CÙNG NÔNG DÂN LÀM GIÀU 4-7
Danh mục
Cùng nông dân bàn cách làm giàu
NỘI DUNG

 

CÙNG ND LÀM GIÀU NGÀY  04-7- 2019

PTV: Chào bà con và các bạn! CM CNDBCLG tuần này mời bà con và các bạn tìm hiểu về một loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, được trồng dưới tán rừng đó là cây sa nhân tím cùng một số biện pháp kỹ thuật để trồng loại cây này hiệu quả. Phần cuối chương trình mời bà con cùng tìm hiểu mô hình trồng đậu xanh thích ứng biến đổi khí hậu tại xã Vĩnh Lâm huyện Vĩnh Linh. Còn bây giờ như thường lệ là một số thông tin nông nghiệp đáng chú ý trong tỉnh thời gian qua.

 

1. TẬP HUẤN KỸ THUẬT NUÔI TÔM HAI GIAI ĐOẠN

Nhằm nâng cao kiến thức lĩnh vực thủy sản cho đội ngũ khuyến nông cơ sở. Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật nuôi tôm hai giai đoạn” cho 30 học viên là khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông.

Tại lớp tập huấn, các học viên đã được nghe giảng viên giới thiệu và trao đổi về việc áp dụng công nghệ Biofloc vào nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn. Cách thức xây dựng và quản lý ao ương; bố trí hệ thống oxi, sục khí, nguồn điện tại ao ương; Cách dùng các chế phẩm sinh học, xử lý môi trường ao nuôi một cách bền vững; cách thiết kế hố xi- phông ở giữa ao và cách vận hành để hút bỏ chất thải, cách chọn tôm giống tốt, phương pháp chuyển tôm sang ao nuôi, cách quan sát tôm để điều chỉnh thức ăn; phương pháp quản lý và phòng bệnh tổng hợp. Từ đó áp dụng những kiến thức đã được tập huấn vào thực tiễn sản xuất, hướng dẫn giúp người dân nuôi tôm áp dụng phát triển nuôi, hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là hội chứng chết sớm trên tôm, rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao mật độ, năng suất, sản lượng, giảm thiểu rủi ro và chi phí.

Thông qua lớp tập huấn, các học viên có thể nghiên cứu và áp dụng quy trình nuôi tôm hai giai đoạn, tuyên truyền đến bà con biết được phương thức sản xuất mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm, sử dụng chế phẩm sinh học theo công nghệ Biofloc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành liên kết chuỗi giá trị và đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Mở ra hướng đi mới trong nuôi tôm, góp phần đưa hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phát triển theo hướng bền vững.

2. SẢN LƯỢNG KHAI THÁC THỦY SẢN TOÀN TỈNH 6 THÁNG ĐẦU NĂM ƯỚC ĐẠT TRÊN 13.000 TẤN

Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh, từ đầu năm đến nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực bám biển đánh bắt thủy hải sản, nhất là ở các vùng biển xa. Sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt trên 13.016 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ và đạt 54 % kế hoạch năm nay.

Sáu tháng đầu năm 2019, tình hình thời tiết cơ bản thuận lợi cho việc khai thác thủy sản; Tàu thuyền tham gia khai thác trên các vùng biển xa tăng với các nghề như lưới rê, lưới vây, nghề câu và lưới chụp; Nguồn lợi thủy sản xuất hiện nhiều, nhất là cá Thu, cá Ngừ, cá Nục và cá Cơm… Bên cạnh đó các tàu hành nghề lưới Rê khai thác cá Khoai, mực Nang… gần bờ cũng đạt hiệu quả rất cao.

Sản lượng khai thác thủy sản tăng, bên cạnh yếu tố thời tiết còn nhờ công tác quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao, đặc biệt là tiếp tục thực hiện tốt chính sách phát triển thủy sản theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg và Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ nên bà con ngư dân đã mạnh dạn tiếp tục đầu tư đóng mới, cải hoán nâng cấp, mua sắm trang thiết bị, ngư lưới cụ.

Trong thời gian tới Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển đội tàu theo hướng khai thác xa bờ, từng bước giảm khối tàu dưới 30CV; Tăng cường phát triển mô hình tổ, đội hợp tác sản xuất trên biển, tạo sự liên kết, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc.     

 

Hướng đi mới từ trồng sa nhân tím dưới tán rừng

Thưa bà con và các bạn! Những năm gần đây, Trạm Khuyến nông huyện Hướng Hóa đã triển khai xây dựng mô hình trồng cây sa nhân tím làm dược liệu dưới tán rừng với diện tích 5,8 ha tại xã Tân Hợp. Sau một thời gian triển khai, tỉ lệ cây sống của cây đạt 98%; cây sinh trưởng và phát triển tốt, chiều cao bình quân  cây 30 -50 cm, mỗi cây cho từ 8 đến 10 lá. Xin giới thiệu đến bà con loại cây trồng mới nhưng cho hiêu quả kinh tế cao này.

Cây sa nhân tím sau khi trồng 3 - 4 năm, cây bắt đầu cho quả và có thể thu hoạch từ 5 - 6 năm, sa nhân tím cho thu hoạch từ 150 – 250 kg quả khô/ha/năm, với giá bán hiện nay khoảng 100.000 – 150.000đ/kg, thì mỗi năm thu nhập từ 15 - 30 triệu đồng/ha.

 

Sa nhân thuộc loại cây thảo cao 2-2,5m. Theo y học cổ truyền, sa nhân có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng hành khí, hóa thấp, kiện tỳ, kháng khuẩn, kích thích tiêu hóa, ôn trung chỉ tả; thường dùng chữa chứng ăn không tiêu, đau bụng, đầy trướng, tiêu chảy, nôn mửa, an thai...Anh Tạ Hùng Vỹ - người trồng sa nhân tím ở thôn Tân Xuyên, Tân Hợp Hướng Hóa cho biết thêm:

PV: Vỹ

Việc triển khai mô hình giúp chúng tôi xác định được tán rừng phù hợp để cây sa nhân sinh trưởng phát triển tốt, từ đó sẽ có những khuyến cáo cho bà con bố trí cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa. Qua đó, sẽ giúp cho ngành khuyến nông phát triển dư địa rừng phòng hộ và giao cho các hộ dân, xác định cây trồng mới dưới tán, từ đó giúp người dân tăng thu nhập thông qua công tác quản lý bảo vệ rừng”. Phó Giám Đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phan Ngọc Đồng cho biết thêm:

PV: Đồng

 

Thông qua mô hình trồng cây Sa nhân tím dưới tán rừng sẽ từng bước giúp nông dân thay đổi cách nghĩ và cách làm, biết tận dụng mọi tiềm năng về đất đai dưới tán rừng, tạo được độ che phủ mặt đất dưới tán rừng. Góp phần hạn chế tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, ổn định nguồn nước ngầm, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên rừng.

Nhạc cắt

Kỹ thuật trồng sa nhân tím

Thưa bà con! Sa nhân tím thuộc họ gừng, là một trong những cây thuốc quý rất cần thiết cho dược liệu trong nước và xuất khẩu. Quả Sa Nhân tím ngoài tác dụng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh về đường ruột, còn dùng để chiết tinh dầu làm hương liệu thực phẩm, nước hoa, dầu gội, gia vị...Là loại cây có giá trị kinh tế cao, đặc biệt không chỉ giúp nâng cao đời sống cho người dân sống ven rừng mà việc trồng sa nhân tím dưới tán rừng còn giải quyết tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật đa dạng phong phú, góp phần bảo vệ và phát triển rừng, hạn chế xói mòn, ngăn chặn và hạn chế lũ lụt nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống. Cây sa nhân tím không tranh chấp đất với một số loại cây trồng khác mà chỉ tận dụng  đất dưới tán rừng để tăng nguồn thu nhập trên một đơn vị diện tích. Tại một số địa phương trên địa bàn huyện Hướng Hóa của tỉnh ta như thôn Pin xã Hướng Sơn; thôn Của xã Hướng Tân…, bà con đã tự gây trồng và thu hái cây sa nhân tím, tuy nhiên do chưa nắm bắt các biện pháp kỹ thuật về giống, chăm sóc, thu hái... nên sản lượng và chất lượng đem lại chưa cao. Để giúp bà con nông dân trồng cây Sa nhân tím đạt hiệu quả cao, xin giới thiệu một số biện pháp kỹ thuật cơ bản như sau:

1. Giống, tiêu chuẩn cây con.

- Nguồn gốc tạo cây con: Cây con được tạo từ việc giâm hom từ cây mẹ đã được tuyển chọn từ rừng giống và vườn giống.

- Tiêu chuẩn cây con đem trồng:

Trồng bằng cây con được dâm trong bầu với thời gian từ 4 – 6 tháng, cây cao 30-35cm, có 5 – 7 lá, không bị sâu bệnh. Bầu cây giống phải được đảo bầu trước khi đem trồng 10-15 ngày, cắt bớt lá và rễ mọc ra ngoài bầu.

2. Kỹ thuật trồng sa nhân tím dưới tán rừng tự nhiên.

- Thời vụ trồng:  từ tháng 7 – 9 (áp dụng tại huyện Hướng Hóa) khi đất đủ ẩm; nên chọn những ngày râm mát hoặc có mưa nhẹ để trồng.

- Phương thức trồng: Cây Sa nhân tím cần được trồng dưới tán rừng tự nhiên, với phương thức trồng xen với cây trồng chính như Sau sau, Dẻ gai, Trâm nhỏ, Trám, Trường...để tận dụng được độ che tán của cây trồng chính, giúp cây phát triển.

- Phát dọn thực bì: Thực bì được xử lý bằng thủ công, phát tất cả cây cỏ, cây bụi, những cây tái sinh không mục đích có đường kính gốc < 6 cm, chiều cao gốc chặt < 10 cm. Tiến hành băm nhỏ thực bì dọn sạch theo băng. Chừa lại những cây gỗ, cây tái sinh có mục đích, phát tỉa cành nhánh đảm bảo độ tàn che từ 0,5 đến 0,6. Xử lý thực bì trong mùa khô        - Mật độ trồng: 2.000 cây/ ha (2,5x2m) Bố trí hàng theo đường đồng mức và hố cuốc theo hình nanh sấu.

- Đào, lấp hố: Đào hố có kích thước 30 x 30 x 30 cm, bón lót phân vi sinh Quế lâm  0,3 kg/cây (hoặc phân chuồng hoai 5 kg/cây). Đào, bón lót, đảo trộn phân và lấp hố trước khi trồng 1 tháng.

- Kỹ thuật trồng:

+ Đào ở chính tâm hố một lỗ sâu hơn chiều cao bầu .

+ Xé vỏ bầu theo đường nối dọc túi bầu, đặt bầu vào giữa hố giữ cho cây thẳng đứng, lấp đất và dậm chặt đất quanh, vun thêm đất mặt vào xung quanh  gốc cao hơn cổ rễ 2-3 cm.

- Chăm sóc, quản lý bảo vệ

+  Chăm sóc năm thứ nhất: Làm cỏ, xới xáo quanh gốc cây trồng trong phạm vi đường kính 0,6m, cắt gỡ dây leo quấn quanh cây, tránh làm tổn thương đến cây. Kiểm tra nếu có cây chết, phải tiến hành trồng dặm lại. Thời gian thực hiện trước 30/9.

+ Chăm sóc năm thứ hai, năm thứ ba:

Lần 1: Phát thực bì trên toàn bộ diện tích, chiều cao gốc phát < 10cm, cắt dây leo quấn quanh cây trồng. Thời gian thực hiện trước 30/3.

Lần 2: Phát thực bì trên toàn bộ diện tích, chiều cao gốc phát < 10cm. Làm cỏ xới đất quanh gốc cây trồng sâu 7-10cm, trong phạm vi đường kính 0,6 m, cắt gỡ dây leo quấn quanh cây trồng.

Bón phân: Nên dùng loại phân bón NPK 10:12:5, liều lượng bón 200g/gốc. Cách bón: đào rãnh phía trên dốc hình vòng cung rộng 10cm, sâu 10-15cm, dài 30cm, cách xa gốc 25-30 cm, rắc phân vào sau đó lấp kín đất.

Thời gian thực hiện từ tháng  8 đến trước 30/9.

+  Quản lý bảo vệ cây trồng:  Thường xuyên kiểm tra, phòng chống cháy rừng, phòng chống sâu bệnh hại cây trồng; Ngăn chặn các tác động tiêu cực của con người và gia súc đến cây trồng.

3- Thu hoạch, bảo quản: Thu hoạch bằng cách dùng kéo cắt sát chùm quả hoặc dùng tay bẻ quả để lại cuống quả để tạo ra nhiều hoa đợt mới; phơi khô cho vào bao tải để nơi thoáng mát, khô ráo. Thời gian bảo quản có thể kéo dài đến một năm../.

Chúc bà con thành công với mô hình trồng cây sa nhân tím.

Nhạc cắt

Mô hình trồng đậu xanh thích ứng biến đổi khí hậu

PTV: Nhằm giúp bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo hướng sản xuất bền vững, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Vụ  hè thu 2019, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) nhân rộng trên cây đậu xanh tại xã Vĩnh Lâm – huyện Vĩnh Linh. Mời bà con và các bạn cùng tìm hiểu về mô hình này.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng thiếu nước tưới đang ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Việc chuyễn đổi sản xuất trên chân đất không chủ động nước tưới, năng suất thấp bằng các giống cây trồng phù hợp là hết sức cần thiết. Mô hình trồng đậu xanh thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai tại thôn Duy Viên xã Vĩnh Lâm huyện Vĩnh Linh, trên diện tích 5 ha, với giống đậu xanh tằm. Bằng phương pháp tập huấn tại hiện trường, cán bộ kỹ thuật đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trong suốt quá trình thực hiện mô hình. Sau hơn một tháng triển khai, hiện nay đậu xanh sinh trưởng, phát triển tốt, có 3 đến 4 cặp lá. Một số diện tích đã ra hoa, hình thành quả.

p/v: anh Trần Trọng Nghĩa –Cộng tác viên Khuyến nông xã Triệu Thượng, Triệu Phong

“qua tham quan mô hình…. để nhân rộng mô hình này”

Thực hiện việc chuyển đổi tái cơ cấu cây trồng vật nuôi, vụ Hè Thu và Thu Đông 2019 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với diện tích chuyển đổi hơn 600 ha đất lúa thiếu nước sang các hình thức sản xuất và cây trồng khác. Được biết vì điều kiện nguồn nước tưới, trước đây hàng năm trong vụ hè thu, trên các diện tích này đều bỏ hoang. Việc chuyển những diện tích đất không chủ động nước tưới sang cây trồng cạn có giá trị kinh tế có thể nói là giải pháp hợp lý, tránh tình trạng bỏ phí đất sản xuất hoặc canh tác kém hiệu quả.

p/v: ông Lê Chí Công – Trưởng trạm Khuyến nông Vĩnh Linh

Mô hình trồng đậu xanh thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai ngoài việc giúp nông dân nắm vững quy trình kỹ thuật chuyển đổi sản xuất trên chân đất thiếu nước bằng các cây trồng cạn, đây còn là giải pháp quan trọng để ứng phó với tình hình hạn hán, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Giúp người dân chủ động và an toàn trong sản xuất, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong điều kiện thiếu nước tưới. 

Chào cuối


File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 02/07/2019 07:43 Nguyễn Thị Thái Hiền 02/07/2019 07:43
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà