Phát thanh tạp chí dân tộc và miền núi số 21
Danh mục
Khác
NỘI DUNG

PHÁT THANH TẠP CHÍ DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI 18/7

QRTV giới thiệu: Chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị được phát sóng vào lúc 17h, ngày 18/07/2023 và được phát lại vào lúc 10h30 ngày 19/07/2023 sẽ gửi đến đồng bào và quý vị các bạn những nội dung sau:

Người Vân Kiều ở Vĩnh Ô làm du lịch cộng đồng

Chân dung những người tuổi cao gương sáng của đồng bào thiểu số Quảng Trị

Thanh niên khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Kính mời đồng bào và các bạn cùng quan tâm đón nghe.

2MC xen kẽ:

MC: Xin kính chào đồng bào và các bạn. Đồng bào và các bạn đang nghe Tạp chí dân tộc và miền núi được phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi xin chuyển đến đồng bào và các bạn những nội dung sau:

Người Vân Kiều ở Vĩnh Ô làm du lịch cộng đồng

Chân dung những người tuổi cao gương sáng của đồng bào thiểu số Quảng Trị

Thanh niên khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Sau đây là nội dung chi tiết của chương trình. Mời đồng bào và các bạn cùng đón nghe.

Nhạc cắt

(Người Vân Kiều ở Vĩnh Ô làm du lịch cộng đồng)

 

MC: Thưa đồng bào và các bạn. Những năm gần đây người Vân Kiều ở xã vùng khó Vĩnh Ô đã bắt đầu tìm tòi những mô hình kinh tế mới, những cách làm hay để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên sẵn có như suối, thác, đặc sản núi rừng... người dân ở Vĩnh Ô đã bắt đầu học hỏi để làm du lịch cộng đồng. Mặc dù chỉ mới bắt đầu thử nghiệm thế nhưng những mô hình du lịch ở đây đã bắt đầu phát huy hiệu quả, giúp người dân cải thiện thu nhập, đồng thời phá thế độc canh trong phát triển kinh tế.  Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây đã có chuyển biến tích cực. Nhiều hộ dân đã không chỉ thoát nghèo, mà đang từng ngày có tích lũy, vươn lên làm giàu.

Sau đây là một số ghi nhận của phóng viên Quách Long, mời đồng bào và các bạn cùng lắng nghe.

     Sau quá trình tìm tòi, học hỏi về cách làm du lịch cộng đồng ở các địa phương, anh Hồ Văn Thể ở thôn Thúc, xã Vĩnh Ô đã bắt tay vào thử nghiệm mô hình du lịch ngay tại chính quê hương mình. Cách trung tâm xã Vĩnh Ô khoảng 1km, dọc theo trục đường bê tông là suối Khe Thúc, nơi có dòng nước mát rượi, trong xanh chảy len lỏi qua những gốc cây, vách đá. Xuôi theo dòng chảy, suối Khe Thúc đưa nước về bản cho dân làng sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày và sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là địa điểm được anh Hồ Văn Thể lựa chọn để xây dựng điểm du lịch cộng đồng với 6 chòi nhỏ được dựng bằng tranh, tre, nứa, lá.

     Mô hình này là quá trình tìm hiểu với nhiều trăn trở của anh Hồ Văn Thể, vì ở một số địa danh ở địa phương như thác Tà Lao huyện Đakrông, suối Tà Puồng ở huyện Hướng Hóa đều đã được đầu tư khai thác, nhận thấy ở địa phương mình cũng có nhiều điều kiện, cảnh quan thiên nhiên sẵn có như ở các địa phương đó, và họ làm được, thì mình cũng làm được. Với mong muốn quảng bá cảnh đẹp quê hương và văn hóa truyền thống đến với du khách gần xa, anh  Thể đã vận động một số anh em trong thôn cùng thực hiện ý tưởng của mình.

Chị Thưởng Thị Xoan

Bản Thúc, Vĩnh Ô, Vĩnh Linh, Quảng Trị chia sẻ:

(Băng PV)

     Tại điểm du lịch cộng đồng này, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên và được thưởng thức dịch vụ ẩm thực bản địa với các món đặc sản như rau rừng, cá mát, gà nướng, hoa chuối luộc, xôi nếp, rượu cần. Mặc dù mới đi vào hoạt động từ cuối tháng 4/2023, nhưng điểm du lịch này đã thu hút khá đông lượt du khách đến khám phá. Trung bình mỗi tuần anh đón từ 4 - 6 đoàn khách, mỗi đoàn khoảng 7- 10 người. Hiện nay, trên địa bàn xã Vĩnh Ô có 3 điểm du lịch cộng đồng như thế này được xây dựng, mỗi điểm có 6 chòi đón khách, tập trung ở thôn Thúc và Bản 3.

     Tận dụng lợi thế về vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, riêng biệt trong văn hóa bản sắc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển du lịch cộng đồng được xem là một nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Dù mới hoạt động, mô hình du lịch cộng đồng tại Vĩnh Ô đã có dấu hiệu tích cực. Lượng khách đến tham quan ngày càng đông. Cách làm này cũng đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân địa phương, tạo cho người dân sự phấn khởi, giúp họ nỗ lực hơn nữa trong phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương.

     Thêm một động lực mới trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế ở xã  Vĩnh Ô đó chính là chính quyền địa phương đã nỗ lực duy trì hoạt động hiệu quả của chợ phiên Vĩnh Ô được tổ chức vào ngày 19 hàng tháng trong năm. Cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp trong tỉnh, chợ phiên là nơi bày bán các sản phẩm nông sản đặc trưng, do chính người dân xã Vĩnh Ô làm ra. Đây thực sự là cơ hội để địa phương tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sản vật của địa phương, cũng như những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc. Qua đó, kích cầu phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Việc tổ chức chợ phiên Vĩnh Ô sẽ thúc đẩy quá trình lưu thông, tiêu thụ, mua bán các sản phẩm hàng hóa do chính người dân địa phương làm ra, trở thành hoạt động thường niên hàng tháng. Đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sản vật của địa phương, những giá trị văn hóa của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển du lịch của huyện, đảm bảo tiêu chí thương mại trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Hồ Văn Đàn

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô, Vĩnh Linh, Quảng Trị cho biết:

(Băng PV)

     Mặc dù còn nhiều khó khăn do điều kiện địa lý không thuận lợi, tuy nhiên đến với Vĩnh Ô hôm nay, nhiều người sẽ cảm nhận được sự thay đổi từng ngày. Điều đặc biệt là nhận thức về việc xóa đói giảm nghèo của người dân đã có nhiều thay đổi, bà con đã nhận biết được những tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, về đặc trưng văn hóa bản địa để khai thác và phát triển du lịch. Mặc dù mới chỉ thực hiện thử nghiệm thế nhưng đã có những tín hiệu tích cực từ các điểm du lịch cộng đồng. Đây cũng là tiền đề để những người Vân Kiều ở Vĩnh Ô tiếp tục mạnh dạn đầu tư khai thác thêm vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, qua đó quảng bá đến với du khách gần xa những nét đặc trưng văn hóa vùng miền, đồng thời góp phần tăng thu nhập, giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Nhạc cắt

MC: Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát trên tần số 92,5 mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

 

(Chân dung những người tuổi cao gương sáng của đồng bào thiểu số Quảng Trị)

MC: Thưa đồng bào và các bạn! Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò quan trọng, góp phần đắc lực giúp các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, Nhà nước tổ chức thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời, thông qua họ nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân gửi tới Đảng, Nhà nước. Nói cách khác, người có uy tín là  nhịp cầu nối gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân.

Sau đây mời đồng bào và quý vị cùng lắng nghe những ghi nhận của phóng viên Quách Long.

     Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên 313.675 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng – an ninh tuyến biên giới Việt – Lào. Toàn vùng có 31 xã, thị trấn với gần 30.000 hộ, hơn 93.000 nhân khẩu chiếm tỷ lệ 14% dân số toàn tỉnh với 02 cộng đồng dân tộc chủ yếu là Bru-Vân Kiều và Pa Cô. Số lượng người có uy tín hiện có là 191 người/191 thôn, Họ chính là những Già làng, Trưởng bản, Trưởng dòng họ, Bí thư Chi bộ, cán bộ nghỉ hưu, chức sắc tôn giáo, nghệ nhân dân gian, nhân sỹ trí thức, người sản xuất giỏi đã được cộng đồng thôn bản suy tôn bình chọn, được cấp thẩm quyền công nhận là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những người có vai trò, vị thế rất lớn trong đời sống cộng đồng vùng dân tộc thiểu số.

     Đến với xã Tà Rụt huyện Đakrông, nhân dân trong vùng không một ai không biết đến ông Hồ Trọng Biên – Người có uy tín thôn A Liêng xã Tà Rụt. Là một người con của đồng bào Pa Cô, một đảng viên từng 30 năm đảm trách các chức vụ chủ chốt tại cơ sở, khi đã nghỉ hưu theo chế độ vẫn miệt mài, trách nhiệm, gương mẫu từ lời nói đến việc làm, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, phát huy nội lực và tiềm năng sẵn có để thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư trong định hướng phát triển vùng miền núi Tây Nam tỉnh Quảng Trị.

Ông Hồ Trọng Biên

Người uy tín thôn A Liêng, Tà Rụt, Đakrông, Quảng Trị chia sẻ:

(Băng PV)

(MC đọc PV: Mình thực hiện đúng các chính sách các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó lan tỏa ra đến cộng đồng, và khi vận động, tuyên truyền thì mọi người đều nghe theo và làm theo.)

     Xã Vĩnh Ô huyện Vĩnh Linh nằm giáp ranh với tỉnh Quảng Bình, lại có nhiều đường mòn, lối mở từ xã biên giới Hướng Lập huyện Hướng Hóa dẫn vào địa phương.Những năm qua, trên địa bàn nổi lên tình trạng người ngoài địa phương đến khai thác gỗ rừng trái phép. Ngoài ra, với vị trí, đường sá phức tạp nên không loại trừ khả năng những đối tượng tội phạm ma tuý đưa chất cấm vào địa bàn cất giấu, rồi vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ, khiến cho công tác kiểm soát phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn gặp nhiều khó khăn.

      Ông Hồ Minh Lý là người dân tộc Vân Kiều và được người dân trong thôn Thúc tín nhiệm bầu chọn là người có uy tín. Là một đảng viên, già làng, trưởng dòng họ ông hiểu rõ trách nhiệm của mình là phải cùng với chính quyền địa phương trong phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn. Đồng thời vun đắp, củng cố mối quan hệ đoàn kết đồng bào trong thôn. Vì thế, ông luôn dành thời gian tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước, phối hợp tốt với lực lượng công an để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con thôn, bản, nắm bắt thông tin từ lớp trẻ, nếu cháu nào có hành vi xấu ông đều gặp gỡ để khuyên răn, dạy bảo. Đặc biệt ông đã xây dựng thành công mô hình "Dòng họ không có tội phạm".

Trung tá Đỗ Anh Tuấn

Trưởng Công an xã Vĩnh Ô, Vĩnh Linh, Quảng Trị cho biết:

(Băng PV)

     Sinh sống tại Thôn Vầng – một địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa. Bà con dân bản ở đây từ bao đời sống dựa vào nương rẫy, cuộc sống quẩn quanh với đói nghèo. Với quyết tâm đẩy lùi nghèo đói, ông Ăm Neng đã mạnh dạn đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế. Năm 2018, gia đình ông mạnh dạn xây dựng mô hình vườn ao chuồng, tận dụng được lợi thế về nguồn nước, quỹ đất và các điều kiện khác. Sau 5 năm gây dựng, đến nay, mô hình kinh tế gia đình ông Ăm Neng phát triển thuận lợi, với hơn hai trăm gốc cây ăn quả; tổng đàn gia súc trên 40 con; hơn 1 hecta sắn, 2 ao cá... đem lại nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, gia đình ông nuôi con ăn học đầy đủ, xây dựng nhà ở khang trang trị giá trên 400 triệu đồng. Từ mô hình kinh tế của ông Ăm Neng, nhiều hộ trong thôn đã học tập làm theo, từng bước phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt ông cũng đi đầy trong phong trào hiến đất, góp công để thực hiện  Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Qua đó cũng đã tác tuyên truyền, vận động bà con dân bản tự nguyện hiến đất và góp hàng ngàn ngày công lao động xây dựng các công trình giao thông, công trình phúc lợi công cộng.

Ông Ăm Neng

Thôn Vầng, Ba Tầng, Hướng Hóa, Quảng Trị chia sẻ:

(Băng PV)

( MC đọc PV: Bà con đồng bào ở đây còn nhiều khó khăn, vất vả, nên bản thân tôi cố gắng giúp đỡ, hướng dẫn bà con trồng sắn, trồng chuối, trồng cà phên, nuôi dê nuôi bò để phát triển kinh tế, dần đưa kinh tế gia đình ngày càng đi lên.)

     Với hơn 187,800 km đường biên giới đất liền tiếp giáp với hai tỉnh Savannakhet và tỉnh Salavan, nước bạn Lào với 67 vị trí/73 mốc quốc giới. Quảng Trị là địa phương có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.  Dù còn tiềm ẩn những phức tạp về tình hình an ninh trật tự, nhất là khu vực giáp ranh, giáp biên nhưng khu vực miền núi Quảng Trị  đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng. Đóng góp vào thành quả chung đó có vai trò, uy tín của các già làng, trưởng bản, các vị có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

     Bí thư Chi bộ thôn Sa Trầm -  Hồ Văn Mắt ở xã Ba Nang huyện Đakrông là một trong những Người có uy tín trong lĩnh vực an ninh trật tự ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị.

     Thời gian qua, anh đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các cuộc vận động lớn của Mặt trận và phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đóng góp tích cực trong việc giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Đặc biệt trong những năm xảy ra dịch bênh Covid 19, người có uy tín Hồ Văn Mắt đã vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tích cực tham gia giải quyết những vụ việc phức tạp phát sinh từ cơ sở, hoà giải mâu thuẩn trong nhân dân;  góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc.

Hồ Văn Mắt

 Bí thư Chi bộ thôn Sa Trầm, Ba Nang, Đakrông, Quảng Trị cho biết:

(Băng PV)

(MC đọc PV: Người dân trước đây thường tụ tập uống rượu, lôi kéo gây rối làm mất an ninh trật tự, nhưng sau đó bản thân tôi đã nỗ lực tuyên truyền, lồng ghép vào các cuộc họp dân để bà con hiểu biết về pháp luật, đến tận từng hộ dân để tuyên truyền về luật Biên giới. Nhất là ở đây là khu vực biên giới, bà con thường qua lại, không mang giấy tờ, rồi xâm canh xâm cư rất phổ biến, qua sự nỗ lực của bản thân đến nay đã không còn các hiện tượng đó.)

 Trung tá Hồ Văn Khăm

Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ba Nang, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị chia sẻ thêm:

(Băng PV)

     Người có uy tín thôn Khe Me, xã Linh Trường, huyện Gio Linh – Hồ Xuân Trung  năm nay đã 73 tuổi nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở, đảm nhiệm chức vụ Bí thư Chi bộ thôn, ông còn tham gia Tổ hòa giải, Tổ nòng cốt tại cộng đồng. Thông qua việc xây dựng quy ước, hương ước trong thôn bản, ông đã động viên gia đình con cháu, dòng họ và người dân phát huy dân chủ, thực hiện qui chế tự quản, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư. Các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, ông đã có nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời tham gia ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể tại địa phương.

Ông Hồ Xuân Trung

Người uy tín thôn Khe Me, Linh Trường, Gio Linh, Quảng Trị chia sẻ:

(Băng PV)

( MC đọc PV: Thôn này từ xưa đến nay hay xảy ra những tranh chấp liên quan đến đất đai, nhưng đã có sự thay đổi vì thứ nhất nhận thức của bà con đã có thay đổi, thứ hai là Chi bộ, Ban hòa giải, chính quyền thôn đã tìm cách tháo gỡ, bằng cách vận động bà con làm ranh giới rõ ràng, tùy điều kiện làm cho phù hợp, từ đó đến nay tình hình tranh chấp đất đai đã giảm hẳn.)

     Mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng, vừa thể hiện bản sắc tộc người, vừa góp phần làm phong phú, đa dạng cho nền văn hóa chung. Tuy nhiên, dưới sự tác động của đời sống kinh tế, xã hội, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin hiện nay, sự giao thoa, du nhập văn hóa của các vùng miền đang có những tác động không nhỏ tới văn hóa bản địa. Một số giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS đứng trước nguy cơ mai một. Không gian văn hóa bị tác động, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ có xu hướng “thờ ơ” với văn hóa truyền thống, ít quan tâm đến việc bảo tồn các phong tục, tập quán, các lễ nghi tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống... Ðứng trước những thách thức của quá trình phát triển, đội ngũ nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng, các già làng, trưởng bản là sợi dây níu giữ các yếu tố bản địa, đặc trưng và sắc thái văn hóa riêng của dân tộc mình không bị hòa tan. Nhờ các nghệ nhân mà những làn điệu dân gian như Oát- xa-nớt của dân tộc Vân Kiều; Ca-lơi Cha-chấp của dân tộc Pa Kô; Lễ hội A Riêu Ping, Lễ hội mừng làng mới; những nghề truyền thống có từ bao đời nay ở các cộng đồng làng được lưu giữ, phát huy.  Những váy áo thổ cẩm rực rỡ sắc màu trong các lễ hội; những vật dụng được đan lát từ mây tre phục vụ trong cuộc sống hằng ngày; những ghè rượu cần với hương vị rất riêng của núi rừng; những nhạc cụ được chế tác từ các cây cỏ, vật dụng có trong cộng đồng làng.

Ông Hồ Ta Đăng

Khóm 6, TT Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị chia sẻ:

(Băng PV)

( MC đọc PV: Luôn luôn tuyên truyền với bà con để bà con luôn giữ gìn bản sắc đồng bào Vân Kiều, Pa Cô, thứ hai là động viên bà con cố gắng rèn luyện các làn điệu dân ca, dân vũ, cách thổi khèn, thổi sáo; giữ gìn nghề thổ cẩm của đồng bào mình.)

     Có thể nói, bằng uy tín, gương mẫu trong từng việc làm của cá nhân, gia đình đến dòng họ, cộng đồng thôn bản, người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân nắm rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng của địa phương phù hợp với điều kiện thực tiễn và mục tiêu, chỉ tiêu phát triển trên các lĩnh vực. Đây là lực lượng được ví như cầu nối giúp gắn kết ý Đảng với lòng Dân, họ đã phát huy vai trò, vị thế của mình trong cộng đồng và đáp ứng sự kỳ vọng, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Bà Hồ Thị Lệ Hà

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị chia sẻ rằng:

(Băng PV)

     Như những cánh chim không mỏi, những cây rừng cổ thụ giữa đại ngàn Trường Sơn, các già làng, trưởng bản, Người có uy tín  sẽ luôn là những tấm gương chiếu sáng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, xây dựng thành trì vững chắc về sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, cùng với cộng đồng các dân tộc phát huy nội lực, quyết tâm xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng giàu đẹp, văn minh, đi lên trong tiến trình phát triển cùng với cả nước và quê hương Quảng Trị anh hùng.

Nhạc cắt

MC: Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát sóng vào lúc 17h, ngày thứ 3 và phát lại vào lúc 10h30 ngày thứ 4 hàng tuần trên tần số 92,5mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

(Thanh niên khởi nghiệp trên đồng đất quê hương)

MC: Thưa đồng bào và các bạn! Những năm trở lại đây, thay vì chọn những thành phố lớn hoặc rời quê hương đến các công ty, nhà máy để tìm kiếm việc làm, nhiều thanh niên tại huyện Hướng Hóa đã quyết định lập nghiệp, khởi nghiệp trên quê hương. Từ đó, góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Phần cuối chương trình tiếp tục là những ghi nhận từ phóng viên Quách Long. Mời đồng bào và quý vị các bạn cùng lắng nghe.

     Sau nhiều năm đi làm ăn xa, năm 2019, anh Nguyễn Đình Bảo quyết định trở về quê hương, phát triển kinh tế trên vườn rẫy gia đình. Mới đầu chỉ sở hữu diện tích đất gần 1 hecta, từ nguồn tích cóp cùng vay vốn khởi nghiệp, anh Bảo quyết định mua thêm đất để làm nông nghiệp. Đến nay, người thanh niên 29 tuổi này sở hữu diện tích đất hơn 3 hecta. Tất cả được anh trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như gừng, khoai tía xen các loại cây ăn quả lâu năm như bơ, mít… Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, các loại cây đem đến cho anh thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Cùng với đó, với tinh thần mạnh dạn, ham học hỏi, Bảo đầu tư nuôi dúi má đào, đến nay, mô hình phát triển tốt, đem lại thu nhập ổn định.

Anh Nguyễn Đình Bảo

Thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị chia sẻ:

(Băng PV)

     Trong những năm qua, nền kinh tế của huyện từng bước phát triển, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các đoàn viên, thanh niên. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ là thanh niên dân tộc thiểu số, mặc dù hành trình khởi nghiệp vô cùng khó khăn, nhưng bằng ý chí và nghị lực, đã vượt lên để làm giàu chính đáng. Với tinh thần mạnh dạn khởi nghiệp, mạnh dạn làm giàu, tuổi trẻ Hướng Hóa đang ngày càng quyết tâm vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế quê hương, đất nước. Đến nay, toàn huyện đã có 120 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó 70% mô hình thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm Đoàn viên thanh niên. 

Anh Nguyễn Anh Cư

Bí thư Huyện đoàn Hướng Hóa, Quảng Trị cho biết:

(Băng PV)

 

     Việc thanh niên mạnh dạn khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu, lựa chọn lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh dất quê hương góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nhiều mô hình đã lan tỏa động lực, truyền cảm hứng, thôi thúc khát khao lập nghiệp, làm giàu của người trẻ trên chính mảnh đất quê hương, đồng thời cho thấy thực tế mảnh đất Hướng Hóa giàu tiềm năng, nhiều lợi thế để lao động trẻ khai thác, phát huy, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

 

     Đến đây, thời lượng 30 phút của chương trình Tạp chí dân tộc và miền núi xin được kết thúc. Những người thực hiện chương trình Hồ Thới, Khắc Nam, Đỗ Hằng, Nguyên Hương xin cảm ơn đồng bào và quý khán thính giả đã quan tâm lắng nghe. Xin chào và hẹn gặp lại đồng bào và các bạn vào lúc 17h, ngày thứ 3 và phát lại vào lúc 10h30 ngày thứ 4 hàng tuần trên tần số 92,5mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.                 

 

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Hồ Thới 14/07/2023 12:47 Lê Vĩnh Nhiên 18/07/2023 09:49
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà