biển đảo quê hương
Danh mục
Biển đảo quê hương
NỘI DUNG

Chương trình Biển đảo quê hương 30. 4.2017

Dẫn: Kính chào quí thính giả đang theo dõi CT biển đảo quê hương tuần này của Đài PTTH QT. CT hôm nay sẽ chuyển đến quí vị và các bạn hiệu quả từ rừng ngập mặn mang lại ở một xã vùng biển Quảng Trị.

Mở đầu như thường lệ là một số tin tức trên lĩnh vực biển đảo đáng chú ý, sau đây là nội dung chi tiết của chương trình hôm nay.

Nhạc cắt.

Phần tin:

Tin 1:: vừa qua Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra tình hình thực tế để giám sát việc quản lý đất đai của Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh đối với các dự án đầu tư tại 2 khu dịch vụ du lịch Cửa Việt và Cửa Tùng.

Tính đến thời điểm hiện tại có 15 dự án đã và đang được đầu tư tại các khu dịch vụ du lịch do Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh quản lý với tổng diện tích 37,65 ha đất, tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 964 tỉ đồng. Hiện có 4 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng với diện tích đất trên 6,5 ha. Qua công tác quản lý, kiểm tra, Trung tâm đã trình UBND tỉnh thu hồi đất 2 dự án, 5 dự án triển khai đầu tư không đúng tiến độ.

Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh đề xuất với đoàn giám sát một số nội dung: Việc quy hoạch ban đầu của các khu dịch vụ du lịch ven biển trên địa bàn tỉnh quá chi tiết, nhưng thực tế việc sử dụng đất hiện tại ở các khu vực này không trùng khớp với bản đồ quy hoạch ban đầu.

Tin 2 Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên thanh niên lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 4 và nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, những ngày trung tuần tháng 4, Cục Chính trị Quân khu 4 đã tổ chức chuyến hành trình “Tuổi trẻ lực lượng vũ trang Quân khu với biển, đảo quê hương”, tạo điều kiện cho những cán bộ, thủ lĩnh đoàn thanh niên ở các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu đến thăm và giao lưu với cán bộ và nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ.  Hành trình “Tuổi trẻ LLVT Quân khu hướng về biển đảo quê hương” đã góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần xung kích, sáng tạo của cán bộ, đoàn viên thanh niên LLVT Quân khu 4, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, cùng nhau ra sức giữ gìn và bảo vệ vững chắc biển, đảo quê hương.

Tin 3: Ngay trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Stratbase ADR (ADRI) của Philippines vừa tổ chức Tọa đàm về vấn đề Biển Đông tại Thủ đô Manila.

Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Stratbase ADR - ông Dindo Manhit cho biết cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc là hết sức thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và những hành động đơn phương của Trung Quốc trong việc bảo vệ tuyên bố chủ quyền theo “đường chín đoạn” này đã cản trở việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình. Cũng theo ông Dindo Manhit, với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2017, Philippines cần phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác và các bên đối tác khác để thúc đẩy sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)…

Nhạc cắt.

Phóng sự: Phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn ở Quảng Trị

 

Thưa quí vị và các bạn! Quảng Trị là địa phương có chiều dài đường bờ biển gần 75km, tại khu vực hạ lưu sông Bến Hải, sông Thạch Hãn thường chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, đặc biệt là tình trạng nhiễm mặn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Với nhiều dự án được triển khai, cho đến nay diện tích rừng ngập mặn đã thực sự phát huy hiệu quả tại một số địa phương ven biển trong việc chắn sóng, ngăn mặn, bảo vệ hệ thống đê điều và môi trường sinh thái được cải thiện. Phóng sự “Phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn” mời quí vị thính giả cùng nghe!

 

Trên diện tích rừng ngập mặn gần 4,5ha chủ yếu là cây Bần chua và cây dừa nước đã có từ mấy chục năm nay thuộc địa bàn Thôn Tân Xuân, xã Gio Việt, huyện Gio Linh, địa phương có gần 8 ha đất ngập nước được sử dụng để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, trước đây do việc phát triển tự phát nuôi tôm nước lợ, sau đó các ao nuôi tôm dần bỏ hoang nên các khu vực này trở thành các điểm tập kết rác thải gây ảnh hưởng lớn đến diện tích rừng ngập mặn hiện có. Chính quyền xã Gio Việt và thôn Tân Xuân đã có chủ trương bảo vệ khu vực rừng ngập mặn, cấm các hành vi săn bắt động vật, chặt phá bừa bãi cây ngập mặn, nhằm bảo vệ diện tích rừng ngập mặn vốn đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

 Phỏng vấn: Ông Trần Thanh Hải - Phó chủ tịch UBND xã Gio Việt huyện Gio Linh (hiệu qủa của rừng ngập mặn mang lại)

Cùng với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền bảo vệ rừng ngập mặn thì vai trò của các cơ quan chức năng như Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật Môi trường Quảng Trị, là đơn vị thực hiện dự án trồng 2.5 ha rừng ngập mặn tại đây cũng thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình trạng của cây ngập mặn, kịp thời hướng dẫn cho người dân các kỹ thuật chăm sóc, nghiêm cấm những hoạt động của người dân trong việc bảo vệ hoặc gây ảnh hưởng xấu đến rừng ngập mặn từ đó nâng cao hơn trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn và phát triển những giá trị của rừng ngập mặn, đồng thời cũng giúp Trung tâm cũng đã thu thập các thông tin cần thiết phục vụ cho việc lên phương án mở rộng diện tích rừng ngập mặn ở các xã vùng cửa sông, ven biển.

-Ông Lê Quang Hùng- Trưởng thôn Tân Xuân- xã Gio Việt- Gio Linh chia sẽ them.

Nằm ở hạ nguồn sông Thạch Hãn, nơi đổ ra biển Cửa Việt, lâu nay người dân xã Triệu Phước luôn phải sống chung với cảnh triều cường, bão lũ, nhiều diện tích đất nông nghiệp, các khu nuôi trồng thủy sản bị tàn phá, cuốn trôi. Trước thực trạng trên vào năm 2009, được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về nâng cấp và bảo vệ đê điều của Trung ương với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng, Rừng ngập mặn bằng cây bần chua được trồng dọc theo tuyến đê sông của xã đã tạo thành rào chắn và là vành đai sinh thái bảo vệ tuyến đê điều dài 5km của địa phương. Qua 7 năm trồng và chăm sóc, rừng ngập mặn đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân trong vùng. 

Phỏng vấn: Ông Nguyễn Văn Vui - Phó chủ tịch UBND xã Triệu Phước cho biết.

Và để phát triển thêm diện tích rừng ngập mặn, thời gian gần đây, Dự án Phục hồi và Phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn liền với sinh kế bền vững tại khu vực hạ lưu sông Bến Hải và Sông Thạch Hãn nhằm ứng phó với BĐKH ( thực hiện 2015-2020) và Dự án Xây dựng mô hình rừng ngập mặn tỉnh Quảng Trị được triển khai thực hiện tại xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (thực hiện tháng 3/2017) với tổng quy mô các dự án lên đến gần 65 ha, do Chi cục Biển, Hải đảo và Khí tượng thủy văn Quảng Trị làm chủ đầu tư. Việc trồng thành công diện tích rừng ngập mặn nếu đảm bảo tỷ lệ sống của rừng trên 85% sẽ tạo đai rừng ngập mặn bảo vệ đê sông, ổn định bãi, giảm thiểu thiên tai, sạt lở, xâm nhập mặn, tạo hệ sinh thái tự nhiên, cho cộng đồng dân cư tại địa phương.

Phỏng vấn: Ông Nguyễn Hùng Trí- Phó chi cục trưởng Chi cục Biển Hải đảo và KTTV đánh giá về tầm quan trọng của dự án khi triển khai thực hiện

Đánh giá và xác định được giá trị của diện tích rừng ngập mặn mang lại tại một số địa phương ven biển, thời gian qua tỉnh ta đã ưu tiến bố trí kinh phí từ ngân sách cho các chương trình, đề tài, dự án hướng về vấn đề biến đổi khí hậu. Từ thực tế cho thấy khi rừng ngập mặn được trồng và phát triển xanh tốt như ở xã Triệu Phước là một trong những thành công khi tuyến đê biển dài 5km được trên 40 hecta rừng bần bao quanh đã trở thành vành đai bảo vệ vững chắc trước những nguy cơ vỡ đê, hạn chế xâm nhập mặn trước tác động của sóng và triều cường. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện nay có nhiều địa phương tình trạng xâm nhập mặn cũng như xói lở đê kè rất lớn, nếu mô hình này được triển khai rộng rãi sẽ tạo nên hiệu quả lớn hơn trong việc bảo vệ đê điều cũng như môi trường sinh thái...  gia tăng tính đa dạng sinh học trong vùng.

Nhạc cắt:

Quí vị thính giả đang nghe CT Biển đảo quê hương, thưa quí vị hiện nay, khi hải sản trở lại thì vấn đề mà ngư dân đang lo lắng và có những phản ánh với chính quyền địa phương đó chính là tình trạng giả cào đang phá hoại tài sản của ngư dân ở vùng gần bờ, khai thác tận diệt nguồn hải sản ở khu vực này.

 Cuối tháng 3, đầu tháng 4.2017, nhiều ngư dân ở các huyện Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng phản ảnh đến chính quyền địa phương và ngành chức năng về sự lộng hành của các tàu giã cào ngoại tỉnh tại vùng biển địa phương. Theo đó, sau thảm họa môi trường biển, khi cá tôm bắt đầu trở lại vùng biển Quảng Trị thì tàu giã cào lập tức xuất hiện.

Các ngư dân cho biết nghề giã cào hoạt động bằng cách cho 2 tàu công suất lớn chạy song song với tốc độ trên dưới 10 hải lý/giờ và kéo theo một tấm lưới phía dưới gắn thanh sắt nặng nên có thể cào sâu tận đáy. Đặc biệt, mắt lưới của lưới tàu giã cào thường rất nhỏ để tận thu hết thảy cá tôm lớn nhỏ...

Những nơi tàu giã cào đi qua, ngoài hải sản bị mắc lưới, hệ sinh vật tầng đáy bị hủy diệt, nguồn lợi thủy sản cũng cạn kiệt. Chưa hết, tàu giã cào còn cuốn luôn cả lưới, ngư cụ của ngư dân địa phương đang hành nghề đánh bắt hải sản ở ven biển.

Cụ thể, ngày 29.3, 9 ngư dân thôn 6, xã Triệu Lăng, H.Triệu Phong phản ảnh họ bị mất từ 7 - 40 tấm lưới mỗi người vì tàu giã cào, thiệt hại ước tính gần 100 triệu đồng. Tiếp theo, ngày 4.4, cũng tại thôn 6, xã Triệu Lăng, 24 ngư dân khác cũng cho hay sau 1 đêm “thả ngâm” lưới trên biển, họ đã mất 600 tấm lưới với tổng thiệt hại hơn 200 triệu đồng.

Không chỉ ở Triệu Lăng, ngư dân ở xã Hải An, Hải Khê (H.Hải Lăng) cũng phản ánh khi lưới của họ bị rách tả tơi hoặc không cánh mà bay... “Hầu hết chúng tôi phải vay tiền để mua lưới, giờ lưới rách, mất thì hoặc là việc đánh bắt của gia đình phải đình trệ hoặc là lại tiếp tục vay mượn mua lại. Nhưng có lưới rồi ra thả trên biển chắc gì lại không mất nữa vì tàu giã cào?”, một ngư dân bức xúc về thiệt hại mà tàu giã cào gây ra cho mình.

 ông Nguyễn Thanh Chung- Bí thư Đảng ủy xã hẢI An cho biết.

Trích băng.

Thông tin từ Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị (thuộc Sở NN-PTNT) cho hay từ năm 2009 đến nay tỉnh QT không cấp phép hoạt động cho tàu hành nghề giã cào. Cũng theo chi cục này, nghề giã cào ven biển theo quy định không được cấp phép; khi bị phát hiện, tàu giã cào sẽ bị xử phạt nặng, cao nhất là 50 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị, cho biết đã nhận được phản ảnh của ngư dân và đang phối hợp với lực lượng kiểm ngư, biên phòng tăng cường tuần tra kiểm soát. Tuy nhiên, ông Nam thừa nhận, để bắt quả tang tàu giã cào khá khó khăn vì các tàu thường hoạt động lén lút, không để lại tang chứng...

Chào cuối.

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Hiển 28/04/2017 08:36 Lê Vĩnh Nhiên 29/04/2017 10:15
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà