LÀNG NẠI CỬU
Danh mục
Nét đẹp làng quê
NỘI DUNG

Chuyên mục Nét đẹp làng quê

Phát sóng: 17/11/2017

LÀNG  NẠI CỬU

Kính chào quý vị và các bạn đến với chuyên mục Nét đẹp làng quê của Đài PT-TH Quảng Trị. Thưa quý vị và các bạn, trong chuyên mục Nét đẹp làng quê tuần này, chúng tôi mời quý vị và các bạn về với làng Nại Cửu, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, làng quê có lịch sử hơn 500 năm xây dựng và phát triển và nổi danh là một vùng đất học.

Truyền thống từ làng.

Thưa quý vị và các bạn, làng Nại Cửu, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong  có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. Từ buổi khởi thủy đầu tiên, khai sơn phá thạch, canh điền lập ấp đặt ra hương hiệu cho đến ngày nay đã ngót  hơn 500 năm. Trong quãng thời gian đó, nhiều thế hệ con cháu của các bậc tiền nhân đã chung lưng đấu cật xây đắp nên những truyền thống quý báu đáng tự hào.

Làng Nại Cửu nguyên là một vùng đất thuộc Châu Ô của vương quốc Chăm Pa. Châu này xưa là đất của một trong 15 bộ Việt Thường của quốc gia Văn Lang (Đại Việt sau này)... Theo sách “Ô châu cận lục ” của học giả Dương Văn An viết năm 1553 đã có ghi tên làng Nại Cửu thuộc vào huyện Hải Lăng của Phủ Triệu Phong. Chính điều này gợi cho chúng ta một suy luận rằng: Làng Nại Cửu phải có từ trước đó (tức là trước năm 1553) thì Dương Văn An mới ghi vào. Hơn nữa đối chiếu với số đời của các họ tộc trong làng (họ cao nhất hơn 20 đời) và xét trên bình diện chung của lịch sử vùng đất Thuận Hóa sau năm 1306 thì có thể đóng khung một thời điểm tương đối chính xác cho sự hình thành làng Nại Cửu là nằm vào trong cuộc đại di dân dưới thời Vua Lê Thánh Tông, tức là vào khoảng từ năm 1476 đến năm 1497.

Gốc gác của những người Việt đầu tiên đến làng Nại Cửu, là những người ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Tại Đình làng Nại Cửu hiện đang thờ  6 Ngài thủy tổ của 6 tộc họ Võ,  Lê, Nguyễn, Phan, Hoàng, Trần… Theo các cụ bô lão của làng thì hầu hết tư liệu thành văn, các bộ gia phả, thậm chí là các đạo sắc phong tặng Tiền khai khẩn của Triều đình phong kiến đã bị thất tán, mất mát vì thời gian và chiến tranh ly loạn. Một số truyền thuyết còn lưu lại đã cho rằng: 6 Ngài thủy tổ các tộc họ của Làng Nại Cửu vốn là những vị quan của triều đình nhà Lê. Do dính líu vào vụ án “Lệ Chi Viên ” của Nguyễn Trãi nên các Ngài buộc phải lánh nạn đến vùng Thuận Hóa. Sau khi vượt sông Hiếu, rồi sông Thạch Hãn, thấy phong thủy hữu tình, đất đai màu mỡ, các Ngài đã quyết định dừng chân, khai hoang vỡ đất lập ra làng xóm. Đến đời Lê Thánh Tông, khi nhà Vua ban chiếu chiêu an, các Ngài liền trao toàn bộ sự nghiệp cho con cháu, còn mình phụng mệnh trở về đất Bắc và qua đời luôn ở đó. Do vậy phần mộ của các Ngài tiền khai khẩn không có ở làng… Tên gọi Nại Cửu vừa thể hiện cốt cách, vừa mang hoài bão, khát vọng cho cả cộng đồng làng đang tồn tại và con cháu kế nghiệp ở tương lai.

 *Ông Trần Ước- làng Nại Cửu, xã Triệu Đông, Triệu Phong.

                (Nại Cửu có nghĩa là bền lâu …)

Ngài thủy tổ của 6 dòng họ Làng Nại Cửu vốn là những vị quan của Triều đình nhà Lê hiện vẫn chưa được kiểm chứng bằng các tài liệu xác thực. Tuy nhiên, trải qua hơn 500 năm xây dựng và phát triển, ngôi làng này đã sản sinh ra nhiều người học hành đỗ đạt cao, từng được lưu danh vào bảng vàng, bia chí của các triều đình phong kiến. Trong đó, một trong những nhân vật tiểu biểu là phó bảng Võ Tử Văn dưới triều Vua Tự Đức.

Ông Võ Tử Bình, cháu  4 đời của Phó bảng Võ Tử Văn hiện vẫn còn lưu giữ khá nhiều tài liệu và bài viết của các nhà nghiên cứu về Cụ phó bảng. Theo đó, Võ Tử Văn (tên cũ là Võ Văn Thọ), đỗ Cử Nhân khoa thi Mậu Thân năm 1848 và đỗ Phó Bảng khoa thi Tân Hợi năm 1851 dưới triều Vua Tự Đức. Ông xuất thân trong 1 gia đình nghèo khó nhưng rất thông minh, ham học. Năm 20 tuổi, ông thi Hương, đỗ Cử nhân đứng thứ 2. Năm 23 tuổi, ông thi Hội, đáng đậu Tiến sỹ nhưng vì chữ Tình viết thiếu một phết nên bị đánh tuột xuống Phó bảng. Khi được cử ra làm quan, dù kinh qua nhiều chức vụ ở triều đình nhà Nguyễn, ông luôn là một vị quan cương trực, thanh liêm, không cầu danh lợi, không ham phú quý. Lịch sử quê hương đất nước khắc ghi tên ông, một danh nhân của làng Nại Cửu, một trí thức uyên thâm, mẫn tiệp; một vị quan luôn đau đáu tấm lòng vì dân, vì nước.

   * Ông Võ Tử Bình, cháu  4 đời của Phó bảng Võ Tử Văn

(Khi cố tôi ra dạy trường Nghệ Tĩnh, ông là thầy giáo của Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Công Trứ…Ông là người trung hậu hiền hòa…  …)

Noi gương tiên tổ, tiếp bước tiền nhân, các thế hệ con dân làng Nại Cửu trong suốt quá trình phát triển đã tạo ra được mối đoàn kết, gắn bó bền chặt, góp sức vào công cuộc xây dựng quê hương và sự nghiệp đấu tranh vì chính nghĩa. Đặc biệt, từ khi có Đảng lãnh đạo, rất nhiều người con Nại Cửu đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Trong đó tiêu biểu nhất là đồng chí Trần Quỳnh, nguyên Phó Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam.

Dẫn: Đây nguyên xưa là ngôi nhà cụ thân sinh của nguyên Phó thủ tướng Trần Quỳnh, nơi đồng chí Trần Quỳnh đã sinh sống những năm tháng thuở thiếu thời.

Và hiện nay 1 người cháu gọi bằng Trần Quỳnh bằng bác ruột đang sinh sống tại đây.

Thưa bác Trần Thanh, là người cháu trong gia đình, những câu chuyện nào về cụ Trần Quỳnh để lại ấn tượng nhất trong bác?

Trong những lần về thăm quê, cụ Trần Quỳnh đã nhắc nhở khuyên răn gì đối với con cháu?

Thời kỳ từ sau năm 1975 cho đến nay, vượt lên trên những khó khăn về kinh tế, người dân làng Nại Cửu đã thắt lưng, buộc bụng, nuôi dưỡng và phát huy truyền thống hiếu học của cha ông mình. Hiện tại, con dân làng Nại Cửu có rất nhiều người học hành thành đạt, là nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân đang công tác tại nhiều địa phương trong cả nước. Lực lượng ưu tú này đã làm nên danh hiệu: Làng Đại học- Làng giáo viên- một thành tựu được xem là hiếm có ở các vùng nông thôn Quảng Trị. Đặc biệt, họ đang cùng toàn thể con dân của làng cả ở trong và ngoài nước nâng niu, gìn giữ, tô bồi cái bản sắc văn hóa quý báu của người Nại Cửu, đó là truyền thống trọng học, trọng lễ nghĩa; đức tính hiền hòa, nhân ái; tinh thần cần cù, chịu thương chịu khó và một tấm lòng thủy chung son sắt, “ly hương bất ly tổ”.

 

Tiêu điểm:

Đất học- Làng Nại Cữu

Thưa quý vị và các bạn! Nhắc đến làng Nại Cửu,nhiều người quen gọi với cái tên gần gũi: “Làng giáo viên”, hay “Đất học- Nại Cữu”.Đây là một ngôi làng có truyền thống hiếu học. Hiện tại, toàn làng có hơn 600 người là nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân đang công tác tại nhiều địa phương trong cả nước. Trong đó, đội ngũ giáo viên của Làng Nại Cửu lên đến hàng trăm người và đươc coi là một "hiện tượng" khá đặc biệt ở tỉnh Quảng Trị.

Thầy giáo Trần Hậu, 71 tuổi ở Đội 5, làng Nại Cữu, xã Triệu Đông là Thầy giáo của rất nhiều thế hệ học sinh trong làng suốt mấy chục năm qua. Sự tận tâm, đức độ của Thầy là tấm gương sáng cho học sinh làng Nại Cửu phấn đấu vươn lên. Đặc biệt, 3 người con gái của thầy giáo Trần Hậu đã tiếp bước cha theo đuổi sự  nghiệp trồng người.

Thầy giáo Trần Hậu- thôn Nại Cữu, Triệu Đông, Triệu Phong

Nhà tôi có 3 con, 1 dâu và 1 rể theo nghề giáo, tôi thấy nghề nào cũng vinh quang cả …

Không chỉ gia đình thầy giáo Trần Hậu, hiện nay ở Làng Nại Cữu, rất nhiều gia đình có người theo nghề dạy học. Theo báo cáo của Ban điều hành làng văn hóa Nại Cữu, trong tổng số hơn 600 người dân của làng là cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân đang công tác trên khắp mọi miền của Tổ quốc, thì có đến gần 400 giáo viên.. Đặc biệt, tại nhiều trường học ở huyện Triệu Phong, hội đồng sư phạm có đa số là người Nại Cửu… Có thể nói: Thầy giáo, nghề giáo là di sản văn hóa quý báu của mảnh đất này.

Nhà giáo ưu tú Hoàng Minh Long

Chủ nhiệm CLB giáo chức làng Nại Cửu, Triệu Đông, Triệu Phong

  (Với một người thầy đi trước, tôi luôn vận động, phân tích cho các gia đình và con em trong làng hiểu nghề dạy học là một nghề cao quý và hướng cho mọi ngời đi theo nghề này để phát huy truyền thống của làng....)

       Hàng năm, tại Đình làng, Ban điều hành làng Văn hóa Nại Cửu thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt tôn vinh nghề giáo, nhà giáo. Cũng tại đây, những suất học bổng khuyến học, khuyến tài mang tên danh nhân của làng là Cụ phó Bảng Võ Tử Văn- một nhà nho yêu nước, một nhà giáo nổi tiếng của vương triều Nhà Nguyễn thế kỷ XIX đã được các thầy giáo già trao tặng cho những em học sinh nghèo học giỏi. Truyền thống hiếu học đang được người dân làng Nại Cửu gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ.

 

Ý kiến từ làng.

Thưa quý vị và các bạn, Nại Cửu là một làng có bề dày lịch sử văn hóa, có truyền thống hiếu học, có những đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước. Tuy nhiên, hiện tại, khó khăn lớn nhất của làng Nại Cửu là hệ thống giao thông đã bị xuống cấp, hư hại, trong đó tuyến đường liên xã dài gần 2km vẫn là đường đất lầy lội khi mùa mưa đến.

Sau những ngày mưa, những đoạn đường đât đỏ đầy hố gà hố voi đã thành những hố nước sâu lầy lội như thế này. Đây là con đường DH37B đi qua thôn Nại Cửu, là con đường thông thương buôn bán của người dân và là đường đến trường của học sinh thôn Nại Cửu, thế nhưng những năm qua con đường này đã xuống cấp ngiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, giao thương của người dân.

Ông Võ Manh- thôn Nại Cửu, Triệu Đông, Triệu Phong

( Nhà tôi ở đây nên thường xuyên đi qua đi lại con đường này, mỗi mùa mưa là rất ngại đi ra đường…)

Với chiều dài hơn 1,8km đi qua thôn, con đường là lối đi chính nối thôn với trung tâm xã và các vùng lân cận, vì lí do đó nên mật độ xe cộ lưu thông lớn dẫn đến việc đường dần bị xuống cấp. Những năm qua chính quyền và người dân thôn Nại Cửu đã có nhiều ý kiến phản ánh lên cấp trên nhưng đoạn đường vẫn chưa được nâng cấp sửa chữa.

Ông Trần Nhân Sinh- trưởng thôn Nại Cửu, Triệu Đông, Triệu Phong.

(Trong chương trinh mục tiêu xây dựng nông thôn mới chúng tôi được quan tâm, đầu tư xây dựng các công trình như điện, trạm y tế, chợ…Từ năm 2011 đến nay, cùng với sự đầu tư của nhà nước, sự nỗ lực của bà con nhân dân chúng tôi đã hoàn thành rất nhiều đoạn đường. Riêng tại đoạn đường DH37 dài gần 200m vẫn chưa làm được, gây khó khăn rất lớn. Bên cạnh sự nỗ lực của người dân địa phương, chúng tôi hi vọng được chính quyền hỗ trợ thêm về vốn để làm lại con đường này).

Là đường liên xã nên những năm qua chính quyền xã Triệu Đông cũng đã đề xuất nhiều phương án khắc phục tạm thời, tuy nhiên do kinh phí ít, đường hư hỏng nặng nên nỗ lực của địa phương chỉ mang tính chất tạm thời, cục bộ. Mỗi khi mùa mưa đến đường lại trở lại với hiện trạng như thế này.

 

Anh Lê Anh Hùng- Cán bộ giao thông thủy lợi xã Triệu Đông, Triệu Phong.

( Trong những năm qua tuyến đường DH37B đi qua địa bàn thôn Nại Cửu đã bị xuống cấp gây búc xúc trong nhân dân. Về phía xã cũng đã trích 1 phần kinh phí để sửa chữa lại con đương đẻ giải quyết tình trạng trước mắt. Về lâu dài xin hỗ trợ của UNND huyện, tỉnh hỗ trợ)

Với bề dày truyền thống của mình cùng sự nỗ lực của người dân, Nại Cửu đã và đang chuyển mình trở thành một vùng quê nông thôn mới, cơ sở vật chất hạ tầng cũng như các thiết chế văn hóa đang dần được hoàn thiện. Tuy nhiên con đường liên xã đi qua địa bàn thôn đã xuống cấp ngiêm trọng đang là nỗi trăn trở lớn của chính quyền và người dân địa phương. Mong rằng chính quyền cấp trên  và cơ quan hữu quan sẽ sớm có phương án xây dựng để bộ mặt nông thôn Nại Cửu khang trang, sạch đẹp hơn.

Đón xem: Làng Nại Cửu, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong  là một làng quê có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. Từ buổi khởi thủy đầu tiên khai sơn phá thạch, canh điền lập ấp đặt ra hương hiệu cho đến ngày nay đã ngót  hơn 500 năm. Trong quãng thời gian đó, nhiều thế hệ con cháu của các bậc tiền nhân đã chung lưng đấu cật xây đắp nên những truyền thống quý báu đáng tự hào. Những nội dung này chúng tôi sẽ phản ánh trong Chuyên mục Nét đẹp làng quê được phát sóng vào lúc 18h10’ ngày 17/11, phát lại vào lúc……….h………..’ và ……….h……..’ ngày 18/11  trên sóng truyền hình của Đài PTTH Quảng Trị, mời quý vị và các bạn đón xem.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Quách Đình Long 16/11/2017 14:56 Võ Nguyên Thủy 17/11/2017 09:36
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà