CTPT CÙNG NÔNG DÂN LÀM GIÀU PHÁT SÓNG NGÀY 30-11
Danh mục
Cùng nông dân bàn cách làm giàu
NỘI DUNG

Cùng nông dân bàn cách làm giàu

Thứ 5 ngày 30/11/2017

Chào quý vị và bà con!Rất vui được gặp quý vị và bà con trong 15 phút của chuyên mục CNDBCLG. Chương trình hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu đến bà con  mô hình trồng cây đinh lăng với số lượng lớn tại Hướng Hóa. Tiếp đó là một số quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đinh lăng cho hiệu quả cao. Sau đây là phần nội dung chi tiết. Mời bà con và các bạn cùng nghe.

Nhạc cắt

Huệ tinh dầu

Thưa quý vị và bà con! Có một công việc ổn định với mứ lương mà nhiều người trẻ ao ước tại Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn nhưng Lê Huệ, chàng trai trẻ của đất Trung Sơn, Gio Linh vẫn quyết bỏ để về quê trồng sả. Và sau 4 năm làm một anh nông dân thực thực, Huệ đã chứng minh được quyết định của mình là hoàn toàn đúng đắn. Mời quý vị và bà con cùng tìm hiểu về cách làm giàu của chàng trai 9X qua bài viết sau của PV Thái Hiền.

 

Gặp Huệ vào một buổi chiều nắng sau những ngày mưa dầm dề của tháng 11 tại cánh đồng sả rộng 5ha của em ở Khu phố Nam Hùng thị trấn Cam Lộ chúng tôi thực sự bất ngờ với đôi tay thoăn thoắt vun từng gốc sả của Huệ như một nông dân thực thụ giàu kinh nghiệm. Trong bộ đồ lao động ướt đẫm mồ hôi Huệ chia sẻ về hành trình lập nghiệp của mình: Sinh ra nơi quê nghèo thôn An Xá xã Trung Sơn, Gio Linh, từ bé Huệ đã cố gắng học tập, làm việc kiếm tiền phụ giúp gia đình. Huệ có thành tích học tập khá ấn tượng, rồi thi đỗ ngành kỹ sư xây dựng Đại học Đà Nẵng. Huệ ra trường nhưng làm trái nghề ở Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn. Đầu năm 2015, khi Huệ được Viện Nghiên cứu cho đi tham quan các mô hình trồng cây dược liệu ở các tỉnh Ninh Bình, Lào Cai, Nghệ An...anh thấy nông dân làm rất hiệu quả. Huệ nhớ đến quê nhà, nơi có đất đai khá nhiều, khí hậu khắc nghiệt sẽ giúp cây dược liệu có tinh chất cao-những loại cây chưa được trồng nhiều. Và Huệ đã có quyết định cho cuộc đời mình. Huệ tâm sự:

 

Băng :

Nhờ chăm sóc đảm bảo kỹ thuật nên sả Huệ trồng rất tốt, hàm lượng tinh dầu cao, đem lại nguồn thu nhập khá ổn định. Riêng năm 2016, với 5ha cho thu hoạch 4 đợt, Huệ chưng cất được 1.500 lít tinh dầu, doanh thu 900 triệu đồng; sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 400 triệu đồng. Tính bình quân, mỗi ha sả cho doanh thu 180 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 80 triệu đồng. Trên diện tích 5ha sả, Huệ trồng xen thêm hàng trăm cây ổi, xoài, chanh…cho thu nhập 40 triệu đồng/năm.

Khẳng định được hiệu quả của cây sả, Huệ tính đến chuyện nhân rộng cho bà con đồng bào Vân Kiều – Pa Kô ở Đakrông. Huệ cất công dẫn bà con về vườn sả ở Cam Lộ để tận mắt chứng kiến các khâu từ trồng đến chưng cất. Được chính quyền giúp đỡ, Huệ hỗ trợ phân bón, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, lắp đặt máy chưng cất tại vườn và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm trồng sả.

Huệ cho hay, cây sả dễ trồng vào tháng 9, theo tỷ lệ 50cm x 50cm, mỗi ha trồng được 40.000 cây. Sau 6 tháng bà con có thể thu hoạch lứa sả đầu tiên, và tiếp theo cứ 2 tháng cắt lá một lần (cắt cách gốc 20cm), mỗi năm cắt 4-6 đợt tùy vào thời tiết. Trung bình mỗi ha sả cho thu hoạch đến 100 tấn lá/năm, chưng cất được 300 lít tinh dầu, doanh thu 180 triệu đồng. Mỗi gốc sả trồng xuống có thể cho thu hoạch liên tục 3 năm, sau đó mới phải trồng lại. Theo chân Lê Huệ đến với bà con ở HTX VanPa xã Hải Phúc huyện Đakrông mới thấy hết nhiệt huyết tình yêu mà chàng trai trẻ giành cho cây sả.  Trước đây bà con dân tộc Vân Kiều – Pa Kô khổ cực, có đất mà không biết trồng gì, đành bỏ hoang. Từ ngày có Huệ về hướng dẫn trồng sả, bà con đã có thu nhập khá, cuộc sống được cải thiện nên tự nguyện thành lập HTX VanPa chuyên trồng sả. Huệ dự kiến cuối năm 2017 sẽ đặt 5 máy chưng cất tinh dầu sả ở 5 vùng nguyên liệu tập trung để nông dân thuận tiện sản xuất. Anh Đoàn Văn Linh – Chủ nhiệm HTX Vanpa xã Hải Phúc huyện Đakrông cho biết:

Băng:  

Không chỉ giúp bà con vùng núi Huệ còn đầu tư các nhà máy chưng cất tinh dầu tại vùng biển Hải Lăng để giúp bà con có công ăn việc làm. Theo Huệ phải mất 10 - 15 năm cây tràm gió mới đủ lớn để con người hái lá nấu dầu. Để cất được 1 lít tinh dầu tràm cần 3 tạ lá tràm gió tươi. Vì ham cái lợi trước mắt, nhiều người đốn hạ cây tràm để lấy lá cho nhanh dẫn đến thiếu nguồn nguyên liệu. Thấy vậy, Huệ đã đến gặp người dân, tuyên truyền cho họ nên bắc thang hái lá tràm, dù thu nhập thấp hơn nhưng được lâu dài. Để dân tin, Huệ đặt máy chưng cất ngay ở biển và ký hợp đồng thu mua dầu tràm cho dân. Chỉ riêng năm 2016, Huệ đã sản xuất được 2.500 lít tinh dầu tràm, doanh thu 1,5 tỷ đồng. Hiện nay, “chuyên gia” tinh dầu Lê Huệ đang tạo việc làm cho 50 lao động thường xuyên và 100 lao động thời vụ có thu nhập ổn định.

Mở rộng địa bàn sản xuất nguyên liệu cũng như chưng cất tinh dầu ở nhiều nơi nhưng ước mong về một nhà máy tinh dầu chuyên nghiệp, cỡ lớn tại quê hương Gio Linh của mình vẫn luôn là niềm trăn trở của Huệ. Anh cho biết:

Băng:

Chàng trai trẻ quyết từ bỏ công việc ở thành phố để về quê làm nông dân ấy đang ngày ngày vui niềm vui cùng cây sả và bà con trồng sả. Anh sẽ là niềm cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ vững niềm tin: đất không phụ công người.

 

Nhạc cắt

Dưa lưới – mô hình mới mang lại hiệu quả cao

Thưa quý vị và bà con! Gần đây nhiều bà con ở tỉnh ta đặc biệt là ở Vĩnh Linh đã triển khai mô hình trồng dưa lưới và đã mang lại những tín hiệu khả quan. Mời quý vị và bà con cùng tìm hiểu qua tổng hợp sau của PV Thái Hiền.

Đầu năm 2017 chị Võ Thị Quyên ở thôn Thủy Tú 2 xã Vĩnh Tú huyện Vĩnh Linh bắt đầu tiến hành trồng dưa vân lưới trong nhà màng, cùng với đó chị đầu tue và  áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt nên hiệu quả mang lại rất khả quan.

Khung nhà màng được chị Quyên dựng bằng sắt thép, giàn khung có thể chịu lực 25 tấn dây và trái treo trên cáp. Nhà màng bao quanh bởi cước tấm mỏng, phía trên được che bằng nilon loại đặc biệt. Phía trong có hệ thống cáp treo dây, hệ thống điều khiển tự động lưới cắt nắng, công nghệ tưới nhỏ giọt kiểu Israel, hệ thống điều hòa không khí. Nhà lưới có thể chịu được bão cấp 9. Việc bón phân kết hợp với tưới nước nhỏ giọt được dẫn đến tận gốc theo đúng mức độ yêu cầu và hoàn toàn tự động. Việc áp dụng trồng dưa lưới trong nhà màng vừa giúp chắn mưa vừa ngăn côn trùng xâm nhập, giúp giảm chi phí sản xuất do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ côn trùng gây hại. Theo chị Quyên cho biết, dù vốn đầu tư ban đầu theo mô hình tương đối cao nhưng bù lại dưa cho năng suất cao, chất lượng trái tốt… Chị Võ Thị Quyên cho biết thêm:

Băng

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Vĩnh Linh  mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nông trại dưa lưới của anh Lê Văn Vượng xã Vĩnh Tú huyện VL là một trong những mô hình thành công trong trồng dưa lưới công nghệ cao.  Mới áp dụng hơn một năm nay, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của anh Lê Văn Vượng đã thu được những thành công bước đầu. Với 65 ngày/vụ, dưa lưới công nghệ cao có thể canh tác được 5-6 vụ/năm. Vốn đầu tư về hạt giống, gieo trồng, nhân công là 70 triệu đồng/vụ. Sau một năm áp dụng mô hình, sản lượng dưa lưới thu hoạch đạt 2,5-3 tấn/1.000m2, giá bán tại vườn là 30.000-35.000 đồng/kg dưa lưới. Theo anh Vượng  sau khi trừ chi phí, khấu hao thiết bị, thu lãi từ 2 nhà màng là 40 triệu đồng/vụ, tính tổng số vụ gieo trồng trong năm thì lợi nhuận lên đến 200 triệu đồng. Anh Vượng cho biết:

Băng :

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đầu tiên tại Vĩnh Linh của chàng trai 9X được hình thành tháng 7/2017, với diện tích hơn 2.000 m2. Vượng cho biết, số tiền để đầu tư xây dựng mô hình gần 1 tỷ đồng, trong đó huyện Vĩnh Linh hỗ trợ 300 triệu đồng. Bên trong nhà màng, Vượng đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, hệ thống phun sương cho cây trồng.Sau 1 tháng, khi đã chuẩn bị đất, xử lý vi khuẩn, Vượng đã trồng khoảng 4.800 gốc dưa lưới và dưa hấu trong nhà màng. Được đánh giá là giống cây mới, kén đất trồng, thế nhưng loại dưa lưới được anh Vượng trồng thành công và cho hiệu quả cao khi trồng bằng phương pháp này. Chỉ trong một thời gian ngắn, cây sinh trưởng tốt, tỷ lệ đậu quả cao trên 70%, tổng sản lượng ước đạt từ 4-4,5 tấn. Theo anh Vượng, chỉ trong vòng khoảng nửa tháng nữa số dưa này sẽ đến kỳ thu hoạch, hứa hẹn mang lại một vụ mùa bội thu.

Khác với phương pháp canh tác tự nhiên, việc trồng dưa ứng dụng công nghệ cao phải đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt từ khâu làm đất, kỹ thuật bón phân, nước tưới... Đặc biệt, do cây được trồng trong nhà kính nên hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm sạch. Mặc dù, đây là vụ dưa đầu tiên nhưng tỷ lệ đậu quả rất lớn, cây phát triển nhanh, cho trái đồng đều. Riêng cây dưa hấu mùa đông không trồng được với môi trường bên ngoài thì lại phát triển tốt trong nhà kính và cho sản lượng cao. Vượng cho hay, do được trồng trong nhà kính, có hệ thống tưới tiêu tự động nên khi thu hoạch xong, sử dụng cây mới trồng thay tế cho cây cũ. Vì vậy, có thể canh tác quanh năm trong mọi điều kiện thời tiết, thường mỗi năm có thể sản xuất 3 vụ dưa. Hiện nay, theo giá thị trường mỗi kg dưa hấu có giá 10.000 đồng, 1kg dưa lưới có giá 40.000 đồng bán ra sẽ thu lại từ 150-160 triệu đồng.

Qua triển khai các mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn cho thấy, phương pháp canh tác trong nhà kính tăng năng suất so với phương pháp canh tác truyền thống từ 30-50%.Trong thời gian tới địa phương tập trung chú trọng phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch để bà con nông dân có thể sản xuất và canh tác trái vụ. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Nhạc cắt

Kỹ thuật trồng dưa lưới

Bà con và các bạn thân mến! Để giúp bà con có thêm những thông tin cần thiết về trồng dưa lưới cho hiệu quả. Phần cuối của CM tuần này xin chia sẻ với bà con một vài lưu ý sau đây:

Dưa lưới thuộc nhóm dưa lê thơm, có thời gian sinh trưởng và phát triển nhanh thường có thời gian từ khi gieo trồng đến thu hoạch 85 – 90 ngày (tùy vào giống). Hiện các loại dưa này thường được trồng trong các nhà màng, nhà lưới kết hợp tưới nhỏ giọt theo công nghệ bán thủy canh cho năng suất cao. Tuy nhiên, với kỹ thuật trồng dưa lưới trong chậu đơn giản, mọi người hoàn toàn có thể trồng tại nhà trên sân thượng trong các chậu trồng và bón hoàn toàn hữu cơ rất tiện dụng.

 Bước 1: Ngâm và gieo hạt giống dưa lưới: Trước tiên bạn phải chọn hạt giống tốt, sau đó, ngâm hạt giống trong nước ấm 4 - 5 tiếng, sau đó mang hạt ủ vào khăn ẩm trong vòng 1 ngày để hạt nứt nanh.

Bước 2: Gieo hạt dưa lưới: Cho hạt đã ngâm vào bầu ươm rồi phủ một lớp đất mỏng lên, để ở chỗ râm mát và tưới nước giữ ẩm cho hạt. Đất ươm hạt nên dùng đất trộn phân trùn hoặc phân chuồng để có đủ dinh dưỡng cho cây con khỏe mạnh.

Sau 2 ngày ươm giống, cây bắt đầu nảy mầm, bạn chỉ cần tưới nước với lượng vừa đủ để cây phát triển. Sau khoảng 8 - 10 ngày thì cây bắt đầu cho 2 lá thật.

Khi ươm, gieo hạt vào bầu rồi tưới đẫm nước và để ở chỗ râm mát. Trong giai đoạn này, bạn không nên tưới nhiều sẽ khiến úng hạt không nảy mầm. Đất ươm hạt thường trộn thên phân trùn hoặc phân chuồng mục để bổ sung thêm dinh dưỡng cho hạt nhanh nảy mầm. Sau vài ngày thấy cây ra lá thật thì mới đem trồng vào thùng lớn. Chú ý chỉ nên đục ít lỗ trên thùng xốp để giữ nước cho cây phát triển mà không trôi hết phân bón.

Bước 3: Trồng cây con: Khi cây ra 2 -3 lá chính thì bạn bắt đầu đánh ra chậu trồng. Vì dưa lưới cho trái to nên nếu trồng trong thùng xốp hoặc xô chậu thì phải chọn loại chậu có độ sâu và rộng.Tạo hố đất sâu, nhấc nhẹ cây dưa lê con ra, rạch bao nylon rồi đặt bầu vào lỗ đục sẵn, vùi kín bầu cây dưới đất, đôn cho chặt gốc. Phủ rơm rạ, gỗ mùn, cỏ khô xung quanh gốc để giữ ẩm cho cây trong thời gian đầu.
Nên trồng cây vào buổi chiều mát khi nắng đã tắt. Khi trồng cây con xong cần tưới nước mỗi ngày 2 lần và che phủ tạo bóng râm trong 1 tuần đầu để cây con hồi sức
Chăm sóc dưa lưới: Đất trồng dưa lưới phải tơi xốp và cần tưới nước thường xuyên. Lưu ý cần bón thêm nhiều phân NPK giúp cây dễ ra hoa, đậu trái. Nếu chỉ tưới cây bằng nước không thì cây khó đậu quả, dưa cho trái còi cọc và khi ăn vị rất nhạt. Kể từ khi cây có 2 -3 lá thật thì cần cắt tỉa lá và bấm ngọn, bạn cần ngắt hết đến khi nào ra đến lá thứ 8 - 10 lá thì để nhánh đó lại. Khi cây lớn được 22 - 25 lá thì bạn ngắt bớt ngọn để cây tập trung nuôi quả.Khi cây bắt đầu ra 4 - 5 lá thật thì bắt đầu tiến hành làm giàn cho dưa leo, bạn có thể đóng cọc hoặc có thể lấy dây nylong buộc nhẹ vào giàn lưới.Chú ý thời gian quả đã đậu nếu có quá nhiều hoa đậu quả thì có thể ngắt bỏ bớt chỉ để cây ra 2 - 3 quả để cây tập trung nuôi quả. Vì trái dưa lưới khá to và nặng nên chúng ta chỉ để lại 2 - 3 quả trên cây.Giai đoạn cây cho quả lớn thì cần dùng dây treo cây lên dể tránh sức nặng của quả kéo gãy cây.

Bón phân: Khi cây có 4 - 5 lá thì cần bón thêm kali, đạm. Phủ xơ dừa quanh gốc để giữ ẩm và tránh xói mòn đất khi tưới nước. Tới giai đoạn cây phát triển lá thì cần tưới đạm pha loãng quanh gốc. Tính từ ngày quả bắt đầu phình ra đến ngày chín khoảng 1 tháng, trong thời gian này cần phải bón phân NPK hàng tuần cho quả phát triển tốt. Bón thêm kali và đạm hàng tuần cho tới trước khi thu hoạch tầm 15 ngày.

Thu hoạch dưa lưới: Dưa lưới cho thu hoạch trong khoảng thời gian từ 60 - 80 ngày Quả dưa lưới khi chín phải có màu trắng ngà hay màu vàng, gân lưới xuất hiện rõ.

Thái Hiền tổng hợp và biên tập từ: nongnghiepnongthon, nongnghiepvietnam

Chào cuối!

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 27/11/2017 08:09 Võ Nguyên Thủy 27/11/2017 14:49
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà