Chương trình phát thanh tổng hợp tết
Danh mục
Chương trình phát thanh tổng hợp
NỘI DUNG

Chương trình phát thanh tổng hợp tết

MÈO TRONG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Trích đoạn ca khúc Tết nguyên đán

          ( Đọc trên nền nhạc bài hát ) MC1: Xin kính chào và kính chúc quý vị thính giả đang nghe đài một năm mới an khang, thịnh vượng.

Quý vị và các bạn thân mến! Mùa xuân đến, đó là khi đất trời thì thầm nói lời tiễn biệt năm cũ, đón chào mùa mới, năm mới. Trong tiết xuân ấm, lòng mỗi người dường như cũng nhẹ nhõm, thư thái, say mê hơn. Cùng nhau sống “chậm” một chút trong ngày xuân sẽ thấy những xốn xang, tươi mới của mùa, của tết, của đoàn viên gia đình ấm cúng, của những ký ức tuyệt đẹp, diệu vợi. Để rồi cùng thắp lên hy vọng về một mùa xuân xanh kỳ diệu, căng tràn sức sống.

MC2: Mùa xuân đã về gõ cửa mang sắc thái mới: tươi đẹp hơn, lạc quan hơn, và chúng tôi, những người thực hiện chương trình cũng xin chúc cho mỗi chúng ta sẽ luôn có đầy đủ sức khỏe, sự lạc quan, niềm tin để vững bước trong năm mới này, và trong 30 phút của chương trình hôm nay, mời Qv & các bạn cùng chúng tôi khám phá về nét đẹp ngày tết với chủ đề: Hình tượng mèo trong văn học nghệ thuật

Lên nhạc ca khúc Tết nguyên đán

Bài:  Năm Mão nói chuyện mèo

MC1: Vâng, những ca khúc, giai điệu xuân luôn mang đến cho chúng ta sự hứng khởi và tràn đầy niềm vui đúng không quý vị. Và tôi nghĩ rằng khi bước vào một năm mới trong câu chuyện của người Việt chúng ta đều có sự bàn luận và đưa ra những dự cảm về con giáp sẽ được xem là linh vật của năm. Bởi tại Việt Nam, lịch được lập theo các chu kỳ thay đổi đều đặn của mặt trăng. Vì sử dụng theo lịch âm nên các ngày chính xác của một năm mới luôn thay đổi theo từng năm. Mỗi năm đều được "hộ trì" bởi một trong số mười hai con vật và mỗi con giáp đều mang trong mình những câu chuyện riêng.

Năm mới 2023 này là năm Quý Mão nên người dân luôn dành sự quan tâm lớn đến ý nghĩa phong thủy của con mèo. Và sau đây là 1 số thông tin thú vị về con mèo mà chúng tôi đã tổng hợp được.

MC2: Trong 12 con giáp của Việt Nam, có bảy con vật được thuần dưỡng từ lâu đời và đã trở thành vật nuôi trong nhà (trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, lợn). Con mèo tuy không phải là vật nuôi mang lợi ích kinh tế, nhưng lại là người bạn thân thiết chuyên bắt chuột bảo vệ thành quả lao động của con người nên vẫn được con người yêu quý. Trong chu kỳ lịch pháp, con mèo được giao quản năm Mão, tháng 2 và từ 5-7 giờ của buổi bình minh. Từ giờ Mão, phương Đông nhuốm hồng ánh dương rồi tỏa lên bầu trời những tia sáng đẹp. Vào tháng 2- tháng Mão, khí trời bắt đầu ấm, mưa bụi bay nhè nhẹ, cây cối nảy lộc đâm chồi. Vì thế, Mão trong ngũ hành được gắn với mùa xuân, thuộc hành Mộc, hàm ý dương khí bắt đầu thịnh, vạn vật sáng tươi.

MC1: Trong con mắt người đời, con mèo lại có một cuộc sống hai mặt: là kẻ trưởng giả an nhàn nằm dài trên chiếc gối nệm, hiền lành dụi thân hình mềm mại khi được con người ve vuốt và là tên sát thủ đáng gờm trong góc nhà. Thế nhưng chỉ họa hoằn lắm con người mới thấy được khía cạnh sát thủ của mèo khi nó tha con chuột, còn bình thường, nó chỉ là một chú mèo hiền lành, hơi lười nhác. Mèo là một loài vật ăn thịt nhưng có ích, nó diệt chuột phá hoại mùa màng, bảo vệ sự no ấm của con người. Ấy vậy mà hiện nay, những con mèo tội nghiệp vẫn bị đưa vào quán đặc sản “tiểu hổ” nên vắng bóng hẳn đi, làm cân bằng sinh thái bị phá vỡ, chuột tự do hoành hành.

MC2: Mèo có thể đã được tổ tiên ta thuần hóa từ lâu, vì Việt Nam vốn thuộc nền văn minh lúa nước, nên con mèo cũng rất quý và cần thiết như con chó chăn cừu của người du mục, thế nhưng suốt cả thời tiền sử và sơ sử, mặc dù đã tìm thấy tượng của nhiều loài vật nuôi, nhưng hình như chưa hề thấy tượng con mèo. Trong văn hóa Ai Cập cổ đại, con mèo được tôn vinh là một loài vật linh thiêng. Trong những văn tự cổ nhất, tìm thấy ở kim tự tháp, có nhắc đến một nữ thần mèo tên là Madfet. Người Ai Cập cổ còn tôn thờ nhiều thần mèo khác, nhưng nổi bật nhất là thần mèo Bastet, dưới hình dạng một phụ nữ với cái đầu mèo đen. Đây là vị thần bảo trợ phụ nữ và trẻ em, được người dân Ai Cập ngưỡng mộ và tôn thờ.

Trong tâm thức sâu thẳm, người Ai Cập xưa luôn tin tưởng rằng nữ thần mèo sẽ bảo vệ tất cả mọi người. Vì thế mà ở Ai Cập, hình ảnh con mèo đã xuất hiện khắp nơi trong cuộc sống: Trên các loại đồ trang sức bằng vàng, trên cán cầm tay của chiếc gương soi của phụ nữ, hình vẽ trên khuôn mặc các xác ướp… và nếu một người nông dân Ai Cập nằm mơ thấy mèo, anh ta sẽ coi đó là điềm báo trước của một vụ mùa bội thu.

MC1: Tại Scotland, một con mèo đen lạ vào nhà sẽ đem theo sự thịnh vượng cho gia chủ. Các thủy thủ tại Vương quốc Anh lại tin tưởng sự may mắn mà chú mèo sẽ đem lại cho con tàu của họ, đặc biệt là mèo đen. Đôi khi, những người vợ thủy thủ cũng nuôi mèo ở nhà, với hy vọng chúng sẽ bảo vệ người chồng của họ trên biển. Tại Nhật Bản, tuy mèo không nằm trong 12 con giáp, nhưng mèo lại là biểu tượng của sự may mắn, qua câu chuyện nổi tiếng về “Chú mèo vẫy tay” Tama đã cứu sống một vị lãnh chúa khỏi bị cây đổ do sét đánh. Và ngày nay tại Nhật Bản, ngôi đền thờ chú mèo Tama này vẫn còn tồn tại.

MC2: Ở Việt Nam, từ khi các dòng tranh dân gian ra đời thì hình ảnh con mèo mới có dịp đi vào văn hóa nghệ thuật. Trong tranh Đám cưới chuột của làng tranh Đông Hồ, người ta bắt gặp hình ảnh tiến sĩ chuột vinh quy cưới vợ, nhưng vẫn phải biếu quà cho chú mèo đang ngồi quặp đuôi vẻ hiền lành, đưa tay ra nhận chút quà mọn trong tiếng trống, tiếng kèn. Đây cũng là một lối ứng xử hay của xã hội tiểu nông. Thế nhưng hình ảnh con mèo không chỉ xuất hiện ở trong tranh Tết Đông Hồ, mà người nghệ sĩ dân gian Việt Nam còn cho nó xuất hiện trên những bức chạm khắc ở những nơi chốn tôn nghiêm như đình làng Bình Lục- Quảng Ninh, cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang- Hải Phòng, đều đã phản ánh một nét tư duy của người xưa về con vật gần gũi này.

Mèo trong văn học nghệ thuật

MC1: Vâng Thưa quý vị! Từ xa xưa, trong văn hóa Phương Đông có những quan niệm khá thú vị về 12 con giáp. Nó không chỉ dùng biểu thị các chu kỳ tuần hoàn của thời gian, mà còn khắc họa những dấu ấn đậm nét trong đời sống tâm linh của con người. Theo thứ tự 12 con giáp, năm nay hổ (Dần) ra đi và đã nhường ngôi cai quản thời gian lại cho mèo (Mão). Trong cái guồng quay vô tận của thời gian, dành cho mình một chút rảnh rổi để nhàn đàm về chuyện con mèo cũng là một cách thư giãn sau mấy ngày tất bật cuối năm. Chẳng biết tổ tiên của mèo từ một loài thú ăn thịt sống hoang dã được con người thuần dưỡng ra sao, chỉ biết rằng kể từ khi trở thành loại thú cưng sống chung với con người, chú mèo đã được người người yêu mến. Mèo không chỉ đi vào cuộc sống vật chất của con người mà còn gắn với nhiều ý nghĩa tinh thần, tính cách mang ẩn dụ sâu xa. Ít có con vật nào mà lại “đa nhân cách” (thực ra phải nói là đa “miêu” cách mới đúng) như loài mèo. Ở một con mèo, ta thấy vừa có những mặt tốt vừa có nhiều mặt xấu dường như là đối nghịch nhau. Nó vừa giản dị, gần gũi lại vừa bí ẩn ma quái. Nó vừa tượng trưng cho sự từ tốn, hiền lành, nền nếp lại là hình ảnh xấu về sự nhếch nhác, lông bông, tinh ranh …Và hãy xem dân gian nhìn nhận về mèo như thế nào qua tổng hợp sau đây quý vị nhé!

 

MC2: Mèo có nhiều có nhiều sắc lông khác nhau, tùy theo sắc lông mà gọi, như mèo mướp, mèo vàng, mèo trắng, mèo đen (có người còn gọi là mèo mun hoặc linh miêu). Những con mèo có 2 sắc lông thì gọi là mèo nhị thể, 3 sắc lông là tam thể. Xa xưa, trong thế giới hoang dã, mèo có cùng chung họ hàng với nhà hổ, nên mèo còn được gọi “ tiểu hổ”. Vì tiểu hổ có biệt tài săn bắt chuột phá hại mùa màng, nên con người yêu mến và khuyến dụ mèo từ bỏ rừng hoang về nhà sống chung với con người. Mặc dù được con người thuần dưỡng, nhưng mèo vẫn thường hướng về thế giới hoang dã và sống độc lập. Trong tất cả vật nuôi gần gũi với con người, duy nhất chỉ có mèo là con vật đầy mâu thuẫn, vì nó vừa thân thiết với chủ nhân, nhưng cũng không quên đòi hỏi sự tự do của riêng mình.

Nếu như mối liên hệ giữa chó với người nuôi nó là mối liên hệ “chủ tớ” thì mèo lại khác biệt, mèo và người chủ nuôi lại xử sự với nhau theo lối “bình đẳng”. Khi nghiên cứu về mèo, các nhà động vật học rút ra kết luận rằng: Mèo là người bạn đồng tịch, đồng sàng với con người chứ không phải là một nô lệ. Nó không chịu lệ thuộc, vì nó không cần đến sự giúp đỡ của con người.

MC1: Mèo là loài vật nhạy cảm, biết nũng nịu và thích được con người cưng, vuốt ve, nhưng đồng thời là vật nuôi luôn tiềm ẩn tính bảo thủ và ích kỷ. Nó không muốn bất kỳ ai đụng chạm đến sự tự do của mình, dù đó là xó bếp, giường ngủ hay góc vườn… chỗ nào mèo cũng muốn là giang sơn riêng của mình. Người ta thường khen chó là vật nuôi trung thành, còn đối với mèo, khó ai cai quản được nó, vì loài vật này thích sống độc lập, tính độc lập là đặc tính nổi bật của mèo. Khác hẳn với nhiều vật nuôi thường cam chịu phận nô lệ vì tính háu ăn, riêng loài mèo, chúng có thể tiết chế cơn đói để giữ vững tinh thần. Nếu con người đối xử không thân thiện với mèo, nó có thể sẽ bỏ đi. Nhà văn Hoàng Hải Lâm hiện công tác tại Tạp chí Cửa Việt nói thêm về hình ảnh mèo trong văn học:

Phỏng vấn: Hoàng Hải Lâm

MC2: Mèo là con vật khá bí ẩn. Nó có cuộc sống hai mặt: một là “trưởng giả đạo mạo” trên ghế cao nệm gấm, đồng thời cũng là một “sát thủ tinh quái” trong bóng tối. Bởi lẽ, cơ thể của mèo có nhiều cấu tạo đặc biệt. Mèo không có xương đòn, nhưng có các đốt xương sống nhiều hơn con người. Các xương bàn chân của mèo cũng cấu tạo khá đặc biệt. Nhờ vậy, chúng có thể đi khẽ, nhảy cao và nhào lộn như vận động viên xiếc uốn dẻo siêu đẳng. Những phản ứng của mèo đều nằm trong sự kiểm soát của nó. Khi con mèo bị rơi từ độ cao, nó vẫn giữ được thế cần bằng khi tiếp đất. Thân nhiệt và nhịp tim của mèo cũng cao hơn con người. Tim mèo đập từ 140 đến 240 nhịp trong 1 phút, vì thế, thần kinh hệ có thể hoạt động tức khắc khi cần thiết. Giữa lúc mơ màng, tư lự, mèo có thể đột ngột chuyển sang hành động một cách nhanh nhẹn và chính xác. Các móng chân vuốt cong và sắc bén, ẩn trong bàn chân mềm. Khi tự vệ hoặc gặp con mồi, mèo mới tung ra vũ khí lợi hại của mình. Tuy vậy, mèo không bao giờ phí sức. Lúc nhàn rỗi, chúng thường nằm bên bếp lò hoặc phơi nắng để cơ thể hấp thụ thêm nhiệt độ, giữa ấm cho cơ thể.

MC2: Theo Rupert Sbeldake – một nhà sinh học người Anh – đã nghiên cứu về mèo và khẳng định rằng: ngoài thính giác và khứu giác nhạy bén, mèo còn có thêm những giác quan đặc biệt. Đó là “giác quan thứ sáu – thần giao cách cảm” và “giác quan thứ bảy – khả năng định hướng”. Các nhà khoa học còn chứng minh được ở xoang mặt và chân mèo có chứa hợp chất kim loại, rất nhạy cảm với từ trường. Dưới bàn chân – được xem như những máy chuyên sản xuất chất Phéromore – là một loại hormone dùng làm vạch mốc đánh dấu các địa điểm đã đi qua. Nhờ đó, mèo nhớ rất rõ nơi chốn đã đi qua dù chỉ một lần. Mắt mèo có thêm mí thứ 3, đó là loại màng mỏng xuất hiện khi nào mèo mở mắt. Đồng tử sáng long lanh về đêm. Với cặp mắt tinh anh nhìn như thể xuyên thủng màn đêm, tuy nhiên, một điều khó ngờ là loài mèo lại mù màu đỏ, khiến cho chúng đắm chìm trong thế giới của hai màu đen và trắng mà thôi. Nhà văn Hoàng Hải Lâm hiện công tác tại Tạp chí Cửa Việt nói thêm về hình ảnh mèo trong văn học:

Phỏng vấn: Hoàng Hải Lâm

MC1: Do sống gần gũi với con người từ xa xưa nên mèo đã để lại những dấu ấn đậm nét trong đời sống văn hóa của nhiều quốc gia, dân tộc. Riêng ở Việt Nam, mèo đã đi vào cuộc sống con người, đi vào mỹ thuật và làm phong phú thêm nền văn học dân gian. Ngày xưa, phụ nữ ăn nhỏ nhẻ, từ tốn thì tục ngữ có câu “Nam thực như Hổ, nữ thực như Miêu”, “Chó treo, mèo đậy”… ý khuyên người đời luôn cẩn thận, đề phòng kẻ gian. Còn đối với hạng người hay khoe khoang khoác lác thì tục ngữ có câu châm biếm rằng “Mèo khen mèo dài đuôi”. Thành ngữ “Mèo lại hoàn mèo” là dùng để khuyên răn người đời chớ có mơ mộng hão huyền, phải biết được sức mình. Nhắc nhở xã hội chớ bỏ lọt tội phạm, thì có câu: “Mèo tha miếng thịt xôn xao/ Hùm bắt con lợn thì nào thấy chi”. Mèo là vật nuôi dễ thương, gần gũi với con người nhờ dáng mềm mại và cử chỉ đáng yêu. Nó thích con người cưng chìu và vuốt ve. Nó nũng nịu, lim dim khi được ôm ấp… Vì vậy, người đời ví mèo như tình nhân của cánh mày râu bằng những câu như: “Chàng ta tối ngày lo đi o mèo”, “ Ông đó đào hoa, có nhiều mèo lắm”, “Gã ấy thô bạo bị mèo quào” v.v… Trong hội họa, nhiều họa sĩ đã vẽ mèo và có những tác phẩm để đời. Từ xưa đến nay, tranh dân gian Đông Hồ đã nổi tiếng với tác phẩm “Đám cưới chuột”. Trong tranh, trên đường đi họ hàng nhà chuột phải cung kính hối lộ mèo để lễ rước dâu được yên vui. Nhạc sỹ Võ Thế Hùng nói thêm về hình ảnh Mèo trong âm nhạc dân gian:

Phỏng vấn: Võ Thế Hùng

MC1: Từ xa xưa, mèo đã đi vào đời sống văn hóa dân gian và ngày nay, mèo vẫn hiện diện trong nhiều gia đình. Khoa học thú y tiến bộ, nhiều nhà nuôi mèo đã chú trọng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho mèo, giúp chúng sạch sẽ và lành mạnh hơn. Bản thân mèo cũng rất chú trọng đến vệ sinh cơ thể. Ngủ mới thức dậy hay đi dạo về, mèo đều có thói quen rửa mặt và vệ sinh sạch sẽ. Tập tính tốt ấy giúp trẻ em học tập và kết bạn thân thiện. Gương mặt dễ thương, dáng đi uyển chuyển với mông lắc qua lắc lại của bạn mèo cũng đã làm các bạn tuổi thơ yêu thích và hát múa theo.

Xuất phát từ đặc tính cơ bản của mèo mà trong văn hóa dân gian suy luận rằng: người mang tuổi Mão thường nhu mì, thanh lịch và kín đáo. Tuổi này nhiều tài năng, nhiều tham vọng và dễ thành công nhờ tính nết mềm dẻo, lòng kiên nhẫn và biết chờ đợi thờ cơ trước khi hành động.

 

Nhạc cắt

MC1: Quý vị và các bạn thân mến! Và để tiếp tục câu chuyện về con mèo, mời QV & các bạn cùng gặp gỡ với họa sỹ Trương Đình Dung để nghe những cảm nhận, chia sẻ của anh về hình ảnh con mèo trong đời sống và đặc biệt là trong tạo hình nghệ thuật. Xin mời câu chuyện của chị Thái Hiền và họa sỹ Trương Đình Dung.

Thái Hiền: Xin cảm ơn họa sỹ Trương Đình Dung đã nhận lời tham gia chương trình. Anh Dung thân mến, đối với văn học nghệ thuật nói chung, hình tượng mèo xuất hiện như thế nào?

-         Vâng, và với 1 nghệ sỹ - 1 họa sỹ như anh thì mèo gợi lên trong anh những liên tưởng, cảm hứng gì?

-         Và trong hội họa thì có những tác phẩm nghệ thuật nào về mèo đáng chú ý?

-         Với cá nhân anh, khi khắc họa hình tượng con mèo trong tác phẩm của mình anh sẽ tập trung vào những điểm gì?

-         Thông điệp mà các họa sỹ nói chung và cá nhân họa sỹ Trương Đình Dung muốn gửi gắm trong các tác phẩm về mèo của mình là gì?

-         Và trong những ngày đầu năm mới Xuân Quý Mão 2023, họa sỹ Trương Đình Dung có lời chúc nào muốn gửi gắm đến QV thính giả đang nghe đài?

Ca khúc: Như hoa mùa xuân

Phong tục khởi đầu năm mới của người Việt

MC1: Quý vị và các bạn thân mến!  Năm 2023 đã đến và với tin thần lạc quan tất cả chúng ta cũng đều tin tưởng vào những điều tốt đẹp hơn đang chờ đón chúng ta ở năm mới. Và cùng với những tin tưởng và kỳ vọng thì để khởi đầu cho năm mới chắc hẵn chúng ta không thể không dành tặng cho nhau những lời chúc ngày tết đúng không ạ. Đây là điều mà tất cả chúng ta ai cũng được đón nhận và trao tặng, trong những ngày đầu năm. Theo quan niệm, sáng mồng Một tết, con cháu chúc tết cha mẹ và ông bà. Con cháu được ông bà, cha mẹ chúc điều tốt lành, may mắn và mừng tuổi, món tiền đựng trong một phong bì đỏ. Tiền mừng tuổi như là “phát vốn, mở hàng” thường là những tờ giấy bạc còn mới, cho tiền lẻ vào phong bao với ngụ ý số lẻ còn tiếp tục sinh sôi, nảy nở thêm, giá trị không lớn, mang tính biểu trưng. Cùng với việc trao phong bao lì xì mọi người sẽ dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Người chúc nói những điều chân thành mộc mạc tự trong lòng mình, người được chúc đón nhận với cả tấm lòng biết ơn, cả người chúc và được chúc đều cảm thấy như có trời đất chứng giám và phù hộ, độ trì. Để gắn kết tình cảm gia đình, họ hàng, làng xóm những lời chúc tết thường là hạnh phúc, sức khỏe, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn, mọi ước muốn đều thành công…;

MC2: Vâng, có thể nói những lời chúc tết luôn mang một giá trị tinh thần to lớn, lời chúc tốt đẹp ngày tết sẽ theo mỗi người trong suốt một năm, thể hiện những ước mong cũng như niềm tin vào một năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi. Và tất nhiên, trong những ngày xuân mới, Qv cũng sẽ muốn được gửi gắm, được lắng nghe những lời chúc tốt lành đúng không ạ. Hãy cùng nghe một vài lời chúc cũng như mong ước đầu năm mà chúng tôi đã có dịp ghi lại được.

V-oppox ( Chúc tết và ước nguyện xuân)

Trích đoạn ca khúc chúc xuân

MC1: (Đọc trên nền nhạc) Vâng, có thể nói những lời chúc tết luôn mang một giá trị tinh thần to lớn, lời chúc tốt đẹp ngày tết sẽ theo mỗi người trong suốt một năm, thể hiện những ước mong cũng như niềm tin vào một năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi.

Lên nhạc bài du xuân

MC2: Kính thưa QV & các bạn! Xuân như là một sự khai mở vừa vun đầy vừa non tơ của một sự bắt đầu. Xuân cũng là lúc chúng ta cảm nhận được sức sống của thiên nhiên, của vạn vật và của con người mạnh mẽ nhất. Ngày xuân, ta dành cho nhau những lời chúc tụng, ngày xuân ta dành cho nhau những nguyện cầu về những điều đẹp đẽ nhất.

MC1: Quý vị và các bạn thân mến! Hy vọng rằng câu chuyện, những lời chúc ý nghĩa, những nguyện ước đầu năm mới mà chúng tôi gửi đến QV & các bạn trong 30 phút của chương trình đã mang đến cho QV khoảng thời gian thú vị với những cảm xúc và niềm vui, sự lạc quan cho năm mới.  Năm mới, với những tin yêu, với khí thế mới sẽ mở ra những vận hội mới. Một lần nữa, Chúc QV một năm mới tràn đầy sức khỏe, tình yêu thương và những thành công mới.

Chương trình do Phạm Quỳnh biên tập và dàn dựng cùng với sự tham gia thực hiện của Thái Hiền…  và KTV thu âm Vĩnh Lộc, xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.



File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 13/01/2023 10:39 Lê Vĩnh Nhiên 13/01/2023 13:41
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà