Nét đẹp làng quê
Danh mục
Nét đẹp làng quê
NỘI DUNG

Chuyên mục Nét đẹp làng quê

Độc đáo lễ hội cầu ngư làng biển Cang Gián

Thưa QV & CB!  Làng Cang Gián xã Trung Giang huyện Gio Linh là một vùng quê có truyền thống hơn 500 năm tuổi. Từ thuở ban đầu mới lập làng, những người đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp tại đây, đã sớm biết tận dụng điều kiện tự nhiên hình thành nghề lao động chính của mình để bảo tồn cũng như phát triển cuộc sống. Trải qua hàng trăm năm, người làng Cang Gián vẫn gìn giữ những tín ngưỡng, tập tục của quê hương, tạo thêm nét đẹp đặc trưng của làng biển Quảng Trị.

Truyền thống của làng

Làng Cang Gián xã Trung Giang có lịch sử hình thành khá lâu đời. Theo quyển “ Địa danh Quảng Trị xưa và nay” của tác giả Nguyễn Văn Ái thì làng Cang Gián được hình thành vào giữa thế kỷ thứ 16 do ông Dương Đăng Hoa cùng một số con em của thôn Trữa xã Cương Gián huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh di cư vào Nam để mở mang đất đai, lập nghiệp. Khi đi ghé qua phía nam sông Bến Hải nhận thấy đây là một vùng đất rộng lớn, trù phú nên quyết định dừng chân lập làng và đặt tên làng là Cương Gián tức là Cang Gián ngày nay.

Phỏng vấn Ông Dương Mòi

Làng Cang Gián – Trung Giang – Gio Linh – Quảng Trị

Như bao làng biển khác, có lẽ biển cả và sự khắc nghiệt của đại dương đã hun đúc nên tính cách của ngư dân làng biển Cang Gián luôn cần cù, chịu khó dày dạn mưa nắng, gió bão. Trong cuộc mưu sinh mà hiểm hoạ thiên nhiên luôn rình rập, đe dọa đến tính mạng, tài sản, ngư dân trở nên quá nhỏ bé trước biển cả. Do vậy, ngay từ thưở xa xưa và mãi đến bây giờ, những người dân của làng Cang Gián luôn biết đoàn kết cùng nhau, kề vai sát cánh để vượt qua mọi gian khó. Sống dựa vào biển, họ đã yêu biển và gắn bó với biển như máu thịt, và dù cuộc sống có khắc nghiệt đến mấy, những người dân nơi miền biển nhiều nắng gió này vẫn kiên trì bám biển, và biến vùng cát trắng hoang hóa thành những dãi đất xanh, nơi mà cây vẫn đơm hoa và cho quả ngọt. Từ thuở mới lập làng trên dãi đất cát bốn bề là cỏ dại hoang vu, đầy gian khó cho đến hôm nay, khi đến với Cang Gián, chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây, mới hiểu hết sự bền gan, vững chí của những người con trên mãnh đất này.

Phỏng vấn

Nhịp sóng từ đại dương xa xăm vỗ vào trảng cát hình thành tên làng, tên đất và những con người Cang Gián phóng khoáng, hào sảng như mây trời, biển cả. Vạn vật có thể đổi dời, biến cải theo thời gian, song, với họ, niềm tự hào về truyền thống quê hương vẫn đang thắp sáng lên bao niềm tin, dự định mới.

Tiêu điểm

Thưa QV & CB! Làng Can Gián hiện nay có 176 hộ với gần 800 nhân khẩu và ngư nghiệp từ bao đời nay vốn là sinh kế chính của người dân nơi đây. Cũng chính bởi cuộc sống gắn liền với con nước thủy triều, bấp bênh trước sự đe dọa của biển cả bao la, nên bên cạnh những cung cách, kinh nghiệm ứng xử với môi trường sống qua nhiều thế hệ, thì ở làng Cang Gián vẫn duy trì lễ hội cầu ngư vào rằm tháng 3 hàng năm, đây là lễ hội đặc biệt chỉ riêng có của các cư dân vùng biển.

Với các ngư dân ven biển, các đình, miếu, lăng là nơi thờ các vị tiền hiền mở cõi, các vị thần linh gắn với đặc thù nghề biển của mỗi vùng miền, trong đó tiêu biểu nhất là tục thờ cá Ông. Cá Ông (tức cá voi) là vị “thần hộ mệnh” luôn sát cánh cùng ngư dân mỗi khi ra khơi, bám biển. Do đó lăng thờ vị thần này được bà con ngư dân coi trọng, giữ gìn xem là “cõi thiêng” nơi cửa biển. Tại làng Cang Gián, Lăng thờ cá Ông (hay còn gọi là lăng Ông) là nơi ngư dân tổ chức lễ cúng tế, cầu ngư, đồng thời là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt khi đến vụ mùa.

Phỏng vấn

Cùng với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông, từ bao đời nay, người làng Cang Gián vẫn duy trì lễ hội cầu ngư, đây được xem là lễ trọng lớn nhất trong năm. Trong lễ hội cầu ngư, người dân tổ chức nhiều hoạt động thể hiện tín ngưỡng và bản sắc văn hóa của ngư dân vùng biển như: nghinh thần, tế thần, cầu ngư. Với mỗi ngư dân nơi đây, lễ hội cầu ngư là một trong những lễ hội quan trọng nhất, là ngày hội lớn của cả làng, trong ngày này hầu hết ngư dân đều không đi biển, thanh niên trai tráng đều tập trung về bãi đất trống của làng nằm ngay sát bãi biển để tham gia vào buổi lễ đặc biệt này với mong muốn một mùa biển mới trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.

Phỏng vấn

Lễ hội Cầu ngư không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, mang tính vùng miền của ngư dân mỗi địa phương mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc, là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển Việt Nam. Hồn xưa trong lễ hội làng nay vẫn còn rõ nét mặc cho thời gian biến chuyển. Người làng biển Cang Gián vốn trung thực, thẳng thắn, ý chí kiên cường dũng cảm, chung sức cộng đồng để chiến thắng thiên tai, giặc dã. Và ngày nay, họ lại cùng nhau đoàn kết giữ vẹn tình làng nghĩa xóm, cùng vươn khơi, bám biển làm giàu.

          Chào cuối

          Đón xem:

Làng Cang Gián xã Trung Giang huyện Gio Linh là một vùng quê có truyền thống hơn 500 năm tuổi. Từ thuở ban đầu mới lập làng, những người đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp tại đây, đã sớm biết tận dụng điều kiện tự nhiên hình thành nghề lao động chính của mình để bảo tồn cũng như phát triển cuộc sống. Trải qua hàng trăm năm, người ta vẫn giữ những tín ngưỡng, tập tục của quê hương, tạo thêm nét đẹp đặc trưng của làng biển Quảng Trị. Chuyên mục nét đẹp làng quê được phát sóng vào 18h thứ 6 ngày 26-4 trên sóng truyền hình của Đài PTTH Quảng Trị. Mời QV & CB chú ý đón xem.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 24/04/2019 15:15 Lê Vĩnh Nhiên 20/11/2019 07:11
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà