Nét đẹp làng quê 20-4: Thôn Vĩnh An, Cam Hiếu, Cam Lộ
Danh mục
Nét đẹp làng quê
NỘI DUNG

 

 

Nét đẹp làng quê 20-4: Thôn Vĩnh An, Cam Hiếu, Cam Lộ

DẪN: Thưa QV và CB, thôn Vĩnh An thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ. Dân cư tập trung ven Sông Hiếu, Vĩnh An có tuyến Quốc lộ 9 đi qua, là cửa ngõ phía Đông của huyện Cam Lộ, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Trải qua bao dâu bể, thăng trầm, vẫn neo lại trên mảnh đất dung dị này những tâm hồn người dân hồn hậu, biết đoàn kết, yêu thương nhau. Đây cũng là mảnh đất sản sinh những người con ưu tú. Có được điều đó chính là bởi người dân luôn tâm niệm thực hiện theo lời dạy bảo, khuyên răn của các thế hệ đi trước, lưu giữ truyền thống tốt đẹp của quê hương. Trong chuyên mục Nét đẹp làng quê hôm nay, mời QV và Cb về thăm thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu.

Vĩnh An – Một miền quê

Truyền thống

Tthành phố Đông Hà, theo Quốc lộ 9 lên đến km 10, một khu đất trải ra trước tầm mắt là thônVĩnh An. Làng nằm về phía bờ Nam sông Hiếu. Tiền nhân đã khéo chọn một nơi chốn có những yếu tố tuyệt đối về phong thổ địa lý: Phía sau là Sông Hiếu, chỗ dựa lưng hiền hòa mát dịu với tầm nhìn ngút ngàn, bồi đắp cho đất đai quanh năm màu mỡ, phì nhiêu. Trước mặt giáp Quốc Lộ 9 tấp nập xe cộ, xa xa nhấp nhô trùng điệp những mỏm núi của Trường Sơn, tạo nên một cảnh sơn thủy rất hữu tình. Phải chăng đó là nguyên cớ mà trải qua bao bể dâu của thế sự dân, làng quê này vẫn vươn lên không mệt mỏi để đạt được những thành quả đáng vị nể, đặc biệt những con người ở đây đã tạo nên một phong cách rõ nét riêng biệt so với những khu vực chung quanh. 

Vĩnh An là một trong những làng quê được thành lập khá sớm, vào khoảng thế kỷ thứ XVI trên vùng đất Quảng Trị, trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, nơi đây lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân. Ý niệm về tiên linh, những bậc khai canh khai khẩn luôn luôn là sự tôn kính thiêng liêng, do đó tại làng Vĩnh An, hệ thống 3 đền thờ các vị thần cao sơn cao các, thành hoàng làng, ngài tiền khai khẩn Hoàng quý công tôn thần được đặt ở vị trí trang nghiêm,  dân làng với tất cả nhiệt tâm nhiệt tình góp công của đã tôn tạo được một nơi thờ phụng trang nghiêm ấm cúng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá cổ truyền thuộc về bản sắc văn hoá nông nghiệp lúa nước của nhân dân.

Ông Hoàng Đức Dũng, trưởng làng Vĩnh An, xã Cam Hiếu, Cam Lộ, Quảng Trị

Có bề dày truyền thống từ hơn 400 năm nay, do vậy từ thời xưa, làng nổi tiếng là vùng đất có truyền thống hiếu học đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú làm rạng danh cho dòng tộc, quê hương.  Làng có 4 họ tộc chính: Hoàng Kim, Hoàng Ngọc, Hoàng Đức, và họ Mai đều thành lập ban Khuyến học, trong đó Hoàng Đức là dòng họ đầu tiên xây dựng ban khuyến học dòng họ từ gần 20 năm nay. Hằng năm, kết hợp với hội làng, các họ tộc đều định kì tổ chức lễ khuyến học, trao học bổng và tặng quà cho những học sinh của làng có thành tích xuất sắc, những em có hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên trong học tập.  

Ông Hoàng Đức Búa

Trưởng Ban Khuyến học dòng họ Hoàng Đức, thôn Vĩnh An, Cam Hiếu, Cam Lộ, Quảng Trị

Truyền thống hiếu học quý báu được các thế hệ con em giữ gìn như mạch nguồn chảy  mãi cùng thời gian, coi đó là niềm tự hào của miền quê văn hiến. Ngày nay ở làng, gia đình nào, dòng tộc nào cũng quyết tâm đầu tư cho con cháu học hành và luôn coi trọng công tác khuyến học.

 

Tiêu điểm

DẪN: Thưa Qv và Cb, các dòng họ ở Vĩnh An có nhiều người đ đạt, được xã hội trọng dụng còn bởi lớp con cháu kế cận luôn nỗ lực vươn lên để đạt được những thành quả đáng vị nể, noi gương các tiên tổ, hiền nhân đi trước. Trong đó có Hoàng Kim Hùng, vị tướng tài ba đã góp công sức rất lớn trong cuộc chiến thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược mùa Xuân Kỷ Dậu. Tấm gương của Trung lang tướng quân Hoàng Kim Hùng là niềm tự hào cho dòng họ Hoàng Kim ở Vĩnh An, của nhân dân Quảng Trị, cũng như đất nước.

Chúng tôi có dịp về thăm ngôi nhà truyền thống được xây dựng từ đời ngài Hoàng Kim Tuân (1728) là cụ thân sinh của Trung lang tướng quân Hoàng Kim Hùng. Đây chính là nơi ông Hoàng Kim Hùng sinh ra và lớn lên. Năm 1789, Hoàng Kim Hùng khi ấy 25 tuổi được vua Quang Trung phong Trung lang tướng, chỉ huy đội Trung quân là đội quân chủ lực của nhà vua. Tương truyền khi kéo quân ra Bắc đánh quân xâm lược Mãn Thanh, đi qua quê nhà Vĩnh An, chính vua Quang Trung và Bộ tham mưu nghĩa quân Tây Sơn đã nghỉ chân ở đây. Nhà năm gian bốn vài, có tiền đường hậu chẫm. Khu vực trước nhà của tướng Hoàng Kim Hùng là bản doanh tạm thời của Bộ chỉ huy. Cánh đồng làng xưa kia là thao trường của nghĩa quân, có bãi tập voi và tập ngựa. Trong câu chuyện mà ông Hoàng Kim Phùng, hậu duệ đời thứ 13 của Trung lang tướng cùng nhiều con cháu khác của dòng họ Hoàng Kim kể với chúng tôi, ngời lên niềm tự hào, trân trọng dành cho vị tướng lỗi lạc. Ông Hoàng Kim Phùng cũng từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như chủ tịch huyện Cam Lộ, bí thư thị hủy Đông Hà.

Ông Hoàng Kim Phùng, thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu, Cam Lộ, Quảng Trị

Hoàng Kim Hùng sinh năm 1764  tại làng Vĩnh An, xuất thân và trưởng thành trong một dòng tộc có truyền thống quan võ, có nhiều đóng góp cho quân đội dưới thời Tây Sơn.Vị tướng trẻ Hoàng Kim Hùng được giao chỉ huy đội thân binh, chiến đấu bên cạnh vua Quang Trung góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt, quét sạch giặc ngoại xâm vào đầu mùa xuân Kỷ Dậu. Ông tận tụy với sự nghiệp phò vua, giúp dân cứu nước, trung thành tuyệt đối, hy sinh cho đại nghĩa tô thắm ngọn cờ đào Tây Sơn do vua Quang Trung lãnh đạo. Khi vua Quang Trung qua đời vào năm 1792, mặc dù đang ở tuổi 28 đầy sung sức nhưng chán ghét cảnh quan trường bè cánh, xu nịnh, ông cáo quan về trú ẩn ở quê nhà, sống cuộc đời thanh bạch như bao bậc trí lão khác ở trong làng. Lăng mộ Trung lang tướng quân Hoàng Kim Hùng được con cháu xây dựng nhân kỷ niệm 217 năm ngày sinh của ông tại làng Vĩnh An. Hoàng Kim Hùng là vị tướng tài ba của quê hương Quảng Trị. Tấm gương của Trung lang tướng quân Hoàng Kim Hùng là niềm tự hào cho dòng họ Hoàng Kim, của nhân dân Quảng Trị, của đất nước. Noi theo gương sáng của các bậc tiên tổ, hiền nhân đến nay dòng họ Hoàng Kim có rất nhiều người đ đạt, có tài, có đức.

Ông Hoàng Ngọc Rạng, trưởng thôn Vĩnh An, Cam Hiếu, Cam Lộ

Trung lang Tướng quân Hoàng Kim Hùng là một nhân vật lịch sử đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển của lịch sử dân tộc, lăng mộ của ông được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2011.

 

Ý kiến từ làng: Thưa QV và CB, là một miền quê thuần nông, có lợi thế nằm ven dòng sông Hiếu, đất đai màu mỡ, đời sống của hơn 80% người dân Vĩnh An phụ thuộc và nông nghiệp, cây trồng chủ yếu là Lúa, lạc và một số loại rau màu khác như ngô, khoai... Là vùng đất nông nghiệp, từ hàng nghìn năm nay, cuộc sống của người dân gắn liền với các công việc về thủy lợi. Xã hội ngày càng tiến bộ tạo điều kiện để thủy lợi phát triển. Tuy nhiên, hiện tại nguồn nước tưới cho ruộng đồng ở thôn Vĩnh An vẫn còn khặp nhiều thiếu thốn, khó khăn.

Các nông gia ngày xưa đã có ý niệm dẫn thủy nhập điền, ngăn suối giữ nước tưới ruộng, công trình này đặt tên là Đập Làng. Ở thôn Vĩnh An, Đập Bia của làng cũng được bà con tận dụng dẫn nước vào ruộng đồng để tưới tiêu. Tuy nhiên, hiện nay bà con chỉ có thể canh tác vụ Đông Xuân, nguồn nước cơ bản không thể nào đáp ứng phục vụ tưới cho hơn 15 ha lúa hè thu sắp tới. Nỗi lo thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu hàng năm của bà con nông dân luôn thường trực, bà con không thể triển khai gieo trồng vụ hè thu, bởi lẽ nguồn nước tại con đập này chỉ vài tháng nữa thôi sẽ vơi cạn dần, không thể dẫn nước đến tận mỗi cánh đồng. Còn nguồn nước bơm từ sông Hiếu lên khi bước sang vụ hè thu cũng đã nhiễm mặn.

Ông Hoàng Ngọc Hùng

Bí thư chi bộ thôn Vĩnh An, Cam Hiếu, Cam Lộ, Quảng Trị

Trước thực tế đó, ngay từ vụ đông xuân năm nay, chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành liên quan kịp thời phối hợp triển khai công tác chống hạn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết nắng nóng và thiếu nước. Những năm gần đây, ý thức tiết kiệm nước, chủ động sử dụng nguồn nước tưới hợp lý cho cây trồng của người dân được nâng cao rõ rệt. Người dân tranh thủ tích trữ nước và tận dụng nguồn nước tự nhiên có sẵn ở các ao hồ để phục vụ tưới cho cây trồng, kết hợp phân bố lịch tưới tại các hợp tác xã, tổ hợp tác dùng nước hợp lý và tiết kiệm. Tập trung be bờ giữ nước để làm đất gieo cấy.

Ông Hoàng Đức Kỳ

Thôn Vĩnh An, Cam Hiếu, Cam Lộ, Quảng Trị

Để tập trung nguồn nước cho vụ sản xuất hè thu, tận dụng nguồn nước tưới, cần có sự vào cuộc các các cơ quan, ban, ngành liên quan trong việc hỗ trợ người dân cải tạo, đào đắp, gia cố đập giữ nước.

DẪN: Thưa QV và CB, Rất khó để diễn đạt hết lòng tri ân cảm phục đối với bao thế hệ tiền nhân đã xây dựng và vun bồi cội phúc, khó ghi hết được mọi diễn biến thăng trầm của miền quê này qua hằng bao thế kỷ với những con người chân chất nhưng nặng một biển tình. Bởi ai cũng trân quý, tự hào và lưu luyến về quê hương mình. Và chắc hẳn mỗi người con Vĩnh An dẫu đi đâu, về đâu vẫn luôn đau đáu nỗi nhớ và niềm tự hào về quê hương.  Đến đây chuyên mục Nét đẹp làng quê xin được kết thúc, Qv và Cb có thể xem lại chương trình tại địa chỉ quangtritv.vn. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong chương trình lần sau.

ĐÓN XEM: Thôn Vĩnh An, thuộc  Cam Hiếu, huyện Cam Lộ. Trải qua bao dâu bể, thăng trầm, vẫn neo lại trên đất dung dị này những tâm hồn người dân hồn hậu, biết đoàn kết, yêu thương nhau. ng Vĩnh An trong những năm qua là đơn vị dẫn đầu trong các phong trào của địa phương. Đây cũng là mảnh đất sản sinh những người con ưu tú, người dân luôn tâm niệm thực hiện theo lời dạy bảo, khuyên răn của các thế hệ đi trước, lưu giữ truyền thống tốt đẹp của quê hương. Trong chuyên mục Nét đẹp làng quê PS 18h thứ 6, 20-4, mời QV và Cb về thăm làng Vĩnh An.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Hồ Ngân Hà 13/04/2018 11:26 Võ Nguyên Thủy 20/04/2018 14:53
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà