tiểu mục văn hóa thời sự pt 14/10
Danh mục
Chương trình thời sự
NỘI DUNG
Lời dẫn : SỔ TAY VĂN HÓA: CHUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI THẦY GIÁO. (Xuân Dũng) -Ptv dẫn: Thưa quý vị và các bạn! Tiếp nối cách nhìn hệ thống của nhà giáo, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường về nghề dạy học, chúng ta cùng nghe bài viết "Chuyện của những người thầy giáo" của pv Xuân Dũng. Mời quý thính giả cùng theo dõi.

-Lời:

 

Trong bút ký Rất nhiều ánh lửa, tác giả có nói đến một đoạn đời dạy học của mình rất đáng nhớ trước năm 1975 tại Trường Quốc học Huế.

Giữa thời thế nhiễu nhương, loạn lạc, nhiều người tử tế chọn nghề thầy giáo không chỉ vì mưu sinh qua ngày, mà quan trọng hơn là giữ lấy thiên lương trong bản thân mình, ít nhiều giúp ích cho đời thông qua con đường giáo hóa. Bởi dù thế sự có biến cải đến đâu, những nhà giáo đúng nghĩa ở thời nào cũng được coi là hiện thân của văn hóa và đạo lý.

Nhà văn nhớ lại một thời trên bục giảng giữa những biến động chiến chinh, tao loạn khiến cho tâm trạng người thầy còn giữ lấy lương tri cũng phải nhiều phen chao đảo: “Nghề dạy học trong những năm ấy đến bây giờ vẫn còn vang vọng trong ký ức của tôi như một niềm hối tiếc dai dẳng. Bom đạn ở ngoại ô, lính Mỹ đầy phố, lệnh gọi lính, những cuộc biểu tình đổ máu, những người bị bắt.

Mỗi giờ dạy tôi phải đối diện với sáu, bảy chục khuôn mặt uể oải, đăm chiêu, lơ đãng, đôi khi ẩn hiện một nỗi khinh bỉ thầm lặng. Những khuôn mặt ấy đều hiện ra như một dấu hỏi, không thực chính xác về vấn đề gì, tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy một cách rõ ràng là nó được đặt ra cho tôi và tôi thường sợ hãi, lẩn tránh câu trả lời…”.

Người thầy Hoàng Phủ Ngọc Tường nói như một lời nhắc nhở và nhắn nhủ kín đáo trong nỗi âu lo về số phận học trò: “Dạy học chỉ là cách trình bày lại một số kiến thức cần nhớ, để các anh tự mình chọn lấy. Công việc của tôi chỉ có như thế. Các anh hoàn toàn tự do để trách nhiệm lấy cuộc đời của mình. Không thể trông cậy vào bất cứ ai, kể cả thầy giáo, trong đó có tôi. Tôi sẽ không có trách nhiệm nào khác đối với các anh”.

Đọc lại đoạn này nhớ đến một câu nói nổi tiếng của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, đại ý: Chính kiến có thể thay đổi nhưng đạo lý thì không thể xa rời. Nhất là đạo lý người thầy.

Trong bài nhàn đàm Thầy Đào Duy Từ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tôn vinh tài năng quân sự và chính trị của danh nhân Đào Duy Từ, tên tuổi ông gắn liền với một công trình quân sự tên gọi “Lũy Thầy” ở Quảng Bình. Ông đúng là nhà quân sự giỏi, là người thầy tài đức của bậc đế vương muốn an dân trị quốc. Ông là trợ thủ đắc lực cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên mở mang cơ nghiệp xứ Đàng Trong.

Tác giả viết về ông: “Điều khiến cho mãi đến ngày nay chúng ta vẫn có lý do để giữ lòng ngưỡng mộ đối với ông chính là nhân cách kẻ sĩ của Đào Duy Từ. Kẻ sĩ đem tài ra giúp vua chúa trong sự nghiệp an dân, nhưng không bao giờ xu nịnh, luồn cúi trước quyền lực”. Và ông kết luận xác đáng: “Người ta quên đi tước lộc của ông, quên đi cả tài năng quân sự của ông; chỉ nhớ đến ông như một bậc thầy của mọi người: Thầy Đào Duy Từ”.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 13/10/2019 09:54 Phạm Xuân Dũng 13/10/2019 09:54
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà