khoa học công nghệ ( Truyền hình)
Danh mục
Khoa học và Công nghệ
NỘI DUNG

 

Chuyên mục Khoa học và Công nghệ tháng 10.2022

Lịch phát sóng: Thứ 5, Ngày 17/11/2022.

Thời lượng: 10 phút

       

        PTV: Kính chào QV&CB! Chuyên mục KH&CN kỳ này sau phần điểm Tin mời QV&CB theo dõi Phóng sự ghi nhận về việc Chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ viên nén chuyên dùng cho cây lúa quy mô công nghiệp. Bây giờ là phần nội dung chi tiết.

Nhạc cắt

I. Phần Điểm tin KH&CN (1 phút):

Tin1: Vừa qua, Hợp tác xã Nông nghiệp số phối hợp Sở KH&CN tổ chức hội thảo Ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc nhằm quản lý chuỗi cung ứng và nâng cao giá trị sản phẩm hạt tiêu và hạt cà phê tại tỉnh Quảng Trị .

Ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc nhằm quản lý chuỗi cung ứng và nâng cao giá trị sản phẩm hạt tiêu và hạt cà phê tại tỉnh Quảng Trị là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên tham gia. Blockchain gây dựng lợi thế cạnh tranh bằng việc chứng minh sản phẩm an toàn, quản lý quy trình sản xuất tốt hơn theo thời gian thực, kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm, góp phần cải thiện giá trị chung của toàn bộ chuỗi cung ứng,... Thông qua hội thảo, đơn vị chủ trì sẽ bổ sung các giải pháp để nâng cao chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của hai sản phẩm này. 

 

Tin 2: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị đã thực hiện thành công Đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ bảo tồn và phát triển cây lan Giả Hạc trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

          Cụ thể đã nhân giống, ươm trồng 4 loài lan có nguồn gốc ở Quảng Trị; 3000 cây lan Giả Hạc cao 3 đến 4cm, 3 đến 4 lá; 1000 cây lan Giả Hạc cao 6 đến 8cm, 5 đến 8 lá; 300 cây lan Giả Hạc cao10 đến 15cm, 10 đến 15 lá. Hoàn thiện 3 quy trình: nhân giống lan Giả Hạc bằng phương pháp gieo hạt In vitro;  nhân giống các giống lan Giả Hạc từ các bộ phận của cây bằng phương pháp nuôi cấy mô; ươm trồng và chăm sóc cây con in vitro. Lan Giả Hạc một loại lan có thân buông rũ, chiều dài thân có thể đạt tới 1.2m, hoa có màu đa dạng và đặc biệt có mùi thơm rất dễ chịu. Hoa nở quanh năm, độ bền hoa đạt 3 tuần trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Việc áp dụng những kỹ thuật đặc thù để nuôi cấy, nhân giống lan Giả Hạc góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm và hướng tới phát triển thương mại các giống cây này trong tương lai.

 

Tin 3: Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ cà phê theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là Đề tài cấp tỉnh do Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị chủ trì thực hiện ,Từ tháng 03/2021 đến tháng 3/2023.

Đến nay, đã tiến hành đánh giá tình hình sản xuất, đất đai và những hạn chế trong sản xuất cà phê chè tại địa bàn huyện Hướng Hóa. Xây dựng mô hình  sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, diện tích 1,0 ha tại địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Áp dụng công nghệ ủ phân vi sinh từ vỏ quả cà phê để bón cho cây cà phê, tăng cường bón phân hữu cơ, sử dụng thuốc trừ sâu bệnh sinh học. Trồng cây ăn quả che bóng, cây họ đậu ngắn ngày, nuôi ong lấy mật trong vườn cà phê, tạo hệ sinh thái đa dạng, ...Việc triển khai mô hình này sẽ góp phần tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê theo các tiêu chuẩn bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường./.

 

Nhạc cắt

 

II. Phần Phóng sự

PTV: Thưa QV&CB! Sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đang chịu tác động rất lớn của biến động giá cả thị trường vật tư đầu vào, đặc biệt là giá phân bón. Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, đây là thách thức, đồng thời là cơ hội để tăng cường giới thiệu, triển khai đến người sản xuất nông nghiệp các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ, phù hợp định hướng phát triển bền vững của tỉnh. Trước yêu cầu thực tế của doanh nghiệp và người dân, Sở Khoa học và Công nghệ đã chuyển giao quy trình, công nghệ hướng dẫn sản xuất phân bón hữu cơ viên nén chuyên dùng cho cây lúa quy mô công nghiệp cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị. Việc ứng dụng công nghệ này vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và bảo vệ môi trường. Ghi nhận về vấn đề này mời QV&CB theo dõi phóng sự:

 

Chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ viên nén

chuyên dùng cho cây lúa quy mô công nghiệp

Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật phục vụ công tác chuyển đổi phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch được chú trọng đối với các loại cây, con chủ lực của tỉnh. Tiêu biểu là mô hình sản xuất lúa hữu cơ đang được phát triển ở nhiều vùng tại Quảng Trị. Đến thời điểm hiện tại, Quảng Trị chỉ có khoảng 200 hecta lúa trồng theo hướng hữu cơ trên tổng diện tích gần 28.000 hécta lúa trong toàn tỉnh. Để tăng diện tích lúa hữu cơ hiện nay lên 1.000 hecta vào năm 2025, tỉnh giao cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị làm đầu mối thực hiện. Trong quy trình sản suất lúa hữu cơ, phân hữu cơ là yếu tố cơ bản nhất, quyết định năng suất và chất lượng gạo. Từ nhu cầu thực tiễn này, Sở Khoa học và Công nghệ đã chuyển giao quy trình công nghệ và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ viên nén chuyên dùng cho cây lúa quy mô công nghiệp cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị .

 

Phỏng vấn: Ông Lê Mậu Bình, Trưởng phòng Nghiên cứu, Ứng dụng và Phát triển KH&CN, Trung tâm NC, ỨD & TT KH&CN, Sở KH&CN

(Nội dung: Các cơ sở khoa học và thực tiễn để chuyển giao nhân rộng công nghệ cho doanh nghiệp? Thông số kỹ thuật mà DN cần lưu ý?)

     Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật bản địa để tái chế sử dụng chất thải chăn nuôi thành nguồn phân bón hữu cơ sạch, giá cả hợp lí phục vụ sản xuất lúa hữu cơ nhằm tăng năng suất chất lượng nông sản. Đồng thời, giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, gia công lắp đặt dây chuyền, thiết bị sản xuất phân bón viên nén hữu cơ quy mô công nghiệp đáp ứng đủ điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ. Sản xuất 450 tấn phân bón viên nén hữu cơ đạt chất lượng chuyên dùng cho cây lúa (hàm lượng hữu cơ: > 50%; Độ ẩm < 30%; Hàm lượng Nitơts > 2%; Hàm lượng Kalihh > 1,2%; Mật độ vi sinh vật có lợi đảm bảo yêu cầu.

 

Phỏng vấn: Ông ThS. Hồ Nguyễn Quốc Bảo, Nhà máy viên Năng lượng

Cam Lộ - Công ty CP Tổng Công ty Thương Mại Quảng Trị

(Nội dung: Ưu điểm của công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ viên nén chuyên dùng cho cây lúa so với các công nghệ trước đây?)

Trước khi Sở KH&CN Chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ viên nén chuyên dùng cho cây lúa quy mô công nghiệp, Công ty đã thực hiện ủ phân hữu cơ từ phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên chất lượng và sản lượng phân còn thấp, quá trình ủ có thời gian rất dài từ 3 – 4 tháng, nguy cơ tồn dư mầm bệnh cao và sinh ra nhiều mùi hôi. Qua thực tế cho thấy, phân bón viên nén hữu cơ khi đưa vào sản xuất lúa hữu cơ sử dụng thử nghiệm trên đồng ruộng tại xã Đơn Quế, huyện Hải Lăng, quy mô 50ha, đạt các chỉ tiêu về sinh trưởng, giảm tỉ lệ sâu bệnh. Đặc biệt, giảm tỉ lệ rầy nâu hại lúa, cây lúa phát triển tốt. Năng suất lúa đạt 60 - 65 tạ /ha. Giá lúa thu mua tại ruộng 11.000 đồng/kg so với lúa sản xuất thông thường chỉ đạt 6.600 đồng/kg. 

 

Phỏng vấn: Ông Hồ Xuân Hiếu- TGĐ Công ty CP Tổng Công ty

 Thương mại Quảng Trị

(Nội dung: Đánh giá sự hỗ trợ, chuyển giao công nghệ của Sở KH&CN trong sản xuất phân hữu cơ dạng viên nén phục vụ sản xuất lúa hữu cơ)

PTV: QV&CB thân mến! Chuyên mục KH&CN kỳ này xin được kết thúc tại đây, cám ơn QV&CB đã quan tâm theo dõi. Xin chào và hẹn gặp lại trong các chương trình sau.

 

Chuyên mục Khoa học và Công nghệ

Do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp

với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Trị thực hiện

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 10/11/2022 09:21 Lê Vĩnh Nhiên 14/11/2022 07:19
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà