Đất và Người Quảng Trị - Bài Vĩnh Linh - viên kim cương đầu giới tuyến
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : a

 

Đất và Người Quảng Trị 25/5

Như Hòa và Như Quỳnh sẽ là người đồng hành với quý vị thính giả trong 15p chương trình phát thanh Đất và Người Quảng Trị. Thưa quý vị và các bạn. Mở đầu trong chương trình phát thanh Đất và Người Quảng Trị hôm nay, mời quý vị và các bạn cùng nghe bài viết “Vĩnh Linh – viên kim cương đầu giới tuyến” của tác giả Đức Dũng. Tiếp đó là bài viết “Bí thư đoàn làm kinh tế giỏi” của Phóng viên Mỹ Nhị. Cuối cùng, mời quý vị thính giả cùng đến với bài viết “Quan khổ tự - ngôi chùa cổ bên sông Ô Lâu” của tác giả Nguyễn Việt. Bây giờ sẽ là nội dung chi tiết của chương trình.

Bài 1: MC: Vĩnh Linh – “viên kim cương đầu giới tuyến” của tác giả Đức Dũng sẽ là bài viết mở đầu trong chuyên mục Đất và Người Quảng Trị hôm nay. Mời quý vị thính giả cùng nghe.

 

Cách đây hơn 60 năm, sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết, lấy vĩ tuyến 17, nơi dòng sông Bến Hải hiền hòa thuộc huyện Vĩnh Linh làm ranh giới phân định tạm thời hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Ngày 25/8/1954, khi tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Hiền Lương vào Nam, Vĩnh Linh là huyện duy nhất của tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Tuy nhiên, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam, Mỹ và chính quyền tay sai đã ngang nhiên phá bỏ Hiệp định, gia tăng các hoạt động ném bom phá hoại miền Bắc. Với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của Vĩnh Linh, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định thành lập Khu vực đặc biệt trực thuộc Trung ương. Từ mốc lịch sử ấy, Vĩnh Linh - miền quê bên bờ bắc dòng Bến Hải gánh trên vai sứ mệnh lịch sử cao cả: ngực ôm lấy miền Nam tiền tuyến lớn anh hùng, lưng tựa vào sức mạnh hậu phương, trực tiếp làm lá chắn bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

 

Trong sự khốc liệt của đạn bom quân thù dội xuống, nơi mà bình quân mỗi người dân phải gánh chịu đến 7 tấn bom đạn, Vĩnh Linh đã làm nên những chiến công huyền thoại mãi đi vào lịch sử bằng chính sự can trường, bàn tay, khối óc và ý chí sắt đá của mình. Đó là cuộc “vạn lý trường chinh” K8, K10 sơ tán hàng vạn người già, em nhỏ ra miền Bắc; là trận địa diệt B52 đầu tiên trên chiến trường Việt Nam, là những đội quân “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” – ngày bám trụ chiến đấu, chi viện chiến đấu và lao động sản xuất, đêm vượt sông tuyến diệt giặc phá đồn như xuất quỷ nhập thần... Với khẩu hiệu “mỗi làng xã là một pháo đài chiến đấu”, đến cuối năm 1968, gần 70 làng của 15 xã, thị trấn ở Vĩnh Linh đã có “làng hầm”, địa đạo như thiên la địa võng trong lòng đất với tổng chiều dài lên đến trên 40km, mà tiêu biểu là địa đạo Vịnh Mốc – công trình kỳ vĩ, biểu tượng cho ý chí bất diệt “tồn tại hay không tồn tại” của quân và dân giới tuyến. Toàn bộ đường hầm địa đạo Vịnh Mốc được chia thành 3 tầng và được nối thông với nhau qua trục chính dài 768m. Tầng một là nơi nhân dân sinh sống, tầng 2 là Trụ sở Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và Bộ chỉ huy quân sự và tầng 3 dùng làm kho chứa hậu cần, cung cấp lương thực và vũ khí. Địa đạo Vịnh Mốc ra đời không chỉ là nơi phòng tránh an toàn cho hàng trăm con người mà còn là trạm trung chuyển lương thực và vũ khí rất là quan trọng cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam. 

 

Những người con sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Linh mỗi khi đi xa đều không thể nào quên nơi mình chôn dau, cắt rốn, để rồi trong trái tim họ luôn có hai chữ, tự hào. Chị Nguyễn Thị Lệ - một người con quê hương Vĩnh Linh chia sẻ:…

 

Suốt 21 năm ròng rã thực hiện lời thề “đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao”, những người con Vĩnh Linh đã anh dũng chiến đấu với quyết tâm “Gươm nào chém được dòng Bến Hải/ Lửa nào thiêu được dải Trường Sơn”. Đêm đêm, dòng sông Bến Hải vẫn tấp nập những chuyến đò chuyển quân từ “luỹ thép” Vĩnh Linh vào chia lửa cùng miền Nam ruột thịt. Cùng với sự chi viện của Vĩnh Linh và sự kiên cường bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời”, từ Cồn Cỏ đảo nhỏ giữa biển Đông đến “pháo đài” Cù Bai xa tít của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ đã "nở đầy hoa thắng trận”. Bất chấp chiến tranh ác liệt, ở nơi đầu cầu giới tuyến Vĩnh Linh, lá cờ đỏ sao vàng vẫn luôn kiêu hãnh tung bay trên đỉnh cột cờ Hiền Lương, vẫy gọi triệu trái tim của đồng bào miền Nam hướng về miền Bắc, hướng về Bác Hồ và giữ cho mạch máu Bắc - Nam ngày đêm thông suốt, nối liền hậu phương với tiền tuyến anh hùng.

Anh Nguyễn Hữu Công – một bạn trẻ nơi quê hương Vĩnh Linh anh hùng nói:

 

Đến với Vĩnh Linh hôm nay, sẽ thấy mảnh vườn bên hiên nhà năm nào bom đạn cày xới đã mướt xanh mấy chục mùa qua. Mảnh đất này đã hồi sinh từ những cánh rừng cao su, hồ tiêu xanh ngút ngàn tầm mắt và những con tàu ngày ngày vươn khơi xa đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa trở về bờ đầy ắp cá. Và nếu có cơ hội gắn bó dài lâu với vùng quê này, sẽ thấy thấm thía hơn bao giờ hết “sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ”.

 

Nhạc cắt

Bài 2: MC: Phần tiếp theo chuyên mục, mời quý vị và các bạn cùng nghe bài viết “Bí thư đoàn làm kinh tế giỏi” của Phóng viên Mỹ Nhị.

Thưa quý vị và các bạn. Hiện nay, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không còn tìm mọi cách để bám trụ lại thành phố mà quyết tâm về quê làm ăn và nhanh chóng gặt hái thành công. Câu chuyện của anh Lê Văn Công, sinh năm 1989 ở khu phố 4, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh là minh chứng điển hình.Vì thế, khắp thôn trên, xóm dưới đều biết đến anh với biệt danh “Bí thư đoàn làm kinh tế giỏi”.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng và đã tìm được một công việc cho thu nhập khá tại thành phố nhưng Lê Văn Công (sinh năm 1989, trú tại khu phố 4, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) lại quyết định trở về quê hương làm ăn. Với thành công trong xây dựng mô hình nuôi cá vược lồng, Công đã và đang tạo nguồn cảm hứng, củng cố niềm tin cho nhiều bạn trẻ trên bước đường lập nghiệp. Gần đây, nhiều người dân ở thị trấn Cửa Việt, đặc biệt là các đoàn viên, thanh niên tìm thường xuyên đến nhà Lê Văn Công để học hỏi kinh nghiệm nuôi cá vược lồng. Không mang tư tưởng giấu nghề, Công nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm với mọi người. Thậm chí, anh còn dẫn bà con ra từng lồng cá để “mục sở thị” và tiện bề cầm tay, chỉ việc.

 

Anh Lê Văn Công chia sẻ: Băng

Sinh ra và lớn lên ở vùng biển, tuổi thơ Lê Văn Công gắn bó với con cá, con tôm. Dẫu gặp nhiều khó khăn nhưng Công luôn say mê học hành và thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Sau ngày tốt nghiệp, Công nhanh chóng tìm được công việc cho thu nhập khá. Những ngày làm ăn xa nhà, giấc ngủ của chàng trai Gio Linh thường chập chờn hình bóng quê hương. Lần nọ, Công xem ti vi và nghe một người đàn ông thành đạt chia sẻ: “Ở đâu cũng có thể làm giàu. Cái chính là mình có quyết tâm, nỗ lực hay không mà thôi”. Ngẫm đúng, Công quyết định trở về quê lập nghiệp. Anh bộc bạch: “Trước đây, em thấy bố thường đi câu cá vược về bán. Đọc sách báo, em được biết loại cá này không những mang lại giá trị kinh tế cao mà còn khá dễ nuôi. Ngay lập tức, em nghĩ đến con sông Thạch Hãn, đoạn sắp đổ ra biển Đông ngay trước mặt nhà và quyết tâm xây dựng mô hình nuôi cá vược lồng”.

 

Để ý tưởng đi vào hiện thực, Lê Văn Công phải lặn lội vào Nam, ra Bắc để học hỏi kinh nghiệm. Trở về, Công thử nghiệm nuôi 2 lồng cá vược, mỗi lồng khoảng 30m2 với hơn 4 tấn cá. Trên cả sự mong đợi của Công, cá sinh trường, phát triển nhanh, được nhiều tiểu thương, chủ nhà hàng đặt mua. Hết sức vui mừng, Công quyết định nhân rộng mô hình với 4 lồng. Cứ 6 tháng một lần, hễ thấy cá có lớp vảy màu sáng ánh bạc, ước trọng lượng từ 0,8 – 1kg, Công quyết định thu hoạch. Trung bình mỗi lồng cá mang lại cho anh từ 35 – 40 triệu đồng. Để công việc thuận lợi hơn và có nhiều thời gian để tìm tòi, xây dựng những mô hình làm ăn mới, Công thuê 3 nhân công phụ việc. Hiện tại, anh đang lên kế hoạch nuôi thêm cá chình và cá diêu hồng. Không chỉ giúp gia đình mình ổn định kinh tế, anh Công còn tạo việc làm cho 3 nhân công. Ngoài ra, anh nhiệt tình truyền đạt thêm kinh nghiệm cho các hộ nuôi cá khác. Luôn chăm chỉ với công việc, năm 2016, anh Công vinh dự nhận được bằng khen của Hội liên hiệp Thanh niên huyện Gio Linh về thanh niên làm ăn kinh tế giỏi. Năm 2017, anh được bầu làm Bí thư Chi đoàn khu phố 4, thị trấn Cửa Việt.

 

Anh Nguyễn Văn Viên, Bí thư đoàn thị trấn Cửa Việt nói về anh Lê Văn Công một cách hào hứng:

 

Từ đó, cùng với làm kinh tế, Công chú tâm xây dựng, triển khai nhiều hoạt động Đoàn, phong trào thanh niên. Anh cũng không ngừng động viên các bạn trẻ trau dồi tri thức và thi đua lập thân, lập nghiệp, giúp nhau làm ăn.

 

Nhạc cắt

Bài 3: Thưa quý vị và các bạn. Trong thiết chế văn hóa của nông thôn Việt bao đời nay thì đình, chùa và miếu vũ  luôn song hành tồn tại bên nhau, đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần của một cộng đồng dân cư. Sự ra đời của ngôi chùa làng được xem như là một chỗ dựa tâm linh của những người nông dân hiền lành chân chất, vốn chịu nhiều khó khăn và thách thức trong cuộc sống.Khi những người dân Việt từ Đàng Ngoài đến định cư ở vùng đất mới, trước những bất an của thiên nhiên giặc giã hoành hành, thì nhu cầu ấy càng nên bức thiết. Chùa Quan Khố ở làng Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cũng được hình thành từ trong hoàn cảnh ấy. Đây cũng chính là nội dung bài viết “Quan khổ tự - ngôi chùa cổ bên sông Ô Lâu” của tác giả Nguyễn Việt.

Câu Nhi là một làng cổ của tỉnh Quảng Trị, nằm ở phía nam của huyện Hải Lăng, làng được bao bọc bởi 2 con sông: Ô Lâu từ Huế chảy ra và sông Ô Giang từ Vĩnh Đinh chảy vào. Làng Câu Nhi được hình thành từ cuối thời Trần, đầu thời Lê, trong khoảng thời gian 1407 đến năm 1427. Lúc sơ khởi làng có tên là Câu Lãm, trung tâm của làng lúc đó ở Đại Đồng sau chuyển đến vùng đất như ta thấy hiện nay và đổi tên thành Câu Nhi.

 

Ngay sau khi đã ổn định cuộc sống và thiết lập hương hiệu, người dân đã tiến hành xây dựng đình, chùa, miếu vũ và các thiết chế văn hóa của mình. Ngôi đình làng Câu Nhi xưa là ngôi đình lớn và đẹp có tiếng khắp vùng. Trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, hiện nay đình được thu gọn lại với hai nếp nhà 3 gian 2 chái, xây theo lối chữ Nhị, phía trước là tiền đường, phía sau là chính điện, vững chãi tôn nghiêm. Song hành cùng với ngôi đình thì chùa làng Câu Nhi cũng ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt tâm linh, nơi nương tựa tinh thần cho người dân.

 

Ông Bùi Quang Nhị- Thôn Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng: Nói về hình thành chùa, tên gọi của chùa)

Qua các nguồn tư liệu khác nhau được biết vào lúc mới lập làng bên cạnh việc chống chọi lại thiên nhiên khắc nghiệt của vùng “ Ô châu ác địa” thì người dân xứ này còn phải chống chọi lại quân Minh sang xâm chiếm. Dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh địa phương như Tổng binh Phạm Duyến, Tướng công Nguyễn  Văn Chánh đã cùng dân binh địa phương tập luyện võ nghệ, lập các kho lẫm để chứa lương thực nhằm mục đích tích trữ quân lương để nuôi binh đánh giặc. Đến thời nhà Lê, Tiến Sỹ Bùi Dục Tài- người quê làng Câu Nhi đã xin triều đình cho tu bổ một trong các kho lẫm đó để làm chùa làng, “ Quan khố tự” đã ra đời trong hoàn cảnh như thế. Như vậy xét về niên đại thì đây là một ngôi chùa của người Việt ra đời rất sớm ở trên đất Quảng Trị, vào những năm đầu của thế kỷ 16.

 

Ông Bùi Quang Nhị- Thôn Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng: Nói về truyền thống lễ chùa)

   

Như ta thấy thì Chùa Quan Khố ngày nay tọa lạc theo hướng Đông Nam, ngay ở khu đất đầu làng Câu Nhi, canh đường liên các xã Hải Sơn, Hải Tân, Hải Hòa huyện Hải Lăng. Cùng với đình làng, văn thánh, nhà thờ các họ Bùi, Phạm, Lê thì sự hiện diện của ngôi chùa đã tạo nên một quần thể tâm linh cổ kính đáng ngưỡng vọng. Ngôi chùa hiện tại có lối kiến trúc vừa mang dáng dấp của một ngôi chùa làng vừa mang dáng dấp của Niệm phật đường Phật giáo với việc chỉ thờ Đức phật Thích ca ở chính điện. Tuy vậy, dáng dấp của ngôi chùa làng cổ xưa vẫn còn in ở chùa Quan Khố. Đó là có khá nhiều các bài vị thờ Thành Hoàng; các vị Tiên hiền khai canh, khai khẩn; Thập nhị tôn phái của làng; các danh nhân có nhiều công đức của làng được phụng thờ tại đây.

 

Chùa hiện còn bảo lưu và phụng thờ một tượng đức Phật Thích ca bằng gỗ quý có kích thước, cao 60 cm có niên đại hàng trăm năm. Tương truyền ở một ngôi chùa cổ tư nhân do bà Thứ phi triều Lê, họ Phạm người làng Câu Nhi lập ra. Do chiến tranh tàn phá chùa nên làng đã thỉnh pho tượng về thờ tại Chùa Quan Khố.

 

Tại Chùa Quan Khố cũng đang lưu giữ một quả Đại hồng chung được đúc từ năm 1946. Trên thân chuông có khắc ghi rõ bốn chữ Hán: “Quan Khố Tự chung”. Theo dân làng cho biết quả chuông này được đúc lại đựa trên khuôn mẫu của chuông cũ được đúc vào năm Cảnh Thịnh ( Mậu Ngọ 1798) đến nay đã bị thất lạc do chiến tranh tao loạn.

 

Ở trong khuôn viên của chùa, nằm về phía tay trái còn lưu giữ lại nền móng miếu thờ Tiến sĩ Bùi Dục Tài với diện tích gần 10 m2. Bên cạnh các viên đá tảng chân cột miếu thì còn có một bệ đá hình rùa có kích thước dài 80cm, rộng 59cm. Trên thân rùa có lỗ lõm sâu hình chữ nhật, phần cuối thân rùa bị vát. Theo các nhà nghien cứu thì đây chính là dấu tích của bệ rùa đội bia đá, rất phổ biến thời Lê. Đây chính là bia ghi lại công lao và hành trạng của Tiến sỹ Bùi Dục Tài xưa kia được đặt trong ngôi miếu. Đáng tiếc là bia đá này cũng đã bị thất lạc. Tiến sĩ Bùi Dục Tài  sinh năm 1477, mất năm 1518, Năm 1502 ông đỗ Tiến sĩ và được thăng các chức Tả thị bộ lang, rồi Tham tướng trong triều đình nhà Lê. Ông là một người học rộng tài cao, giúp nhiều cho dân cho nước, là rạng danh cho quê hương Quảng Trị. Hiện nay, trước đình làng Câu Nhi có lập miếu thờ ông, đình làng và miếu thờ Câu Nhi nằm trong cụm di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

 

Ðình làng Câu Nhi và chùa Quan Khố cũng như cuộc đời sự nghiệp của vị Tiến sĩ khai khoa Bùi Dục Tài đã trãi qua nhiều biến thiên thăng trầm của lịch sử; tuy di chỉ hiện vật còn lại so với ngày xưa không nhiều nhưng đó là những sản phẩm văn hóa được tích hợp sau một chặng đường dài di dân, lập làng không chỉ riêng của người làng Câu Nhi mà còn là chứng nhân quan trọngtrong cuộc Nam tiến mở cõi của người Việt trên dãi đất miền Trung. Đây là một điều đáng trân quý chúng ta hãy nâng niu và gìn giữ cho mai sau.

 

Chào cuối

 

 

 

 

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trần Thị Mỹ Nhị 23/05/2018 06:23 Võ Nguyên Thủy 01/06/2018 21:23
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà