Tạp chí người cao tuổi
Danh mục
Chương trình phát thanh tổng hợp
NỘI DUNG

Tạp chí người cao tuổi:

NIỀM VUI TUỔI GIÀ

MC 1: Kính chào quý vị và các cụ! Thế Hùng và Thái Hiền rất vui khi trở thành người bạn đồng hành cùng QV & Các cụ trong tạp chí người cao tuổi. Chương trình do Đài PTTH Quảng Trị sản xuất và bắt đầu lên sóng phát thanh từ tháng 11/2019.  

MC 2: Quý vị và các cụ thân mến! Có lẽ trong cuộc đời của mỗi người thì sẽ đôi lần chúng ta phải thốt lên rằng: Đời người thật ngắn ngủi. Nhớ lại vào lứa tuổi đôi mươi, chúng ta lang thang trong khuôn viên trường đại học, vui cười vô tư và bây giờ đã hơn 40 năm trôi qua rồi. Đời người thoáng chốc đã già! Trong sự xót xa tiếc nuối tuổi trẻ thì mỗi người cũng nên chuẩn bị cho mình một hành trang để bước vào tuổi xế chiều và tìm cho mình niềm vui sống khi tuổi già đến. Đây cũng chính là chủ đề chính của số đầu tiên tạp chí người cao tuổi tuần này.

Nhạc cắt

MC1: Anh Thế Hùng này, anh đã bao giờ nghe đến tên của Bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc chưa?

MC2: À, có lẽ tuổi như Thái Hiền thì ít người biết đến BS Đỗ Hồng Ngọc, nhưng lứa tuổi như chúng tôi, những người đã bước sang tuổi 60 thì cái tên Đỗ Hồng Ngọc có lẽ cũng không xa lạ gì. Không phải bởi ông ấy là bác sỹ của người già đâu, mà BS Đỗ Hồng Ngọc được biết đến với 1 số quyển sách khá là thú vị viết về người già như: Già ơi, chào bạn hay Già sao cho sướng.

MC1: Vâng, đúng như vậy và tôi thì cũng có dịp được đọc và nhớ 1 câu nói đầy lạc quan của BS Đỗ Hồng Ngọc khi viết về tuổi già như thế này: “Già thì khổ, ai cũng biết. Sinh lão bệnh tử! Nhưng già vẫn có thể sướng. Muốn sống lâu thì phải già chớ sao! Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái chín ép.”

MC2: Quả là đúng như những gì BS Đỗ Hồng Ngọc đã viết, tôi cũng nghĩ rằng khi đối mặt với tuổi già một cách tự tại, với những phương cách sống lạc quan và cả với những phương thuốc an toàn là cách để sống khỏe, sống vui. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem cách mà những người già đón nhận cuộc sống và tự tạo niềm vui cho mình qua bài viết sau của PV Phạm Quỳnh.

 

TẠO NIỀM VUI TUỔI GIÀ

MC2: Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc - nguyên giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM, một người đã viết rất nhiều cuốn sách hay về tuổi già như: Già ơi chào bạn, già sao cho sướng đã từng nói rằng: Có người nói già làm người ta khổ sở thì có, chứ làm sao già mà hạnh phúc được? Nhưng đối với tôi, tuổi già là bạn nên ta hãy chào đón nó!

MC1:Vậy bao nhiêu tuổi là già? Có người cho rằng trên 50 tuổi là già, có người bảo 70 tuổi mới là già vì “thất thập cổ lai hi” (người 70 tuổi xưa nay hiếm). Thế nhưng, theo bác sĩ Hồng Ngọc, có người mới 20 tuổi đã “rất già” vì suốt ngày ngồi ở quán xá, rầu rĩ, buồn chán cuộc sống, nhưng có người 70-80 tuổi vẫn “rất trẻ” vì họ giữ được cuộc sống năng động, tinh thần lạc quan. Nói một cách dễ hiểu hơn, vì bạn luôn nghĩ rằng mình đã già yếu, nên tất cả mọi hoạt động của cơ thể bạn phải dần dần suy yếu theo với tâm lý đó. Nhưng thực tế không phải vậy. Các nhà nghiên cứu giờ đây đồng ý với nhau rằng, bạn có thể khôi phục và duy trì lâu dài hơn nhiều năng lực hoạt động của tuổi trẻ, thay vì buông xuôi cho chúng thoái hóa đi. Để làm được điều đó, bạn cần thực hiện thường xuyên những hoạt động vừa sức, và một tâm lý tích cực, yêu đời, năng động.

MC1:Tại Quảng Trị có nhiều câu lạc bộ, nhiều hoạt động giúp người cao tuổi có môi trường sinh hoạt lành mành, có cơ hội giao lưu, gặp gỡ nhau. CLB Hội người cao tuổi huyện Triệu Phong là một ví dụ. Các cụ đến đây nghe báo cáo thời sự,  vui chơi, cởi mở lòng mình để rồi nhận được những lời động viên sống vui, sống tốt của nhau. Ngoài những hoạt động thường ngày, thỉnh thoảng CLB còn tổ chức những buổi giao lưu với hội thơ của các phường, tổ chức các giải cờ tướng, bóng bàn… Hầu hết những người già mà chúng tôi gặp ở đây đều mong muốn được sống vui khoẻ cùng con cháu và gia đình, muốn làm việc có ích cho cộng đồng. Và sự thật, nhiều người đã đóng góp rất nhiều cho những hoạt động xã hội. Ông Trần Quang Đạt ở Triệu Phong nói:

Băng ghi âm

 

MC2: Trong gia đình, người già luôn là người “giữ lửa” truyền dạy kinh nghiệm cho con cháu. Vòng đời sinh - lão - bệnh - tử ai cũng trải qua. Khi người cao tuổi về nghỉ,  cũng là lúc họ mong muốn tìm thấy sự  đồng cảm, chia sẻ từ những người thân mà trước hết là từ người bạn đời của mình. Không có hạnh phúc nào lớn hơn đời sống thuận hòa trong gia đình. Khi tuổi càng cao, con người thường nhạy cảm với các mối quan hệ xung quanh. Bởi vậy, có câu danh ngôn rằng: “Lúc còn trẻ, nhờ tình yêu ta hiểu thế nào là cuộc sống. Khi về già, nhờ cuộc sống ta hiểu thế nào là tình yêu”. Chính vì thế, nhiều người già lại tìm niềm vui sống từ phía gia đình, từ sự sum vầy với gia đình, con cháu, họ tìm thấy niềm vui từ chính trong những bữa ăn ấm áp cùng gia đình. Ông Trần Minh Tính, Phường 5, Thành Phố Đông Hà chia sẻ:

Băng ghi âm

MC1: Theo thời gian, con người chúng ta ai cũng già đi. Dù muốn dù không, chúng ta ai cũng phải đối mặt với tuổi già. Và khi bước vào hoàng hôn của cuộc đời, sống sao để có tuổi già khỏe mạnh và ý nghĩa là điều quan trọng.

Nhạc cắt

Sống khỏe: Bí quyết tăng tuổi thọ cho người cao tuổi.

(Khai thác báo sức khỏe đời sống)

MC2: Thưa QV & các cụ! Như QV & các cụ đã biết, sức khỏe là vốn quý nhất của con người, đặc biệt với người cao tuổi sức khỏe càng trở nên quý giá bởi theo quy luật càng lớn tuổi càng nhiều bệnh tật, sức khỏe có chiều hướng ngày càng giảm. Vì thế, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho đối tượng NCT đòi hỏi phải có những thay đổi, nâng cao cả về chất và lượng.

MC1: Và lối sống, thái độ sống một cách tích cực cũng là những yếu tố giúp tăng cường tuổi thọ. Hạn chế các thói quen có hại, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng những tác hại của hút thuốc, uống rượu bia…làm tăng tốc độ lão hóa của các cơ quan trong cơ thể, mặc dù tác hại của những thói quen này chúng ta không cảm nhận được ngay. Trong mục sống khỏe hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến QV và các cụ về bí quyết tăng tuổi thọ cho người cao tuổi.

MC2:  Người cao tuổi cần được ngủ đủ giấc, bỡi nếu Người ngủ quá nhiều hay quá ít đều có tình trạng giảm sức khỏe kém hơn so với người ngủ đủ giấc. Một người trung bình ngủ 7 giờ/ngày có tỷ lệ tử vong thấp nhất, còn 9 giờ/ngày có nguy cơ cao.

Kiểm soát stress:  Áp lực công việc, cuộc sống kiếm tiền, chuyện con cái là những yếu tố tạo nên trạng thái trầm cảm, gây căng thẳng. Đây là một tác nhân mạnh mẽ của sự lão hóa. Muốn làm chậm lại quá trình lão hóa sinh học thì phải biết kiểm soát stress, không để cơ thể rơi vào trạng thái stress trong thời gian dài. Để tăng cường tuổi thọ bạn cần sống thoải mái, luôn giữ tinh thần vui tươi và biết quan tâm đến những người xung quanh.

MC1: Để duy trì một sức khỏe tốt lúc về già thì QV & các cụ cũng cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý:  Mối tương quan giữa cân nặng và tuổi thọ vẫn còn chưa được làm sáng tỏ; nhưng chúng ta đã biết thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư…; đó là những căn bệnh gây tử vong hàng đầu.

Hoạt động trí óc:  Nếu nghỉ hưu nên đọc sách, học, chơi cờ, chơi game… vào thời gian rỗi để kích thích sự tư duy, phát triển trí tuệ. Duy trì những hoạt động trí óc này sẽ là chìa khóa để giúp giảm tốc độ lão hóa của cơ thể.

Tập thể dục:  Trong khoảng giữa 30 và 70 tuổi, cơ thể chúng ta mất khoảng 30 đến 40% khối lượng cơ bắp. Lúc này, hiệu quả cung cấp máu của tim cũng giảm không dưới 30%. Nếu bạn tập thể dục thường xuyên sẽ làm chậm lại những thay đổi này khoảng 20 năm….

Nhạc cắt

TUỔI 60 - NÓI CHUYỆN TUỔI GIÀ

          MC1: Vâng, vừa rồi là một số bí quyết để các cụ có thể duy trì được sức khỏe tốt và kéo dài tuổi thọ. Anh Thế Hùng này, như chúng ta đã nói ở đầu chương trình thì để làm bạn với tuổi già thì không gì tốt hơn bằng việc chúng ta phải có 1 sức khỏe tốt và 1 tinh thần lạc quan. Và tôi nghĩ rằng, trong mục tâm sự tuổi già này, anh Thế Hùng sẽ mang đến cho chương trình những chia sẻ thú vị, đúng không ạ.

 

Vâng, quả là như vậy. Hỡi những người bạn tôi đã từng biết tên, biết mặt và những người bạn chưa biết tên, chưa hề biết mặt thân mến!

Kiếp người quả thật là ngắn ngủi! Một nháy mắt thoáng qua như ảo mộng! Nó đã cuốn trôi mất hút 60 năm trời của các bạn, của tôi và của tất cả mọi người cùng trang lứa .

Lúc chào đời, các bạn chẳng có gì? Tôi chẳng có gì? Mọi người khác cũng chẳng có gì? Các bạn, tôi và các người khác cũng chẳng biết gì?
Trôi theo thời gian, dần theo năm tháng, tôi, các bạn và mọi người hẳn đã có trong đôi tay mình tất cả: gia đình, sự nghiệp, địa vị (dù rất khiêm nhường), tiền bạc (dù rất ít ỏi).

Thế rồi! Tuổi về chiều của mình đã chầm chậm bước đến. Giờ đây, nó đã đến thật rồi! Chúng ta đã đứng trước ngưỡng cửa của Tuổi 60. Chợt nhớ câu thơ của Tản Đà:

“Ngày xanh như ngựa đầu xanh bạc

Hết cả giang hồ hết cả ngông”

Rồi chúng ta tự hỏi:

          - Chúng ta sẽ còn lại những gì trên đôi tay của mình? Con ta ư? Cháu ta ư?...

 - Không - Mỗi đứa đều có thế giới riêng của nó. Gia đình riêng của nó.Tiền bạc ư? Sự nghiệp ư?...Tất cả rồi cũng sẽ thành hư vô khi ta nhắm mắt lìa bỏ thế gian này?!

Đến cái tuổi này rồi mới thấy: Trên đời ai thắng, ai thua không quan trọng. Ai vui vẻ mới quan trọng hơn.

Thông thường, ai ai cũng nghĩ Tình yêu - Hạnh phúc thật là đơn giản vì nó trong tầm tay ta, của chính ta. Đã già rồi, các bạn đã nghĩ sao về hai chữ tình yêu?

Tình yêu của tuổi trẻ là sự chinh phục, chiếm hữu và kiêu hãnh. Nó dâng cuồn cuộn như sóng lớn giữa đại dương. Nhưng dễ dàng tan rã bởi những hờn giận vu vơ nông nổi. Còn tình yêu của tuổi già chúng ta thì sao? Tình yêu của tuổi già là sự chia sẻ những nỗi buồn, những niềm vui trong cuộc sống hằng ngày. Nó thật là êm đềm! Thật là trầm lắng! Thật êm đềm như những con sóng nhỏ nhè nhẹ, lăn tăn giữa mặt hồ da diết. Như vậy chúng ta không còn làm lạ: tại sao vào tuổi xế chiều, chúng ta lại yêu thương chồng mình, vợ mình với tình thương yêu thật là thắm thiết mặn nồng hơn thời xuân trẻ phải không?

Các bạn ơi! Tình yêu có thể bị xói mòn bởi sự bám víu, bất an và kiêu hãnh. Thôi thì chúng ta hãy trân trọng, vun trồng, chăm bón Tình yêu trong tầm tay ta nhé! Đó là chuyện tình yêu và kỉ niệm trong đời sống vợ chồng chúng ta.

Còn những kỉ niệm của chúng ta, những người bạn đồng môn trong thời thơ dại thì sao?

 - Rất hồn nhiên! Rất đẹp! Đẹp mãi mãi!

Vượt cả thời gian và không gian. Ở nơi tôi, kỉ niệm thời thơ ấu sao thật là dễ thương và không bao giờ quên được.

Các bạn ơi! Có phải kỉ niệm thời thơ dại là chuỗi dài kỉ niệm rất ư là dễ thương đã làm cho chúng ta quên đi những ngày tháng lo toan ưu phiền trong cuộc sống hiện tại. Đã 60 tuổi rồi. Đã trở thành ông bà nội ngoại của một lũ con cháu. Cứ lạc quan mà sống!

Chẳng phải Trang Tử trong Nam hoa kinh đã nói rồi sao:

Ngủ không mộng mị

Thức chẳng lo âu

Ăn không cầu kỳ

Thở thật thâm sâu

Thóp bụng thở ra

Phình bụng hít vào

Còn riêng tôi, xin chân thành gửi đến các bạn chuỗi cười qua những câu hát của nhạc sĩ Y Vân: 60 năm cuộc đời

                                               

                                                                      Thế Hùng

 

MC1: QV & các cụ thân mến! Những chia sẻ của Nhà báo Thế Hùng trong mục tâm sự tuổi già cũng đã khép lại Tạp chí người cao tuổi tuần này.

MC2: Ctrinh do Phạm Quỳnh, Thế Hùng, Thái Hiền và KTV Thu âm Vĩnh Lộc thực hiện. Chúc QV & các cụ sẽ luôn sống vui, sống khỏe. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 31/10/2019 09:43 Lê Vĩnh Nhiên 20/11/2019 07:11
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà