Chương trình Biển đảo quê hương
Danh mục
Biển đảo quê hương
NỘI DUNG

Chương trình Biển đảo quê hương 23.7

Dẫn 1: Kính chào quí vị thính giả đang đến với CT BĐHQ, chương trình là những bài viết, ghi chép về chủ đề biển đảo quê hương Quảng Trị, ban biên tập CT rất mong nhận được sự cộng tác của quí thính giả nghe Đài.

Dẫn 2: Thưa quí vị, cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ với nhiều hoạt động nhiều ý nghĩa tri ân những người đã hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc. “ Ký ức Cồn Cỏ” là chủ đề của CT BĐQH tuần này với bài viết về những người cựu chiến binh một thời tham gia ở chiến trường Cồn Cỏ và những chia sẽ của họ khi nhớ về những năm tháng hào hùng của dân tộc, của quê hương Quảng Trị.

Nhạc cắt.

Dẫn 1: Thưa quí vị và thính giả nghe Đài! Đảo Cồn Cỏ là vọng gác tiền tiêu, là con mắt của Vĩnh Linh - khu Vĩnh Linh là tiền đồn của miền Bắc XHCN, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam; do đó đảo Cồn Cỏ có vị trí vô cùng quan trọng, mặc dù diện tích chỉ có 4km2. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, để có thể bám trụ và chiến đấu thì việc tiếp tế từ vũ khí, đạn dược, thuốc men, thực phẩm nước uống đều phải nhờ vào đất liền. Trong những năm đánh Mỹ, việc vận chuyển hàng hóa, lương thực tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ gặp vô vàn khó khăn, bởi địch tăng cường đánh bom, sử dụng tàu chiến oanh tạc hòng ngăn chặn sự chi viện của ta. Và hành trình ra đảo những năm đó luôn thấm đượm máu và nước mắt, với hàng trăm chiến sĩ, người dân đã ngã xuống trên biển khơi khi làm nhiệm vụ. Giai đoàn thử thách nhất là từ tháng 2/1965 đến tháng 12/1972- đường ra đảo thực sự là con đường máu. Bây giờ được gặp những cựu chiến binh năm xưa tham gia Cồn Cỏ để có thể hiểu hơn về những ngày tháng gian khổ nhưng rất đổi tự hào.

Dẫn 2: Trong cuộc chiến đấu 1500 ngày đêm bảo vệ Đảo trước sự đánh phá của đế quốc Mỹ đã có hàng ngàn quân và dân chúng ta hy sinh trên Đảo. Nhiều người mãi mãi nằm lại giữa biển trời Tổ Quốc. Máu các anh đã nhuộn đỏ những rặng san hô trên Đảo. Đài tưởng niệm trên đồi Si, nơi ghi dấu trận đánh ác liệt nhất trong những ngày bảo vệ đảo hàng năm vẫn đón chân người lính trở về và cả những người con của quê hương Quảng Trị và khắp mọi miền đất nước mỗi lần có dịp về đây viếng hương tưởng nhớ. Những hoạt động tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ đảo nhỏ thân yêu luôn được trân trọng tiếp nối. CCB Nguyễn Thanh Tịnh cũng chính là một trong những chiến sỹ năm xưa tham gia chiến trường Cồn Cỏ, bây giờ những ký ức ấy trong ông vẫn còn vẹn nguyên:

Trích băng ông Nguyễn Thanh Tịnh - CCB Đảo Cồn Cỏ

( ở chiến trường Cồn Cỏ tôi đã chứng kiến 2 người đồng đội ở quê hương Vĩnh Linh đã hy sinh và chúng tôi chỉ biết mai táng cho các đồng chí để đưa vào đất liền…)

Đầu tháng 6/1965 Đảng uỷ khu vực phát đi lời kêu gọi “Tất cả vì đảo”, phát động toàn bộ Đảng bộ quân dân Vĩnh Linh quyết tâm giữ đảo đến cùng. Được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị động viên, giúp đỡ, Vĩnh Linh rộ lên một phong trào sôi nổi trong Đảng, Đoàn thanh niên, lực lượng vũ trang. Ở đảo nêu khẩu hiệu “Còn đất liền còn đảo”. Đất liền đáp lại “Còn đảo còn đất liền”. Có hàng ngàn lá đơn gửi lên xã, lên khu vực xin đi tiếp tế đảo. Trong đó có những lá đơn viết bằng máu hoặc của các cụ già 70, 80 tuổi xin được ra đảo cùng thanh niên. Trên đoạn đường 15 hải lý từ đất liền đến đảo Cồn cỏ đã có những người con của các xã bãi ngang như Vĩnh Thái, Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, Vĩnh Quang ngày ấy ra đi mà không trở về khi gặp địch phục kích, máu của họ đã hòa vào đại dương.

Trích lời Ông Trần Như Khung- Thôn Đông Luật- xã Vĩnh Thái- Vĩnh Linh.

( mỗi lần tiếp tế cho Cồn Cỏ thì cả làng cùng ra để tiển để xem thuyền của con cháu của mình có ra được Cồn Cỏ hay không…)

Khẩu hiệu “ các cảm tử quân lấy biển làm hầm, lấy mạn thuyền làm công sự, đánh địch mà đi, vượt địch mà tới. Người này ngã xuống, người khác xông lên, thuyền này đắm, thuyền kia xốc tới”, với vũ khí thô sơ và những chiếc thuyền nan chèo bằng tay đã vận chuyển hơn 7.000 tấn vũ khí, lương thực, thuốc men...và vận chuyển thương bệnh binh về đất liền điều trị.

Cùng với lực lượng các địa phương, ngày 13/3/1965, Đại đội 22, thuộc Trung Đoàn 270 được thành lập làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo. Đơn vị ban đầu gồm có 40 cán bộ, chiến sĩ và lực lượng bổ sung có 80 thanh niên dân quân trực chiến. Trong khoảng thời gian từ 1965 - 1971, Đại đội 22 đã “mở đường máu” vận chuyển tổng cộng gần 7.000 tấn vũ khí, khí tài, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước ngọt, vật liệu để xây dựng công sự, trận địa trên đảo Cồn Cỏ. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đã tiếp nhận, chuyển an toàn thương, bệnh binh về đất liền điều trị. Trong cuộc chiến đấu oanh liệt đó, Đại đội 22 đã có 76 chiến sĩ hy sinh và mất tích.

     Phỏng vấn : Ông Nguyễn Hữu Sữa – nguyên CCB vận tải C22 nhớ lại :

( đã có nhiều đồng đội, chiến sỹ hy sinh và bị thương để bảo vệ Cồn Cỏ, nhưng dù có gian khổ thế nào thì chúng tôi vẫn kiên kỳ bám trụ để giử cho được đảo..)

Con đường từ đất liền ra đảo vô vàn gian khổ, trung bình 10 người lên đường thì có 5-6 người bị thương hoặc không trở về. Từ những địa danh đã đi vào lịch sử như Bến đò A, bến đò B, biển bãi ngang Vĩnh Thái đã đưa hơn 78.000 lượt thuyền, vận chuyển hơn 2 triệu lượt người và hàng vạn tấn vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam và đảo Cồn Cỏ.

Không thể nhớ nổi đã có bao nhiêu chuyến hàng cập bến Cồn Cỏ an toàn. Cũng không thể nhớ đã có bao nhiêu chuyến có đi mà không về. Chỉ biết rằng, trên tấm bia khắc tên 236 liệt sĩ đã hy sinh vì đảo Cồn Cỏ, thì đã có 2/3 hy sinh trên con đường tiếp tế từ đất liền ra với đảo.

Nhạc cắt.

Dẫn 1: Quí vị thính giả đang nghe CT Biển đảo quê hương của Đài PTTH QT với chủ đề “Ký ức Cồn Cỏ”, thưa quí vị thính giả! Xã Vĩnh Thái, Vĩnh Quang ( nay là TT Cửa Tùng ) xã Vĩnh Thạch H.Vĩnh Linh chính là nơi xuất phát của hàng chục “cảm tử quân” với nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, hòn đảo nhỏ được ví là đất Việt giữa trùng khơi. Bài viết về những đóng góp của cựu chiến binh trong quá trình Tiếp tế cho Cồn Cỏ của PV chuyên mục.

Dẫn 2:  Thực hiện chủ trương bảo vệ và tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ có từ tháng 8.1959. Để bảo vệ vọng gác tiền tiêu, với quyết tâm “đất liền còn, Cồn Cỏ còn”, ngày 13.3.1965, Đại đội 22 thuộc Trung đoàn 270 được thành lập để làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo. Đơn vị ban đầu được biên chế 40 cán bộ chiến sĩ, lực lượng bổ sung có 80 thanh niên dân quân trực chiến 4 xã vùng biển gồm Vĩnh Thái, Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, Vĩnh Quang (H.Vĩnh Linh). Giữa mưa bom bão đạn, Cồn Cỏ vẫn kiên cường, đứng vững là nhờ không ít những chiếc thuyền nan nhỏ bé, được chèo bằng sức người từ đất liền tiếp tế lương thực, đạn dược ra đảo.

Là một trong những nhân chứng sống hiếm hoi còn sót lại của đội chèo tiếp sức cho Cồn Cỏ thuộc đơn vị của xã Vĩnh Thái ngày ấy, ông Nguyễn Thế Công giờ cũng đã ngoài 70 tuổi. Nói hiếm hoi là bởi đội chèo của ông có 8 người thì đã có 6 người nằm lại với biển khơi... Nghe tôi hỏi chuyện, ký ức trong ông bỗng ùa về cái thời mà theo ông cái gì cũng thiếu nhưng chỉ có lòng tin với cách mạng luôn dư thừa.

Trích băng:  ông Nguyễn Thế Công ( hồi đó bằng những chiếc xuồng rất thô sơ anh em chúng tôi vẫn một lòng hướng ra đảo Cồn Cỏ để tiếp tế cho Cồn Cỏ..)

Cũng theo ông Công, những lần giương buồm hướng đảo chủ yếu được thực hiện trong đêm khuya để tránh địch phát hiện. Cấp trên phát cho mỗi thuyền 4 quả lựu đạn, trước khi xuất phát ra đảo, các thuyền viên đều được truy điệu sống, bởi chẳng ai biết đó có phải là lần đi cuối hay không?”. Từ 1965 đến 1971, Đại đội 22 và đội thuyền các xã đã mở đường máu vận chuyển tổng cộng gần 5.000 tấn vũ khí, khí tài, đạn, lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước ngọt, vật liệu xây dựng công sự trận địa cho đảo Cồn Cỏ và tiếp nhận, chuyển an toàn thương bệnh binh về đất liền điều trị, góp phần bảo vệ vững chắc vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc.

 Lúc bấy giờ, phấn đấu vào Đoàn là khát vọng lớn lao hoà trong khát vọng được chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất quê hương, vì vậy nên từ lao động sản xuất, đến chiến đấu và phục vụ chiến đấu thì thanh niên địa phương đều xung phong hăng hái tham gia và được tham gia đã là niềm một hạnh phúc, tự hào và những cảm xúc ấy vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của Ông Nguyễn Thế Công khi được kết nạp vào hàng ngủ của Đoàn ngay trên đảo Cồn Cỏ.

Trích băng: Ông Nguyễn Thế Công- Thôn Tân Hòa- Vĩnh Thái.

( rất vinh dự sau khi tiếp tế chuyến thứ hai ra Cồn Cỏ thành công trở về thì được thông báo là mình được kết nạp đoàn, rất phấn khởi và tự hào…)

Bây giờ cùng ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên, trong ký ức của họ có những hình ảnh của những chuyến hàng tiếp tế với quyết tâm của những người con của vùng biển bãi ngang sẵn sàng cống hiến trọn tuổi thanh xuân và anh dũng  ngã xuống vì lý tưởng cách mạng cao đẹp, vì độc lập chủ quyền của biển đảo. Có những thanh niên đã viết đơn bằng máu của mình để được tham gia tiếp tế cho Cồn Cỏ, và cũng đã có những buổi truy điệu sống cho những người chuẩn bị lên thuyền ra đảo.

Trích băng: Ông Trần Như Khung-ở Xã Vĩnh Thái cũng đã vinh dự được tham gia tiếp tế cho Cồn Cỏ khi ở cái tuổi còn rất trẻ, cùng lăn lộn cùng đồng đội chiến đấu, phục vụ chiến đấu vừa tham gia sản xuất, bây giờ những ký ức ấy vẫn còn vẹn nguyên.

( Vừa chiến đấu vừa đánh cá, trồng khoai, tăng gia sản xuất phục vụ chiến đấu, dân cũng đó mà lính cũng đó…)

Bây giờ, những đồng chí tiếp tế cho Cồn Cỏ ngày ấy đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” dù không nhớ ngày, nhớ tháng cùng các đồng chí đồng đội tham gia chèo thuyền nan ra đảo song họ vẫn rất tự hào vì đã có 50 tuổi Đảng, họ vẫn nhớ ngày đó vừa làm nhiệm vụ phát triển kinh tế, vừa cầm súng bảo vệ quê hương và vẫn rất nhớ những khoảnh khắc thiêng liêng vượt sóng để cùng bảo vệ Cồn Cỏ.

                                                            Nhạc cắt.

Dẫn 2: Thưa quí vị và các bạn! Tự hào trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân cùng ra sức bảo vệ cho hòn đảo tiền tiêu để ngày hôm nay xanh một màu xanh của sự yên bình và trên con đường phát triển. Năm thứ 13 Cồn Cỏ mang một vị thế khác, Huyện đảo Cồn cỏ xác định phát triển kinh tế nông,  lâm thủy sản, nhất là dịch vụ du lịch để xây dựng đảo. Một vài ghi nhận của PV Minh Hiển về Cồn Cỏ hôm nay qua phóng sự sau đây.

Những hộ dân đầu tiên ra đảo giờ đã có cuộc sống ổn định những ngôi nhà được xây dựng mới khang trang, ấm cúng hơn rất nhiều. Đặc biệt trường lớp mẫu giáo trên đảo được xây dựng mang cái tên rất biển đảo Trường mầm non Hoa Phong Ba” đã đón những học sinh sinh sống trên đảo, cảng cá và dịch vụ hậu cần ra đời, những con thuyền của ngư dân từ nhiều miền đất nước ghé lại đảo, tiếp tục cho những chuyến đánh bắt dài ngàỳ; cuộc sống mới trên đảo đã phát triển sôi động và nhộn nhịp hơn rất nhiều, đó là niềm tin tiếp nối xây dựng đảo ngày thêm lớn mạnh xứng đáng với truyền thống anh hùng.

Trích băng: CCB Lê Văn Thử, CCB Đảo Cồn Cỏ  (tin tưởng vào thế hệ trẻ là sẽ phát huy truyền thống anh hùng để xây dựng đảo ) chia sẽ :

Hai dòng chử “ Đất liền còn- Cồn Cỏ còn, Tất cả vì Cồn Cỏ thân yêu” được khắc trên  công trình Bia tưởng niệm liệt sỹ hy sinh khi tiếp tế cho Cồn Cỏ cũng là khẩu hiệu hành động để lực lượng cán bộ, chiến sỹ và dân quân trực chiến lên đường thực hiện nhiệm vụ ngày ấy.

Việc xây dựng công trình bia tưởng niệm nhằm khắc ghi những chiến công oanh liệt của lớp cha anh, để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau gìn giữ và phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, giữ vững nền độc lập dân tộc, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trích lời: Anh Nguyễn Văn Hiếu- Phó BT xã Đoàn Vĩnh Thái- Vĩnh Linh.

( thế hệ trẻ chúng tôi luôn ghi nhớ và biết ơn những cống hiến, hy sinh của thế hệ đi trước để cùng phấn đấu, học tập để xây dựng quê hương..)

Những thế hệ đi trước khi tuổi đã xế chiều, tất cả những cống hiến của họ được lịch sử ghi nhận và tất cả là niềm tự hào. Mong muốn rằng khi đất nước hòa bình thống nhất, lớp trẻ sẽ tiếp nối truyền thống cha ông mà dựng xây đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Trích lời Ông Nguyễn Thế Công- Thôn Tân Hòa- Vĩnh Thái.

( chúng tôi tin tưởng vào lớp trẻ sau này sẽ xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp hơn….)

Hôm nay, không còn cảnh hoang tàn đổ nát vì bom đạn của chiến tranh, đảo Cồn Cỏ đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, hệ thống các công trình quân sự và phục vụ dân sinh được đầu tư xây dựng một cách hoàn chỉnh theo hướng hiện đại, thể hiện rõ ý chí, bản lĩnh kiên cường, quyết tâm xây dựng đảo của toàn Đảng bộ, chính quyền và quân dân huyện đảo Cồn Cỏ anh hùng.

Dẫn 1: Vâng thưa quí vị thính giả! Chỉ mới đây thôi, cột cờ Cồn Cỏ cũng đã được khánh thành, công trình mang ý nghĩa lịch sử đối với Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung. Đồng chí Nguyễn Đức Chính- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã khẳng định vị trí, vai trò của đảo tiền tiêu đối với hệ thống biển đảo tổ quốc, đồng thời đánh giá cao những tiềm năng, lợi thế của đảo Cồn Cỏ trong phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch.

Dẫn 2: Để có được kết quả đáng tự hào như ngày hôm nay, chắc chắn không thể không nhắc đến và ghi nhớ công lao của những người đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ cho chủ quyền độc lập và cho Cồn cỏ ngày một thêm xanh. Niềm tin lớn nhất là những gì mà thế hệ những cựu chiến binh Cồn Cỏ nói chung, quân và dân Quảng Trị nói riêng đã cống hiến, hy sinh để giữ Đảo sẽ được bao thế hệ hôm nay tiếp nối, xây dựng, kiến thiết đảo nhỏ anh hùng xứng đáng là vọng gác tiền tiêu của Tổ Quốc Việt Nam.

Chương trình BĐQH tuần này xin tạm dừng tại đây, biên tập và dàn dựng Minh Hiển cùng với sự tham gia của Như Hòa, Thúy Hằng, Vĩnh Lộc…cảm ơn quí thính giả đã quan tâm lắng nghe.

 

 

 

 

 

 

Chú thích duyệt

chuyên mục đã được phòng CMCĐ duyệt, nội dung đảm bảo. Đề nghị lãnh đạo xem và cho thực hiện.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Hiển 21/07/2017 07:52 Lê Vĩnh Nhiên 21/07/2017 10:18
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà