Sức khỏe đời sống 30 6 2019 Phòng tránh sốc nhiệt khi nắng nóng
Danh mục
Sức khỏe và đời sống
NỘI DUNG
Lời dẫn : Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi được gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình sức khỏe đời sống của Đài PTTH Quảng Trị. Chương trình đang được phát trên tần số 92,5Mhz trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Thưa quý vị và các bạn! Những ngày này nền nhiệt độ tăng cao, buổi trưa xuất hiện nắng nóng cao điểm khiến chúng ta rất dễ bị say nắng, say nóng. Khi bị say nắng, say nóng con người không chỉ mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu,... mà còn có thể gây đột quỵ. Nếu bệnh nhân không được xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục và tử vong. Chương trình Sức khỏe và Đời sống hôm nay sẽ dành thời gian nói về những biện pháp chăm sóc sức khỏe khi thời tiết nắng nóng. Mời quý vị và các bạn lắng nghe.

Phòng tránh sốc nhiệt khi nắng nóng

Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi được gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình sức khỏe đời sống của Đài PTTH Quảng Trị. Chương trình đang được phát trên tần số 92,5Mhz trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

Thưa quý vị và các bạn! Những ngày này nền nhiệt độ tăng cao, buổi trưa xuất hiện nắng nóng cao điểm khiến chúng ta rất dễ bị say nắng, say nóng. Khi bị say nắng, say nóng con người không chỉ mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu,... mà còn có thể gây đột quỵ. Nếu bệnh nhân không được xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục và tử vong.

Chương trình Sức khỏe và Đời sống hôm nay sẽ dành thời gian nói về những biện pháp chăm sóc sức khỏe khi thời tiết nắng nóng. Mời quý vị và các bạn lắng nghe.

 

Nhạc cắt

Bài 1: Nắng nóng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe

Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, bất cứ ai cũng có nguy cơ bị say nắng. Tình trạng này dễ xảy ra khi chúng ta ở môi trường nắng gắt khoảng hơn một tiếng đồng hồ với nhiệt độ cao trên 40 độ C. Say nắng là một tình trạng đe dọa tính mạng có thể được gây ra bởi nhiệt độ cao, môi trường, bởi hoạt động thể chất căng thẳng hoặc do các điều kiện khác mà nâng cao nhiệt độ cơ thể. Bài viết ghi nhận về vấn đề này của CTV Nguyên Hương, mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể. Như vậy say nắng thường biểu hiện bệnh nặng ngay từ đầu, có thể có nhiều dấu hiệu thần kinh sớm, rất rõ tổn thương có thể hồi phục hoặc không hồi phục. Một số trường hợp có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não.

Còn say nóng là tình trạng mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch mà bản chất là do trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh. Ánh nắng mặt trời và sức nóng là 2 tác nhân vật lý có thể gây stress với cơ thể. Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức (hầm lò, trong phòng kín...), hoặc hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ (chơi các môn thể thao cường độ cao, làm việc nặng nhọc kéo dài)... sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh. Do đó trong say nóng, tình trạng mất nước toàn thể là chủ yếu. Chị Nguyễn Thị Lành, ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị cho biết, thời tiết hiện nay đang vào mùa hè, trời nắng rất gắt, nhiệt độ tăng cao nên rất dễ bị say nắng, sốc nhiệt. Chị luôn chú ý bảo vệ bản thân khi ra đường trong thời tiết nắng nóng:

Trích băng:

Những người làm việc trực tiếp dưới trời nắng như công nhân, nông dân, vào thời điểm nắng nóng cao điểm nếu không nghỉ ngơi hợp lý rất dễ bị say nắng. Đặc biêt, công nhân làm ở công trường, những người làm nông nghiệp bắt buộc phải tiếp xúc thời gian dài dưới ánh nắng thì càng nguy hiểm hơn. Hoặc khi làm việc tại những nơi có độ cao như leo thang, xây dựng cao ốc công trình, say nắng sẽ làm đầu choáng và ngã rất nguy hiểm.

Các biểu hiện của say nắng có thể từ những biểu hiện sớm là trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, da mặt đỏ gay, rối loạn tri giác, khó thở, tụt huyết áp, nhịp tim tăng lên và có thể hôn mê. Biểu hiện muộn được phát hiện tại bệnh viện như suy thận, hủy cơ, tiêu gân, ảnh hưởng đến não, tim và có thể tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Một đặc điểm chung là cả say nóng và say nắng đều dẫn đến một tình trạng tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt tăng sẽ dẫn tới tăng quá trình đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn, hiện tượng này nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng có thể gây tử vong. Một yếu tố nguy cơ nữa khi nhiệt độ cơ thể tăng cao sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của rất nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, thần kinh... Bệnh nhân say nắng thường thấy da nóng và khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy. Một số triệu chứng khác có thể xảy ra như giảm khả năng đánh giá, cử chỉ kỳ cục, ảo giác, thay đổi ý thức, lẫn lộn, mất định hướng và hôn mê, co giật. Bác sĩ Phạm Hiền Lương, Phó trưởng Trạm Y tế xã Cam Chính, huyện Cam Lộ cho biết:

Trích băng:

 

Say nắng là sự leo thang của hai vấn đề sức khỏe khác liên quan đến nhiệt: chuột rút nhiệt và kiệt sức vì nóng. Trong những điều kiện này, phát triển các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ hơn những người say nắng. Có thể ngăn ngừa say nắng, nếu nhận được sự quan tâm y tế hoặc thực hiện các bước tự chăm sóc ngay khi nhận thấy vấn đề.

Nhạc cắt

Phòng tránh bị sốc nhiệt khi nắng nóng

Khi thời tiết oi bức, nắng nóng kéo dài, ở những người lớn tuổi có bệnh lý nội khoa đi kèm như cao huyết áp, đái tháo đường... và trẻ em dưới 4 tuổi sẽ dễ mắc bệnh hơn, nhất là tình trạng say nắng, say nóng. Nặng hơn nữa thì co giật, hôn mê, đột quỵ. Nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc có thể tử vong. Nắng nóng làm cơ thể mất nước rất nhanh dẫn đến suy nhược cơ thể, choáng và nguy hiểm nhất vẫn là sốc nhiệt. Bài viết của CTV Nguyên Hương, mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Nếu có biểu hiện sốt cao > 39-40 độ C, da khô, nóng, rối loạn ý thức như mê sảng, co giật, hôn mê, là biểu hiện tiến triển đến sốc nhiệt. Đây là tình trạng đe dọa đến tính mạng, cần được xử trí tại chỗ ngay, đồng thời gọi ngay tới đơn vị cấp cứu để đưa đến các cơ sở y tế kịp thời.

Việc phát hiện và xử trí tại chỗ khi xảy ra say nắng hoặc sốc nhiệt là cực kỳ quan trọng vì thân nhiệt cao kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục. 

Đầu tiên, cần nhanh chóng di chuyển nạn nhân ra khỏi khu vực nắng nóng vào nơi mát mẻ. Đặt nạn nhân nằm xuống, cởi bớt quần áo, sử dụng nước lạnh hoặc khăn ướt phủ lên toàn bộ cơ thể đồng thời dùng quạt thổi để hạ nhiệt. Cho uống nước ngay nếu còn tỉnh và không nôn nhiều. Đồng thời, gọi ngay xe cấp cứu để chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Để phòng tránh sốc nhiệt, người lao động cần mặc áo chống nắng, kính bảo hộ khi ra ngoài trời. Bố trí thời gian làm việc ngoài trời và nghỉ ngơi hợp lý, tránh tiếp xúc môi trường nhiệt độ cao quá lâu. Uống đủ nước, tránh mất nước và muối khi làm việc ngoài trời nóng. Anh Lê Văn Dũng, ở xã Gio Mai, huyện Gio Linh cho biết:

Trích băng:

Một điều quan trọng là phải có các biện pháp dự phòng say nắng, say nóng. Đó là không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức. Luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính,… Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt là các công xưởng, hầm lò rất có ý nghĩa trong việc phòng chống say nắng, say nóng. Thường xuyên uống nước dù chưa khát. Nên uống nhiều nước có pha muối hoặc tốt nhất là uống dung dịch oresol, nước trái cây. Nên định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 15 - 20 phút.

Ở người già, các phản xạ đều giảm nên không phải ai cũng có cảm giác khát nước nên cần định sẵn một lượng nước cần uống trong ngày và uống hết để bảo vệ sức khỏe. Nhất là đối với người 60, 70 tuổi trở lên, bệnh mạch vành chiếm đến 70-80%, cơ tim lúc nào cũng thiếu máu nếu bị mất điện giải có thể xuất hiện những cơn rối loạn nhịp tim. Bệnh nếu không điều chỉnh sẽ dẫn đến cơn nhịp nhanh khiến tim ngừng đập, làm bệnh mạch vành nặng lên, thậm chí dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột tử. Uống nước thường xuyên và ăn nhiều trái cây mùa hè như dưa hấu, cam, đào, dứa sẽ giúp cơ thể giảm nóng. Các loại hoa quả này cũng giàu vitamin C, giúp cơ thể giữ nước. Các loại đồ uống mùa hè như nước dừa, nước chanh có thể giúp cơ thể giảm nóng. Tránh uống cà phê và trà.

Bổ sung nước điện giải giúp giảm nhiệt và ngăn ngừa mất nước cho cơ thể. Ăn nhiều rau xanh hàng ngày để cơ thể giữ nước một cách tự nhiên. Không nên uống các loại chất lỏng chứa cồn hay quá nhiều chất đường khiến cơ thể thêm mất nước. Tránh các loại đồ uống lạnh vì nó có thể gây co dạ dày, khiến hệ miễn dịch yếu đi.Bác sĩ Phạm Hiền Lương, Phó trưởng Trạm Y tế xã Cam Chính, huyện Cam Lộ cho biết:

Trích băng:

Trước một trường hợp say nắng, nhanh chóng tiến hành giảm thân nhiệt cho nạn nhân: Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ. Việc tiến hành giúp bệnh nhân hạ nhiệt là vô cùng quan trọng và cần thiết. Bởi say nắng, say nóng nguyên nhân là do thân nhiệt tăng và mất nước. Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân. Tại các trung tâm y tế, nạn nhân sẽ được truyền bù nước và điện giải cũng như các biện pháp hỗ trợ khác. Trong trường hợp nạn nhân sốt cao có thể dùng paracetamol để hỗ trợ hạ sốt. Nếu có co giật phải dùng các thuốc chống co giật cho bệnh nhân. Trường hợp nạn nhân hôn mê có thể phải đặt ống nội khí quản thở máy./.

Đảm bảo chăm sóc bệnh nhân mùa nắng nóng

Thưa quý vị và các bạn! Thời tiết nắng nóng khiến cho sức đề kháng của con người giảm sút, không ít người dân phải nhập viện điều trị. Các cơ sở y tế đã và đang có nhiều giải pháp nhằm góp phần tăng cường việc chăm sóc cho bệnh nhân. Bài viết sau của Pv Nguyên Bảo phản ánh rõ hơn về vấn đề này tại trung tâm y tế Hải Lăng. Mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Ông Lê Đông ở thôn Thượng Xá, xa Hải Thượng, huyện Hải Lăng năm nay đã 81 tuổi. Ở độ tuổi này, ông cũng như nhiều người cao tuổi không còn khỏe mạnh và thường xuyên bị ốm đau. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng này đã và đang làm cho ông khó chịu, bị gai khớp, nhức mỏi. Ông được người nhà đưa vào viện điều trị bằng phương pháp đông y từ xoa bóp và bấm huyệt đến châm cứu. Nhờ vậy ông đã đỡ hơn rất nhiều so với lúc mới vào viện điều trị. Cùng với các phương pháp điều trị này, các y bác sĩ trung tâm y tế huyện Hải Lăng còn thường xuyên động viên ông phải giữ gìn sức khỏe, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng và đặc biệt là phải tập thể dục phù hợp với lứa tuổi. Ông Lê Đông ở thôn Thượng Xá, xa Hải Thượng, huyện Hải Lăng cho biết thêm:

Trích băng: 

Hiện nay, để đáp ứng kịp thời nhu cầu KCB và phòng tránh tác hại của nắng nóng đến sức khỏe người dân, các cơ sở KCB trên địa bàn huyện Hải Lăng đã duy trì thực hiện tốt quy trình khám bệnh; tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh trong điều kiện thời tiết nóng bức. Tại Trung tâm y tế huyện Hải Lăng, trong những ngày này số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị không tăng cao. Tuy nhiên, với thời tiết nắng nóng như hiện nay, để bảo đảm cho người bệnh đến KCB được tốt, ngoài việc chủ động bảo đảm nguồn điện, nước cho việc KCB, bệnh viện đã lắp thêm các quạt có công suất lớn tại khu vực phòng chờ, khu vực khám bệnh để phục vụ bệnh nhân. Riêng đối với các phòng chức năng như cấp cứu, phòng sinh, phòng hậu phẫu thì trung tâm đã trang bị máy điều hòa để bảo đảm nhiệt độ trong phòng cho bệnh nhân. Bác sỹ Chuyên khoa I, Nguyễn Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hải Lăng cho biết:

Trích băng:

Các chuyên gia y tế cho biết, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người dân, khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu. Đặc biệt là người già mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch; phụ nữ mang thai; trẻ em có thể bị sốt cao, co giật; công nhân, nông dân lao động ngoài trời dễ bị say nóng, say nắng, rối loạn thân nhiệt, mất nước, ngất, kiệt sức... 

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, người dân hạn chế ra đường khi ngoài trời nắng nóng gay gắt, nếu ra đường thì cần phải đội mũ, mặc quần áo dài, đeo kính, khẩu trang chống nóng; uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng; không nên để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để quạt thổi trực tiếp gần người để phòng bệnh đường hô hấp. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường dinh dưỡng; tăng cường vệ sinh cá nhân sạch sẽ... Đối với trẻ nhỏ, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc-xin phòng bệnh. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu viêm mũi, viêm họng, chảy nước mũi, cần đưa đến các cơ sở y tế để được KCB kịp thời, phòng tránh biến chứng xảy ra.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Bảo 27/06/2019 20:50 Nguyễn Thị Bảo 27/06/2019 20:50
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà