DÂN CA NHẠC CỔ 24-5
Danh mục
Đến với dân ca nhạc cổ Việt Nam
NỘI DUNG

 

DÂN CA NHẠC CỔ

Phát sóng thứ 6 ngày 24-5

Gửi lời chào thân thương đến quý thính giả đang nghe chương trình dân ca nhạc cổ của Đài PTTH QT. Thưa QV&CB! Bằng sức sống mãnh liệt của dân tộc, với tâm hồn và ý sống của bước đường mở cõi phương Nam, dòng nhạc tài tử Nam Bộ theo dòng đời mà hình thành, tồi tại và phát triển mạnh vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Trong chương trình DCNC tuần này xin giới thiệu đến quý vị và các bạn dòng nhạc đặc biệt này. Mời quý vị cùng nghe.

Trích vọng cổ

Bài 1: Thưa quý vị và các bạn! Năm 1919 tại Bạc Liêu, cố nhạc sư Cao Văn Lầu (thường gọi Sáu Lầu) đã sáng tác cho ra đời bản Dạ Cổ Hoài Lang gồm 20 câu, mỗi câu 2 nhịp, mang hơi nam và hơi oán. Bản này được giới nghệ sỹ đương thời chú trọng ưa thích và mau chóng đi vào lòng người. Đến năm 1927, tại Bạc Liêu, bản Dạ Cổ Hoài Lang được mở nhịp mỗi câu 4 nhịp và mang tên Vọng Cổ Hoài Lang. Đến năm 1940, bản Vọng Cổ Hoài Lang được mở nhịp 8 mỗi câu, mang tên là Vọng Cổ Bạc Liêu. Từ khoảng 1955, tại Sài Gòn, bản Vọng Cổ Bạc Liêu được tiếp tục mở nhịp 16, rồi nhịp 32. Khoảng năm 1964, có nơi mở nhịp 64. Và hiện nay thông dụng nhất là bản Vọng Cổ nhịp 32. Mời quý vị cùng nghe Dạ cổ Hoài lang do nghệ sĩ Ngọc Giàu ca:

Trích Dạ Cổ Hòai Lang, Ngọc Giàu ca

Qua khảo sát, nghiên cứu về căn gốc, về bước đường sáng tạo chỉnh lý thì phải nói bản Dạ Cổ Hoài Lang đã được giới nhạc sĩ, nghệ sĩ tài danh đầu tư rất nhiều công sức, vừa sử dụng, vừa nghiên cứu, phát huy đúng mức giai điệu độc đáo ban đầu, để rồi sáng tạo cho phong phú thêm. Điều đáng nói là, dù có sáng tạo, phát triển qua bao giai đoạn, nhưng người ta vẫn giữ được căn gốc, giữ được giai điệu, cái hồn của bản Dạ Cổ Hoài Lang buồn mang mác, chất chứa niềm u uất, ai oán, thổn thức. Về sau bài Dạ Cổ Hoài Lang đổi tên thành Vọng Cổ Hoài Lang rồi Vọng Cổ . Bài hát này có tất cả 20 câu . Nhịp đôi tức mỗi câu 2 nhịp 4/4. Với dòng thời gian, các nhạc sĩ thêm nốt nhạc, lời ca, vào mỗi câu của bài Dạ Cổ Hoài Lang nói trên . Mỗi câu lúc ban đầu chỉ có 2 nhịp . Sau lên 4 nhịp rồi 8, 16, 32, 64 nhịp . Ngày nay thông dụng là câu vọng cổ 32 nhịp . Và NSND - soạn giả Viễn Châu được nhắc đến, tôn vinh nhiều lần trong lĩnh vực này. Ông là người góp phần làm thăng hoa điệu “Vọng cổ nhịp 32” thành “Tân cổ giao duyên” và “Vọng cổ hài”, là hai sáng tạo độc đáo, đóng góp có ý nghĩa rất quan trọng cho loại hình Cải lương Nam Bộ, cũng là cho di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Việt Nam. Soạn giả Viễn Châu   tâm sự:

Phỏng vấn: Viễn Châu

Vọng cổ chỉ là một bài trong phần nhạc cải lương. Biết hát vọng cổ chưa có thể nói là biết hát cổ nhạc, biết hát cải lương. Hát vọng cổ theo loại nhạc thính phòng hoàn toàn khác với hát vọng cổ trong cải lương. Người hát vọng cổ theo loại nhạc thính phòng cố gắng hát cho thật hay trong cách ngân nga, luồng giọng cho ngọt, nhịp nhàng cho chắc. Người đệm đàn cho bài vọng cổ trong loại nhạc thính phòng chỉ cần giữ nhịp cho chắc, và có thể nhấn vuốt tùy theo tài nghệ của người đánh đờn. Còn hát vọng cổ trong cải lương có khi chỉ hát hai câu, 4 câu, hoặc 5 câu, ít khi hát 6 câu từ đầu đến cuối. Sự khác biệt giữa hai cách hát rất quan trọng. Có người chỉ biết hát hoặc hoặc đờn vọng cổ cho loại nhạc thính phòng mà không thể hát hay đờn vọng cổ cho hát cải lương. Tóm lại, bằng tâm hồn nghệ sĩ thanh cao, bằng tim bằng óc bằng tài nghệ, bằng trách nhiệm nghệ thuật cao, các nghệ nhân tiền bối và thế hệ tiếp theo, đã khai hoa nở nhụy bản Dạ Cổ Hoài Lang, rồi chắt chiu nâng niu phát huy sáng tạo, phát triển thành bản Vọng Cổ nhịp 32, cống hiến cho đời bản nhạc dân tộc hết sức độc đáo có giá trị nghệ thuật vượt thời gian.

Trích vọng cổ

Bài 2: Thưa quý vị! Trong kho tàng nhạc cụ dân tộc đồ sộ của người Việt Nam, có một loại nhạc cụ mà âm thanh của nó phát ra nghe réo rắc như tiếng nước róc rách trong khe suối trong. Một thứ âm thanh trong trẻo, vui tươi và mang đến cho người nghe một sự yên bình và niềm hân hoan hiếm có. Đó chính là đàn T’rưng. T’rưng trong tiếng của người Băhnar có nghĩa là đàn lồ ô, tức là tre. Hiển nhiên tre là vật liệu chính tạo nên đàn T’rưng. Đàn T’rưng có cấu tạo khá đơn giản, mộc mạc như chính con người núi rừng Tây Nguyên. Được ghép từ những ống tre dài ngắn khác nhau, ống dài nhất khoảng 1,5m và ngắn nhất khoảng 30cm. Đàn T’rưng của người Băhnar gồm từ 12 đến 18 ống chứ không ngắn như đàn T’rưng của người Ê- đê, Mnông chỉ có từ 5-7 ống.

Trích hòa tấu tơ rưng

Khác với cấu tạo, quá trình chế tác đàn tơ rưng phải trải qua rất nhiều công đoạn thủ công và mất một thời gian khá dài để hoàn thành, thường từ 2 đến 3 tháng. Đầu tiên, phải tìm những ống tre không quá già, cứng cáp, khoét rỗng thân tre rồi ngâm dưới nước gần 1 tháng. Sau đó vớt lên phơi 5 đến 7 con nắng, rồi lại ngâm tiếp cũng với thời gian như vậy, điều này giúp cho ống tre vừa dẻo dai, không nứt nẻ, cũng không bị mối mọt. Cao độ của các note nhạc do đàn T’rưng tạo ra không chỉ phụ thuộc vào độ dài ngắn, dày mỏng của các ông tre, mà còn phụ thuộc vào cách đẹo gọt từng ống tre. Một đầu của ống tre được vót bằng (tất cả xếp cùng một phía) và một đầu còn lại được vót xéo theo các độ nghiêng khác nhau. Và đây cũng là công đoạn khó khăn nhất, quyết định chất lượng của tiếng đàn, vì độ nghiêng của đường vót khác nhau tạo ra âm thanh khác nhau, nên khi vót quá tay, cho ra âm thanh không đúng như ý muốn, buộc người làm đàn phải vót lại từ đầu cho đến khi vừa ý. Công đoạn tiếp theo là quá trình bện các ống lại với nhau, các ống ngắn trên cao, ống dài xuống thấp dần. Vật liệu để buộc các ống tre với nhau là me vóc (mây rừng). khoảng cách giữa ống nọ với ống kia rộng chừng 0,5cm. Bạn Thanh Thủy – sinh viên khoa nhạc cụ truyền thống Học viện âm nhạc quốc gia chia sẻ thêm về cây đàn đặc biệt này:

PV: Thanh Thủy

Đàn Tơ rưng có cách chơi rất đơn giản, là dùng dùi gõ vào các ống tre. Cái khó là phải nhớ được cao độ các note nhạc của từng ống tre. Dùi thường dùng là dùi gỗ, sừng bò, sừng trâu nhưng theo kinh nghiệm của những nhạc công và nghệ nhân làm đàn thì sừng nai là tốt nhất vì cho ra âm thanh đúng nhất khi gõ. Các ống đàn sẽ được thay đổi vị sao cho phù hợp với ca khúc cần diễn tấu hoặc thay đổi theo thang âm từng dân tộc. Trải qua nhiều cải tiến, ngày nay đàn T’rưng đã mở rộng âm vực lên đến gần 3 quãng 8. Vì thế nên nhiều cây đàn T’rưng có thể được chơi cùng một lúc, tao ra sự hòa quyện của giai điệu chính, giai điệu bè ở những quãng khác nhau như một dàn hợp xướng.

Trích hòa tấu Tơ rưng

Như hầu hết các nhạc cụ cổ truyền khác, đàn T’rưng khi xưa được làm ra để phục vụ cho các nghi lễ, tín ngưỡng. Theo quan niệm, cứ mỗi tre trên cây đàn là có một vị thần trú ngụ, các thần sẽ giúp người xua đuổi những điều dữ. Cũng vì cái lẽ thiêng liêng đó mà ngày xưa, chỉ có đàn ông mới đươc chơi đàn T’rưng. Đàn T’rưng thường được chơi ở các không gian rộng vì theo người xưa là vì trong nhà nhỏ, tiếng đàn làm thú nuôi lẫn con người mang tâm trạng hỗn loạn, bất an và phát triển không được. Có thể nói, cũng từ tre trúc mà ra, nhưng với năng lực và cảm thức văn hóa gần gũi với thiên nhiên của người dân Tây Nguyên, nó trở thành những cung bậc thanh âm tha thiết, chở đầy cảm xúc và ước vọng của các cộng đồng người bản xứ. Và giờ đây, thanh âm ấy lại tiếp tục bay xa, đi vào lòng người muôn phương nhờ đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân yêu đời và yêu tiếng tre trúc ấy thầm thì, vẫy gọi từng ngày... Bất kể người đó ở đâu, miền ngược hay miền xuôi, là người tại chỗ, hay đến từ nơi phồn hoa đô thị, miễn là có niềm đam mê và có tấm lòng với văn hóa tre trúc trên xứ sở này.

 

PTV: Chào cuối

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 21/05/2019 07:40 Lê Vĩnh Nhiên 04/06/2019 14:24

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà