Chương trình sức khỏe và đời sống
Danh mục
Sức khỏe và đời sống
NỘI DUNG
Lời dẫn : Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi được gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình sức khỏe đời sống của Đài PTTH Quảng Trị. Chương trình đang được phát trên tần số 92,5Mhz trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Thưa quý vị và các bạn! Đau dạ dày là tình trạng rất phổ biến ở nước ta, bệnh ẩn chứa nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc phát hiện đúng triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi sẽ đề cập đến căn bệnh đau dạ dày mà mỗi người trong chúng ta dễ mắc phải, nguyên nhân là gì, triệu chứng như thế nào, sự nguy hiểm của bệnh đau dạ dày và cách điều trị, phòng tránh. Mời quý vị và các bạn lắng nghe.

Chương trình sức khỏe và đời sống

Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi được gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình sức khỏe đời sống của Đài PTTH Quảng Trị. Chương trình đang được phát trên tần số 92,5Mhz trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

Thưa quý vị và các bạn! Đau dạ dày là tình trạng rất phổ biến ở nước ta, bệnh ẩn chứa nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc phát hiện đúng triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi sẽ đề cập đến căn bệnh đau dạ dày mà mỗi người trong chúng ta dễ mắc phải, nguyên nhân là gì, triệu chứng như thế nào, sự nguy hiểm của bệnh đau dạ dày và cách điều trị, phòng tránh. Mời quý vị và các bạn lắng nghe.

Bài 1: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh đau dạ dày

Bệnh đau dạ dày hay còn gọi là bệnh đau bao tử là hiện tượng dạ dày bị tổn thương chủ yếu do viêm loét dạ dày gây ra. Khiến người bệnh phải đối mặt với những cơn đau âm ỉ vô cùng khó chịu nhất là lúc bạn ăn quá no hoặc quá đói. Bệnh đau dạ dày thường gặp phải ở những người thức đêm thường xuyên, sử dụng nhiều rượu bia. Bài viết sau sẽ giới thiệu đến quý vị và các bạn nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết đau dạ dày của CTV Nguyên Hương, mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Triệu chứng đau thượng vị là dấu hiệu đầu tiên cho có thể bị đau dạ dày. Đây được xem là dấu hiệu cơ bản nhất của bệnh đau dạ dày và thường gặp ở hầu hết các bệnh nhân bị bệnh dạ dày. Biểu hiện của nó là người bệnh cảm thấy đau ở vùng thượng vị hoặc có thể đau ở vùng dưới hoặc cách xa khu vực mũi ức. Tùy từng người sẽ có cảm giác đau khác nhau như đau ẩm ỉ, tức bụng, nóng rát rất khó chịu…không phải cảm giác đau quàn quại và chỉ xuất hiện cơn đau khi ăn quá no hoặc lúc quá đói. Bệnh kém ăn là do hệ tiêu hóa không ổn định dẫn đến ăn không tiêu, tức bụng, bị kém ăn, ăn không ngon. Đây là 1 trong những triệu chứng của bệnh đau dạ dày có thể dễ nhận biết.  Do sự vận động không ngừng của dạ dày bị rối loạn khiến thức ăn khó tiêu dẫn đến len men và sinh ra ợ hơi.

Người bệnh có thể ợ chua, ợ hơi nửa chừng kèm theo hiện tượng đau sau mũi, ức hoặc sau xương ức. Đây là dấu hiệu để nhận biết được bệnh đau dạ dày. Thường xuyên buồn non và nôn cũng là biểu hiện có nguy cơ bị bệnh đau dạ dày rất cao do khi nôn khiến thức ăn trong dạ dày trào ngược và đẩy ra bên ngoài qua miệng dẫn đến: rách thực quản, rách niêm mạc thực quản khu vực tâm vị khiến chảy máu. Nôn nhiều còn khiến cơ thể bị mất nước, tụt huyết áp. Những triệu chứng này là biểu hiện của các bệnh về dạ dày như bệnh viêm dạ dày cấp, viêm loét dạ dày hành tá tràng, bệnh ung thư dạ dày, hẹp môn vị và chảy máu dạ dày. Hiện tượng chảy máu tiêu hóa là hiện tượng chảy máu dạ dày, với hiện tượng này máu thoát khỏi thành mạch và chảy vào các ống tiêu hóa. Hiện tượng này vô cùng nguy hiểm, có thể gây chết người trong thời gian ngắn (vài giờ hoặc chỉ vài phút). Nếu gặp hiện tượng này cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay để điều trị. Ông Lê Văn Thành, ở thị xã Quảng Trị bị đau dạ dày gần 1 năm nay. Tuy căn bệnh dạ dày của ông đang ở giai đoạn nhẹ nhưng đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, giảm sút cân nặng, mệt mỏi, hiệu quả công việc bị giảm sút. Ông Lê Văn Thành cho biết:

Trích băng:

Theo các thống kê y học của nhóm các chuyên gia về bệnh đau dạ dày khi nghiên cứu khảo sát tại các bệnh viên cho thấy người cao tuổi, người hút thuốc lá, thường xuyên thức đêm, sử dụng bia rượu dễ bị mắc bệnh đau dạ dày hơn người trẻ, người không hút thuốc lá, ít bia rượu hay không thức đêm. Đặc biệt trong số những bệnh nhân bị đau dày dày có đến 80% người bệnh là do vi khuẩn Helicobacter Pylori và có khoảng 25% người đã bị nhiễm khuẩn này nhưng vẫn chưa bị viêm loét dạ dày cho đến khi gặp các tác nhân có lợi như hút thuốc lá, cafe nhiều thì mới bị do các vi khuẩn này gặp được môi trường thuận lợi nên sinh trưởng và phát triển nhanh hơn khiến người bệnh bị đau dạ dày (viêm loét dạ dày).

Nguyên nhân tiếp theo khiến bị đau dạ dày là do lạm dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau, trị đau nhức khớp thường xuyên. Hầu hết các loại thuốc này khiến chất bảo vệ dạ dày là prostagladine bị giảm khiến dạ dày dễ bị viêm loét. Theo một số nghiên cứu thống kê cho thấy có đến 15% người bệnh dùng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm liên tục trên 3 tháng sẽ bị viêm loét dạ dày. 50-80% số người đã nhập viện đã và đang sử dụng các loại thuốc này. Ngoài ra các nghiên cứu còn chỉ ra rằng nếu dùng liên tục trên 1 năm các loại thuốc giảm đau, kháng viêm còn có thể gây xuất huyết dạ dày. Bác sĩ Bùi Minh Nhật, Phòng Nội soi tiêu hóa- Khoa Nội tổng hợp- Bệnh viện Đa khoa Khu vực Triệu Hải cho biết:

Trích băng:

Đau dạ dày là tình trạng tổn thương niêm mạc dạ dày với những biểu hiện rõ ràng và dễ chuẩn đoán như : ợ chua, đau cả khi đói lẫn no… Tuy nhiên người bệnh thường có xu hướng bỏ mặc, để đến khi xuất hiện các biến chứng nguy hiểm mới điều trị thì đã muộn. Đau dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm./.

Nhạc cắt

Bài 2: Tác hại và cách điều trị bệnh đau dạ dày

Viêm loét dạ dày là bệnh khá phổ biến hiện nay và thường có những biểu hiện tương tự với các bệnh tiêu hóa khác. Do đó, nhiều người còn chủ quan mà không biết rằng, viêm loét dạ dày ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là bệnh dễ tái phát khiến cho việc điều trị càng khó khăn. Bài viết của CTV Nguyên Hương, mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Ăn uống không điều độ, lười vận động hay việc sử dụng thường xuyên các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia góp phần không nhỏ khiến cho bệnh viêm loét dạ dày ngày càng nặng. Bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng nếu không được điều trị ngay sẽ trở thành mạn tính và khó có thể khỏi dứt điểm.

 Viêm loét dạ dày kéo dài không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như:

Hẹp môn vị: Biểu hiện đau bụng và nôn ói rất dữ dội, đặc biệt bệnh nhân ói ra thức ăn của ngày hôm trước, có mùi hôi thối. Khi bệnh tiến triển nặng lên, đau thượng vị nhiều hơn, có khi đau lâm râm nhưng có khi đau dữ dội do ứ đọng thức ăn và dịch vị dạ dày. Đây là dạng mô viêm xơ phát triển trên ổ loét ở môn vị-tá tràng, gây hẹp lòng ruột ngay dưới dạ dày, làm cho thức ăn khó có thể đi qua đường tiêu hóa.

Thủng dạ dày-tá tràng: dấu hiệu của thủng là hiện tượng đau bụng dữ dội đột ngột.

Xuất huyết tiêu hóa trên: Chảy máu ở vết viêm loét có thể dẫn đến tình trạng mất máu nhiều máu, nguy hiểm đến tính mạng. Dấu hiệu của một vết loét chảy máu bao gồm các triệu chứng như chóng mặt, choáng váng, nôn ra máu đỏ hay phân có màu đen.

Xuất huyết dạ dày: Là tình trạng dạ dày bị chảy máu do các vết viêm loét làm tổn thương, khi bị chảy máu phân thường đen như nhựa đường hoặc như bột cà phê, có mùi hôi thối như mùi phân hủy của xác động vật.

Thủng dạ dày: Nhiều bệnh nhân bị viêm loét dạ dày nhưng không xuất hiện các triệu chứng như đau bụng hoặc triệu chứng đau rất mơ hồ. Những trường hợp đột nhiên bị thủng dạ dày mà không được cấp cứu kịp thời thì dễ dẫn tới viêm phúc mạc và rất dễ tử vong.

Ung thư dạ dày: Rất nhiều người bị viêm loét dạ dày sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao biến chứng thành ung thư, đặc biệt là những trường hợp viêm, loét bờ cong nhỏ, môn vị và viêm loét hang vị.

Các biến chứng kể trên đều rất nghiêm trọng và có thể cần phẫu thuật.

Bác sĩ Bùi Minh Nhật, Phòng Nội soi tiêu hóa- Khoa Nội tổng hợp- Bệnh viện Đa khoa Khu vực Triệu Hải cho biết:

Trích băng:

Một số cách lựa chọn lối sống và thói quen sẽ có thể làm giảm nguy cơ phát triển của bệnh lý viêm loét dạ dày-tá tràng như không uống nhiều hơn hai ly những loại đồ uống có cồn mỗi ngày. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước tránh nguy cơ nhiễm trùng. Ăn các loại thực phẩm đã được nấu chín một cách hoàn toàn. Duy trì và thực hiện một lối sống lành mạnh bằng việc bỏ hút thuốc lá và sử dụng một chế độ ăn uống bổ dưỡng và cân bằng giàu trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp cho chúng ta ngăn ngừa bệnh loét dạ dày-tá tràng và cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe của chính mình. Tránh căng thẳng thần kinh và sử dụng thường xuyên các thảo dược có tác dụng ức chế vi khuẩn HP, thảo dược hỗ trợ bao vết loét để bảo vệ niêm mạc dạ dày tránh bị tổn thương, ngăn ngừa nguy cơ ung bướu.

Khi thấy có các dấu hiệu của đau dạ dày, cần đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và xác định được tình trạng bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh. Dựa vào các chẩn đoán, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị bệnh viêm loét dạ dày, không được tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày nào khi không được sự cho phép của các bác sĩ. Sau khi đã uống hết thuốc theo đơn của bác sĩ, bệnh viêm loét dạ dày sẽ có các chuyển biến khác nhau tùy theo chế độ sinh hoạt cũng như cơ địa và tình trạng bệnh của các bệnh nhân. Vì vậy, để có thể kiểm soát được tình trạng bệnh và xác định đúng phương pháp điều trị bệnh viêm loét dạ dày, bệnh nhân cần phải tuân theo lịch tái khám bác sĩ yêu cầu. Bác sĩ Bùi Minh Nhật, Phòng Nội soi tiêu hóa- Khoa Nội tổng hợp- Bệnh viện Đa khoa Khu vực Triệu Hải cho biết:

Trích băng:

Đau dạ dày không phải là bệnh nan y, nhưng đây là bộ phận lưu trữ và tiêu hóa thức ăn nên luôn phải hoạt động liên tục trong môi trường ẩm ướt. Do vậy các vết viêm nhiễm thường khó lành. Tuy nhiên bệnh hoàn toàn có khả năng hồi phục khi được chữa trị sớm, đúng phương pháp và kiên trì./.

Nhạc cắt

Bài 3: Tràn dịch màng phổi và cách điều trị

Thưa quý vị và các bạn! Tràn dịch màng phổi là một hiện tượng xuất hiện dịch trong khoang màng phổi, phần khoang trống giữa thành ngực và phổi, nhiều hơn mức sinh lý bình thường gây nên những biến đổi trên cơ thể người bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Làm gì để nhận biết mình bị tràn dịch màng phổi chúng tôi sẽ chuyển đến quý vị và các bạn trong phần cuối chương trình hôm nay qua bài viết của PV Nguyên Bảo, mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Trước hết chúng ta nên hiểu tràn dịch màng phổi không phải là một bệnh mà một hội chứng gây ra bởi nhiều bệnh khác nhau. Tại Viêt Nam hàng năm có khoảng 1000 trường hợp mới được chẩn đoán tràn dịch màng phổi.  Tùy mức độ và nguyên nhân lành tính hay ác tính mà có thể gây ra nhiều biến chứng thậm chí tử vong.

Đối với loại bệnh này thì một số nguyên nhân hay gặp là: lao màng phổi (chiếm 40% các nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi) sốt nhẹ về chiều, ho ra máu, gầy sút cân, dịch màng phổi thường có màu vàng chanh, xét nghiệm dịch màng phổi có thể tìm thấy vi khuẩn lao. Hoặc viêm phổi màng phổi: sốt cao, đau ngực, ho có đờm, Xquang phổi có thể thấy hình ảnh viêm phổi, dịch có thể có mủ, cấy dịch màng phổi có thể tìm thấy vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó, ung thư cũng là một tác nhân gây tràn dịch màng phổi, thường gặp ở người cao tuổi, có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào, thường xuyên tiếp xúc với khói bụi trong nhiều năm. Dịch có thể màu đỏ, màu vàng chanh, tái phát nhanh sau hút dịch, gầy sút cân, toàn thân suy sụp nhanh. Có thể tìm thấy tế bào ung thư trong dịch màng phổi. Hoặc một số bệnh khác như suy tim, xơ gan, cổ trướng, hội chứng thận hư. Bác sĩ Trương Thị Hằng, bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị cho biết:

Trích băng: 

Tuy vậy, chúng ta có thể phòng ngừa bệnh tràn dịch màng phổi bằng nhiều cách. Trong đó, cần đặc biệt chú ý cải thiện môi trường sống, môi trường làm việc, ăn chín, uống sôi, không ăn các thực phẩm sống như gỏi cá, tiết canh, nem chua, ăn sống. Khi tiếp xúc với người bị bệnh lao cần cách ly hoặc dùng thuốc dự phòng. Vệ sinh miệng họng hàng ngày, điều trị triệt để viêm nhiễm đường hô hấp trên phòng tránh viêm nhiễm ở phổi. Và tuyệt đối không hút thuốc lá. Tràn dịch màng phổi có thể phát hiện qua thăm khám lâm sàng. Hoặc khi chụp Xquang ngực thấy hình ảnh tràn dịch là tù góc sườn hoành trong trường hợp tràn dịch ít, tràn dịch mức độ trung bình là hình ảnh đám mờ đồng nhất ở 1/3 dưới phế trường, mờ đều 1/2 phế trường đẩy tim sang bên đối diện nếu tràn dịch nhiều. Khi bị tràn dịch màng phổi, cần phải được phát hiện sớm và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế. Bác sĩ Trương Thị Hằng, bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh phổi chia sẻ thêm:

Trích băng:

Như vậy tràn dịch màng phổi là một bệnh lý do nhiều nguyên nhân từ các bệnh khác. Khi có các triệu chứng như đã nêu ở trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Cùng với các phương pháp điều trị tại bệnh viện thì có thể phục hồi chức năng hô hấp bằng tập thở, thổi bóng, tập các động tác giãn nở lồng ngực trong thời gian dài. 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Bảo 04/07/2019 08:24 Nguyễn Thị Bảo 04/07/2019 08:24
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà