CT QUẢNG TRỊ DU KÝ SỐ 70
Danh mục
Ký sự - Tài liệu
NỘI DUNG

 

QUẢNG TRỊ DU KÝ SỐ 70

Phát sóng ngày thứ 5 9/5/2019

Thời lượng: 15’

Kịch bản: Thái Hiền

Thể hiện: Thái Hiền – Thế An

Nhạc hiệu: Quảng Trị du ký

Hiền: Chào quý vị! Chào các thính giả quen thuộc của QTDK!

Quỳnh: Quý vị thân mến! Quảng Trị của chúng ta tuy nhỏ,thời tiết thì khắc nghiệt, thiên nhiên thì không ưu đãi nhưng không vì thế mà Quảng Trị không có những cảnh đẹp, những địa chỉ hấp dẫn có thể khiến quý vị ngỡ ngàng.

Hiền: Và QTDK sẽ là cầu nối giúp quý vị đến gần hơn với những địa chỉ ấy qua các tiểu mục quen thuộc mà quý vị sẽ đồng hành vào thứ 5 hàng tuần. Hôm nay sẽ là điểm đến nào đây? Mời quý vị cùng khám phá ngay bây giờ.

Nhạc cắt tiểu mục: Qua những miền quê

Đồi cát vàng Nhĩ Hạ

Quỳnh: Thưa quý vị! Nằm cách quốc lộ 1A, 10 km về phía Đông, đồi cát vàng thuộc địa phận thôn Nhĩ Hạ, huyện Gio Linh đang nổi lên như một địa chỉ trải nghiệm thú vị của nhiều người dân QT.  Đây là một trong số rất ít đồi cát còn sót lại, có màu sắc rất đặc biệt – màu vàng óng ánh tuyệt đẹp. Ẩn mình sau rặng phi lao xanh ngát,những triền cát trùng điệp sóng lượn ở thôn Nhĩ Hạ chẳng khác gì 1 sa mạc thu nhỏ nằm lọt thỏm giữa đồng bằng quý vị ạ.

Hiền: NQ ơi, nhắc đến đây thì chắc nhiều thính giả đang băn khoăn là để đến được đồi cát vàng Nhĩ Hạ thì đi đường nào đây? NQ có thể chia sẻ thêm không?

Quỳnh: Vâng! Để đến được đồi cát vàng Nhĩ Hạ thì quý vị nên di chuyển xuôi theo đường 75B về phía Cửa Việt. Đi được tầm khoảng 6km thì đồi cát vàng Nhĩ Hạ (thôn Nhĩ Hạ, xã Gio Thành, huyện Gio Linh) hiện ra mơ màng, trễ nải. Nơi đây được mệnh danh là “tiểu sa mạc” giữa xứ đồng bằng, là nơi dừng chân lý tưởng cho những ai mê thiên nhiên hoang sơ. Cảnh sắc trữ tình nơi đây không khỏi khiến du khách ngỡ ngàng và trầm trồ khen ngợi mỗi dịp ghé thăm. Đồi Cát vàng có độ cao tầm 40m, nằm cách bãi tắm Gio Hải khoảng 3km và Khu du lịch bãi tắm Cửa Việt khoảng 6km về phí Tây. Một điều đặc biệt là do đồi cát vàng nằm giữa đồng bằng nên đứng trên đỉnh đồi chúng ta có thể quan sát được hầu như phong cảnh xung quanh. Vào những buổi sáng sớm có thể ngắm bình minh của Biển, hay những lúc chiều tà chúng ta đều có thể ngắm được cảnh hoàng hôn của Núi, những đêm trăng sáng hướng mắt nhìn ra xa có thể cảm nhận được vẽ đẹp của bầu trời đêm nơi đây, xa xa về hướng đông nhìn thấy một cách rõ ràng ngọn đèn hải đăng Cửa Việt đang chớp sáng và những ánh đèn trên những con thuyền đang lướt sóng ra khơi. Nhìn về phía Nam là thành phố Đông Hà thơ mộng dưới những ánh đèn màu lung linh và những ngôi nhà cao tầng sang trọng. Phía dưới chân đồi là những rừng, rú nguyên sinh với những bụi cây cao tầm quá đầu người và những đồng lúa xanh mơn mởn chạy dài trong hút tầm mắt. Bạn Thành Trung – một bạn trẻ ở Vĩnh Linh dã trải nghiệm đồi cát vàng Nhĩ Hạ chia sẻ thêm:

PV: Trung

Hiền: Quả đúng như là chia sẻ của bạn Trung, nếu đến đây vừa đặt chân lên từng sóng cát mịn màng, tuyệt đẹp của đồi cát vàng Nhĩ Hạ, quý vị sẽ đi từ bất ngờ này đến trải nghiệm thú vị khác. Có lẽ thời khắc đẹp nhất để ngắm cảnh là lúc bình minh hay hoàng hôn bởi khi mặt trời vừa ló dạng, cả đồi cát như phát sáng, nhấp nhô trong gió nhưng lúc chiều tà buông xuống lại bừng sắc vàng rực, lung linh và huyền ảo. Khoảnh khắc đất trời giao nhau lúc ấy vừa thi vị vừa như giúp con người rũ bỏ những lo toan, muộn phiền trong cuộc sống mà hòa mình vào vẻ đẹp tĩnh tại của thiên nhiên.

Quỳnh: Đồi cát vàng Nhĩ Hạ nằm trong hệ thống các đồi cát trải dài từ Gio Thành đến Trung Giang (thuộc huyện Gio Linh), có chiều cao khoảng 30m và chia thành nhiều ngọn đồi sừng sững xếp cạnh nhau như một bức tường thành vững chãi ngăn nạn cát bay và gió mùa cho cư dân địa phương. Tuy nằm trong địa hình toàn cát trắng nhưng cát nơi đây lại có màu vàng óng, các bậc cao niên chia sẻ rằng, trước đây một mỏ sắt tồn tại nơi đây rất lâu đã kiến tạo nên màu sắc của cát như vậy.Nếu du khách leo lên đỉnh đồi cát thì phía bắc khá dựng đứng, thoai thoải về hướng tây và đông nam, ta cũng có thể thấy được ngọn hải đăng và bóng dáng của biển Cửa Việt bao la thấp thoáng ở xa xa. Chiều tà, đồi cát sau một ngày phơi mình ra nắng khét giờ nằm yên cho ngọn gió thổi từ biển vào mơn man, mát rượi. Những đêm trăng thanh, mọi người cũng thường xuyên lên đây để ngắm trăng trò chuyện. Chính những yếu tố này mà những khi trời dịu, nơi đây lại trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức cắm trại hay ngủ qua đêm. Ông Nguyễn Văn Hoài – trưởng làng Nhĩ Hạ cho biết:

PV: Hoài

Hiền: Mặc dù được ví như “tiểu sa mạc” nhưng đồi cát Nhĩ Hạ  không hề khô cằn như cách gọi mà vẫn giữ được một độ ẩm nhất định. Cây cối ở đây vẫn thuộc vào dạng xanh tươi trù phú. Dưới chân đồi cát, những hàng cây phi lao và tràm đủ kích cỡ được bà con cẩn thận trồng xung quanh để tránh nạn cát bay, cát “nhảy” vào làng. Bên cạnh đó, các ngầm nước cổ từ xa xưa phía chân đồi cũng giúp các rừng cây bên đồi cát hấp thụ những nguồn nước quý giá vào mùa hè khô ráp gió Lào. Ngoài ra, khu vực này còn có những bãi đá quặng với đủ hình dáng trải dài tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp với những gam màu nóng lạnh hài hòa.

Quỳnh: Về đồi cát Nhĩ Hạ quý vị không chỉ mê đắm trong cảnh sắc thiên nhiên trù phú, độc đáo mà chính ở nơi đây chúng ta còn biết thêm được những câu chuyện lịch sử về những năm tháng hào hùng của dân tộc trong các cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương. Nhờ bức tường thành vững chãi ấy mà bước tiến của quân xâm lược đã bị cản ngăn, vùng rú cây xanh này là nơi trú ẩn cho đồng bào, chiến sỹ cách mạng thời chiến. Biết bao người con ưu tú của quê hương đã hiến dâng máu và tuổi xuân của mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc hôm nay.

Hiền: Đối với người dân địa phương, đồi cát vàng Nhĩ Hạ chính là biểu tượng của quê hương được bà con ưu ái quảng bá mỗi khi có bạn bè khác xứ đến thăm chơi. Nhiều người khi đã một lần đặt chân đến đều trầm trồ trước vẻ đẹp hoang sơ nơi đây không thua kém gì các đồi cát vàng ở Mũi Né - Bình Thuận, Nam Cương - Ninh Thuận… Có thể nói, đồi cát vàng Nhĩ Hạ tựa như một bức tranh thủy mặc trữ tình, hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách bốn phương. Dù chưa được đầu tư phát triển du lịch, nhưng với những tiềm năng hiện có, giữ được nét hoang sơ của đồi núi – cảnh quan thiên nhiên, môi trường trong lành, nơi đây sẽ sớm trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với những hoạt động dã ngoại, cắm trại, trượt cát hay tổ chức các trò chơi trên cát... Hy vọng trong tương lai không xa, đồi cát vàng Nhĩ Hạ sẽ được du khách gần xa biết và đến thưởng ngoạn.​

Nhặc cắt: Quảng Trị những điểm đến

Canh rau muống nấu chắt chắt

Hiền: Quý vị và các bạn thân mến! Ở Gio Linh ngoài bún hến Mai Xá lọt top 100 món ngon của Việt Nam thì còn có rất nhiều món ngon khác mà chỉ nghe đến cái tên thôi quý vị đã thấy háo hức muốn khám phá rồi. Quỳnh này, nhà bạn có thường ăn canh rau muống nấu chắt chắt vào mùa hè không?

Quỳnh: Vâng! Chị hiền biết không? Đây không chỉ là món mà gia đình Quỳnh thường nấu trong các bữa cơm ngày hè mà còn là món mà Quỳnh vô cùng yêu thích bởi cái hương vị dễ ăn của nó.

Hiền: Đúng là như thế quý vị ạ. Ngày hè nóng nực, ăn gì cũng cảm giác nuốt không trôi đúng không quý vị! Vậy thì một bát canh rau muống nấu chắt, vừa ngọt, vừa không ngán lại rất mát cho cơ thể giúp thanh nhiệt thì còn gì bằng đúng không ạ. Và thời điểm hè cũng chính là mùa của rau muống nữa quý vị ạ. Nhưng hôm nay, QTDK muốn giới thiệu với quý vị một loại rau muống là đặc sản của Gio Linh đó chính là rau muống Mai Xá nấu với chắt chắt Mai Xá.

Quỳnh: Chị Hiền này. Mỗi lần mà đi chợ chọn rau muống thì người bán thường nói với Q rằng: Rau mai xá đây, kiểu như là hàm ý rau mai xá là rau ngon phải không chị hiền?

Hiền: Vâng! Đúng thế NQ ạ. Rau muống Mai xá đã trở thành thương hiệu rồi, do vậy giá cũng đắt hơn chút chút so với rau muống ở các vùng khác ở QT chúng ta. Đối với người Quảng trị xa quê, có lẽ nỗi hoài hương “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” sẽ càng đau đáu hơn, bởi bát canh rau muống xứ gió Lào cát trắng QT dường như đậm đà, thanh mát hơn: canh rau muống nấu với chắt chắt. Chắt chắt thuộc họ trìa, hến nhưng kích thước nhỏ hơn nhiều. Con chắt chắt nguyên vỏ to nhất cũng chỉ bằng ruột con hến. Cũng như hến, chắt chắt sống lẫn giữa đáy cát, muốn bắt được người ta phải ngụp lặn dưới sông để cào lên. Ở xứ mùa hè trời đất hanh nóng như thế này thì không có thức gì vừa giải nhiệt, vừa rẻ hơn những món ăn khác như rau muống nấu chắt chắt phải không ạ?

Quỳnh: Và thường thì muốn ăn canh chắt chắt phải mua trước một buổi, ăn buổi trưa phải mua từ sáng sớm, ăn bữa tối phải mua từ trưa để ngâm với nước vo gạo cho chắt chắt nhả hết chất bẩn trong ruột ra. Chắt chắt phải được chà nhiều lần dưới vòi nước chảy để sạch cát cũng như rong rêu bám trên vỏ. Khi nồi chắt chắt trên bếp bắt đầu lục bục sôi, người nội trợ mới cho thêm vào ít muối và dùng đũa khuấy đều cho chắt chắt mở miệng ra hết. Nước chắt chắt lúc này có màu trắng đục, nếm thử sẽ thấy vị ngọt lừ mà không có thứ hạt nêm, bột ngọt nào có thể sánh bằng. Sau khi lọc lấy nước, chắt chắt sẽ được mang đi “trơi” (đãi) lấy “mặt” (ruột). Đó là những khi rảnh rỗi, còn lúc bận rộn mà muốn ăn canh chắt chắt rau muống thì đã có mấy gánh chắt chắt làm sẵn của các mệ, các o ở chợ. Chị Phạm Thị Trang – người dân ở thôn Mai Xá chia sẻ thêm về cách nấu chắt chắt như sau:

PV: Trang

Hiền: Sau khi đã có mặt chắt chắt quý vị cần có thêm, hạt ném, ruốc và gừng tươi là những thứ gia vị không thể thiếu được khi nấu canh rau muống chắt chắt. Bắc nồi lên bếp, đổ dầu ăn (hoặc tóp mỡ thì càng tuyệt), phi hạt ném giã dập cho thơm rồi đổ chắt chắt vào, nêm thêm chút ruốc, hạt nêm và nước mắm cho thật thấm rồi mới chêm nước luộc chắt chắt vào nồi. Khi nước sôi sùng sục, người nội trợ có thể nêm ít gừng tươi giã nhỏ trước khi cho rau muống vào để khử mùi tanh của bùn đất và cho canh có vị thơm. Để nồi canh được ngon thì phải chú ý canh lửa để rau muống vừa xanh lại vừa giòn.

Quỳnh: Quý vị thân mến! Cảm giác mát lành khi ăn bát canh rau muống chắt chắt giữa những ngày hè nóng nực sẽ là một kỷ niệm khó quên. Vị ngọt đặc biệt của chắt chắt hòa quyện với vị bùi bùi của ruốc, vị cay nồng của gừng, ớt tươi, vị đậm đà của rau muống sẽ thỏa mãn các vị giác của bất cứ ai một lần được thưởng thức. Món canh sẽ càng thêm ngon nếu được ăn kèm với cà pháo. Canh rau muống chắt chắt gắn liền với tuổi thơ của nhiều người bởi một lẽ giản đơn, đó là món ăn ngon mà lại rẻ nhất. Dường như vị ngọt của canh rau muống chắt chắt đã làm vơi bớt phần nào những đắng cay, vất vả trong kí ức tuổi thơ của bao người Quảng Trị chúng ta phải không chi Hiền?

Hiền: Vâng! Có lẽ thế nên người Quảng Trị xa quê cứ thèm hoài bát canh quê mùa này, cùng là thương một thuở mình khốn khó. Còn với riêng tôi, tôi mê canh rau muống chắt chắt chỉ đơn giản một điều đây là món canh mà tôi ăn hoài không ngán. Và những lúc nhạt miệng, chán ăn như là một phản ứng tự nhiên của cơ thể tôi lại thèm canh rau muống chắt chắt NQ ạ.

Quỳnh: Có lẽ là sau khi nghe xong QTDK số này NQ tin là trong mâm cơm của nhiều gia đình sẽ hiện diện món canh rau muống nấu chắt chắt. Và xin chúc quý vị có những bữa cơm thật ngon với đặc sản dân dã của quê nhà chúng ta.

Nhạc cắt: Quảng Trị trong tôi

Bà mẹ Gio Linh

Hiền: Thưa quý vị! Với nhiều thế hệ người Việt Nam, Bà mẹ Gio Linh là một trong những bài hát nằm lòng. Cùng với Quê nghèo, Về miền Trung, Bà mẹ Gio Linh thành một chùm ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy khắc họa khung cảnh, con người miền Trung những năm kháng chiến chống Pháp đầy gian lao nhưng hào hùng, bi thương mà vẫn lạc quan để đi đến ngày chiến thắng. Câu chuyện trong Bà mẹ Gio Linh xảy ra ở làng Mai Xá Chánh, xã Gio Mai, huyện Gio Linh.

Quỳnh: Câu chuyện đã được nhiều người biết là năm 1948, lính Pháp ở đồn Nhĩ Hạ bắt được anh Nguyễn Đức Kỳ (xã đội trưởng), người làng Mai Xá Thị và anh Nguyễn Phi (cán bộ bình dân học vụ xã) - người làng Mai Xá Chánh rồi đem hành quyết, cắt đầu găm vào đòn xóc, thả xuống đoạn sông trước chợ, cũng là trước cửa đình. Ngày hôm đó, ba của tác giả bài báo này, cùng với cậu Giáo (Trương Quang Giáo) và mấy người bạn - đều tuổi thiếu niên - chạy ra chợ chơi, thấy hai đầu người ở dưới thì tưởng các anh đang tắm sông liền nhào xuống, nói “cho em tắm với”. Vừa xuống thì biết sự tình vội chạy lên bờ cấp báo cho người nhà. Nghe tin dữ, bác Cửu Diêu (Lê Thị Cháu) - mẹ của anh Kỳ - cùng người nhà anh Phi cắp thúng ra chợ, gói đầu con vào chiếc khăn rồi giấu trong thúng đem về, sau đó bỏ vào hộp vuông đem đi chôn cất. Câu chuyện này, khi vào Bình Trị Thiên công tác, nhạc sĩ Phạm Duy (lúc đó tham gia kháng chiến), được nghe kể lại và ông xúc động sáng tác ca khúc Bà mẹ Gio Linh.

Lồng nhạc

Hiền: Vâng! Thưa quý vị!Trong khung cảnh ấy, Phạm Duy khắc họa bà mẹ Gio Linh xởi lởi, ấm áp, hiền từ. Vẫn là nồi khoai lang, ấm nước chè bà mẹ nghèo đãi các anh bộ đội,  mẹ nhìn đàn con thương nhớ đứa con xưa, dặn dò các anh nhớ ghé thăm cho cảnh nhà bớt quạnh quẽ... Thật cao cả, tuyệt vời lòng mẹ Việt Nam, các mẹ sống mãi trong lòng người dù đã đi vào cõi vĩnh hằng.

Hiền: Quý vị và các bạn thân mến! Như vậy là hành trình đến với mảnh đất Gio Linh để trải nghiệm ẩm thực và những cảnh đẹp ở đây đã đi đến hồi kết.  Cảm ơn quý vị đã đồng hành cùng Thái Hiền và NQ trong 15 phút của CT

Quỳnh: Thân chào quý vị và hẹn gặp lại vào thứ 5 tuần sau với những điểm đến mới lạ cùng những nét ẩm thực độc đáo của các vùng miền tỉnh ta quý vị nhé!

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 03/05/2019 08:10 Lê Vĩnh Nhiên 20/11/2019 07:11
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà