Chương trình Sức khỏe và đời sống 17/2/2019 Những điều cần biết khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin ComBE Five
Danh mục
Sức khỏe và đời sống
NỘI DUNG
Lời dẫn : Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi được gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình sức khỏe đời sống của Đài PTTH Quảng Trị. Chương trình đang được phát trên tần số 92,5Mhz trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình tuần trước, chúng tôi đã giới thiệu đến quý vị và các bạn những biện pháp nhằm hạn chế lạm dụng rượu bia để giữ gìn sức khỏe , đặc biệt là phòng tránh được ngộ độc do sử dụng rượu bia quá nhiều. Thưa quý vị và các bạn, hiện nay ngành Y tế đang triển khai tiêm vắc xin ComBE Five trên địa bàn toàn tỉnh, tuy nhiên, nhiều thông tin về vắc xin này gây phản ứng sau tiêm chủng làm không ít bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm vắc xin hoang mang, lo lắng. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn một số thông tin về vắc xin ComBE Five và một số lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin ComBE Five. Phần cuối chương trình là bài viết Nỗ lực phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật. Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Chương trình Sức khỏe và đời sống 17/2/2019

Những điều cần biết khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin ComBE Five

Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi được gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình sức khỏe đời sống của Đài PTTH Quảng Trị. Chương trình đang được phát trên tần số 92,5Mhz trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

Trong chương trình tuần trước, chúng tôi đã giới thiệu đến quý vị và các bạn những biện pháp nhằm hạn chế lạm dụng rượu bia để giữ gìn sức khỏe , đặc biệt là phòng tránh được ngộ độc do sử dụng rượu bia quá nhiều.

Thưa quý vị và các bạn, hiện nay ngành Y tế đang triển khai tiêm vắc xin ComBE Five trên địa bàn toàn tỉnh, tuy nhiên, nhiều thông tin về vắc xin này gây phản ứng sau tiêm chủng làm không ít bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm vắc xin hoang mang, lo lắng. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn một số thông tin về vắc xin ComBE Five và một số lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin ComBE Five. Phần cuối chương trình là bài viết Nỗ lực phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật. Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

Bài 1: Những điều cần biết về vắc xin ComBE Five

Vắc-xin 5 trong 1 ComBe Five được thay thế cho vắc-xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Từ năm 2016, Hàn Quốc ngừng sản xuất vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem. Vì vậy, Bộ Y tế đã quyết định sử dụng vắc xin  ComBE Five của Ấn Độ để thay thế. ComBE Five là vaccine phối hợp 5 trong 1, phòng được 5 bệnh gồm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib - những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà trẻ nhỏ dễ mắc.

Vaccine ComBE Five có thành phần tương tự như Quinvaxem, có hiệu quả phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib; đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của WHO và đã được sử dụng ở hơn 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều. Cũng giống như các vaccine nhập khẩu vào Việt Nam, ComBE Five phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để đăng ký lưu hành. Từng lô vaccine khi nhập đều được Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế kiểm định và đạt tiêu chuẩn về an toàn trước khi đưa vào sử dụng… ComBe Five được đóng gói 1 liều/lọ và lọ có gắn chỉ thị nhiệt độ để giám sát việc tiếp xúc với nhiệt độ của từng lọ vaccine trong quá trình bảo quản, vận chuyển trước khi sử dụng. Sử dụng vaccine ComBE Five sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ và gia đình đồng thời trẻ em có cơ hội phòng được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Chị Trần Thu Hằng, ở xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh có con nhỏ được 3,5 tháng tuổi, đây là lần đầu cháu được tiêm vắc xin ComBe Five tại Trạm Y tế xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh,. Trước thông tin trẻ gặp phản ứng sau khi tiêm vắc xin ComBe Five tại một số địa phương chị rất lo lắng. Được các bác sĩ tư vấn, chị Hằng yên tâm hơn. Chị Trần Thu Hằng cho biết:

Trích băng:

Cũng giống như các thuốc hay loại vắc-xin khác, khi tiêm vắc-xin Combe Five đều có thể xảy ra các phản ứng. Bộ Y tế đưa ra những phản ứng sau tiêm cũng như hướng dẫn cách xử lý đối với trẻ gặp phản ứng sau tiêm vắc-xin Combe Five. Toàn tỉnh Quảng Trị có gần 6000 trẻ nằm trong danh sách được tiêm vắc xin ComBE Five, tuy nhiên hiện tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật mới tiếp nhận 3500 liều vắc xin ComBE Five từ Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế. Vì vậy, trong ngày tiêm chủng đầu của tháng 1 năm 2019 đã ưu tiên triển khai mũi 1 cho nhóm đối tượng trẻ chưa được tiêm vắc xin 5 trong 1 và sẽ tổ chức tiêm bù cho nhóm đối tượng đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin Quinvaxem sau khi được cung ứng đủ vắc xin. Hiện nay, các điểm tiêm chủng đã thực hiện đảm bảo an toàn trong công tác tiêm chủng. Bác sĩ Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh cho biết, trong những ngày đầu triển khai tiêm phòng tại trạm, đã có 30 trẻ được đưa đến tiêm vắc xin ComBE Five:

Trích băng:

Khuyến cáo của ngành Y tế là các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cấp vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đề phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vắc xin ComBE Five đã thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam và được chứng minh là an toàn. Vắc xin được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tháng 5 năm 2017. Lịch tiêm vắc xin ComBE Five trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Vắc xin ComBE Five hay vắc xin Quinvaxem thì tính an toàn đã được Bộ Y tế Việt Nam thí nghiệm cũng như triển khai trên quy mô nhỏ với mức an toàn tương đương hoặc thấp hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất, cũng như Tổ chức Y tế thế giới. Việc sử dụng vắc xin 5 trong 1 hay các vắc xin có thành phần kháng nguyên  để tiêm 1 mũi phòng cho trẻ là điều cần thiết.

Bác sĩ Nguyễn Quang Hải, Trưởng khoa Phòng, Chống bệnh truyền nhiễm – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị cho biết:

Trích băng:

Để thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin ComBE Five, các đơn vị y tế tuyến bắt buộc phải tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho các gia đình và cộng đồng có trẻ trong độ tuổi tiêm chủng vắc xin Quinvaxem thay thế vắc xin mới hiểu được tác dụng, thành phần của vắc xin thay thế; hướng dẫn cán bộ y tế sử dụng vắc xin an toàn, các giải pháp để thực hiện tốt công tác tiêm an toàn./.

 

Bài 2: Những điều cần biết khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin ComBE Five

Hiện nay ngành Y tế đang triển khai tiêm vắc xin ComBE Five trên địa bàn toàn tỉnh, tuy nhiên, nhiều thông tin về vắc xin này gây phản ứng sau tiêm chủng làm không ít bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm vắc xin hoang mang, lo lắng. Cũng giống như các thuốc hay loại vắc-xin khác, khi tiêm vắc-xin Combe Five đều có thể xảy ra các phản ứng. Bộ Y tế đưa ra những phản ứng sau tiêm cũng như hướng dẫn cách xử lý đối với trẻ gặp phản ứng sau tiêm vắc-xin Combe Five.

Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số các phản ứng thông thường như sốt nhẹ (<38,5°C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc,… Tuy nhiên, các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày. Một số phản ứng có thể gặp khi sử dụng vắc-xin ComBE Five: Khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc-xin, co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc-xin, giảm trương lực cơ, giảm đáp ứng xảy ra trong vòng 48 giờ, sốc phản vệ có thể xảy ra.

Sau tiêm chủng, cho trẻ ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Tiếp tục theo dõi trẻ sau tiêm chủng tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng: Bế, quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm.

Cho trẻ bú/ăn đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế, không bú/ăn khi nằm…thường xuyên kiểm tra trẻ, đặc biệt ban đêm. Không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm. Các dấu hiệu cần theo dõi: Tinh thần; tình trạng ăn, ngủ, nhiệt độ, phát ban, biểu hiện tại chỗ tiêm (sưng, đỏ…), trẻ sốt cần cập nhiệt độ. Nếu phát hiện bất thường gì về sức khỏe của trẻ thì phải báo ngay cho nhân viên y tế để kịp thời xử lý. Đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu: quấy khóc dai dẳng, kích thích vật vã, lừ đừ, ... khó thở (rút lõm hõm ức, bụng, tím môi, thở ậm ạch), sốt cao >39°C, khó hạ nhiệt độ, hoặc sốt kéo dài hơn 24h, co giật, da nổi vân tím, chi lạnh, phát ban, nôn trớ nhiều lần, bỏ bữa ăn, bú kém, bỏ bú hoặc khi trẻ có biểu hiện bất thường khác khiến cha mẹ lo lắng.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một số bà mẹ lo lắng chưa dám đưa con mình đi tiêm vắc xin ComBE Five bởi những thông tin trẻ gặp phản ứng nguy hiểm, thậm chí trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin trên. Chị Nguyễn Thị Quyên, ở phường 1, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa qua nghe thông tin về vụ việc trẻ tiêm vắc xin Combe Five gặp phản ứng và tử vong khiến chị rất bức xúc. Gia đình chị có con nhỏ, mỗi lần đi tiêm chủng về thì rất lo lắng, bất an.

Trích băng:

 

Về vấn đề tiêm phòng vắc xin ComBE Five, bác sĩ Nguyễn Quang Hải, Trưởng khoa Phòng, Chống bệnh truyền nhiễm – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị cho biết, lịch tiêm chủng 3 mũi vắc xin DPT-VGB-Hib áp dụng cho khi trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi. Nếu trẻ đã tiêm 1 hoặc 2 liều vắc xin Quinvaxem thì sẽ tiêm mũi tiếp theo với vắc xin ComBE Five mà không cần phải tiêm lại từ mũi đầu. Lưu ý khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng. Lịch tiêm chủng 3 mũi vắc xin ComBE Five là 2, 3 và 4 tháng tuổi. Nếu liều vắc xin ComBE Five nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần được tiêm sớm vào thời gian sau đó mà không cần phải tiêm lại từ mũi đầu. Khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng. Việc tiêm chủng nói riêng hay tất cả việc tiêm loại vắc xin khác, khi tiếp xúc với 1 thành phần kháng nguyên vào cơ thể thì phản ứng sau tiêm chủng có thể xảy ra bất cứ trường hợp nào. Để phát hiện và xử lí kịp thời, đề nghị các bậc cha mẹ thực hiện một số nội dung sau:

Tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế tổ chức tại buổi tiêm. Sau khi tiêm chủng trẻ cần phải ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.

Khi trẻ về nhà, theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 24 giờ đến 72 giờ để phát hiện những phản ứng bất thường sau khi tiêm chủng để xử lí kịp thời.

Hướng dẫn cách theo dõi có thể theo dõi chế độ toàn thân như trẻ có sốt không, nhìn màu sắc da xem trẻ có phát ban hay không, nhìn trẻ có hồng hào hay không, trẻ có chơi thoải mái hay không... Có thể có những dấu hiệu phát hiện sau khi tiêm như trẻ sốt thì kẹp nhiệt để biết, những phản ứng tại chỗ tiêm như đau, sưng, đỏ... các bà mẹ cần chú ý đến trẻ hơn, cho trẻ bú nhiều hơn, cho bú khi trẻ thức, theo dõi nhiệt độ, không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. bác sĩ Nguyễn Quang Hải, Trưởng khoa Phòng, Chống bệnh truyền nhiễm – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị thông tin:

Trích băng:

 

Cha mẹ cần mang theo phiếu/sổ tiêm chủng cá nhân. Chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt, tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoăc có bất thường gì khác. Yêu cầu các cán bộ y tế thông báo về các loại vắc-xin tiêm chủng cho trẻ và hướng dẫn theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng. Chủ động đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của trẻ trước khi tiêm. Đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng thời gian, địa điểm đã được thông báo để đảm bảo điểm tiêm chủng không quá đông và cán bộ y tế thuận tiện thực hành tiêm chủng an toàn./.

Nỗ lực phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật

Thưa quý vị và các bạn! Tỉnh Quảng Trị là địa phương chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ chiến tranh, hậu quả là nhiều trẻ em sinh ra bị nhiễm chất độc da cam, nhiều trẻ em sinh ra bị khuyết tật, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống các em cũng như gia đình các em. Nhận thấy việc phục hồi chức năng chính là cánh cửa đem lại cơ hội cho người khuyết tật, với sự trợ giúp của tổ chức y tế vì hòa bình Hàn Quốc Medipeace đã hỗ trợ để Trung tâm y tế huyện Triệu Phong xây dựng phòng phục hồi chức năng hỗ trợ trẻ khuyết tật được phục hồi vận hòa nhập với cộng đồng. Phần cuối chương trình hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý vị và các bạn về hoạt động này tại Trung tâm y tế huyện Triệu Phong, mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Phòng phục hồi chức năng được hỗ trợ xây dựng và dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 2/2019 này. Phòng được trang bị đầy đủ các phương tiện hoạt động trị liệu để trẻ có thể chơi, tập đi. Tổng kinh phí hõ trợ cho việc xây dựng, hỗ trợ trang thiết bị tập luyện khoảng 500 triệu đồng.Trẻ khuyết tật, bại liệt, não úng thủy tới đây sẽ được có các cô phục hồi chức năng sẵn sàng hỗ trợ giúp trẻ thực hiện các trò chơi thông qua hoạt động trị liệu để điều trị bệnh. Phòng sẽ làm việc trong giờ hành chính và bước đầu sẽ được hỗ trợ miễn phí cho trẻ, hàng ngày trẻ được bổ sung thêm sữa. Nguồn kinh phí do tổ chức y tế vì hòa bình Hàn Quốc Medipeace tài trợ. Đây là địa điểm lý tưởng cho nhiều người dân có con bị khuyết tật đang cần được trợ giúp để các em vươn lên trong cuộc sống.

Chia sẻ về niềm vui khi tại Triệu Phong có phòng phục hồi chức năng cho trẻ, bà Nguyễn Thị Thảo, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong cho biết:

Trích băng:

Được biết, Phòng Y học cổ truyền Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong hiện có 16 cán bộ y bác sỹ đang công tác. Để thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, tất cả các cán bộ, y bác sỹ đã được đầu tư, bổ sung kiến thức về y học cổ truyền. Đặc biệt để phòng phục hồi chức năng cho trẻ sớm hoạt động có hiệu quả, các cán bộ y bác sỹ tại đây đã được hỗ trợ học tập để có kiến thức chuyên sâu hơn, sẵn sàng phục hồi chức năng khi bệnh nhân cần. Trao đổi với chúng tôi, chị Đoàn Thị Hải Hà, Trưởng khoa Y học Cổ truyền Phục hồi chức năng, Trung tâm y tế huyện Triệu Phong cho biết, về cơ bản từ máy móc, thiết bị, nhân lực đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các bệnh nhân khi đến đây. Và với đội ngũ y bác sĩ lành nghề sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân có hiệu quả nhất.

Chị Hà cho biết thêm:

Trích băng.

Từ sự giúp sức của cộng đồng xã hội, tin chắc rằng sau khi đưa vào hoạt động, Phòng Phục hồi chức năng sẽ giúp cả thiện cuộc sống cho trẻ khuyết tật. Để giúp việc điều trị bệnh có hiệu quả, thì những người thân cần phải đồng hành giúp sức để tập luyện thêm cho trẻ. Đây thực sự là thông tin ý nghĩa đối với các gia đình có trẻ bị khuyết tật, sớm giúp các em hòa nhập cộng đồng. Được biết thời gian tới, Trung tâm y tế huyện Triệu Phong sẽ có kế hoạch về các địa phương thực hiện thu dung bệnh nhân, giúp các em có cuộc sống tốt hơn./.

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Bảo 13/02/2019 21:55
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà