CTPT CÙNG NÔNG DÂN LÀM GIÀU PHÁT SÓNG NGÀY 9-11
Danh mục
Cùng nông dân bàn cách làm giàu
NỘI DUNG

 

Cùng nông dân bàn cách làm giàu

Thứ 5 ngày 9/11/2017

Chào quý vị và bà con!Rất vui được gặp quý vị và bà con trong 15 phút của chuyên mục CNDBCLG. Chương trình hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu đến bà con  mô hình trồng cam ở Hải Lăng. Tiếp đó là một số quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam cho hiệu quả cao. Nhưng trước hết là bài ghi nhận về mùa cà phê ở Hướng Hóa. Sau đây là phần nội dung chi tiết. Mời bà con và các bạn cùng nghe.

Nhạc cắt

HƯỚNG HÓA VÀO MÙA CÀ PHÊ

Thưa quý vị và bà con! Sau gần 1 năm bỏ công đầu tư chăm bón với nhiều kỳ vọng mùa màng bội thu, giá thu mua tăng cao, những ngày này người dân trồng cà phê ở huyện Hướng Hóa lại bước vào một mùa thu hoạch mới. Để thu mua hết số lượng cà phê do nông dân làm ra, tất cả các doanh nghiệp, nhà máy chế biến, cơ sở thu mua cà phê trên địa bàn huyện cũng đã đồng loạt mở cửa, bước vào chu kỳ kinh doanh hàng năm. Ghi nhận của PV Thái Hiền – Công Điền. Mời bà con và các bạn cùng nghe.

Đến Hướng Hóa những ngày này, ai cũng dễ dàng nhận ra không khí rộn ràng chuẩn bị cho mùa thu hoạch cà phê mới của nông dân bao trùm khắp các nẻo đường thôn bản. Là địa phương có diện tích trồng cà phê lớn của tỉnh, từ lâu cà phê là cây trồng chủ lực của địa phương vùng biên giới này. Mỗi năm cây cà phê mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho người dân. Bước vào vụ thu hoạch năm nay, theo đánh giá của nông dân nhìn chung cà phê khá được mùa, giá thu mua cũng tăng cao ngay từ đầu vụ. Đây là động lực giúp nông dân vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của các vụ cà phê trước. Gia đình ông Võ Viết Thanh, ở khóm 4, thị trấn Khe Sanh có hơn 1 ha cà phê đang cho thu hoạch. Từ đầu vụ đến nay,ông đã bán hơn hơn 1 tấn  quả tươi. Ông Thanh cho biết, các đại lý trên địa bàn thu mua cà phê với nhiều mức giá tùy theo chất lượng quả chín. Hiện nay tuy mới đầu vụ nhưng giá cà phê có lúc đã lên đến 7 nghìn đồng/kg quả tươi nếu tỷ lệ quả chín đạt 95%, cao hơn nhiều lần so với những vụ trước. Vì vậy, ông đặc biệt cẩn thận dặn dò người thân trong gia đình thu hái cà phê chín phải đạt chất lượng. Ông Thanh cho biết thêm:

 

Phỏng vấn:

 

 Ông Thanh chia sẻ thêm: “Thời tiết năm nay khá thuận lợi, nắng ít mưa nhiều nên cây cà phê sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh và năng suất cũng cao hơn so với năm ngoái. Chuẩn bị cho mùa thu hoạch cà phê năm nay, gia đình tôi đã mua thêm nhiều bao đựng cà phê, hàng chục chiếc bạt lớn, đồng thời tiến hành dọn dẹp vườn cây, tìm thuê nhân công để khi cà phê bước vào giai đoạn chín rộ thì bắt tay thu hoạch ngay”.

 

Cũng theo ông Thanh, hiện chỉ mới bắt đầu bước vào vụ thu hoạch nhưng giá cà phê trên địa bàn đã tăng khá cao, bình quân từ 5.000 - 6.000 đồng/ kg quả tươi và đang có chiều hướng tăng dần nên nông dân rất phấn khởi, nhiều người đang kỳ vọng sẽ có thêm vụ cà phê được mùa, được giá lại đến trên vùng đất đỏ ba dan còn nhiều khó khăn này.

Hiện tại thị trấn Khe Sanh có hơn 400 ha cà phê. Trong đó có 170 ha cà phê ha được trồng mới trong năm 2017 và hơn 200 ha cà phê đang trong thời thu hoạch. Với việc xác định cây cà phê là một trong những cây trồng chiến lược của địa phương, việc hướng dẫn cho nông dân chăm sóc cà phê đúng quy trình, kỹ thuật, thu hái đúng chất lượng là một nhiệm vụ trọng tâm mà  TT Khe Sanh đang triển khai trong năm nay. Ông Hoàng Văn Quynh – CT UBND TT Khe Sanh nói:

Phỏng vấn

 

 Rời thị trấn Khe Sanh, chúng tôi đến thôn Hướng Độ xã Hướng Phùng. Đây là một trong số những thôn kinh tế mới của xã Hướng Phùng, cư dân hầu hết từ các xã Hải Xuân, Hải Phú, Hải Tân, huyện Hải Lăng lên định cư, lập nghiệp từ những năm 2000 sau khi đường Hồ Chí Minh được khai mở. Rất nhiều người dân ở đây sở hữu nhiều cà phê. Ông Trần Châu là một những nông dân gắn bó với cây cà phê đã hơn 20 năm nay, từ ngày từ giã quê hương lên đây lập nghiệp. Cũng như nhiều nông dân trồng cà phê khác ở xã Hướng Phùng, ông Châu đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện cho vụ thu hoạch cà phê mới.

Ông Châu cho biết: “Đối với thu hoạch cà phê, lo lắng nhất đối với các chủ vườn là tình trạng thiếu nhân công thu hái. Nếu như mọi năm, do giá cà phê thấp nên việc thuê mướn nhân công khá khó khăn vì phải cân đối thu chi sao cho phù hợp, trả cao thì lỗ mà trả thấp thì không ai hái. Riêng năm nay với giá đầu vụ đã trên 5.000 đồng/kg nên tôi cho rằng việc thuê nhân công năm nay khá dễ dàng bởi ngoài lực lượng nhân công tại chỗ, điều thuận lợi khi giá cà phê cao sẽ thu hút một lượng khá đông nhân công từ các địa phương đồng bằng lên làm thuê nên các chủ vườn sẽ không lo thiếu nhân công như mọi năm”. Ông Trần Châu – Thôn Hướng Độ xã Hướng Phùng cho biết thêm về mong muốn tái canh cây cà phê hiệu quả mùa vụ mới:

 

Phỏng vấn:

 

Không chỉ riêng ở Hướng Phùng mà tại nhiều địa phương khác của huyện Hướng Hóa, nông dân trồng cà phê cũng đang tất bật chuẩn bị cho mùa thu hoạch.Tại một số địa phương có diện tích cà phê khá lớn như Tân Hợp, Tân Liên, thị trấn Khe Sanh… người dân đã thu hoạch xong đợt chín bói đầu vụ. Theo nhiều nông dân ở các địa phương này cho biết, khoảng trên 1 tuần nữa việc thu hoạch cà phê ở các rẫy vườn mới bắt đầu diễn ra ồ ạt. Hiện nay để chuẩn bị cho vụ thu hoạch, nhiều nhà vườn đang tiến hành dọn dẹp vườn rẫy, mua nhiều dụng cụ thu hái, về các địa phương vùng đồng bằng tìm thuê nhân công…

 

Theo quan sát của chúng tôi, trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ ngã ba tượng đài Chiến thắng Khe Sanh vào đến trung tâm xã Hướng Phùng nhiều điểm thu mua cà phê cũng được tư thương lập ra để tiêu thụ cà phê cho nông dân. Mặc dù mới đầu vụ nhưng không khí tại các điểm thu mua này khá nhộn nhịp, cảnh mua bán diễn ra sôi động hàng ngày bất kể nắng mưa từ trưa đến chiều tối mới vãn khách

Các doanh nghiệp, nhà máy thu mua, chế biến cà phê xuất khẩu như Công ty TNHH Thương Phú, Minh Tiến, Đại Lộc…đang chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn, tăng cường các loại máy móc, thiết bị để có thể tiêu thụ kịp thời số lượng cà phê của nông dân trên địa bàn khi bước vào cao điểm của vụ thu hoạch. Huyện Hướng Hóa là vùng trọng điểm cà phê của khu vực Bắc miền Trung với tổng diện tích hơn 5.000 ha.

 

Những năm qua, với mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao giá trị cho hạt cà phê, giữ vững thương hiệu cà phê Khe Sanh, Hướng Hóa chính quyền địa phương cùng ban, ngành các cấp đã đưa ra nhiều giải pháp, một trong số đó là tăng cường quản lý chất lượng quả cà phê khi thu hái. Hàng năm trước thời điểm thu hoạch, các cơ quan chức năng của huyện phối hợp với Hội Cà phê Khe Sanh ban hành quy chế thu hái, tăng cường kiểm tra giám sát các điểm thu mua, yêu cầu các doanh nghiệp, nhà máy chế biến chỉ nhập các loại cà phê không pha trộn tạp chất, không ngâm nước, tỷ lệ quả chín phải đạt trên 90%, không thu mua quả xanh...

 

Nhờ tăng cường các biện pháp tuyên truyền vận động, đồng thời ý thức thu hái của người dân ngày càng nâng cao nên chất lượng cà phê trên địa bàn những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể, thương hiệu cà phê Khe Sanh, Hướng Hóa ngày càng có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước

 

Niên vụ 2017, toàn huyện Hướng Hóa có tổng diện tích cà phê cho thu hoạch khoảng 4.400ha đến 5.300ha. Sản lượng bình quân ước đạt ban đầu khoảng 72.000 tấn tươi, tăng 10% so với năm 2016. Hiện tại, UBND huyện Hướng Hóa đang tích cực kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các đại lý, doanh nghiệp thu mua, vận chuyển cà phê không đúng hợp đồng bao tiêu, hạn chế thấp nhất tránh tình trạng ép giá, gây thiệt thòi cho người dân.

 

Nhạc cắt

Cam - Cây trồng tiềm năng ở vùng đồi xã Hải Lâm

        Thưa quý vị và bà con! Thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng trên vùng gò đồi của huyện Hải Lăng, nhiều năm qua bên cạnh phát triển cây cao su, cây hồ tiêu...xã Hải Lâm đã chú trọng khuyến khích người dân đưa cây cam vào trồng trên diện tích đất đồi của địa phương. Ghi nhận của PV Đạo Thiện, mời quý vị và bà con cùng tìm hiểu.

    

       Trước đây, trên vùng đất của gia đình anh Nguyễn Văn Ba ở thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm ( Hải Lăng) dùng để trồng cây lâm nghiệp. Tuy nhiên với vòng quay quá dài, đồng thời thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng của huyện Hải Lăng và xã Hải Lâm...nên gia đình anh Ba đã chuyển toàn bộ hơn 2 héc ta đất lâm nghiệp sang trồng cây cam. Bằng những kỹ thuật trồng cam được tập huấn và học hỏi kinh nghiệm từ những địa phương có truyền thống trồng cam...nên anh Nguyễn Văn Ba đã áp dụng một cách hiệu quả. Hiện vườn cam hơn 700 gốc mới trồng một năm nhưng đã phát triển tốt, hứa hẹn là nguồn thu nhập ổn định...Anh Nguyễn Văn Ba chia sẻ thêm:

Pv anh Nguyễn Văn Ba

Thôn Xuân Lâm, Hải Lâm, Hải Lăng, Quảng Trị

        Nhận thấy tiềm năng của cây cam, đặc biệt là phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, đến nay, xã hải Lâm đã quy hoạch và đưa vào trồng với diện tích gần 10 ha cam, trong đó hơn 50% diện tích đang vào thời kỳ kết trái. Các giống cam được bà con trồng nhiều là Cam V2 du nhập từ tỉnh Nghệ An. Đây là các giống cam phù hợp với chất đất và khí hậu ở vùng đồi xã Hải Lâm. Theo bà con nhân dân, mặc dù mới trồng được 3 năm, nhưng cây cam phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, và sẽ hứa hẹn một tiềm năng và nguồn thu nhập ổn định trên vùng đất gò đồi trong những năm tới.   Chị Đỗ Thị Kim Ngân – PCT hội nông dân xã Hải Lâm Hải Lăng nói thêm:

Pv chị Đỗ Thị Kim Ngân

Phó Chủ tịch hội Nông dân xã Hải Lâm, Hải Lăng, Quảng Trị

        Phát triển cây cam là hướng đi hiệu quả của xã Hải Lâm, Bởi đây là loại cây trồng mang tính bền vững, không những hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập cao mà còn thực hiện tốt chương trình mục tiêu về tái cơ cấu nông nghiệp và đặc biệt hơn là khai thác hiệu quả thế mạnh vùng gò đồi của địa phương...

Nhạc cắt

Kỹ thuật trồng cam

Quý vị và bà con thân mến! Để giúp quý vị và bà con có thêm một số thông tin về quy trình kỹ thuật trồng cam cho năng suất cao, phần cuối của CM tuần này xin chia sẻ với bà con một số lưu ý sau đây:

Chuẩn bị đất trồng cây cam: Đất phải được dọn sạch cỏ, cày bừa kĩ, chia lô, rạch hàng, đào hố (hoặc làm mô trồng) và bón phân lót trước khi trồng khoảng 30 ngày. Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, người ta thương làm mô để trồng cam. Để đắp thành mô, tốt nhất dùng đất ao, nương vườn cũ đất mặt ruộng hay đất bãi bồi ven sông, phơi khô.

Mô có kích thước rộng 60-80cm, cao 20-30cm. Hoặc có thể trồng bằng hố với kích thước hố đào 40x40x40 hoặc 60x60x60. Ở vùng đồi núi cao cần đào hố sâu hơn, rộng hơn 70x70x70. Trước khi trồng một tháng, đất phải được dọn sạch cỏ, cày bừa kĩ, chia lô, rạch hàng, đào hố bón phân lót.

Kỹ thuật bón phân cho cam: Tùy vào tuổi của cây, điều kiện tự nhiên, khí hậu mà tiến hành bón phân cho vườn cam có khác nhau.

Cây cam từ 1-3 tuổi cần lượng phân bón cho 1 cây: 70-300g ure; 100-300g DAP và 100g clorua kali (KCl).

Cây 4-6 tuổi bón: 350-450g ure; 450-550g DAP và 250g clorua kali/cây.

Cây 7-9 tuổi bón: 600-750g ure; 650-850gDAP; 350g clorua kali/cây

Cây 10 tuổi bón: 800-1700g ure; 900-1100g DAP, 450g clorua kali/cây.

Cách bón: Đối với cây 1-2 năm tuổi pha phân hóa học vào nước tưới cho cây. Đối với cây đã cho quả thì chia làm 4 lần để bón:

Lần 1: Trước khi ra hoa: bón 1/3 lượng phân đạm

Lần 2: sau khi đậu quả 6-8 tuần, bón 1/3 đam và 1//2 kali

Lần 3: trước khi thu hoạch 1-2 tháng bó 1/2 kali

Lần 4: sau khi thu hoạch xong, bón toàn bộ phân lân và 1/3 phân đạm

Bón thêm phân hữu cơ với lượng 20kg/cây.

Kỹ thuật chăm sóc cây cam: Thời kỳ kiến thiết cơ bản cây cam chưa có quả cần chú ý xen tỉa cành tạo tán cho cây. Người ta cắt tỉa bớt các cành nhỏ, cành vợt và cành mọc sâu trong tán. Đặc biệt cần tỉa bỏ những cành nhánh bị sâu gây hại. Công việc tỉa cành, tạo tán cũng cần được tiến hành thường xuyên hàng năm sau mỗi mùa thu hái quả. Cần cắt bỏ những cành khô, cành tăm, cành quả mọc yếu và những cành bị sâu bệnh gây hại nhằm tạo tán cây thông thoáng, loại bỏ một phần sâu bệnh hại.

Hoa cây ăn quả có múi thường rất nhiều, nhưng tỉ lệ đậu quả thường thấp, chỉ vào khoảng 2-8% tùy thuộc vào điều kiện thời tiết chăm bón và đặc điểm giống, loài. Do đó thời kì nụ, hoa, quả non, người ta thường tỉa bớt các hoa dị hình, nhưng hoa quả non ra muộn và ở các vị trí không thích hợp cho việc hình thành và phát triển quả. Công việc này có thể được thực hiện bằng cách phun các chất điều hòa sinh trưởng.

Ở thời kì quả khoảng 1-2 tuần lễ cần tiến hành sử dụng các chất điều hòa sinh trưởng kết hợp với bón phân bổ sung và các nguyên tố vi lượng để tăng tỷ lệ đậu quả và thúc đẩy nhanh quá trình lớn của quả, giảm lượng hạt và làm đẹp mã quả. Biện pháp này đặc biệt có hiệu quả khi sử dụng dạng chelat.

Việc tỉa cành, tạo tán cũng cần được tiến hành thường xuyên hàng năm sau mỗi mùa thu hoạch. Cần cắt bỏ những cành khô, cành tăm, cành quả mọc yếu và những cành bị sâu bệnh gây hại nhằm tạo tán cây thông thoáng loại bỏ một phần sâu bệnh hại.

Xử lý ra hoa cho cây cam: Ngưng tưới và rút nước mương khoảng 2-4 tuần cho đến khi cây vừa "xào lá" khi lá hơi héo vào buổi chiều nhưng sáng mai không tươi lại hoàn toàn. Sau đó tưới nước đẫm lại ba ngày liền, ngày tưới hai lần. Ngày thứ tư thì tưới mỗi ngày/lần.

Sau khi tưới nước lại bộ lá tươi trở lại, phun thuốc kích thích ra hoa HVP-AUXIN ORGANIC , phun sương đều tán cây và trong thân cây hai lần (5 ngày/lần) thúc ra hoa đồng loạt, sau khi cây ra đọt non tưới hai ngày/lần

Phòng trừ sâu bệnh cho cây cam

Có một số loại sâu, bệnh thường gặp ở cây cam như:

Sâu vẽ bùa hay đục vào lá gây nên những đường ngoằn ngoèo, thường đi chung với bệnh loét gây nên. Phòng trừ bằng cách tỉa cành, bón phân hợp lý, điều khiển sự ra chồi đồng loạt để hạn chế sư lây nhiễm liên tục trong năm và phun thuốc sớm ngay từ giai đoạn cây ra lộc non .

Sử dụng 1 trong các loại thuốc: Phosphomidon, Dimethoate, Trigard, Abamectin và Dimilin có hiệu quả phòng trị tốt sâu vẽ bùa. Bên cạnh các loại thuốc hóa học thì hiệu quả của dầu khoáng đối với sâu vẽ bùa cũng đã được khẳng định.

Sâu đục thân, cành gây chảy mủ, cành chết. Sâu đùn mạt cưa ra ngoài miệng hang. Phòng trừ bằng cách cắt bỏ cành bị hại nặng, chích thuốc trừ sâu vào lỗ đục (Dùng thuốc cypermap 25EC, Map permethrin 50EC…), có thể rải ít Basudin 10 H, dùng móc sắt bắt sâu.

Nhện đỏ, nhện trắng có thể sử dụng thuốc hóa học khi mật số Nhện đạt 3 con thành trùng/lá hoặc trái. Sử dụng các loại thuốc đặc trị Nhện, các loại thuốc trừ sâu hoặc lân hữu cơ kết hợp với dầu khoáng. Để ngăn chặn sự bộc phát tính kháng thuốc, khi sử dụng thuốc hóa học cần luân phiên các loại thuốc có gốc hóa học khác nhau. Có thể sử dụng các loại thuốc như Comite, Trebon, Pegasus, Bi 58, Kelthane, Danitol, Ortus 5SC, Selecron 500EC/ND và Dầu khoáng DC-Tron Plus (nồng độ 0,5%)...

Bệnh bồ hóng thường xuất hiện nơi râm mát, và đây là bệnh kế phát sau khi có sự hiện diện của côn trùng họ chích hút. Nấm phát triển trên bề mặt lá, cành non, tạo thành lớp dày che kín cả mặt lá, thân, trái.

Dùng máy phun nước lên tán cây rửa trôi các chất thải của côn trùng họ chích hút thải ra. Hạn chế sử dụng phân bón qua lá, nếu phun phân bón qua lá nhiều bệnh gây hại ngày càng nặng hơn. Phun thuốc trị khi bệnh nặng như Copper B 75 WP, Derosal 60 WP, Kumulus 80 DF, Champion 77 WP với nồng độ 0,2-0,5% hoặc Chlorine 0,04%, phun 7-10 ngày/lần.

Chúc bà con thành công với mô hình trồng cam!

Thái Hiền tổng hợp và biên tập từ: nongnghiepnongthon, nongnghiepvietnam

Chào cuối!

 

 

 

Chú thích duyệt

Đã có tác phẩm hoàn chỉnh rồi

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 06/11/2017 09:17 Lê Vĩnh Nhiên 08/11/2017 15:57
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà