chuyên mục Khoa học và Công nghệ tháng 8
Danh mục
Khoa học và Công nghệ
NỘI DUNG

Kịch bản chuyên mục KHCN tháng 8

 Phát sóng: Ngày 19/8/2021

Thời lượng: 10 phút

PTV: Rất vui khi được đồng hành cùng quý vị và các bạn trong chuyên mục KHCN kỳ này. Trong chương trình hôm nay sau phần tin mời QV & các bạn theo dõi phóng sự ghi nhận về Kết quả bước đầu trong phát triển và nâng cao giá trị cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Sau đây là phần nội dung chi tiết.

Nhạc cắt

I.Phần Tin tức

Tin 1: Ngày 28/7/2021, Sở KH&CN phối hợp với Tỉnh đoàn Khảo sát 4 mô hình  ứng dụng KH&CN tiêu biểu trong đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Các mô hình: trang trại Valley Farm chăn nuôi, du lịch ở thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa, quy mô 4 ha; mô hình nuôi 180 con dê nhốt chuồng giống Boer nguồn gốc từ Mỹ, tại xã Cam Chính, Cam Lộ; mô hình trồng rau sạch diện tích gần 2000m2 thích hợp biến đổi khí hậu ở xã Trung Nam, Vĩnh Linh và vườn khép kín trồng hoa cúc, đồng tiền ở phường Đông Giang, Đông Hà áp dụng bài bản các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mang lại thu nhập khá. Qua đây, Sở và Tỉnh đoàn sẽ có buổi họp chính thức thống nhất hình thức hỗ trợ đối với các đoàn viên thanh niên.

Tin 2:  Ngày 6/8/2021, đoàn làm việc Sở KH&CN đã tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện dự án “Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong nuôi cá chình lồng tại Quảng Trị”.

Dự án do Hội Nông dân tỉnh triển khai tại hồ tự nhiên Kinh Môn, xã Phong Bình, huyện Gio Linh từ tháng 11/2019 đến tháng 12/2021. Sau 18 tháng nuôi, trọng lượng trung bình cá đạt từ 1,4-1,6kg/con, chiều dài từ 73-75cm, tỷ lệ sống của cá đạt trên 95%. Theo khảo sát, cá chình dễ được thị trường đón nhận, giá thành khoảng 450.000 – 500.000 đ/kg. Quá trình triển khai thực hiện dự án còn gặp khó khăn do ảnh hưởng lũ lụt nặng nề vào tháng 10/2020, tuy nhiên các hộ dân đã kịp thời khắc phục. Đoàn đề nghị đơn vị chủ trì cần tiếp tục triển khai các nội dung còn lại theo đúng tiến độ đề ra.

 

II. Phóng sự:

DCT: Thưa QV&CB! Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến việc phát triển dược liệu nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế từng địa phương và coi đó là một trong các nhóm giải pháp của công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đối với tỉnh Quảng Trị, cây dược liệu được xác định là 1 trong 6 cây con chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Việc phát triển và đẩy mạnh nâng cao giá trị của cây dược liệu cũng được quan tâm đầu tư. Sau đây là những ghi nhận của mời QV&CB cùng theo dõi.

KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU TRONG PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO GIÁ TRỊ CÂY DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Quảng Trị được đánh giá là địa phương có nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên vô cùng phong phú, đa dạng, quý hiếm, bởi có thổ nhưỡng và khí hậu đặc thù. Tại tỉnh Quảng Trị, dân gian từ lâu đã lưu truyền nhiều loại dược liệu bản địa có giá trị như: Quế, Sa nhân, trẩu, Chè vằng, cà gai leo, lan kim tuyến, giảo cổ lam, … mọc hoang dại trong rừng khá nhiều. Tuy nhiên, việc khai thác tận diệt, kéo dài cùng với các tác động khác đã làm cho nguồn dược liệu vốn trước đây phong phú, đến nay bị suy giảm. Trước thực tế đó, xây dựng vùng dược liệu, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao là một trong những định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đã đề ra.

Với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích sản xuất gắn với thúc đẩy mô hình tăng trưởng bền vững, tỉnh Quảng Trị đã ban hành các chính sách mới, đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển một số sản phẩm dược liệu chủ lực theo hướng khuyến khích phát triển các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu đáp ứng các tiêu chí Chương trình Mỗi xã một sản phẩm cấp tỉnh. Các nguồn lực sẽ được huy động để tiến hành điều tra, đánh giá tiềm năng một số dược liệu quý trong tự nhiên, từ đó lựa chọn ra bộ sản phẩm dược liệu có giá trị thương mại cao. Đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất, bản đồ dược tính, định hướng khai thác gắn với bảo tồn các loại dược liệu quý nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong phát triển dược liệu để khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu; bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh đã được ngành KH&CN tỉnh Quảng Trị chú trọng triển khai. Ngành KH&CN đã cùng các cấp, ngành, đơn vị liên quan, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân ở Quảng Trị liên kết phát triển cây dược liệu. Điển hình như Sở KH&CN phối hợp với Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, nghiên cứu phát triển thành công sản phẩm chè Vằng hòa tan mở ra hướng đi mới cho dược liệu của địa phương. Tăng cường nguồn lực, hình thành mô hình sản xuất dược liệu, tập trung nghiên cứu, bảo tồn, nhân và sản xuất giống; hỗ trợ người dân phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng các phương thức canh tác nông – lâm bền vững thông qua các đề tài, dự án cấp cơ sở và cấp tỉnh.

Phỏng vấn: Ông NGUYỄN HỮU THẮNG, Phó Giám đốc  Sở Khoa học

và Công nghệ Quảng Trị

(Nội dung:  Xin Ông cho biết những điểm nhấn của Sở Khoa học và Công nghệ trong công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong phát triển

Dược liệu trên địa bàn tỉnh thời gian qua)

Tại một số địa phương như Cam Lộ, Vĩnh Linh, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tiêu biểu như làng nghề Định Sơn, mô hình trồng cây chè vằng sử dụng công nghệ phun mưa áp lực thấp, quy trình sản xuất hữu cơ trên diện tích 3 ha. Theo ghi nhận, cây chè vằng mỗi năm thu hoạch 2 - 3 lứa, năng suất đạt 90 tạ/ha, doanh thu 135 triệu đồng/ha. Hiện nay đã nhân rộng vùng nguyên liệu chè vằng trên toàn địa bàn tỉnh khoảng 100 ha, tổng sản lượng khoảng 6.349 tấn/năm. Bên cạnh đó, các loại cây dược liệu được trồng phổ biến trên địa bàn là đinh lăng, sâm bố chính, ngưu tất, trạch tả, nghệ, cà gai leo, an xoa …  Đến nay, diện tích cây dược liệu được trồng theo hướng liên kết với các doanh nghiệp toàn tỉnh có 95 ha. Trên địa bàn hiện có một số doanh nghiệp đã đầu tư các trang thiết bị tương đối hiện đại và xây dựng vùng nguyên liệu để chủ động trong quá trình sản xuất dược liệu như: Công ty TNHH MTV Mai Thị Thủy, Hợp tác xã Dược liệu Trường Sơn, Với sự vào cuộc của các ngành, doanh nghiệp và người dân đã góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng, đổi mới công nghệ để sản xuất, chế biến sâu theo hướng nâng cao giá trị các sản phẩm từ dược liệu như chè vằng, cà gai leo, giảo cổ lam … là dược liệu quý và đặc thù ở Quảng Trị.

Phỏng vấn: Công ty TNHH MTV Mai Thị Thủy

(Nội dung: Hiệu quả kinh tế mang lại từ cây Dược liệu)

Phỏng vấn 1 hộ dân

(Nội dung: So sánh thu nhập từ cây dược liệu so với các loại

cây trồng khác)

Điều đáng nói hơn cả là từ những sản phẩm dược liệu được nấu thủ công, trải qua thời gian cùng với sự quan tâm, hỗ trợ từ phía tỉnh và các ngành chức năng, công nghệ chế biến dược liệu cũng được quan tâm đầu tư. Các đơn vị chế biến dược liệu đã chú trọng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến, đầu tư máy móc, trang thiết bị và ứng dụng công nghệ chế biến tiên tiến nhằm cho ra sản phẩm dược liệu tốt nhất. Cùng với đó là các đơn vị, doanh nghiệp cũng chú trọng vào việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, gắn tem truy xuất nguồn gốc; tiếp cận thị trường thông qua giới thiệu sản phẩm tại các gian hàng, hội chợ, …, tuyên truyền thông qua internet, các phương tiện thông tấn, báo chí. Cũng từ đó mà sản phẩm dược liệu Quảng Trị ngày càng khẳng định được vị trí của mình trên thị trường. Và đã có một sản phẩm dược liệu của nông dân Quảng Trị lần đầu tiên được xuất khẩu sang Mỹ. Đây là tín hiệu tích cực đối với người trồng dược liệu của tỉnh khi sản phẩm được thị trường khó tính trên thế giới chấp nhận. Gần 1 tấn cao dược liệu an xoa đến Mỹ đánh dấu mốc quan trọng khi sản phẩm của vùng dược liệu Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đạt những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính – Hoa Kỳ. Chuyến hàng đầu tiên này xuất đi với giá bán 1,7 tỷ đồng/tấn, để rồi sau đó nông dân Quảng Trị sẽ xuất sang Mỹ số lượng từ 2 – 3 tấn cao dược liệu an xoa mỗi tháng. Từ chuyến hàng sang Mỹ lần này cho thấy, sản phẩm từ vùng dược liệu Cam Lộ có thể đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế. Hiện nay, cao dược liệu Quảng Trị đã có mặt tại thị trường Mỹ minh chứng cho bước chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng hướng.

Phỏng vấn: Ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ

 (Nội dung: UBND huyện Cam Lộ đã hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, liên kết tiêu thụ cho các hộ trồng dược liệu trên địa bàn huyện?)

Việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân liên kết, hợp tác sản xuất dược liệu gắn với chế biến các sản phẩm tăng cường sức khỏe, xây dựng thương hiệu dược liệu của tỉnh sẽ được quan tâm hơn. Lồng ghép các chương trình, dự án liên tỉnh, liên vùng mang tính trọng tâm, trọng điểm, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ công tác khám, chữa bệnh và nghiên cứu chế biến thuốc cho các nhà máy chế biến trong và ngoài nước. Ưu tiên ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc phát triển các sản phẩm từ cây dược liệu quý. Đồng thời, chú trọng phát triển sản xuất an toàn, từng bước đem lại thu nhập ổn định cho người dân

Phỏng vấn: Ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và

Công nghệ Quảng Trị

(Nội dung: Định hướng trong thời gian tới để tiếp tục phát triển

dược liệu tại Quảng Trị)

Để tiếp tục phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm từ dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, thời gian tới, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp cần có sự phối hợp đồng bộ để cùng với nhân dân đầu tư công nghệ chế biến, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất. Một việc quan trọng khác là thương mại hóa các sản phẩm dược liệu quý, có tính đặc thù trên địa bàn. Tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi các tổ chức, cá nhân liên kết, hợp tác sản xuất dược liệu gắn với chế biến các sản phẩm tăng cường sức khỏe, xây dựng thương hiệu dược liệu của tỉnh, thương mại hóa các sản phẩm dược liệu quý, có tính đặc thù trên địa bàn./.

 

 

 

Chú thích duyệt

Đã phát sóng

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Hiển 19/08/2021 17:15 Lê Vĩnh Nhiên 23/08/2021 13:30
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà