Cùng nông dân bàn cách làm giàu 16-5
Danh mục
Cùng nông dân bàn cách làm giàu
NỘI DUNG

Cùng nông dân bàn cách làm giàu 16-5

         

MC1:

Kính chào bà con và các bạn! Rất vui khi được đồng hành cùng bà con và các bạn trong chuyên mục Cùng nông dân bàn cách làm giàu được phát sóng định kỳ vào thứ 5 hàng tuần trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

          MC2: Bà con và các bạn thân mến! Trong chương trình hôm nay sau phần thông tin nông nghiệp, mời bà con và các bạn theo dõi một số biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh đầu vụ hè thu 2019. Phần cuối chương trình chúng tôi sẽ giới thiệu đến bà con hiệu quả của mô hình nông nghiệp tổng hợp của gia đình anh Trần Thanh Nam, thôn Phú Thành xã Mò Ó huyện Đakrông. Bây giờ là những nội dung chi tiết.

Nhạc cắt

I.                  THÔNG TIN NÔNG NGHIỆP ( PTV luân phiên đọc tin )

1. Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT tính đến ngày 12 tháng 5 năm 2019, cả nước có 2296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố đã có dịch tả lợn châu Phi với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 1.220.448 con. Đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Song theo nhận định trong thời gian tới nguy cơ dịch bệnh tả lợn châu Phi lây lan rất cao, diễn biến phức tạp, đặc biệt bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khôn lường. Do vậy, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây nên, các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa, đồng bộ các giải pháp phòng chống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Cùng với chủ động phát hiện sớm, báo cáo dịch bệnh, công bố dịch bệnh theo đúng quy định, huy động lực lượng để tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết kịp thời, triệt để và thực hiện tốt vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Đối với những nơi có dịch bệnh xem xét thành lập các trạm, chốt kiểm dịch, kịp thời hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi lợn bị tiêu hủy, bảo đảm công khai, minh bạch. Đồng thời, củng cố và tăng cường năng lực của hệ thống thú y các cấp và xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho doanh nghiệp, người chăn nuôi sản xuất thịt lợn an toàn dịch bệnh, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp về sinh phòng bệnh an toàn sinh học.

Trên cơ sở nắm bắt sự chỉ đạo của Trung ương, rút kinh nghiệm trong việc triển khai các biện pháp ngăn chặn, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi thời gian qua, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

2. TĂNG CƯỜNG PHÒNG TRỪ ỐC BƯU VÀNG NGAY TỪ ĐẦU VỤ

Kính thưa bà con, Ốc bươu vàng ăn khoảng 20 loài thực vật, trong đó có lúa non, làm giảm mật độ, tốn công tỉa dặm, ở mật độ cao có thể làm ruộng mất trắng, phải gieo lại, ảnh hưởng đến năng suất lúa. Theo dự báo, vụ Hè thu 2019 sẽ có nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại trong đó ốc bưu vàng có nguy cơ phát sinh gây hại nặng ngay từ đầu vụ.

Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh: vụ hè thu 2019 ốc bươu vàng sẽ tiếp tục gây hại trên cây lúa đặc biệt có thể hại nặng một số vùng nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời. Để phòng trừ ốc bưu vàng ngay từ đầu vụ bà con nông dân cần thực hiện nhiều biện pháp như thủ công, cơ học, sinh học và hóa học.

Nên ưu tiên biện pháp thủ công vì đây là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện, an toàn với môi trường: Đầu vụ tổ chức phát động ra quân bắt ốc bươu vàng . Có thể sử dụng thân lá khoai, chuối, đu đủ, sắn.... Cắm cọc dẫn dụ ốc, thu hút ốc lên đẻ trứng rồi bắt và thu gom trứng tiêu hủy. Đặt lưới ở cống dẫn nước để ngăn chặn ốc lây lan, đồng thời cũng dễ thu gom.

Biện pháp sinh học: Thả vịt vào ruộng giai đoạn trước khi gieo và cấy lúa để vịt ăn ốc non; Những nơi mật độ ốc cao, ốc tuổi nhỏ, không thể bắt bằng tay có thể diệt trừ ốc bằng các loại thuốc phun hoặc thuốc rải dạng hạt theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Ngoài ra sau khi gieo cấy bà con nông dân cần theo dõi các đối tượng sâu, bệnh trên mạ và lúa mới gieo để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

3. Nắng hạn làm cạn kiệt nguồn nước tưới vụ hè thu 2019

Thưa bà con và các bạn! Thời gian qua hiện tượng nắng hạn kéo dài, cùng với quá trình bốc hơi nước quá nhanh đã làm cho lượng nước hiện còn lại trong các hồ, đập trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ở mức rất thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước tưới phục vụ sản xuất hè thu 2019.

Ông Lê Văn Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Quản lí khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị cho biết, vụ hè thu 2019 công ty được giao nhiệm vụ phục vụ tưới cho hơn 16.239 ha đất sản xuất nông nghiệp và cấp nước cho dân sinh. Tuy nhiên do nắng hạn kéo dài, không có mưa, cùng với quá trình bốc hơi nước quá nhanh đã làm cho lượng nước hiện còn lại trong các hồ đập trên địa bàn toàn tỉnh ở mức rất thấp. Trong khi đó dự báo mới nhất của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho thấy nhiệt độ trung bình từ tháng 4 đến tháng 8/ 2019 ở Quảng Trị phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kì khoảng 0,5-1 độ C, nắng nóng xuất hiện sớm, có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước tưới, xâm nhập mặn vùng cửa sông. Để chủ động cho công tác tưới vụ hè thu, nhằm giảm thiểu những thiệt hại do hán hạn gây ra, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm chống hạn trong những năm qua và tình hình hiện trạng công trình, công ty TNHH MTV Quản lí khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị đã chủ động có biện pháp phù hợp điều tiết nước tưới hỗ trợ giữa các hệ thống công trình, ưu tiên nước tưới cho giai đoạn lúa làm đòng, lúa trổ và cuối vụ. Phối hợp với ngành điện để ưu tiên điện cho công tác chống hạn có hiệu quả, tránh tình trạng cắt điện nhiều lần trong ngày cũng như thông báo với các địa phương chuẩn bị các phương tiện máy bơm, gàu, guồng… để chống hạn.

 

II.               KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ

MC1: Thưa bà con và các bạn! Theo dự báo, vụ Hè Thu 2019 tình hình khí hậu sẽ có những biến đổi thất thường, đây là vụ sản xuất được xác định sẽ có nhiều khó khăn như hạn hán, thiếu nước sản xuất và nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại có nguy cơ phát sinh gây hại nặng ngay từ đầu vụ. Để bảo đảm cho lúa Hè Thu sinh trưởng, phát triển, các địa phương và bà con nông dân cần chủ động theo dõi và phòng trừ kịp thời sâu bệnh gây hại. Nhằm hạn chế sự lây lan của sâu, bệnh cũng như bảo đảm năng suất và sản lượng lúa vụ Hè Thu 2019, trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu cùng bà con một số biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu, bệnh đầu vụ Hè Thu 2019.

MC2: Vụ Hè Thu 2019 đang cận kề, một số địa phương đã bắt đầu xuống vụ. Đây là vụ sản xuất được xác định sẽ có nhiều khó khăn như hạn hán, thiếu nước sản xuất và nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại  trong đó chuột, ốc bươu vàng, bệnh lùn sọc đen có nguy cơ phát sinh gây hại nặng ngay từ đầu vụ.

        Sau đây là một số biện pháp chủ yếu để phòng trừ các đối tượng nói trên

        Thứ nhất là đối với chuột:

        Chuột là loại ăn tạp, thức ăn chủ yếu là thực vật xanh trong đó có cây lương thực và hoa màu...Chuột có khả năng sinh sản rất lớn. Riêng Vụ Đông Xuân 2018 -2019 chuột đã gây hại nặng trên địa bàn hầu hết các huyện, diện tích gây hại lên đến hơn 1500 ha trong đó diện tích hại nặng 240 ha. Với điều kiện thời vụ giữa Đông Xuân và Hè Thu liền kề nhau đã tạo nguồn thức ăn phong phú cho chuột sinh sôi và phát triển  nên khả năng chuột sẽ phát sinh và gây hại nặng trong thời gian tới.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra đề nghị bà con thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật như trước hết cần vệ sinh đồng ruộng, phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ ven bờ...nhằm hạn chế nơi cư trú của chuột. Việc diệt chuột phải được tiến hành thường xuyên, liên tục  và đồng bộ: Đảm bảo liên vùng, liên thôn, liên xã kết hợp diệt chuột ngoài đồng, trong nhà, trong khu dân cư. Trong đó, cần tổ chức các đợt cao điểm diệt chuột tập trung là: Trước lúc gieo sạ và giai đoạn lúa làm đòng. Kỹ sư Cáp Thị Liên đến từ Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Trị cho biết thêm:

Băng ghi âm

        MC1: Đối với bệnh lùn sọc đen hại lúa. Bệnh lùn sọc đen hại lúa do vi rút lùn sọc đen phương Nam gây ra, rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh. Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Về sau lúa trổ không thoát hoặc trổ nhưng hạt đen lép, gây thiệt hại lớn đén năng suất. Đây là bệnh rất nguy hiểm và chưa có thuốc trừ bệnh.

Kỹ sư Cáp Thị Liên đến từ chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh hướng dẫn thêm một số biện pháp để để phòng bệnh lùn sọc đen như sau:

          Băng ghi âm

     Cùng với các biện pháp kỹ thuật nói trên bà con và các bạn cũng nên lưu ý việc Tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh:  Trước khi tiêu hủy phun thuốc trừ rầy bằng loại thuốc tiếp xúc;  Tiêu hủy bằng cách cày vùi phải thực hiện ngay dù không gieo, cấy lại hoặc trồng cây khác. Chú ý phải triệt để loại bỏ lúa chét trên đồng ruộng, không để nguồn bệnh tồn dư cho vụ sau.

        Bà con và các bạn thân mến!, trên đây là biện pháp phòng trừ các đối tượng dịch hại đầu vụ... Hy vọng bà con sẽ có thêm những thông tin hữu ích là lưu ý thực hiện tốt các biện pháp trên nhằm mang lại hiệu quả cao và an toàn cho người sản xuất cũng như môi trường.

Nhạc cắt

III.MÔ HÌNH KINH NGHIỆM

MC2: Thưa bà con và các bạn! Anh Trần Thanh Nam ở thôn Phú Thành xã Mò Ó được nhiều người biết đến, không chỉ vì anh là một đảng viên gương mẫu, gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đi đầu trong các phong trào của địa phương, bởi anh còn là một trong những điển hình trong phong trào phát triển kinh tế, đưa cây con giống mới vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Bài viết của nhà báo Văn Cần, mời QV & Cb cùng nghe!

MC1: Năm 1995, anh Trần Thanh Nam lập gia đình với đôi bàn tay trắng. Hành trình mang theo là quyết tâm lao động và ý chí vươn lên. Nhận thấy đất đồi, đất bồi bãi ven sông còn nhiều, được sự đồng ý và khuyến khích của chính quyền địa phương, gia đình anh khai hoang vỡ đất trồng sắn, trồng dưa. Những ngày đầu lập nghiệp, vợ chồng anh thiếu thốn đủ bề, nhưng không làm anh nãn chí. Ngày ngày anh cùng vợ lên nương cần cù cần cù lao động. Sau mấy năm, 20 ha đất được anh khai phá cây cối đã lên xanh tốt. Những vụ thu hoạch đầu tiên thắng lợi giúp gia đình anh cũng dành dụm được nguồn vốn ban đầu, từ đó anh mạnh dạn mua thêm máy công cụ để phục vụ sản xuất: Anh Trần Thanh Nam tâm sự những ngày đầu lập nghiệp của gia đình anh: (File âm thanh)

Không chỉ trồng cây sắn, anh là người khởi xướng trồng dưa hấu ven sông. Lúc cao điểm, anh trồng được 6 ha dưa. Do đất đai ven sông màu mỡ, gần nguồn nước tưới nên vườn dưa năm nào cũng sai quả, độ ngọt cao được thương lái thu mua tận nơi. Nhờ phát triển kinh tế tổng hợp và chuyển hướng khá nhanh nên kinh tế gia đình anh ngày một vững vàng hơn.

Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, Anh Nam còn tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư do huyện, xã tổ chức. Nắm được kiến thức, anh đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó năng suất và sản lượng cây trồng vật nuôi dần được nâng lên. Hiện nay anh đang lập dự án để chăn nuôi trâu bò đàn.

Từ hiệu quả của các mô hình gia đình mình, anh Nam đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong bản mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các gia đình khó khăn phát triển kinh tế.

Đặc biệt, 20 ha đất trồng sắn được anh khai phá năm nào nay đã chuyển gần hết cho bà con cùng sản xuất. Noi gương anh, nhiều hộ gia đình cũng vươn lên thoát nghèo, trong đó có nhiều gia đình khá dã. Tấm gương của anh được người dân xã Mò Ó yêu mến. Anh Trần Thanh Nam được lãnh đạo huyện, tỉnh tặng giấy khen lao động giỏi. Năm 2010 anh được đi dự Đại Hội thi đua yêu nước lần thứ III tại Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Minh Hòa, phó Chủ tịch UBND xã Mò Ó ghi nhận tấm gương làm ăn giỏi của anh Trần Thanh Nam (File âm thanh)

Hiện nay kinh tế xã hội của các xã vùng bản ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên. Trong quá trình xây dựng phát triển quê hương có sự đóng góp của nhiều cán bộ, đảng viên. Tấm gương làm kinh tế giỏi Trần Thanh Nam là sự cổ vũ, động viên bà con dám nghĩ dám làm và ý chí vươn lên, nhất là ở các địa phương vùng núi để mỗi người dân thiết thực góp phần xây dựng quê hương./.

                                                            Văn Cần

Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 14/05/2019 08:16 Lê Vĩnh Nhiên 16/05/2019 09:26
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà