau một thời gian thành lập, câu lạc bộ các bệnh không lây nhiễm có gần 100 hội viên cao tuổi tham gia. Cứ mỗi lần sinh hoạt, các thành viên lại chia sẻ cùng nhau kinh nghiệm để chăm sóc bản thân, đối với từng bệnh có cách chăm sóc và áp dụng phương pháp thể dục khác nhau, tùy theo độ tuổi để rèn luyện thân thể. Cùng với đó là chế độ ăn uống hợp lý. Bên cạnh đó, định kỳ 6 tháng một lần, Hội NCT mời các chuyên gia y tế về nói chuyện chuyên đề nhằm định hướng và hỗ trợ người cao tuổi trong việc điều trị bệnh. Nhờ vậy mà nhiều người cao tuổi đã giảm được các bệnh không lây nhiễm như xương khớp, tiểu đường, các bệnh về mắt. Đó là thành công quan trọng mà lợi ích từ câu lạc bộ mang lại. Ông Diêu Văn Duân, Chủ tịch Hội NCT phường 5 thành phố Đông Hà cho biết thêm:

Trích băng:

Các câu lạc bộ người cao tuổi không còn mới lạ đối với các địa phương trên địa bàn tỉnh nhưng việc thành lập câu lạc bộ phòng chống các bệnh không lây nhiễm thì tại phường 5 thành phố Đông Hà là điểm mới. Việc thành lập câu lạc bộ này không chỉ giúp người cao tuổi giảm bớt bệnh tật mà còn là nơi sinh hoạt giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe tuổi già./.

Chào kết

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Bảo 22/05/2019 23:13 Nguyễn Thị Bảo 22/05/2019 23:13
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà