DÂN CA NHẠC CỔ 31-5
Danh mục
Đến với dân ca nhạc cổ Việt Nam
NỘI DUNG

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐẾN VỚI DÂN CA NHẠC CỔ VIỆT NAM

Phát sóng: thứ 6 ngày 31-5

Kính chào QV&CB! Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong 15 phút chương trình phát thanh Đến với dân ca nhạc cổ tuần này. Thưa quý vị! Dân ca của mỗi nước, mỗi dân tộc hay của mỗi vùng, mỗi miền đều có âm điệu, phong cách riêng biệt. Sự khác nhau này tùy thuộc vào môi trường sống, hoàn cảnh địa lý và đặc biệt là ngôn ngữ. Nhiều bài dân ca đã đạt tới trình độ nghệ thuật cao và có sức hấp dẫn, truyền cảm mạnh mẽ, được phổ biến sâu rộng.Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với nền văn hóa lâu đời, do đó dân ca Việt Nam thật phong phú, đa dạng. Kho tàng dân ca Việt Nam bao gồm nhiều vùng miền, nhiều thể loại và mỗi thể loại đều có bản sắc riêng. Mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu trong chương trình hôm nay.

Nhạc cắt

Hò sông Mã – bài dân ca tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa

Bài 1:  Thưa quý vị và các bạn! Thanh Hóa là một trong những tỉnh đông dân và có nền văn hóa lâu đời của nước ta với nhiều công trình nghệ thuật như di tích núi Đọ, trống đồng Đông Sơn...Thanh Hóa là quê hương của Triệu Trinh Nương, một trong những phụ nữ nổi tiếng anh hùng của nước ta với lòng dũng cảm kiên cường. Thanh Hóa có đất Lam Sơn là quê hương và căn cứ địa của Lê Lợi anh hùng, có dãy núi Tam Điệp đã chở che cho đội quân bách chiến bách thắng của Quang Trung tập kết trước khi tiến ra thành Thăng Long đánh tan quân xâm lược Tôn Sĩ Nghị. Nhân dân Thanh Hóa cần cù lao động đã tạo nên những cánh đồng phì nhiêu, nổi tiếng là một trong những vựa thóc lớn của miền Bắc nước ta. Thiên nhiên Thanh Hóa giàu đẹp, lịch sử Thanh Hóa anh hùng. Với những điều kiện như vậy nên Thanh Hóa cũng đã hình thành một nền dân ca phong phú từ lâu đời, rải rác ở khắp các miền trong tỉnh.

Có thể kể đến một số loại tiêu biểu như hát Ghẹo, hát Úa ở Đông Anh, hát Khúc ở Tĩnh Gia, hát Mùa ở Xuân Pha, hát Chèo chài ở Thiệu Hóa, Hoằng Hóa… đó là chưa kể đến nhiều loại dân ca của những dân tộc thiểu số anh em ở miền núi, của đồng bào Mường, Thái, Mông… Nhưng nói đến dân ca Thanh Hóa thì phải kể đến "Hò sông Mã" - loại dân ca điển hình và đặc biệt hơn cả.

Trích hò sông mã – Nghệ sỹ Trung Hải

 

Thưa quý vị! Sông Mã xưa nay vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống giao thông và kinh tế của nhân dân Thanh Hóa. Trong kháng chiến chống Pháp cũng như trong những năm chống Mỹ, sông Mã là một tuyến giao thông đường thủy thuận lợi đã góp phần vào chiến công chung của nhân dân ta. Sống trên dòng sông lúc đầy gian nguy sóng gió, lúc lại ý vị nên thơ, người dân chèo thuyền đã sáng tạo ra hình thức ca hát đầy tính nghệ thuật để động viên ca ngợi thiên nhiên và tự động viên mình. Anh Nguyễn Văn Long – thành viên CLB Hò sông Mã của tỉnh Thanh Hóa cho biết:

PV: Long

Xưa kia, mỗi con đò, ngoài người chủ đò, còn có một người tháo vát, giàu kinh nghiệm được mọi người tin cậy trao cho điều khiển chung. Người này thường ra hiệu lệnh cho mọị người và là người “bắt cái” trong các câu hò. Mỗi đò thường có 3 hoặc 4 trai đò giữ nhiệm vụ chèo chống. Trai đò có thể chia ra hai tốp để chống đò nối tiếp nhau liên tục và hưởng ứng theo câu hò của người “bắt cái”.Hò sông Mã có thứ tự hẳn hoi và chia ra làm 5 giai đoạn rõ rệt: hò rời bến, hò đò ngược, hò đò xuôi, hò mắc cạn và hò cập bến. Hò rời bến còn gọi là họ mời khách. Trên một chặng đường dù xa hay gần nhưng đã chung một thuyền trên dòng sông, mọi người như muốn xích lại gần nhau, như muốn gắn bó với nhau trở thành những người “bạn đường sinh tử”. Vì vậy mà hò rời bến với âm điệu mở đầu đầy vui tươi đon đả, giới thiệu để làm quen với nhau như muốn nhắn nhủ dặn dò:Câu hò thường là câu lục bát. Người “bắt cái” mở đầu bằng “dô ta” và “í ta dô ta” rồi mới xướng vào câu hò mỗi lần hai tiếng, xen kẽ với tiếng hô “dô ta” của trai đò. Hò đò ngược còn gọi là hò chống sào vì lúc này chủ yếu trai đò dùng sào để chống, để đẩy con thuyền đi ngược dòng sông theo hiệu lệnh của người “bắt cái”. Hò đò ngược còn được goị là "sắng nước ngược" theo tiếng gọi chuyên môn của những người chèo đò. Hò đò ngược chỉ có một làn điệu. Giọng hò đò ngược nghe chậm chạp và có phần nặng nề hợp với cảnh lao động chống sào nặng nhọc, nhưng vẫn đượm màu sắc trữ tình nhiều lúc lại còn đầy vẻ dí dỏm lạc quan:

Trích Hò sông mã – Đoàn tuồng Thanh Hóa

Hò đò xuôi gồm những điệu hò chủ yếu của hò sông Mã. Khi đã thuận buồm xuôi gió, con đò nhẹ trôi trên dòng nước, công việc của người chèo đò cũng trở nên nhẹ nhàng đỡ vất vả thì tiếng hò của họ cũng cất lên không những với nhiều âm điệu, nhiều màu sắc mà cũng chính nội dung lời ca cũng bao la, rộng rãi và số lượng bài bản cũng nhiều hơn. Hò đò xuôi gồm nhiều làn điệu khác nhau như: hò xuôi nhịp đôi một, hò xuôi nhịp đôi hai, hò đường trường, hò giọng giả, hò xuôi ru ngủ, hò xuôi làn ai, hò xuôi lối niệm Phật, hò xuôi theo làn văn… Mỗi làn điệu hò đò xuôi có một âm điệu riêng. Người bắt cái thường thay đổi các làn điệu hò cho đỡ nhàm chán. Bà Hồ Thị Tình – Thành viên CLB Hò sông Mã chia sẻ thêm:

PV: Tình

Hò Sông Mã là loại hò có tính tập thể cao, biểu hiện rõ nét tính chất lao động bằng âm nhạc trên đò giang sông nước. Những làn điệu hò thay đổi là tùy theo mức độ lao động khẩn trương, căng thẳng hay là lúc thoát mái nhẹ nhàng. Âm điệu hò sông Mã khỏe khoắn và nhịp nhàng như vậy, nhưng nội dung lời ca hò sông Mã nhìn chung vẫn biểu hiện tính chất lạc quan, trữ tình như nhiều loại dân ca khác. Hò sông Mã cũng thể hiện tình yêu cuộc sống sông nước của nhân dân Thanh Hóa với niềm tự hào về dòng sông của quê hương mình vừa hiền hòa thơ mộng, vừa hùng dũng sục sôi. Nhiều lúc, hò sông Mã cũng phản ánh những nhận định, những kinh nghiệm rút được trong khi đi nghề, nhưng nội dung vẫn luôn luôn gắn bó chặt chẽ giữa con người, xã hội và thiên nhiên. Do đó lời ca hò sông Mã thường lấy trong ca dao. Nội dung câu ca không nhất thiết lúc nào cũng phải theo sát nhạc điệu của mỗi giai đoạn hò bởi lẽ những âm điệu đó đều mang tính khái quát khá cao, có thể lồng vào những câu ca khác nhau. Hò sông Mã cũng đã cung cấp cho các nhạc sĩ sáng tác những âm điệu độc đáo, tạo nên những tác phẩm âm nhạc mới ca ngợi cuộc sống lao động sản xuất và chiến đấu trên quê hương Thanh Hóa anh hùng. Những ca khúc ấy không những được bà con Thanh Hóa yêu mến tự hào mà bà con và thính giả cả nước đón nhận và yêu thích./.

Trích Hò sông mã – tốp ca nam nữ

Bài 2: Thưa quý vị! Hát văn còn gọi là chầu văn hay hát bóng, là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần một tín ngưỡng dân gian Việt Nam có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hiện các tài liệu ghi chép về hát chầu văn còn rất ít, nhưng các tài liệu đều thống nhất: Hát chầu văn có lịch sử hình thành lâu dài, ra đời sớm hơn so với các loại hình dân ca khác. Từ thế kỷ XVII, chầu văn phát triển mạnh ở Nam Định cùng với quá trình hình thành quần thể các di tích trọng điểm ở Nam Định như phủ Dầy,  phủ Quảng Cung, đền Bảo Lộc, sau đó phát triển ra các vùng lân cận như Hà Nam, Thái Bình và ngày càng lan tỏa ra nhiều vùng trên cả nước. Hát chầu văn có ba kiểu là hát thi (văn thi), hát thờ (văn thờ) và hát lên đồng (văn hầu).

Trích hát chầu văn

Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Lời ca, tiếng nhạc của cung văn nhằm mời gọi các vị Thánh về. Hát văn làm cho buổi lễ sống động.Nghi lễ hát chầu văn lên đồng có thể chia thành bốn phần chính: Mời Thánh nhập Kể về sự tích và công đức của vị Thánh đó Xin Thánh phù hộĐưa tiễn (thường chấm dứt với câu: “Xa loan thánh giá hồi cung!”)

Lời văn trong hát văn cũng phổ từ thơ ca dân gian, có khi vay mượn cả trong các tác phẩm văn thơ bác học và thường là thể lục bát, lục bát biến thể, thất ngôn, bốn chữ. Giai điệu của hát văn khi thì mượt mà, hấp dẫn, khi lại dồn dập, khoẻ khoắn vui tươi. Chất thơ của bài văn đó được nâng lên cao tuyệt đỉnh trong không khí tâm linh thành kính, khấn vái xuýt xoa, khói hương nghi ngút, có dàn nhạc, lời ca phụ hoạ, đưa đẩy và các điệu múa thiêng của Thánh thể hiện qua người hầu đồng. Với tính chất này hát văn ngày nay không chỉ bó hẹp trong phạm vi dùng trong nghi lễ mà hát văn cũng được coi như một hình thức ca nhạc dân gian vui tươi lành mạnh và có thể đưa ra công diễn trước đông đảo quần chúng.

TRích hát chầu văn

Quý vị và các bạn thân mến! 15 phút CT đến với dân ca nhạc cổ tuần này đến đây xin được nói lời chào tạm biệt. . Hẹn gặp lại quý vị vào khung giờ này tuần sau cùng những làn điệu dân ca đặc sắc trên mọi miền đất nước Việt Nam thân yêu.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 28/05/2019 07:40 Lê Vĩnh Nhiên 04/06/2019 14:24

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà