AN TOÀN GIAO THÔNG 1-8
Danh mục
An toàn giao thông
NỘI DUNG

 

Kịch bản chương trình PTTT An toàn giao thông:

Phát thanh trực tiếp thứ 2 ngày 1-8:

Nồng độ cồn và những hệ lụy mất ATGT

MC: Kính chào Qv & các bạn!  Bây giờ là 30 phút của chương trình An toàn giao thông đang được phát trên sóng phát thanh, tần số 92,5Mgz của Đài PTTH Quảng Trị, được livestream trực tiếp trên kênh facebook Đài PTTH Quảng Trị. Quý vị và các bạn có thể tương tác với chương trình qua số ĐT: 0233.3595399 hoặc comment để lại câu hỏi khi theo dõi chương trình trên trang facebook của Đài PTTH Quảng Trị trong khi chương trình đang diễn ra.

Quý vị và các bạn thân mến! Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta đứng thứ hai khu vực Đông - Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Ước tính mỗi năm, chi phí tiêu thụ rượu bia của cả nước khoảng 3,4 tỷ USD. Những dịp lễ Tết, tình trạng sử dụng rượu bia lại tăng vọt, kéo theo nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT), các vụ án mạng, bạo lực tăng theo mà chưa có giải pháp khắc phục. Có thể thấy, rất nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra đều bắt nguồn từ bia rượu. Do say xỉn không làm chủ được tay lái, xử lý tình huống kém, nhiều người đã vô tình gieo những án "tử" không hẹn trước cho những người tham gia giao thông khác và cả chính mình. Theo một khảo sát của Ủy ban ATGT quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 địa phương cho thấy, tỷ lệ các vụ TNGT do rượu bia chiếm khoảng 40%. Mỗi năm nước ta có khoảng 18.000 nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông trong đó có 36,9%  ca tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu, 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% số lái ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện và 11% số người tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia... Mặc dù quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên, việc tuyên truyền, phòng, chống vi phạm nồng độ cồn còn chưa hiệu quả do thói quen uống rượu bia của người dân khá phổ biến, chén rượu được coi là một phần không thể thiếu trong văn hóa và đời sống của người dân. Bên cạnh đó ý thức của người tham gia giao thông còn chưa cao, việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông vẫn còn phổ biến… chính vì vậy mà việc tuyên truyền giảm bớt sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi người tham giao thông phải tự ý thức được những mối nguy hiểm với họ và những người xung quang khi sử dụng rượu bia mà tham gia giao thông. Đây là nội dung mà chúng tôi muốn chuyển đến quý vị và các bạn trong CT ATGT tuần này.  Mời quý vị và các bạn cùng đón nghe. Nhưng trước hết chúng tôi xin dành ít phút để điểm lại một số tin tức an toàn giao thông đáng chú ý trong thời gian qua.

                                                Nhạc cắt Tin tức giao thông 

Tin 1: Bộ GTVT vừa ban hành văn bản hợp nhất số 333 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, đáng chú ý là quy định: Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Trong Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đã đề xuất bổ sung quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả của việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cho phép sử dụng gầm cầu cạn làm bãi đỗ xe là xu hướng tất yếu của các đô thị lớn trên thế giới, góp phần giải quyết phần nào nhu cầu của người dân tại các thành phố lớn, giảm được ùn tắc và giảm áp lực giao thông, trên cơ sở phải đảm bảo các yếu tố về hạ tầng, tổ chức giao thông, có tính thẩm mỹ và việc kết nối với không gian xung quanh. Thế nhưng, Luật GTĐB sửa đổi hiện vẫn đang trong quá trình dự thảo, lấy ý kiến, do đó, các tỉnh, thành và các cấp thẩm quyền hiện vẫn phải tuân theo quy định không cấp phép cho các bãi đỗ xe mới dưới gầm cầu đường bộ.

Tin 2: Đến thời điểm này, hầu hết các tuyến cao tốc đã hoàn tất khâu chuẩn bị để đồng loạt triển khai thu phí ETC. Theo đó, kể từ ngày 1/8, xe ô tô không dán thẻ thu phí hoặc có dán thẻ nhưng trong tài khoản không đủ tiền thanh toán phí sẽ không được đi vào các tuyến cao tốc. Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng, tước bằng lái từ 1-3 tháng. Ngày 25/7, tại trạm thu phí đầu tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, một nhân viên thu phí phát hiện phương tiện không đủ điều kiện thu phí ETC, nhân viên lập tức đóng làn, điều tiết các phương tiện sang các làn lân cận. Phương tiện không đủ điều kiện được hướng dẫn đỗ vào lề đường bên phải. Ngay sau đó được nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ dán thẻ, hướng dẫn chủ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông. Sau khi lập biên bản yêu cầu cam kết tuân thủ quy định khi sử dụng dịch vụ thu phí ETC, phương tiện tiếp tục được lưu thông. Ở một làn thu phí khác, một phương tiện cố tình dừng đỗ tại làn ETC. Tổ trưởng thu phí lập tức yêu cầu nhân viên phân làn đóng làn, điều tiết phương tiện phía sau sang các làn ETC lân cận. Tiếp đó, thông tin qua bộ đàm mời lực lượng CSGT phối hợp phân làn, điều xe cứu hộ kéo xe ra khỏi làn để tiến hành xử lý vi phạm. Trên đây chỉ là 2 trong 5 tình huống giả định trong cuộc diễn tập xử lý sự cố, tình huống có thể xảy ra trong quá trình vận hành chỉ thu phí tự động không dừng do đơn vị quản lý tuyến cao tốc này tổ chức. Các tình huống giả định đưa ra đều được các nhân viên vận hành thuần thục.

Tin 3: Cục Hàng không VN vừa ban hành Chỉ thị tăng cường giám sát chủ động phòng ngừa các hành vi vi phạm an ninh hàng không. Theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, điều này nhằm tăng cường hiệu quả và hiệu lực của công tác giám sát an toàn, an ninh hàng không, đặc biệt trong thời gian cao điểm phục vụ nhu cầu đi lại an toàn của người dân. Đồng thời, điều này cũng nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng, xây dựng văn hóa an toàn hàng không bền vững. Các Cảng hàng không được yêu cầu chú trọng việc giám sát an toàn tại các khu vực của sân bay - nơi có mật độ hoạt động cao của tàu bay và các phương tiên, cũng như các khu vực hạn chế trọng yếu liên quan đến an toàn khai thác. Với hành khách vô ý thực hiện các hành vi không tuân thủ các quy định an ninh, an toàn tại các khu vực này, các Cảng phải kịp thời ngăn ngừa và khuyến cáo. Trường hợp những hành khách cố ý gây rối, phải kịp thời phát hiện và báo cáo Cảng vụ hàng không xử lý nghiêm.

Nhạc cắt Giao thông và cuộc sống

MC: Qv & các bạn đang nghe chương trình An toàn giao thông đang được phát trên sóng phát thanh, tần số 92,5Mgz của Đài PTTH Quảng Trị, được livestream trực tiếp trên kênh facebook Đài PTTH Quảng Trị. Quý vị và các bạn có thể tương tác với chương trình qua số ĐT: 02333595399 hoặc comment để lại câu hỏi khi theo dõi chương trình trên trang facebook của Đài PTTH Quảng Trị trong khi chương trình đang diễn ra. Chủ đề của chương trình hôm nay là Nồng độ cồn và những hệ lụy đau thương. Sau đây là một phóng sự ngắn về việc xử lý nồng độ cồn của lực lượng CSGT. Mời quý vị cùng nghe để hiểu rõ hơn những vất vả, khó khăn và vướng mắc trong xử lý tình trạng này.  

PS: “MA MEN” CẦM LÁI – HỆ LỤY ĐAU THƯƠNG

Lai rai, cụng ly, uống, rồi... xỉn, không biết từ bao giờ đã định hình tập tục: 100%, nhậu hết mình, không say không về! Và sau đó những chiếc xe rú ga phóng như bay từ quán nhậu, đánh võng, lạng lách, "bơi" trên đường, gây bao thảm họa đau thương.

Khi xã hội phát triển, kinh tế hội nhập thì văn hóa giao thông phải được uốn nắn, xây dựng định hướng; không thể để sự tùy tiện, vô nguyên tắc, cổ súy, coi thường tính mạng của mình và người khác khi tham gia giao thông. Từ cổ động, tuyên truyền đến hoàn thiện pháp lý, xử lý nghiêm để răn đe, đó là một chuỗi các giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên để những vụ TNGT thảm khốc liên quan đến nồng độ cồn, chất ma túy không còn tiếp diễn thì cần sự chung tay, chấp hành nghiêm pháp luật giao thông của mỗi người dân.

Theo chân CBCS Đội CSGT,TT CATP Đông Hà xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy mới thấy hết những vất vả, khó khăn của người thi hành công vụ, cũng như hệ lụy đau thương nếu không xử lý kịp thời. Thực tế, nhiều vụ TNGT xảy ra mà nguyên nhân do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia, chất kích thích. Hậu quả của những vụ TNGT này thường nghiêm trọng, bởi lẽ người điều khiển đã không còn làm chủ được hành vi, nhận thức của mình dẫn đến mất kiểm soát. Cá biệt, có những trường hợp vi phạm khi đang trên đường "tiếp tế" thêm bia, mồi khi "cuộc nhậu chưa tới bến".

Hồi 20h ngày 5/6, trên tuyến đường Hoàng Diệu TP Đông Hà, tổ công tác dừng xe kiểm tra anh N.V.T ngụ xã Phường Đông Giang TP ĐH điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, trong người nồng nặc mùi rượu. Tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, anh T vi phạm 0,415 mg/l khí thở. Anh T thừa nhận có uống vài ly rượu tại đám tang một người bạn. Nhưng đáng buồn thay, người bạn tử vong vì TNGT do say xỉn trước đó vài hôm. Khi "ma men" không còn làm chủ bản thân do uống bia rượu quá nhiều sẽ dẫn đến các hành vi vi phạm khác như: không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông... Từ đó, TNGT xảy ra là quy luật tất yếu. Anh .... Đội CSGT TT Công an TP Đông Hà cho biết thêm:

Phỏng vấn: (ANH CHUNG THỰC HIỆN)

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có nồng độ cồn, chất ma túy, lái xe sẽ bị phạt tiền cao nhất đến 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX đến 24 tháng. Có lẽ với mức phạt cao và không còn làm chủ được hành vi (do say xỉn) nên một số người vi phạm đã gây khó dễ, không hợp tác, không chấp hành, thậm chí còn lăng mạ, chửi bới lực lượng thi hành công vụ. Tuy nhiên, lực lượng CSGT tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật để răn đe, giáo dục và để những vụ TNGT đau thương không còn xảy ra.

Xử lý "ma men" cầm lái luôn là nhiệm vụ xuyên suốt của đội CSGT,TT CATP Đông Hà nhằm góp phần kiềm chế, đẩy lùi vi phạm, TNGT trên địa bàn. Trong thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục thực hiện TTKS, xử lý vi phạm theo chuyên đề "Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn" khép kín địa bàn, thời gian để đảm bảo TTATGT. Không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi cơ thể có nồng độ cồn, chất ma túy. Hãy hành động vì an toàn cho chính mình và mọi người!

MC: Vâng! Thưa quý vị! Phóng sự ngắn vừa rồi dù không thể nói hết được những hệ lụy từ bia rượu gây ra, những đau thương mất mát mà nồng độ cồn gây ra cho nững nạn nhân tai nạn giao thông nhưng cũng phần nào chúng ta thấy được ma men đường phố nguy hiểm thế nào. Và bây giờ là ý kiến 1 số người dân về tình trạng người dân uống rượu bia khi tham gian giao thông mà PV chúng tôi vừa thực hiện. Mời quý vị thính giả cùng nghe.

Voxpop: 5 ý kiến: Anh chị thấy tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh như thế nào?

(Anh Chung nhớ thu âm cả câu hỏi)

MC: Vâng! Như vậy là nhìn chung mọi người đều rất lo sợ về tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Luật giao thông đường bộ có quy định nghiêm cấm việc điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn và điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở, nhằm hạn chế, phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra, gây nguy hiểm cho chính bản thân người uống rượu, bia cũng như những người tham gia giao thông khác trên đường. Sở dĩ xử phạt khi người điều khiển xe có nồng độ cồn trong máu bắt đầu từ 50mg/100ml do đây là mức nồng độ cồn trong máu bắt đầu gây nhiễm độc hệ thần kinh, tức là gây ra tình trạng chếnh choáng, loạng choạng, say…Càng uống nhiều thì lượng cồn trong bia rượu sẽ khiến hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, mất khả năng định hướng, mất khả năng điều khiển vận động. Từ đó dẫn tới việc lái xe không an toàn, không còn xử lý tình huống được như ý muốn nữa gây mất an toàn giao thông. Nồng độ cồn trong máu dao động từ 50-79mg/100ml máu, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông thậm chí còn cao hơn người không uống rượu bia tới 7-21 lần. Và nếu từ 80mg/100ml máu trở lên thì nồng độ cồn này đủ khả năng gây cho người điều khiển phương tiện giao thông mất tầm kiểm soát và có thể gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. 

Vậy uống bao nhiêu rượu bia thì được tham giao giao thông? Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một đơn vị uống chuẩn chứa 10 gram cồn. Một đơn vị này tương đương một ly rượu mạnh (40 độ, 30 ml); một ly rượu vang (13,5 độ, 100 ml); một vại bia hơi (330 ml); 2/3 chai (lon) bia (330 ml). Như vậy, mỗi người chỉ được uống từ 1 - 1,5 lon bia trước khi tham gia giao thông để tránh bị phạt. Tuy nhiên, nồng độ cồn trong máu/hơi thở còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và cơ địa của mỗi người. Chính vì vậy, khi tham gia giao thông, mỗi người cần phải tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với bản than, gia đình và cộng đồng đừng để quá đà, mải mê trên bàn nhậu dẫn đến việc rượu bia "điều khiển" bản thân. Mỗi người phải tự ý thức tiết chế sử dụng rượu bia, tránh gây những hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội, tốt nhất là thực hiện khẩu hiệu “đã uống rượu bia, thì không lái xe” để giúp mọi người tham gia giao thông an toàn. Quy định xử phạt với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe: Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 1/8/2016 quy định các mức phạt liên quan đến hành vi điều khiển xe khi lái xe đã uống rượu, bia cụ thể như sau:

Đối với người lái xe máy

Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở. Phạt tiền 3-4 triệu đồng đối với điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở, hoặc người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-5 tháng tùy từng trường hợp.

Đối với người lái xe hơi

Phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở. Phạt tiền từ 7-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở. Phạt tiền từ 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-6 tháng tùy từng trường hợp.

Ở QT của chúng ta trong 2 trường hợp tỉnh Quảng Trị vừa quyết định xử phạt, có một lái xe bị phạt 46 triệu đồng do vi phạm nồng độ cồn và không có GPLX. Ngày 30/5, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hoàng Văn D. (SN 1982, trú xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) và ông Lê Hữu H. (SN 1992, trú phường An Đông, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).

 

Trong đó, ông Hoàng Văn D. bị phạt do vi phạm nồng độ cồn và không có GPLX, còn ông Lê Hữu H. bị phạt do điều khiển ô tô tải chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép của xe và không chấp hành việc kiểm tra tải trọng xe. Trước đó, qua kiểm tra, lực lượng chức năng Quảng Trị đã phát hiện và lập biên bản vi phạm đối với ông Hoàng Văn D. vì điều khiển ô tô BKS 74A- 170.33 trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4miligam/1 lít khí thở (0,540 miligam/1 lít khí thở) và không có GPLX. Theo quyết định, ông Hoàng Văn D. bị xử phạt với tổng mức tiền phạt 46 triệu đồng, theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Trong đó, với vi phạm điều khiển xe ô tô trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4miligam/1 lít khí thở, ông Hoàng Văn D. bị phạt 35 triệu đồng và không có GPLX bị phạt 11 triệu đồng. Ngoài ra, ông Lê Hữu H. bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo quy định là tước quyền sử dụng GPLX 4 tháng.

2 tháng đầu năm 2022, CSGT Quảng Trị đã xử phạt 2187 trường hợp vi phạm ATGT; trong đó có 746 trường hợp vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, ma túy. Đặc biệt vào khoảng 13h10 ngày 18/2, tổ TTKS thuộc Đội CSGT đường bộ số 1 - Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị ra hiệu lệnh dừng kiểm tra xe ô tô BKS 74A - 005.74, do ông Trần Mạnh H. (SN 1980, trú tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) điều khiển, phát hiện lái xe này có nồng độ cồn lên đến 0,444miligam/lít khí thở. Tổ TTKS đã lập biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện, GPLX theo quy định. Theo tổ công tác, với vi phạm điều khiển xe ô tô trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4miligam/lít khí thở, lái xe Trần Mạnh H. sẽ bị phạt với mức tiền phạt 35 triệu đồng và sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX 23 tháng theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Theo Ban ATGT tỉnh Quảng Trị, 2 tháng đầu năm 2022 (15/12/2021 - 14/2/2022), trên địa bàn tỉnh xảy ra 26 vụ TNGT, làm 16 người chết và 19 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021, tai nạn giao thông giảm 17 vụ, giảm 10 người chết và giảm 19 người bị thương. Cùng thời gian trên, lực lượng CSGT Quảng Trị đã phát hiện 2.187 trường hợp vi phạm trật tự ATGT (859 ô tô và 1.328 mô tô), xử phạt 2.025 trường hợp, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 5 tỷ đồng. Tước GPLX 629 trường hợp, tạm giữ 433 phương tiện vi phạm.

Đáng chú ý, trong số vi phạm trên, có 509 trường hợp vi phạm tốc độ, 235 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (25 ô tô, 210 mô tô) và 2 trường hợp điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, 126 trường hợp dừng đỗ không đúng quy định, 39 trường hợp ô tô không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, 20 trường hợp chở quá tải; 125 trường hợp điều khiển xe mô tô không có GPLX và 82 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển xe, 142 trường hợp không đội MBH...Thượng tá Lê Mạnh Hùng – Phó phòng CSGT CA QT cho biết thêm về công tác xử lý nồng độ cồn thời gian qua:

Phỏng vấn: Lê Mạnh Hùng

Từ 20.6, lực lượng CSGT toàn quốc đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông để kịp thời ngăn chặn các hành vi là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông. Theo đại diện C08, đợt cao điểm này diễn ra trong 3 tháng, từ 20.6 đến 20.9. Trong đợt cao điểm này, Bộ Công an chỉ đạo tập trung xử lý từ gốc các hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; vi phạm tốc độ; vi phạm về cơi nới thùng xe và chở hàng quá tải trọng, quá khổ; phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn. Để xử lý tận gốc vi phạm về nồng độ cồn, Bộ Công an đề nghị lực lượng chức năng toàn quốc tuyên truyền, vận động các chủ nhà hàng, quán bar, vũ trường,... nhắc nhở khách hàng đến ăn uống chấp hành luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia. Các trường hợp là Đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang,… vi phạm, lực lượng làm nhiệm vụ phải gửi thông báo về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Chánh VP Ban ATGT tỉnh QT cho biết thêm:

PV: Nguyễn Anh Tuấn

Chiều 15/7, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong việc giảm 3 tiêu chí số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông. Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, 6 tháng đầu năm (tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/6/2022), toàn quốc xảy ra 5.703 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.314 người, bị thương 3.690 người. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ tai nạn giao thông giảm 663 vụ (10,41%), tăng 79 người người chết (2,44%), giảm 793 người bị thương (17,69%). 13 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trên đường bộ và 1 vụ trên đường thủy, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 30 tỉnh, thành phố có số người chết do tai nạn giao thông giảm, nhưng ngược lại, vẫn còn 26 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2021.

Phân tích nguyên nhân cho thấy, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép, vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe... còn diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải còn nhiều hạn chế.Mổ xẻ các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ ra rằng, 90% số vụ tai nạn giao thông là do vi phạm của người điều khiển phương tiện gây ra, trong đó nguyên nhân là ý thức đạo đức, lái xe sử dụng rượu, bia, vi phạm tốc độ, không chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông.

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 90 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 50 người và bị thương 73 người. Đáng chú ý, trong 90 vụ TNGT thì có đến 59 vụ (chiếm 65,6%) xảy ra trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ TNGT giảm 16 vụ, số người chết giảm 14 người và giảm 10 người bị thương. Trong đó, 5 địa phương giảm số người chết do TNGT gồm các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, TP. Đông Hà và thị xã Quảng Trị. Về tình hình vi phạm trật tự ATGT đường bộ diễn ra phổ biến, đặc biệt là chạy quá tốc độ, vi phạm quy định về nồng độ cồn, đi sai phần đường, làn đường…Cụ thể, thông qua 5.078 ca tuần tra kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện 8.245 trường hợp vi phạm. Trong đó, riêng ô tô có 3.847 trường hợp, với vi phạm tốc độ 2.159 trường hợp; 106 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; dừng đỗ không đúng quy định là 295 trường hợp; 313 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu; vi phạm khác là 974 trường hợp. Xử phạt 7.151 trường hợp, phạt tiền hơn 19,4 tỉ đồng, đồng thời tước giấy phép lái xe 2.350 trường hợp, tạm giữ 1.459 phương tiện các loại.

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT Công an tỉnh và thanh tra giao thông đã phát hiện 140 trường hợp quá tải, phạt tiền gần 3 tỉ đồng. Tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ diễn ra phức tạp tại một số địa phương đã làm cho kết cấu hạ tầng đường bộ ở nhiều nơi bị xuống cấp nghiêm trọng, như đường Hồ Xá - Vĩnh Tú - Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh); đường tỉnh ĐT.575a (huyện Gio Linh); đường phường An Đôn (thị xã Quảng Trị); đường xã Hải Thượng (huyện Hải Lăng); đường Lê Lợi (huyện Triệu Phong)…và một số tuyến đường khác. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Chánh VP Ban ATGT tỉnh QT cho biết thêm:

PV: Nguyễn Anh Tuấn

Kể từ ngày 19/5 đến nay, liên tiếp đã xảy ra các vụ tại nạn giao thông nghiêm trọng trên địa bàn thành phố Đông Hà (Quảng Trị) khiến ba người tử vong tại chỗ. Cụ thể: Chiều 6/6 vào khoảng 15 giờ 35 phút, tại km 760+700, đoạn qua Khu phố Lai Phước, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, xe đầu kéo mang biển kiểm soát 29H-387.67 kéo theo rơ-moóc có biển kiểm soát 29R-509.52 do Hoàng Duy Ph. (sinh năm 1990), trú tại Tổ 4, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam điều khiển, lưu thông trên đường Lê Duẩn theo hướng Nam-Bắc thì va chạm với xe môtô mang biển kiểm soát 74H3-1421. Hậu quả vụ tai nạn, ông L.V.T, trú tại xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong tử vong tại chỗ. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các lực lượng chức năng đã có mặt để phân luồng giao thông đồng thời điều tra nguyên nhân vụ việc. Trước đó, vào ngày 19/5, tại khu vực ngã tư đường Lê Duẩn-Đặng Dung và Nguyễn Trãi đã xảy ra vụ tai nạn giữa xe ôtô tải có biển kiểm soát 74C-087.49 với xe máy mang biển kiểm soát 74C1-259.93. Hậu quả vụ tai nạn, người điều khiển xe máy tử vong tại chỗ. Cũng trong ngày 19/5, tại km 758 + 300 Quốc lộ 1, đường Lê Duẩn, thuộc địa phận khu phố 6, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà đã xảy ra vụ tai nạn giữa xe ôtô biển kiểm soát 74A – 173.34 và xe máy có biển kiểm soát 74D1-273.82. Hậu quả vụ tai nạn, 1 người tử vong...Thời gian vừa qua, trên tuyến đường Lê Duẩn, thuộc Quốc lộ 1A, đoạn qua thành phố Đông Hà liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tuyến đường này nằm trên trục Quốc lộ 1A vừa được sử dụng để lưu thông nội thị, đồng thời là nơi các phương tiện khác đi chuyển qua theo trục Bắc-Nam. Do thành phố Đông Hà chưa có tuyến đường tránh nên lưu lượng các phương tiện vận tải lớn đi qua mỗi ngày một nhiều. Trong các đợt tiếp xúc cử tri, người dân địa phương cũng đã đề cập, phản ánh nhiều lần.Thượng tá Lê Mạnh Hùng – Phó phòng CSGT CA tỉnh QT cho biết:

Phỏng vấn: Lê Mạnh Hùng

Từ lâu, những tai nạn giao thông do tác động của bia rượu đã khiến xã hội nhức nhối. Gần đây, liên tục nhiều tài xế say xỉn gây ra nhiều cái chết thương tâm, thực sự làm thức dậy làn sóng căm phẫn mạnh mẽ trong cộng đồng. Những logo mang khẩu hiệu “Đã uống rượu bia, không lái xe” được chính những người tình nguyện in vào áo thun đi trên phố hoặc dán vào ảnh đại diện trên mạng, một lần nữa cho thấy, đã đến lúc phải triệt để ngăn chặn những ma men cầm lái ô tô hoặc xe máy! Ai cũng biết, pháp luật nghiêm cấm hành vi lái xe khi có nồng độ cồn trong máu. Biết thì biết vậy, nhưng hầu hết đều xem nhẹ, thậm chí xem thường. Khi đời sống kinh tế phát triển, xe hơi nhiều hơn thì tai nạn do tài xế say xỉn cũng nhiều hơn. Điều trớ trêu là, khi đã có chút men bừng bừng thì chủ phương tiện càng hung hăng cầm lái. Ở trạng thái mất thăng bằng, tài xế đã uống bia rượu không cách nào làm chủ được tay lái. Cứ thế phóng bạt mạng, cứ thế lạng lách và cứ thế… thảm kịch. Tỉnh ra, thì mọi chuyện đã muộn. Ăn năn hoặc hối hận cũng không thể nào cứu chuộc lỗi lầm.

Người phụ nữ lái xe tông thẳng vào những người đang dừng đèn đỏ ở ngã tư Hàng Xanh - TP.HCM, hoặc gã thanh niên đụng hai người ở hầm chui Kim Liên - Hà Nội, hoặc người đàn ông lao xe vào đám tang ở Quy Nhơn - Bình Định, đều có một điểm chung: Họ đã uống rượu bia trước khi lái xe. Và lúc gây ra đau thương cho người khác, họ vẫn đang trong tình trạng chập chờn hưng phấn cơn say. Trừng phạt những kẻ phạm pháp ấy là chuyện tất nhiên. Thế nhưng, sự mất mát của bao nhiêu nạn nhân, thì không cách nào an ủi được. Người bị mất mạng vì tài xế say xỉn, để lại xót xa khôn nguôi. Người bị thương tật vì tài xế say xỉn, để lại hệ lụy khó lường.

Đền bù bằng tiền bạc ư? Chua chát lắm, tiền bạc làm sao mua được sức khỏe và cuộc sống của con người. Sự bẽ bàng ấy, không chỉ người thân của các nạn nhân, mà những người xung quanh cũng cảm nhận rất rõ ràng. Vấn đề cần làm ngay là phải nhanh chóng chấm dứt tình trạng ma men cầm lái trên đường phố như những kẻ hủy diệt đáng sợ. Xe hơi là một phương tiện được xem như nguồn nguy hiểm cao khi điều khiển. Vì vậy, mọi quốc gia đều đưa ra quy chuẩn để kiểm soát tài xế, từ thể lực cho đến kỹ thuật. Tuy nhiên, cái bằng lái hợp pháp cũng trở nên thừa thãi, nếu tài xế thoải mái uống rượu bia. Mặt khác, đừng nghĩ chạy xe máy thì vô tư rượu bia. Bởi lẽ, người say xỉn khi ngồi trên xe máy thì cũng không khác gì sát thủ. Hơn nữa, một khi người đi xe máy loạng choạng lưu thông thì tất yếu dẫn đến va chạm với xe máy và xe hơi đồng hành. Do đó, không cần phải phân biệt xe máy hay xe hơi khi đưa ra những biện pháp chế tài nghiêm khắc để khống chế những ma men cầm lái. Bởi lẽ, lái xe khi đã uống bia rượu là một tội ác, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức làm người quan trọng nhất: xem thường tính mạng đồng loại mình! Ông Nguyễn Anh Tuấn – Chánh VP Ban ATGT tỉnh QT cho biết thêm về công tác xử lý nồng độ cồn tại tỉnh ta:

PV: Nguyễn Anh Tuấn

Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đã có kiến nghị gửi Chính phủ cho phép xử phạt tăng nặng các trường hợp vi phạm quy định nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Ngoài phạt tiền lên đến hàng chục triệu đồng, người điều khiển còn có nguy cơ bị tịch thu phương tiện. Đây là động thái cần thiết, đủ sức răn đe các “ma men” khi tham gia giao thông. Theo tôi quy định này đáng lẽ nên áp dụng từ lâu. Hơn ai hết, tham gia giao thông phải an toàn trước hết cho chính mình. Bên cạnh đó là cả sự an toàn cho người điều khiển các phương tiện khác trên đường. Chúng ta cũng biết, ở nhiều nước tiên tiến đã áp các mức phạt rất nặng đối với những người điều khiển phương tiện khi say rượu. Như ở Mỹ, những người điều khiển xe khi say rượu có nguy cơ bị ngồi tù trong một số ngày nhất định. Ở Phần Lan, Thụy Điển, hành vi này bị giam giữ và cải tạo một năm. Na Uy cũng phạt giam giữ và cải tạo một năm, hơn nữa trong vòng năm năm nếu còn tái phạm sẽ bị tịch thu giấy phép lái xe vĩnh viễn.

Luật không nghiêm, người ta không sợ. Luật mà quá nhẹ, người ta sẽ nhờn. Những người uống rượu trước khi lái xe đã đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của bản thân và cả những người tham gia giao thông khác.Vì thế, uống rượu trước khi lái xe không chỉ là chuyện của cá nhân, mà nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn chung của xã hội. Rất cần phải xử thật nghiêm khắc, tránh nhờn luật và để bảo đảm an toàn tính mạng cho người khác.

MC: Quý vị thân mến! Đến đât 30 phút ATGT cũng xin được khép lại. Chúc quý vị thượng lộ bình an! Chào tạm biệt và hẹn gặp lại!   

 

 

 

         

 

 

 

         

         

           

         

         

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 01/08/2022 06:58 Lê Vĩnh Nhiên 01/08/2022 08:45

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà