DÂN CA NHẠC CỔ 7-6
Danh mục
Đến với dân ca nhạc cổ Việt Nam
NỘI DUNG

 

DÂN CA NHẠC CỔ

Phát sóng thứ 6 ngày 7-6

Gửi lời chào thân thương đến quý thính giả đang nghe chương trình dân ca nhạc cổ của Đài PTTH QT. Thưa QV&CB! “Hát ru là bài học giáo dục âm nhạc đầu tiên người mẹ truyền cho đứa con. Cùng lúc với dòng sữa nóng nuôi thân thể của con thì một làn điệu thi ca dân gian, một nét nhạc dân tộc được rót vào trong tiềm thức của bé.”Hát ru là thể hát dân gian có mặt hầu hết ở mọi tộc người, đó là một trong những giai điệu âm nhạc đầu tiên mà con người được nghe trong khởi điểm vòng đời của mình. Và đó cũng là nội dung chính của CT DCNC ngày hôm nay

Trích hát ru

Thưa quý vị! Như mọi miền đất khác trên thế giới, dân tộc nào cũng có loại hình văn học dân gian bao gồm nhiều thể loại: huyền thoại, huyền tích, tục ngữ, câu đố, truyện tiếu lâm, tuồng, hài, ca dao, hò, vè… mà trong đó Hát ru, hay còn gọi là “Hát ru em”, “Hò ru con” là hình thức diễn xướng mà bất cứ ở làng quê nào trên dải đất Việt Nam cũng có.

Hát ru Việt Nam, cả 3 miền Nam – Trung – Bắc, có nét giống nhau là thường dùng thể thơ lục bát, lục bát biến thể với làn điệu nhẹ nhàng, lời ca thường đệm thêm nhiều tiếng không có nghĩa xác định. Chỗ khác nhau là về trường độ, cao độ, về sắc thái âm điệu, tiếng đệm…

À ơi… Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh

Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em…

Hoặc là:

Chú cuội ngồi gốc cây đa

Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời

Cha thời cắt cỏ trên giời

Mẹ thời phóng ngựa đi mời quan viên

Hát ru là hình thức diễn xướng quen thuộc của quê hương, được truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhằm biểu hiện những trạng thái tình cảm của người phụ nữ mà tuổi thơ là đối tượng trực tiếp được hưởng thụ, thưởng thức những giai điệu ngọt ngào, đằm thắm, chan chứa niềm tin.

Trích hát ru

Thưa quý vị và các bạn! Hát ru có một giá trị nhất định trong kho tàng văn chương bình dân của đất nước Việt Nam mà lực lượng thể hiện luôn là các bà mẹ Việt Nam qua nhiều năm tháng. Hát Ru là làn điệu dành cho phụ nữ, gắn liền với hình ảnh người mẹ. Bởi lẽ bên cạnh công việc nội trợ bếp núc, trông giữ, chăm sóc trẻ được xem như chức năng thiên phú của phái nữ. Mẹ ru con, mẹ bận thì bà ru cháu hay chị ru em… Đi dọc chiều dài đất nước, sẽ thấy có tới 3 làn điệu Hát Ru ứng với 3 miền Bắc- Trung- Nam, in đậm dấu ấn thổ ngữ mỗi vùng. Đó là Hát Ru Bắc Bộ, Hát Ru Trung Bộ và Hát Ru Nam Bộ. Ở đây, do dấu giọng vùng miền chi phối, nên đã hình thành những cấu trúc giai điệu khác nhau, phù hợp với thanh điệu cũng như thẩm mỹ âm điệu từng nơi. Nhìn chung, dù đường tuyến giai điệu mỗi miền một khác, nhưng cả 3 làn điệu Hát Ru Bắc- Trung- Nam đều có cấu trúc đồng dạng: MỞ- TIẾP DIỄN- ĐÓNG. Trong đó, Tiếp diễn chính là phần “gan ruột” của làn điệu, nơi người hát vận thơ thành lời ca để hát Ru.

Trích hát ru

Cũng như nhiều làn điệu âm nhạc dân gian nói chung, Hát Ru dùng thơ lục bát- một thể thơ dễ làm, dễ thuộc để đặt lời ca. Bên cạnh đó, người ta cũng có thể dùng thơ lục bát dạng biến thể hay đôi khi dùng cả song thất lục bát. Nhưng những trường hợp đó không phổ biến vì được coi là khó hát. Bởi việc thêm từ hay đổi cấu trúc nhịp thơ ở mỗi vế sẽ gây nên sự xáo trộn nhất định. Thế nên người hát phải đủ tài ứng vận để đảm bảo đúng âm điệu của đường tuyến cơ bản. Bao bọc trước sau lời ca Hát Ru là phần Mở và phần Đóng. Đấy là những câu đưa hơi mang dấu ấn âm điệu vùng miền rất đặc trưng. Hát Ru Bắc Bộ và Trung Bộ thì đưa hơi là “À ơi!” hay “Ạ ơi!”. Riêng Hát Ru Nam Bộ thì đưa hơi bằng tiếng “Ầu ơ!”. Chính vì vậy, người dân Nam Bộ còn gọi làn điệu này là Hát Ầu ơ

Trích hát ru nam bộ

Chính mục đích để ru trẻ ngủ mà nhịp điệu đặc trưng của Hát Ru thuộc dạng nhịp đôi êm ái, du dương, đều đặn, đồng điệu với nhịp đưa nôi, dễ tạo cảm giác dìu dịu gây ngủ. Những kiểu dạng nhịp điệu nghịch phách, đảo phách, giật cục lắt léo tất nhiên sẽ không phù hợp với bối cảnh. Thế nên khi người ta hát ru, bao giờ cũng bế đứa trẻ lắc lư, đu đưa theo nhịp câu hát, hay có thể vỗ về đứa trẻ, tác động phụ trợ với câu hát đưa bé vào giấc nồng. Đặc biệt hơn, khi người ru bồng đứa trẻ nằm trên võng, nhịp đưa nôi của câu hát khi đó đánh đồng với nhịp đu đưa “kẽo kẹt” của chiếc võng, tất sẽ tác động mạnh hơn tới việc gây ngủ. Trong các loại hình âm nhạc dân gian, đây có lẽ là trường hợp duy nhất mà người hát trực tiếp “bồng bềnh, chao liệng” cùng nhịp điệu câu ca theo đúng nghĩa đen của nó.

Trích hát ru

Trong những yếu tố “bó buộc” chi phối, làn điệu Hát Ru vẫn bao chứa những kỹ thuật âm nhạc của riêng mình, như một khoảng xác định bẳn sắc nghệ thuật của làn điệu. Những kiểu rung giọng, nhấn nhá, luyến láy các cung bậc quy định luôn tạo nên sức hấp dẫn nhất, quyến rũ, đủ để mỗi người hát có thể phát huy khả năng âm nhạc của riêng mình. Bởi thế, một người hát ru giỏi với chất giọng truyền cảm sẽ có thể gây ấn tượng như một nghệ sĩ dân gian thực thụ. Đó là điều đã được xác nhận trong thực tiễn.

Trích hát ru

 

PTV: Chào cuối

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 04/06/2019 09:13 Lê Vĩnh Nhiên 05/06/2019 08:04

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà