Chương trình sức khỏe và đời sống 4 8 2019
Danh mục
Sức khỏe và đời sống
NỘI DUNG
Lời dẫn : Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi được gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình sức khỏe đời sống của Đài PTTH Quảng Trị. Chương trình đang được phát trên tần số 92,5Mhz trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Thưa quý vị và các bạn! Bệnh thoát vị đĩa đệm ngày nay trở thành căn bệnh phổ biến, những người độ tuổi trung niên, lao động nặng, ngồi nhiều, thừa cân là những đối tượng mắc bệnh cao nhất. Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và khả năng vận động của con người. Trong chương trình sức khỏe đời sống hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa thoát vị đĩa đệm. Phần cuối chương trình mời quý vị và các bạn tìm hiểu Những điều cần biết về suy dinh dưỡng ở trẻ.

Chương trình sức khỏe và đời sống 4 8 2019

Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi được gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình sức khỏe đời sống của Đài PTTH Quảng Trị. Chương trình đang được phát trên tần số 92,5Mhz trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

Thưa quý vị và các bạn! Bệnh thoát vị đĩa đệm ngày nay trở thành căn bệnh phổ biến, những người độ tuổi trung niên, lao động nặng, ngồi nhiều, thừa cân là những đối tượng mắc bệnh cao nhất. Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và khả năng vận động của con người. Trong chương trình sức khỏe đời sống hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa thoát vị đĩa đệm. Phần cuối chương trình mời quý vị và các bạn tìm hiểu Những điều cần biết về suy dinh dưỡng ở trẻ.

Nhạc cắt

Bệnh thoát vị đĩa đệm

Bệnh thoát vị đĩa đệm là hiện tượng bao xơ bên ngoài đĩa đệm thoái hóa hoặc chịu tác động tiêu cực dẫn đến bị rách khiến khối nhân nhầy theo vết nứt của vòng sợi thoát ra khỏi vị trí bình thường, chèn ép ống sống, rễ thần kinh gây đau đớn. Bài viết của CTV Nguyên Hương, mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Một đĩa đệm bị thoát vị khi các đốt sống xếp chồng lên đĩa đệm đó bị tổn thương. Đôi khi thoát vị đĩa đệm còn được gọi là trượt đĩa đệm hoặc vỡ đĩa đệm. Bệnh thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở một hoặc một vài đĩa đệm cùng lúc trên cột sống lưng hoặc cổ. Đĩa đệm là một bộ phận nằm giữa các đốt sống, nó thể co giãn để giúp các đốt xương hoạt động mà không bị cọ xát vào nhau. Cấu tạo của đĩa đệm gồm 2 phần là vỏ bao xơ và nhân nhầy bên trong. Bao xơ là một lớp vỏ cứng nằm ở phía ngoài tiếp xúc trực tiếp với 2 thành trên dưới của 2 đốt sống mà nó bảo vệ. Nhân nhầy nằm bên trong bao xơ, có dạng lỏng giúp đĩa đệm có thể co giãn được. Thoát vị đĩa đệm diễn ra theo 4 giai đoạn: Phình đĩa đệm, lồi đĩa đệm, thoát vị thực sự và thoát vị có mảnh rời. Nếu không phát hiện và có phương pháp chữa trị kịp thời bệnh sẽ gây nhiều biến chứng đáng sợ. Nhẹ thì đau buốt, tê nhức, khó cử động, hạn chế khả năng sinh hoạt. Nặng hơn có thể gây teo cơ, rối loạn hành vi các chi, thậm chí là tàn phế vĩnh viễn. Bà Vũ Thị Quy, ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông đang điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm lưng tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết:

Trích băng:

Những biểu hiện của thoát vị đĩa đệm được thể hiện khác nhau qua từng giai đoạn bệnh. Rối loạn cảm giác xuất hiện ở giai đoạn đầu của bệnh. Các lực của tay, chân giảm sút đáng kể. Xuất hiện những cơn đau khi cúi người, khi ho hoặc hắt hơi. Người bệnh khi thực hiện các hoạt động ngồi, đứng, nằm sấp, nằm nghiêng quá lâu cũng sẽ gặp phải những cơn đau dữ dội. Có thể xảy ra rối loạn cương dương (với nam giới). Cơn đau thường giảm khi nghỉ ngơi, tăng nhanh hơn khi vận động, thỉnh thoảng sẽ xuất hiện những cảm giác tê nhức hoặc bỏng rát như bị những chiếc kim châm. Đau cánh tay hoặc chân. Nếu đĩa đệm bị thoát vị của bạn nằm ở thắt lưng, bạn thường sẽ cảm thấy đau dữ dội nhất là ở mông, đùi và bắp chân. Cảm giác đau âm ỉ xảy ra ở xung quanh vùng đĩa đệm bị thoát vị. Những cơn đau sẽ tăng cường độ khi bạn hoạt động mạnh, ho, hắt hơi, cười lớn. Vận động khó khăn hơn: triệu chứng này được biểu hiện rõ rệt khi bạn thực hiện bê vác một vật nặng tác động trực tiếp đến vùng đĩa đệm thoát vị. Mất dần cảm giác: khi cầm nắm hoặc thực hiện một việc đòi hỏi sự khéo léo thì sẽ được biểu hiện rõ. Tê bì chân, tay xảy ra trong một số trường hợp. Rối loạn đại tiện, tiểu tiện: khi nhân nhầy chèn ép vào rễ dây thần kinh thắt lưng sẽ gây ra rối loạn cơ thắt và đại tiểu tiện không tự kiểm soát được. Teo cơ xảy ra ở bắp chân hoặc bắp tay. Thoát vị đĩa đệm xảy ra trong một thời gian không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra đau thần kinh tọa. Dấu hiệu nhận biết là những cơn đau dọc từ thắt lưng xuống chân. Sụt cân, sốt, cơ thể mệt mỏi, chán ăn.  Tiến sĩ- Bác sĩ Ngô Tiến Minh, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương- Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết:

Trích băng:

Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh xương khớp phổ biến, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và đời sống của bệnh nhân. Để tránh những biến chứng nguy hiểm người bệnh cần sớm tìm hiểu các nguyên nhân và triệu chứng điển hình để áp dụng các cách chữa phù hợp, hiệu quả nhất. Tùy thuộc vào cơ địa từng người mà tình trạng bệnh lý có thể diễn biến khác nhau. Khi chúng ta nghi ngờ mình bị thoát vị đĩa đệm thông qua những biểu hiện trên hãy nên đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nhất. Đặc biệt, hãy liên hệ với bác sĩ nếu như bất ngờ xuất hiện triệu chứng đau ở lưng và cổ lan xuống cánh tay và chân kèm theo cảm giác tê cứng, ngứa ran và mệt mỏi./.

Nhạc cắt

Nguyên nhân và điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm

Hầu hết những người bị thoát vị đĩa đệm đều không cần phải mổ. Ngoài uống thuốc, bệnh nhân có thể được trị liệu bằng nhiều phương pháp khác nhau để giảm đau. Cần phải chú ý các biểu hiện của bệnh để thăm khám kịp thời, tránh biến chứng nặng nề, dẫn tới phải phẫu thuật. Bệnh thoát vị đĩa đệm ngày nay trở thành căn bệnh phổ biến, những người độ tuổi trung niên, lao động nặng, ngồi nhiều, thừa cân là những đối tượng mắc bệnh cao nhất.Nguyên nhân và cách điều trị như thế nào, mời quý vị và các bạn cùng nghe chia sẻ của CTV Nguyên Hương qua bài viết sau.

Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra do những yếu tố từ ngoại lực tác động như gặp phải tai nạn ảnh hưởng tới xương khớp. Nhưng đa phần nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này là do quá trình lão hóa của cơ thể. Sau đây là những nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cụ thể:

Do quá trình lão hóa của cơ thể con người khiến cho xương khớp yếu đi và dẫn tới tình trạng đĩa đệm bị tổn thương. Những tổn thương xảy ra do các tác động từ ngoại lực tới cột sống lưng như một tai nạn bất ngờ gây chấn thương nghiêm trọng đĩa đệm. Các tư thế hoạt động bị thực hiện sai cách khi đi, đứng, ngồi, nằm nghỉ ngơi,… Các bệnh lý tác động từ bên trong cơ thể như: viêm khớp, đau thần kinh tọa,…

Bệnh thường xảy ra ở những người trong độ tuổi 30 – 50. Trải qua thời gian, vòng sụn nằm ở bên ngoài đĩa đệm bị xơ hóa khiến cho nhân nhầy của đĩa đệm bị khô, đồng thời mất tính đàn hồi, khi đó nhân nhầy sẽ dễ dàng chui ra ngoài ống sống, gây chèn ép dây thần kinh ở vùng thắt lưng. Các bệnh lý bẩm sinh ở cột sống như gù, vẹo xương cột sống, tình trạng gai cột sống cũng như các yếu tố di truyền khác hoặc đặc điểm cột sống yếu từ bố mẹ. Tình trạng hút thuốc sẽ làm giảm nồng độ của khí oxy cũng như các chất dinh dưỡng để nuôi các mô, xương, các đốt sống. Lao động khuân vác vật nặng, người bệnh ngồi hàng giờ sai tư thế, các hoạt động tập thể dục và thể thao được thực hiện không đúng cách. Rò rỉ nhân nhầy thường là do hao mòn dần vì thực hiện các công việc chuyển động lặp đi lặp lại nhiều lần theo thời gian.

 Như vậy, thoái hóa cột sống, gai cột sống, chế độ sinh hoạt không lành mạnh, hoạt động và làm việc sai tư thế, bẩm sinh, thừa cân, béo phì là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến bị thoát vị đĩa đệm. Bác sĩ Ngô Tiến Minh, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương- Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết:

Trích băng:

Nếu cơn đau ở cổ hoặc lưng lan tới cánh tay hoặc chân, hoặc nếu xuất hiện triệu chứng đi kèm như tê bì, đau nhức, yếu cơ, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, xác định cụ thể tình trạng bệnh và có phương án điều trị phù hợp. Hầu hết các trường hợp thoát vị đĩa đệm đều không cần phải phẫu thuật. Việc tập luyện và sử dụng thuốc theo liệu trình sẽ giúp giảm các triệu chứng bệnh sau vài ngày hoặc vài tuần. Nếu tình trạng đau vẫn tiếp tục đeo bám không giảm, bạn có thể được chỉ định tập vật lý trị liệu để hạn chế tới mức tối đa ảnh hưởng của bệnh. Người bị thoát bị đĩa đệm có thể tập vật lý trị liệu hoặc áp dụng phương pháp như châm cứu, mát-xa để giảm triệu chứng đau. Trong một số ít trường hợp, khi tình trạng thoát vị đĩa đệm chèn ép toàn bộ rễ thần kinh vùng đuôi ngựa (nằm ngay bên dưới thắt lưng). Lúc này, bệnh nhân cần phải được mổ ngay để ngăn ngừa bệnh nặng thêm, gây yếu tay/chân hoặc liệt. Cần tới bệnh viện ngay nếu thấy cơ thể có các biểu hiện:

Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn: Đau, tê bì hoặc yếu cơ tới mức gây cản trở sinh hoạt hàng ngày, rối loạn chức năng ruột hoặc bàng quang, hội chứng mất cảm giác yên ngựa, tức là tình trạng mất cảm giác tiến triển, ảnh hưởng tới những khu vực có thể chạm vào vùng “yên ngựa” trên cơ thể - bắp đùi bên trong, phía sau chân và vùng quanh trực tràng. Những bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm có thể chữa khỏi bệnh được trên 90% và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Bác sĩ Ngô Tiến Minh, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương- Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị chia sẻ:

Trích băng:

Thông thường một đĩa đệm bị thoát vị tuy không thể khỏi hoàn toàn nhưng sẽ tự lành theo thời gian. Hãy kiên nhẫn và tiếp tục theo phác đồ điều trị của bác sĩ đưa ra. Nếu như các triệu chứng không thuyên giảm trong một vài tháng, các bác sĩ có thể xem xét đến giải pháp phẫu thuật./.

Nhạc cắt

Những điều cần biết về suy dinh dưỡng ở trẻ

Thưa quý vị và các bạn! Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh huởng quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của trẻ. Suy dinh dưỡng thường gặp từ giai đoạn bào thai, những năm đầu đời cũng như cả thời thơ ấu. Hiện nay, khi cuộc sống đã phát triển hơn nhưng tình trạng suy dinh dưỡng vẫn còn làm đau đầu không ít các bậc làm cha mẹ. Nguyên nhân và giải pháp điều trị suy dinh dưỡng như thế nào chúng tôi sẽ chuyển đến quý vị và các bạn trong bài viết sau của PV Nguyên Bảo. Mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Nguyên nhân có nhiều, tuy nhiên phần lớn liên quan kiến thức dinh dưỡng, thiếu sữa mẹ, cho trẻ ăn chưa đủ nhu cầu, chế độ ăn không cân đối, chưa chăm sóc tốt dinh dưỡng trong thời gian trẻ bệnh...

Suy dinh dưỡng trẻ em ảnh hưởng đến phát triển thể lực, trí lực, sức khỏe và bệnh tật của trẻ trước mắt và lâu dài. Trẻ suy dinh dưỡng thấp còi có nguy cơ thấp chiều cao ở tuổi trưởng thành. Nếu gặp những biểu hiện sau đây thì cha mẹ nên lưu ý vì trẻ có thể đang gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng: trẻ tăng cân chậm hoặc không tăng cân trong nhiều tháng liền, bé hay ốm vặt, mắc các bệnh về đường hô hấp nhiều lần khi tiết trời thay đổi, trẻ ngủ không ngon giấc, hay giật mình, quấy khóc, trẻ không đạt chuẩn chiều cao trung bình, thấp hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa, bé gặp vấn đề về tiêu hóa, thường xuyên đi ngoài và đi nhiều lần, trẻ chậm đi, chậm bò dù đã quá tuổi, d của trẻ xanh xao, môi nhợt nhạt. Nếu bé đang có những dấu hiệu trên thì giải pháp tốt nhất là mẹ nên đưa bé đển  trung tâm y tế để theo dõi rõ hơn tình trạng của bé và lắng nghe ý kiến của bác sỹ chuyên khoa để có hướng điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. Chia sẻ thêm về điều này, chị Cáp Thị Thúy Kiều, trưởng Trạm y tế xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng cho biết:

Trích băng:

Khi trẻ bị sinh duy dưỡng, chắc chắn một điều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển về trí não và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng do sức đề kháng bị hạn chế. Nhiễm trùng hô hấp, tiêu chảy... thường nặng, kéo dài. Trẻ bệnh ăn uống kém nhưng nhu cầu năng lượng gia tăng làm cho suy dinh dưỡng ngày càng trở nên nặng nề hơn, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Vậy làm gì đề phòng tránh dinh dưỡng của trẻ? Điều đầu tiên là các bà mẹ mang thai cần lưu ý, dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ có thai và cho con bú, đảm bảo trẻ sinh ra đủ tháng, cân nặng và chiều dài đạt chuẩn. Sau khi sinh cần cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh và kéo dài 18-24 tháng, nếu mẹ không đủ sữa, lựa chọn loại sữa thay thế phù hợp; tập cho trẻ ăn dặm khi được 6 tháng tuổi.Cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng (bột đường, đạm, béo, rau trái cây), không kiêng khem. Chị Cáp Thị Thúy Kiều, trưởng Trạm y tế xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng cho biết thêm:

Trích băng:

Nếu bé đang gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng, các mẹ cũng đừng quá lo lắng, cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết, tránh cho bé ăn dặm quá sớm, duy trì cho bé bú sữa mẹ càng lâu càng tốt, cho trẻ ăn đủ bữa, từ 4 đến 6 tháng cần cân đối đủ bốn nhóm thực phẩm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin khoáng chất. Bên cạnh đó cần cho trẻ vận động thường xuyên để tăng cường sức đề kháng và thể trạng, cùng một số biện pháp khác các mẹ cần lưu ý như: điều trị triệt để các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, tiêu chảy... không lạm dụng kháng sinh mà chỉ dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ, đủ liều, đủ thời gian. Chăm sóc dinh duỡng tích cực trong thời gian trẻ bệnh và phục hồi dinh dưỡng sau thời gian bệnh.Tiêm chủng đầy đủ đúng lịch. Xổ giun định kỳ mỗi 6 tháng cho trẻ trên 2 tuổi. Hy vọng rằng những thông tin mà chúng tôi vừa chuyển tải, sẽ giúp các mẹ có thêm kiến thức để chăm sóc con tốt hơn, giúp con thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng, tăng cân khỏe mạnh hơn./.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Bảo 02/08/2019 06:12 Nguyễn Thị Bảo 02/08/2019 06:12
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà