CTPT CÙNG NÔNG DÂN LÀM GIÀU PHÁT SÓNG NGÀY 16-11
Danh mục
Cùng nông dân bàn cách làm giàu
NỘI DUNG

 

Cùng nông dân bàn cách làm giàu

Thứ 5 ngày 16/11/2017

Chào quý vị và bà con!Rất vui được gặp quý vị và bà con trong 15 phút của chuyên mục CNDBCLG. Chương trình hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu đến bà con  mô hình trồng nấm cho hiệu quả cao của thanh niên trẻ Phan Bá Cận ở xã Triệu Ái huyện Triệu Phong. Tiếp đó là một số quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm. Nhưng trước hết là bài ghi nhận về nghề làm bánh lá gai của bà con thôn Đại hào xã Triệu Đại.  Sau đây là phần nội dung chi tiết. Mời bà con và các bạn cùng nghe.

Nhạc cắt

Nghề làm bánh gai ở Triệu Đại

Thưa quý vị và bà con! Bánh gai là loại bánh truyền thống của người dân thôn Đại Hào xã Triệu Đại huyện Triệu Phong. Nơi đây là làng nghề làm bánh gai lâu đời với cách làm ra những chiếc bánh vô cùng thơm ngon, khác hẳn với những bánh gai ở các huyện, tỉnh thành khác. Mời bà con cùng tìm hiểu về nghề lám bánh gai của người dân nơi đây qua bài viết sau của Pv Thái Hiền.

Làng Đại Hào xã Triệu Đại thuộc huyện Triệu Phong  vốn nổi tiếng với món bánh gai truyền thống. Ở đây, gia đình chị Lê Thị Sáu và anh Phạm Tuyến cùng một số gia đình vẫn còn giữ được cách làm bánh của các thế hệ trước. Năm nay mới 48 tuổi nhưng chị Sáu đã có hơn 30 năm làm bánh gai truyền thống. Lúc chúng tôi đến vào buổi trưa nhưng khu vực làm bánh của nhà chị đã nhộn nhịp. Mỗi người với đôi tay thoăn thoắt thực hiện một công đoạn làm bánh. Chị Sáu  cho biết, chị sinh ra, lớn lên rồi lập gia đình ngay trong làng. Bố mẹ bà đã làm bánh gai, nên sau khi lấy chồng chị nối nghiệp và vẫn làm bánh theo cách truyền thống của gia đình. Trung bình mỗi ngày gia đình chị Sáu  sử dụng hơn 50kg gạo nếp loại đặc biệt, 15kg đậu xanh, gần 10kg lá gai, đường để làm hơn 1.500 chiếc bánh, với giá bán 2.000 đồng/chiếc. Bánh của chị Sáu chủ yếu nhập nhập sỉ cho các hàng quán ở chợ Đông Hà và các chợ huyện trong tỉnh. Bánh gai là món quà đã theo con em địa phương và cả những vị khách đến Đại Hào tỏa đi mọi miền của Tổ quốc. Nghề làm bánh lá gai tuy không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và đặc biệt là nó tận dụng được lao động nông nhàn của gia đình, không phụ thuộc vào thời tiết nên đã tạo được công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Chị Lê Thị Sáu thôn Đại Hào xã Triệu Đại chia sẻ:

Phỏng vấn:

Đúng như tên của nó, cái làm lên hương vị của Bánh gai là lá gai. Lá gai trông giống như lá dâu, có răng cưa, thường được trồng ở vùng cao. Lá gai khô đóng bịch lại. Lá đẹp phải là loại lá to, các lá quện lại thành từng tảng nhỏ. Khi kéo từng chiếc lá thấy được cái mềm mại, dẻo của lụa, mùi thơm ngai ngái của lá khô. Lá phải sáng màu, mặt d*íi màu trắng như bọc trứng nhện, mặt trên màu xanh đen tựa mực tàu. Loại lá nhỏ, lẫn hoa, vón cục thi không được dùng.

Muốn có bánh gai ngon thì nguyên liệu phải được chọn lựa kỹ càng. Nếp phải được chọn lựa loại nếp dẻo thơm. Nếp được đãi sạch và đem xay thành bột, để ráo nước. Đợi khi bột khô, cảm giác thấy bột mát lạnh thì đem trộn với bột lá gai. Lá gai cũng phải chọn là còn xanh non, không bị sâu. Lá gai hái từ ngoài vườn đem vào được rửa sạch bằng nước giếng vài lần, vớt ra cho lên một chiếc rổ thưa để ráo nước. Nước sôi, cho lá vào luộc qua,hay là trụng, sao cho lá đừng chín nát đen. Sau đó vớt ra cho ráo nước rồi dùng tay vắt vắt những nắm lá và cho vào cối đá. Ngày nay để thuận tiện hơn các gia đình làm bánh với số lượng lớn đều dùng máy xay chuyên dụng thay cho cối đá, vừa tiết kiệm được thời gian, cho năng suất cao hơn. Sau đó hỗn hợp bột được xay nhuyển cùng lá gai ấy lại được quết thêm một lần nữa bằng cối đá để có độ mịn và dẻo nhất định. Bánh ngon phải có nhân ngon. Trước tiên, chọn đậu xanh tốt, đem đãi thật sạch vỏ, hầm đậu cho vừa chín và trộn đậu với đường, gừng đem giã nhuyễn. Trộn tất cả nguyên liệu với sự hòa quyện của vị đậu xanh mềm mịn, mùi gừng tươi thơm lừng và vị ngọt của đường, rắc thêm tý dầu chuối, sẽ trở thành nhân bánh lá gai độc đáo. Phần nhân được vo tròn thành từng viên. Nhân bánh lá gai ngon là đậu phải mịn không nhão. Để tạo ra những chiếc bánh lá gai đẹp mắt thì khâu gói là bước hoàn tất cuối cùng. Bánh thường gói bắng lá chuối, xung quanh bánh không để dư thừa phần lá ra ngoài. Tùy vào cách gói của mỗi người mà lá cắt tròn hay bầu dục để gói bánh. Em Phạm Thị Thanh Bình con gái của chị Sáu dù mới học lớp 11 những cũng đã có hơn 7 năm gói bánh lá gai cùng mẹ. Đôi tay thoăn thoắt, chuẩn xác đến từng tí một đã tạo nên những chiếc bánh có vẻ ngoài vô cùng bắt mắt. Em tâm sự thêm về công việc của mình:

Phỏng vấn:

Đặc sản của mỗi vùng quê cũng chính là món được bán nhiều trên chợ vùng đó. Nếu chợ Cạn nổi tiếng với bún, chợ Sãi níu chân người đi chợ với món nem lụi thì chợ Thuận sẽ khiến chúng ta không thể rời bước trước những trẹt bánh gai – món quà quê dung dị chứa đựng sự ngọt bùi và bao tinh túy của đồng đất quê hương. Mệ Nguyễn Thị Phiến năm nay đã 83 tuổi nhưng có đến 40 năm bán bánh gai ở chợ Thuận. Những chiếc bánh gai do mệ làm ra ngày ngày vẫn đến với người dân từ vùng quê cho đến phố thị. Mệ tâm sự:

 

Phỏng vấn:

Bây giờ, đời sống khá hơn, Bánh gai thông dụng hơn. Sinh viên đi học, người ra ngoại tỉnh làm thêm, đi thăm cô dì chú bác, ai nấy đều xếp trong hành lý của mình chục bánh gai làm quà .Tuy là món ăn dân dã nhưng quá trình làm bánh lá gai cũng thật công phu và nếu có dịp ghé chợ Thuận ghé Đại hào đừng quên mua ít bánh gai  như đặc sản của vùng quê Triệu Phong làm quà cho người thân, bạn bè và để thấy rằng chợ quê vẫn còn nhiều nét duyên rất đáng nhớ!

Nhạc cắt

LÀM GIÀU TỪ NẤM

Thưa quý vị và bà con! Sinh năm 1992, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm Đà Nẵng, có việc làm ổn định ở thành phố lớn nhất miền Trung, nhưng lại về quê mở trang trại trồng nấm, đó là chàng trai trẻ Phan Bá Cận ở thôn Kiên Phước, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong.Mời bà con và các bạn cùng tìm hiểu con đường lập nghiệp và làm giàu từ nấm của chàng trai trẻ này qua ghi nhận của PV Thái Hiền.

Tốt nghiệp năm 2013, Cận đã tìm được một công việc ổn định ở thành phố Đà Nẵng với mức thu nhập tương đối khá. Với nhiều sinh viên mới ra trường, được như vậy đã là niềm mơ ước. Tuy nhiên Cận lại quan niệm khác. “Tuổi trẻ, lại có kiến thức nên cần phải có khát khao làm giàu bằng chính đôi bàn tay của mình”, đó vừa là phương châm, vừa là động lực thôi thúc Cận tìm kiếm cơ hội rẽ hướng.

Cơ duyên đến với Cận vào đầu năm 2014.Trong một chuyến về thăm nhà, tình cờ đi ngang Khu Công nghiệp Ái Tử huyện Triệu Phong, Cận phát hiện các xưởng chế biến gỗ ở đây thải ra lượng mùn cưa khá lớn. Ngay lập tức trong đầu Cận nảy ra ý tưởng sản xuất nấm từ mùn cưa. Không chần chừ, Cận quyết định thôi việc ở Đà Nẵng trở  về quê. Cận chia sẻ thêm:

 

Phỏng vấn:

(Ban đầu gia đình cũng can ngăn quyết liệt nhưng tôi kiên trì thuyết phục. Dần dần, thay vì cấm cản, ba mẹ lại chính là người động viên và cùng sát cánh với tôi trong những bước đầu tiên khởi nghiệp…).

 

Về quê, Cận bắt tay vào việc thu mua nguyên liệu, liên hệ với trường mình đã học để đặt mua phôi giống. Vốn là địa bàn có khí hậu khắc nghiệt nên để đánh giá khả năng thích nghi, ban đầu Cận chỉ làm thử nghiệm vài trăm bịch nấm. Không phụ lòng người, ngay lứa nấm đầu tiên Cận đã thu được gần 70 kg nấm sò tím. Thấy hiệu quả, Cận quyết định vay 20 triệu đồng qua kênh giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội cộng với 30 triệu đồng dành dụm của gia đình để xây dựng lán trại, lắp đặt lò hấp để mở rộng quy mô sản xuất. Để lúc nào cũng có nấm bán, Cận làm nấm theo kiểu gối đầu, cứ 4 – 5 ngày anh lại làm khoảng 1.000 bịch nấm. Hiện tại mỗi tháng trại nấm của anh trồng hơn 6.000 bịch nấm với sản phẩm chủ yếu là nấm sò tím, mỗi ngày cho thu hoạch từ 25 – 30 kg. Với giá bán dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/kg tùy thời điểm, tính ra mỗi ngày Cận thu được trên dưới 1 triệu đồng. Ngoài ra, Cận còn tận dụng các bịch nấm đã thu hoạch xong đem ủ với men vi sinh, tạo ra nguồn phân hữu cơ vô cùng tốt cho cây trồng.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng nấm, Cận cho biết, để trồng nấm sò, đầu tiên nguyên liệu phải được đảm bảo, cứ 1 tấn mùn cưa được ủ kỹ với khoảng 400 lít nước vôi loãng trong 5-7 ngày. Trong thời gian ủ, cần phải đảo trộn thật đều để mùn cưa mềm ra và loại bỏ các loại bào tử có hại. Để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho nấm trong mùn cưa, anh trộn thêm khoảng 5% bột bắp hoặc cám gạo, cùng với 0,1% bột nhẹ hoặc vôi sống có tác dụng ức chế các vi sinh vật gây hại và điều chỉnh pH. Hỗn hợp mùn cưa sau đó được đóng thành các bịch bằng túi ni lông chuyên dụng có trọng lượng khoảng 1,2 - 1,5 kg/bịch, đưa vào hấp ở nhiệt độ 100 độ C trong 6 – 8 giờ rồi mới tiến hành cấy giống nấm. Anh chia sẻ thêm:

 

Phỏng vấn:

(Về giống nấm, ban đầu tôi lấy từ Trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm. Sau này, khi đã sản xuất với quy mô lớn, để chủ động phôi giống, tôi tìm đến Trung tâm Nấm đóng ở huyện Cam Lộ để đặt mua…Mỗi bịch nấm nếu được chăm sóc tốt thì có thể thu hoạch được trong khoảng 3 tháng với sản lượng từ 0,3 – 0,4 kg. Với chi phí 1 bịch nấm khoảng 4.500 – 5.000 đồng thì tính ra là làm 1 lời 1,)

 

Theo anh Cận, trồng nấm không quá phức tạp nhưng trong quá trình trồng phải tuân thủ đúng quy trình. Hàng ngày phải  phun nước từ 2 – 3 lần để giữ độ ẩm cho trại, nếu không nấm sẽ bị khô, phát triển chậm ảnh hưởng đến năng suất; ngược lại, tưới nước nhiều quá, nấm sẽ bị chết thối. Vì thế, người trồng nấm phải kiên trì, tỉ mỉ, phải thường xuyên thăm nom, tuyệt đối không để có chuột và kiến trong trại, bởi đây là những loại côn trùng trung gian cắn phá, gây bệnh cho các loại nấm. Ngoài ra, trại nấm phải được thiết kế chắc chắn, đảm bảo độ thoáng mát. Các bịch nấm nên treo có hàng lối, giữ một khoảng cách thích hợp để dễ tưới tiêu và kịp thời phát hiện sâu bệnh.

Chưa dừng lại ở đó, Cận tiết lộ, hiện anh đang tiếp tục xây dựng thêm 1 trại nấm với quy mô hơn 100m2 nữa nhằm đẩy mạnh sản xuất, nghiên cứu trồng thêm giống nấm rơm để đa dạng hóa sản phẩm. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, Cận còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp phôi giống cho các hộ dân ở địa phương tận dụng thời gian nông nhàn, mang lại thu nhập cao cho gia đình. Với những gì đang có Cận là một thanh niên dám nghĩ, dám làm và làm thành công, xứng đáng là một tấm gương sáng về nghị lực, ý chí, một điển hình để các thanh niên ở địa phương noi theo.Với nghị lực và ý chí của mình nên mặc dù còn rất trẻ nhưng đây đã là nhiệm kỳ trưởng thôn thứ 2 liên tiếp của Cận. Chúng tôi hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều thanh niên như Cận vượt qua khó khăn để làm giàu ngay trên chính quê hương mình./.

Nhạc cắt

Một số lưu ý khi trông nấm sò

 

Bà con thân mến! Để gúp bà con có thêm một số thông tin cần thiết về kỹ thuật trồng nấm cho hiệu quả cao. Phần cuối Cm tuần này xin chia sẻ với bà con một số lưu ý sau đây:

1. Nguyên liệu mùn cưa: Nấm sò có thể trồng được trên giá thể mùn cưa của tất cả các loại cây thân gỗ không có tinh dầu và độc tố. Tốt nhất sử dụng mùn cưa gỗ mềm như bồ đề, mít, cao su, keo... Mùn cưa mới có thể dùng ngay, nếu dùng dần phải phơi khô đóng bao hoặc ủ để bảo quản chống mốc, chống mùn hóa làm mất chất dinh dưỡng.

2. Xử lý mùn cưa- Sàng mùn cưa nhằm để loại bỏ các mảnh gỗ vụn, dăm bào, các nhóm mùn cưa thô hoặc đá sỏi. Dụng cụ sàng mùn cưa: Đối với những cơ sở sản xuất ở quy mô lớn thường sử dụng máy sàng mùn cứ còn ở cơ sở sản xuất nhỏ thì dùng lưới sàng mùn cưa. Sau đó pha nước vôi:  Nước vôi dùng để xử lý mùn cưa trồng nấm sò có pH từ 12-13 (1,5kg vôi trong 100 lít nước). Tiếp đến Làm ướt mùn cưa bằng nước vôi: Trải một lớp mùn cưa ra nền sạch, dộ dày lớp mùn cưa từ 20 – 30cm. Tưới nước vôi đã pha lên lớp mùn cưa bằng vòi sơn, vừa tưới vừa đảo trộn cho mùn cưa thấm đều. Tiếp tục làm ướt mùn cưa theo từng lớp tương tự cho đến hết. Kiểm tra độ ẩm mùn cưa đảm bảo độ ẩm mùn cưa đạt từ 65 – 70%. Chú ý: Sau khi làm ướt mùn cưa phải thấm đều nước và chuyển màu nâu sẫm đồng đều, độ ẩm mùn cưa đạt yêu cầu trước khi ủ đống. Tiếp theo bà con Ủ đống mùn cưa:Kiểm tra lại độ ẩm khối mùn cứ trước khi ủ (65 – 70%). Nếu độ ẩm quá khô hoặc quá ướt ta phải điều chỉnh ngay. Dùng xẻng, cào sắt chất mùn cưa thành đống hình chóp. Đậy kín đống ủ bằng bạt nilon, cố định dưới chân đống ủ không cho hơi nước thoát ra ngoài. Thời gian ủ đống ngắn hay dài tùy thuộc vào từng loại mùn cưa. Bà con nhớ đảo đống mùn cưa: sau 3 – 4 ngày ủ đống. Tháo tấm bạt ra khỏi đống ủ mùn cưa. Kiểm tra độ ẩm khối mùn cưa ở các vị trí khác trên đống ủ. Đảo trôn mùn cưa bằng xẻng và cào sắt, tiến hành đảo trộn đều mùn cưa. Vun đống mùn cưa thành đống giống đống ủ ban đầu. Đậy kín đống ủ bằng bạt nilon. Thời gian đảo và ủ đống mùn cưa kéo dài 10 – 12 ngày tùy theo từng loại nguyên liệu. Cứ 3 -4 ngày tiến hành đảo đống ủ một lần.

Tiếp đến bà con phối trộn nguyên liệu: Công thức phối trộn:Mùn cưa khô: 100kg. Bột ngô: 3-5kg. Cám gạo: 3-5kg. Bột nhẹ: 1-1,5kg. (CaCO3)

Cách tiến hành: Trải mùn cưa ra nền có độ dày khoảng 10cm.Rãi hỗn hợp cán gạo, bột bắp với bột nhẹ trên lớp mùn cưa và tiến hành đảo trộn vài lần. Đảo trộn khối mùn cưa bằng xẻng và cào sắt cho đến khi phụ gia, hóa chất trộn đều với mùn cưa. Kiểm tra lại độ ẩm khối mùn cưa lần cuối trước khi đóng túi giá thể, đảm bảo từ 60 – 65%.

Đóng bịch: Cho mùn cưa vào 1/3 túi nilon đã được gấp đáy vuông. Nén mùn cưa lại bằng cách dùng hai tay nắm miệng túi và thổ mạnh khối mùn cưa xuống đất. Dùng các đầu ngón tay ấn vào 4 góc túi giá thể tạo đáy túi vuông. Đổ thêm mùn cưa vào túi cách miệng túi 4 – 5 cm, thổ mạnh và dùng các đầu ngón tay nén khố mùn cưa tạp túi mùn cưa căng, tròn đều, trọng lượng túi sau khi đóng xong phải đạt 1,2 – 1,6 kg, kích thước khối mùn cưa chiếm 2/3 túi. Chú ý: nguyên liệu đã trộn phụ gia thì phải tiến hành đóng bịch giá thể và đem hấp ngay, không để bịch đã đóng quá 8h hoặc nguyên liệu đã trộn thời gian lâu dẫn đến nguyên liệu bị chua gây nhiễm bệnh.

Rạch bịch, chăm sóc: Chọn những bịch nấm sợi đã kín đáy có màu trắng đồng nhất, gỡ bỏ nút bông nén nhẹ buộc kín miệng đem treo bịch, thông thường một dây treo từ 8- 10 bịch, 1m2 treo được 80- 100 bịch nấm, diện tích tối thiểu cho một nhà treo bịch là 20m2. Sau khi treo tiến hành rạch bịch nấm dùng dao lam rạch 4-6 vết xung quanh bịch nấm theo hình zich zắc mỗi vết rạch có chiều dài từ 3-5cm độ sâu khoảng 2-3mm rạch bịch xong không được tưới trực tiếp lên bịch chỉ tưới xả nền giữ độ ẩm. Sau khi rạch bịch thời gian từ 7-10 ngày nấm bào ngư bắt đầu hình thành từng cụm nhỏ ta tiến hành tưới nước lên bịch bằng hệ thống phun sương, mỗi ngày 3-4 lần tùy theo thời tiết. Hoạch nấm phải đúng tuổi không nên non hoặc già quá.

 Cách thu hái nấm: Khi cụm nấm lớn có đường kính từ 5-7cm ta tiến hành thu hái. Chú ý: Khi hái nấm phải hái cả cụm và bẻ ngược cụm nấm lên, hái xong phải vệ sinh gốc nấm sạch sẽ. Năng suất nấm đạt từ 45-50% so với khối lượng bịch nấm. Tổng thời gian thu hái nấm từ 65-75 ngày, mỗi bịch giá thể nấm có thể thu hái được 0,5-0,6 kg nấm, nấm ra thương xuyên ngưng ra rộ nhiều đợt, mỗi đợt ra khoảng một tuần sau đó ngừng khoảng 2-3 ngày. Sau khi thu hoạch hết nấm, túi phôi  nhẹ và khô không còn khả năng ra nấm nữa thì  tháo bỏ xuống và có thể tận dụng để trộn tiếp với nguyên liệu hoặc được ủ làm phân bón vi sinh.

Thái Hiền tổng hợp và biên tập từ: nongnghiepnongthon, nongnghiepvietnam

Chào cuối!

 

 

 

Chú thích duyệt

chuyên mục đã được phòng CMCĐ duyệt, nội dung dảm bảo. Đề nghị lãnh đạo xem và cho thực hiện

Nên thay bài khai thác kỹ thuật trồng nấm bằng băng PV với kỹ sư ở Trung tâm KNKL

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 09/11/2017 09:07 Lê Vĩnh Nhiên 09/11/2017 13:29
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà