Nét đẹp làng quê: làng Trung An
Danh mục
Nét đẹp làng quê
NỘI DUNG

 Kịch bản chuyên mục Nét đẹp làng quê

Làng Trung An – Khát vọng khơi xa

Có một miền quê nằm yên bình nơi miền biển bãi ngang ngày đêm dạt dào tiếng sóng vỗ. Lắng trong dòng kí ức là những chuyện kể oai hùng về tên đất, tên làng, tên của những chiến công. Làng Trung An - Hải Khê nằm gối đầu bên bãi biển thơ mộng với những cồn cát trắng trải dài, hàng phi lao muôn đời vẫy gọi.

Bên bờ biển rì rào sóng vỗ, các bô lão và đông đảo ngư dân làng chài Trung An, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng lại long trọng tổ chức lễ hội cầu ngư như thường lệ. Bằng những nén nhang thơm thành kính dâng lên trời đất, “mẹ” biển, những lão ngư một đời sóng gió lại cầu mong một năm mưa thuận gió hoà, thuyền bè đầy ắp cá tôm...

Cùng với lễ cầu ngư, hội vật của làng cũng được khai hội thu hút hàng trăm trai tráng thi thố tài năng trong không khí vui tươi. Hai lễ hội truyền thống này của làng Trung An đã được tổ chức từ thuở khai khẩn làng chài và duy trì hàng trăm năm nay. 

Phỏng vấn trưởng làng

Sau nghi lễ cầu ngư trước biển, hàng chục tàu thuyền của làng cắm cờ Tổ quốc đạp sóng ra khơi. Trong khi đó, những thuyền khác đi biển từ chiều hôm trước cũng rẽ sóng vào bờ. Trên bãi biển, những người phụ nữ có mặt chờ đợi thuyền về.

Toàn thôn Trung An hiện có khoảng 220 chiếc tàu, thuyền, chủ yếu là tàu đánh bắt gần bờ với trên 70% người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Có lúc khó có lúc thuận lợi nhưng người dân nơi đây luôn quý trọng và gắn bó với nghề đi biển. Hiện xã đã có 3 cơ sở thu mua hải sản các loại nên đã giải quyết được đầu ra cho bà con ngư dân.

Phỏng vấn ngư dân: Điều chúng tôi cần nhất bây giờ là có đội tàu đánh bắt xa bờ để có thể bám khơi lâu hơn, thu đượ c nhiều hải sản giá trị cao hơn….

Các lão ngư ở làng chài Trung An kể hội vật truyền thống của làng có từ lâu đời. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, chiến tranh nhưng dân làng vẫn gìn giữ hội vật như một nét văn hóa truyền thống của làng. Hội vật thể hiện tinh thần thượng võ, là nơi thi thố sức khoẻ của trai tráng trong làng, thể hiện tinh thần đoàn kết, giao lưu của người dân trong làng, trong xã. Đây cũng là dịp rèn luyện sức vóc dẻo dai nhằm phục vụ cho những chuyến ra khơi bám biển dài ngày…

Phỏng vấn: Ông Nguyễn Văn An, một lão ngư ở làng chài Trung An kể: “Hồi xưa, hội vật mang tính họ tộc rất rõ rệt. Thường người của họ này thi vật với họ khác, người trong cùng họ tộc không vật với nhau. Tuy nhiên càng về sau, hội vật được mở rộng, mọi người đều có quyền tham gia và không phân biệt họ tộc. Những năm gần đây, năm nào làng tôi cũng tổ chức hội vật và đều thu hút rất đông người đến xem, kể cả người từ nơi khác.

Nét độc đáo ở hội vật làng Trung An là ai cũng có thể thi đấu. Khởi đầu lên sới thi vật thường là những đô vật thiếu niên. Đô vật nào thắng thì tiếp tục ở lại và thách đấu những người trên khán đài. Cứ như vậy lứa tuổi đô vật tăng lên một cách liên tục cho đến lứa tuổi dưới 18 thì kết thúc phần thi vật của thiếu niên. Đến phần thi vật của thanh niên trai tráng thực sự mới là phần hấp dẫn. Những đô vật với thân hình vạm vỡ ra sức tranh tài trước sự cổ vũ hết mình của khán giả. Nếu đô vật nào thắng liên tiếp 4 đối thủ thì được chọn vào vòng bán kết. Khi đã đủ bốn đô vật vào bán kết thì sẽ được chia ra 2 cặp để thi đấu chọn vào chung kết. Hai đô vật thắng bán kết sẽ vào chung kết tranh nhất nhì, 2 đô vật còn lại đồng hạng ba .

Hội vật truyền thống làng Trung An, xã Hải Khê đã có từ lâu đời, có ý nghĩa nhân văn và được dân làng lưu giữ và phát huy rất tốt. Theo những tộc trưởng của làng cho biết, lễ cầu ngư của làng diễn ra hàng năm và duy trì qua nhiều thế hệ. Đến nay lễ cầu ngư và hội vật của làng đã trải qua 700 năm.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Đỗ Hoài Đức 04/09/2018 21:34 Võ Nguyên Thủy 07/10/2018 15:44
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà