KÝ SỰ CHÁO CÁ ME BẮC PHƯỚC
Danh mục
Ký sự - Tài liệu
NỘI DUNG

 

Kịch bản ký sự:

Về Bắc Phước thưởng thức cháo cá me    

Sông Thạch Hãn và sông Hiếu hòa vào nhau ở ngã ba Gia Độ rồi chảy ra biển qua Cửa Việt. Trước khi về với biển, hai con sông này đã kịp bồi đắp để hình thành nên cù lao Bắc Phước, gồm ba làng, người ta gọi tắt là Xuân, Phiên, Hà. Cũng chẳng ai biết chính xác Bắc Phước có tự bao giờ, chỉ biết nơi đây từng là cù lao hoang vắng được người ở phía “bên kia bờ” qua khai phá. Làng Duy Phiên và Hà La đất đai rộng nên có nghề làm ruộng. Riêng làng Dương Xuân có nghề chài lưới. Bắc Phước vốn là vùng đất cửa sông. Bao quanh là hàng chục héc ta rừng ngập mặn, đất đai để canh tác không nhiều, nếu có cũng không phải là đất màu mỡ. Người Bắc Phước lâu nay chỉ theo đuổi 2 công việc chính để sinh nhai: đánh bắt cá tôm tự nhiên và trồng lúa huyết rồng. Không phải tự nhiên mà đời sống người dân Bắc Phước lại đổi thay ngoạn mục như thế. Lý do phần nhiều là do sự đầu tư mạnh mẽ của chính quyền cho địa phương, là cây cầu, là đường điện, là nguồn nước sạch. Người ta có lý do để ví cù lao Bắc Phước là vùng đất lành. Cá tôm vẫn quẫy ở đầm và trong những khu rừng ngập mặn bao quanh cù lao. Diện tích cây bần chua cũng không ngừng mở rộng để vừa giữ phù sa, vừa trở thành môi trường trú ngụ, sinh sôi nảy nở của các loài hải sản.

MC: Thưa quý vị và các bạn! Thiên nhiên đã ban tặng cho Bắc Phước nhiều sản vật mà các vùng khác không có. Nếu vùng chiêm trũng Hải Lăng là xứ sở của con cá tràu (hay còn gọi là cá lóc - cá quả) làm nên những món ngon nức tiếng như cháo cá, canh ám làng Lam… thì món ăn vùng đất nhỏ bé Bắc Phước này cũng không kém phần độc đáo và nổi tiếng. Về cá tôm thì không có nơi đâu phong phú bằng ở đây, bao gồm cá nước lợ, nước mặn. Có thể kể ra như: Canh cá bống thệ dưa chua nức tiếng của làng Dương Xuân, ruốc đam của làng Hà La và đặc biệt đó là cháo cá me. Vậy món ngo đặc trưng này của Bắc Phước được thực hiện như thế nào? Nguyên liệu ra sao? Có hấp dẫn khẩu vị của mọi người hay không? Hãy cùng tìm câu trả lời quý vị nhé!

Hàng năm lũ lụt kéo về đây mang theo lượng phù sa lớn bồi đắp ruộng đồng. Trải qua bao đời, lúa chỉ có một vụ nhưng người dân nơi này vẫn sống đắp đổi từ đời này qua đời khác là nhờ hệ thống đầm phá và sản vật trên sông. Chỉ cần dăm ba chục phút cất rớ ngoài lòng sông là đã có được rá cá tươi thập cẩm gồm tôm, cá đối, cá kình và đặc biệt nhiều nhất là cá me.

Cá me con nhỏ như lá trúc, còn gọi là cá trích lầm loại nhỏ đã theo dòng nước mát từ ngoài biển bơi lên. Trời vào hè là mùa của cá me. Loài cá nước mặn vượt cửa biển chạy vào sông nước lợ bởi những ánh đèn nhử trên sông. Cù lao Bắc Phước bao bọc là sông nước lợ nên muốn ăn cháo loài cá này thì về làng Dương.

MC: Thưa quý vị và các bạn! TH đang có mặt ở làng Dương Xuân thuộc Cù lao Bắc Phước và để có thể rõ hơn về sản vật đặc biệt của Bắc Phước đó là cá me tươi ngon thì mới quý vị cùng gặp gỡ một người đã có hàng chục năm kinh nghiệm chài lưới trên sông, đó là bác Linh và bác Khiếu

MC: Bác lân à! Cháu được biết cháo cá me là một đặc sản của Bắc Phước nhưng chưa được thưởng thức. Vậy hôm nay bác có thể giúp cháu không ạ?

Bác: Vâng! Hôm nay bác sẽ đãi cháu món cháo cá me đặc sản của quê hương bác. Nhưng để có món cháo cá me thì trước hết bác cháu mình phải đi cất cá me đã.

MC: Dạ.

(Hiện trường: cất cá me và trò chuyện cùng bác Linh)

Bác Linh: Vào những tháng chớm rét như thế này, đánh bắt cá này khó, để có mớ cá me thì phải cất hơi lâu. Làng Dương vốn có nghề đan lát và chài lưới. Ăn cháo cá mà nhớ người. Người làng Dương chân nhỏ mà tay thì to. Ai đến đây cũng ngạc nhiên vì trăm người như một. Hỏi ra mới biết từ ông tổ của làng làm nghề sông nước, con cháu ông cứ nối cái nghiệp này từ đời này sang đời khác. Họ bơi ghe, chèo thuyền nhiều hơn đi bộ nên những cánh tay vạm vỡ đầy cơ bắp còn đôi chân thì nhỏ hơn người làng khác....

MC: Bác Linh ơi! Chỉ chưa đầy 15 phút mà bác cháu mình đã có một mớ cá me tươi ngon như thế này. Bây giờ đã thực hiện món cháo được chưa bác?

Bác Linh: Đầu tiên chúng ta sơ chế cá me. Cũng đơn giản thôi, chỉ cần nhặt rác và rửa sạch là được.

(MC và bác Linh thưởng thức cháo cá me)

Gạo được nấu nhừ sôi ở bếp thật lâu, gạo vừa nhừ là cho cá lên, nêm vào thêm tiêu ớt và đặc biệt phải có ném là đã có món cháo “trứ danh” của Bắc Phước.  Cách nấu nghe qua giản đơn nhưng chính cách cho muối, ớt, hành, ném mới tạo nên sự khác biệt. Và trong nồi cháo đó mới hay rằng dân Quảng Trị ăn cay thuộc tốp nhất nước. Cháo cá me ăn đang còn nóng thì ngon, để nguội sẽ tanh và mất hết hương vị. Cháo ngon là ở con cá tươi. Đó phải chăng là bí quyết của nồi cháo ngon?! Cù lao cách thành phố chưa đầy mười cây số theo đường chim bay. Nếu từ cầu Đông Hà đi xe máy mất khoảng 30 phút. Bởi vậy, ở chợ Đông Hà cũng có bán cá me nhưng mua về nấu cháo sẽ thua xa nồi cháo ở đất cù lao.

Phỏng vấn: Anh Trương Khiến – Trưởng thôn Bắc Phước – Triệu Phước - TP

Một ngày lưu lại trên “ốc đảo” nhỏ này, phần nào chúng tôi thấu hiểu thêm về cuộc sống tất bật, bản lĩnh và đức tính cần cù của người dân vùng cù lao. Từ một vùng quê sông nước và nằm về cuối nguồn sông Thạch Hãn, sống chủ yếu nhờ vào thế độc canh cây lúa, năm nào mưa thuận gió hòa may ra cuộc sống vừa đắp đủ miếng ăn qua ngày. Cảnh túng thiếu luôn là nỗi canh cánh bên lòng của người dân nơi đây. Song bằng sự cần cù, chịu thương, chịu khó, người dân Bắc Phước biết phát huy những lợi thế về đất đai thổ nhưỡng, về cơ hội từ nhiều phía, nên giờ đây Bắc Phước trở thành một trong những vùng quê trù phú của huyện Triệu Phong, bộ mặt nông thôn không ngừng thay đổi, diện mạo của vùng NTM kiểu mẫu đang dần hiện hữu. Khác với ngày xưa, Bắc Phước bây giờ cái gì cũng có, không thua chi người thành phố. Bắc Phước còn có thứ mà dân thành phố thèm muốn, ấy là sự trong lành và bình yên.

Phỏng vấn: Anh Trương Khiến – Trưởng thôn Bắc Phước – Triệu Phước - TP

MC: Thưa quý vị và các bạn! Cũng như những vùng đất khác của xứ Việt, ẩm thực đại diện cho bộ mặt văn hóa tinh thần và vật chất của con người. Người dân cù lao cũng phóng khoáng như người miền Tây ở đồng bằng sông Cửu Long. Chính thiên nhiên ban tặng cho họ nhiều sản vật đã hình thành hồn cốt đó. tin một ngàykhông xa ở xứ này cũng có một tour du lịch sông nước khi hệ thống rừng phòng hộ quanh cù lao đã phủ kín bởi cây bần. Trên cây các loại chim về trú ngụ, dưới nước cua tôm nuôi theo kiểu bán tự nhiên. Cùng với những món ngon do bàn tay của người dân nơi này chế biến sẽ là địa điểm thu hút khách thập phương. Còn bây giờ thì phải nói lời chào tạm biệt rồi. Hẹn gặp lại quý vị trong những khám phá tiếp theo của đất Quảng Trị thân yêu nhé!

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 20/03/2020 08:28 Lê Vĩnh Nhiên 26/07/2022 14:41
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà