Tuổi thần tiên 18-4
Danh mục
Tuổi thần tiên
NỘI DUNG

Tuổi thần tiên 18-4

Xin chào các thính giả nhỏ tuổi của chương trình Tuổi thần tiên. Các bạn và các em thân mến, Những ngày nay, nhiều người đang bàn tán về trường hợp một bạn học sinh THPT ở thành phố Hồ Chí Minh gieo mình từ tầng 4 xuống sân trường do áp lực bài vở. Trước đó, em để lại một bức thư tuyệt mệnh, nói rằng quá áp lực vì học tập, vì điểm số. Đó là một hồi chuông báo động, bởi những vụ việc như vậy không phải hiếm và nhiều bạn học sinh cũng thừa nhận rằng đã và đang ít nhiều phải chịu áp lực học tập. Trong chương trình tuần này, chị mời các bạn và các em chúng ta cùng bàn luận, chia sẻ với nhau xung quanh vấn đề này và cùng tìm ra giải pháp để giảm áp lực học tập.

Câu chuyện về áp lực học tập

Mở đầu chương trình, các anh chị trong BBT sẽ gửi đến các thính giả của chương trình nội dung bài viết của chị Thu Hà, một nhà báo hiện đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Chị là người có thời gian dài gắn bó với các em thanh thiếu nhi, do đó rất thấu hiểu tâm sinh lý của các em, và thường có nhiều lời khuyên hữu ích qua những bài chia sẻ chân thực được viết ra từ những kinh nghiệm nuôi dạy hai cô con gái của mình. Mới đây nhất, xung quanh câu chuyện về một học sinh THPT ở thành phố Hồ Chí Minh gieo mình từ tầng 4 xuống sân trường tự tử do áp lực học tập, chị Thu Hà đã có bài tâm sự về chủ đề này, thu hút hơn một triệu lượt quan tâm trên mạng xã hội.

Nội dung bài viết như sau:
Mấy ngày nay có một chuyện khủng khiếp xảy ra mà em cứ buồn và suy nghĩ mãi. Em có người anh, thành đạt, gia đình mẫu mực, hai con đều đẹp trai, học giỏi, ngoan ngoãn. Thế rồi bi kịch xảy ra.

Vào kỳ thi sát hạch đầu năm, bé bị điểm 3 môn Anh Văn, môn học mà bé giỏi và tự tin nhất. Bị thầy cô trách mắng, và phần nhiều là tự trách bản thân, bé bị trầm cảm nặng và không muốn đi học. Gia đình đã đưa đi khám tâm lý các nơi, rồi ba mẹ túc trực ở nhà để trông nom chăm sóc bé. Thế mà trưa thứ 2 tuần rồi bé đã nhảy từ lầu 5 xuống và không qua khỏi...

Tôi vừa nhận được tin nhắn này chiều qua. Đọc mà tức không chịu được
Con cần sống, hơn là cần điềm 10 !
Con cần sống, trước khi nó cần thành đạt !

Tiếng Anh làm gì nếu chưa nghe được tiếng Con? 
Tiếng Anh làm gì nếu không nghe được tiếng nói bên trong Chính Mình?
Tiếng Anh làm gì, nếu trong nhà không nói được tiếng Gia đình?

Trước khi hiểu những người bên kia bán cầu nói gì thì làm ơn hiểu chính cơ thể mình đang nói gì đã!

Tôi biết, những bé có nguy cơ trầm cảm, là trong cơ thể con bẩm sinh đã sẵn có cơ chế sinh hóa không cân bằng, chất dẫn truyền thần kinh không như số đông người bình thường, nên tâm lý nhạy cảm, và khó chống chọi với áp lực. Tôi biết, hơn mọi loại ung thư, hơn mọi loại bệnh tật, cảm xúc có thể giết chết chúng ta nhanh nhất.

Thế nhưng nó ko chụp chiếu X quang, hay chụp CT được. Nó không sốt, không ho. Nó hơn tất cả những triệu chứng đó, vì nó hủy hoại bên trong một cách thầm lặng. 

Cầu mong câu chuyện của bé có thể cảnh báo nhiều gia đình khác, cứu được nhiều em bé khác mà tôi biết vẫn đang sống trong áp lực. Cùng lắm, nếu con không học giỏi, con có thể thiệt vài triệu tiền lương những tháng thử việc đầu tiên. Nhưng nếu con không hiểu tiếng nói bên trong cơ thể mình, nếu con đánh mất niềm vui sống là mất rất rất lớn!

Như vậy, Thông qua bài viết của mình, chị Thu Hà muốn gửi gắm lời nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh về tác hại khi tạo áp lực đè nặng lên vai con trẻ. Bài viết nhận được sự đồng tình, tán thành không chỉ của các bậc làm cha, làm mẹ mà ngay chính cả các em học sinh.

Bây giờ, chúng ta hãy cùng lắng nghe quan điểm của 1 nhóm các bạn học sinh xoay quanh sự việc này:

(BĂNG PHỎNG VẤN)

Các em thân mến, trường hợp bạn học sinh lớp 10 ở thành phố HCM tự tử vì không chịu được áp lực mới đây không phải là duy nhất. Vấn đề áp lực học tập từ lâu đã không còn quá xa lạ. Chỉ cần gõ dòng chữ "học sinh tự tử vì áp lực" trên mạng, các em sẽ thấy gần 800.000 kết quả được đưa ra trong chưa đầy 1 giây.

 Hàng loạt bài báo với tiêu đề: "Báo động học sinh chịu áp lực dẫn đến tự tử", "Học sinh trầm cảm vì điểm số"... có thể khiến nhiều người giật mình.

Nhiều bạn học sinh chia sẻ rằng bản thân các bạn ấy hay bạn bè xung quanh cũng đã hoặc đang gánh chịu áp lực thành tích, điểm số.

Bạn Trần Thị Thanh Mai 13 tuổi, đến từ Gio Linh chia sẻ...

Bạn Lê Thị Ánh Tuyết, 14 tuổi, ở thành phố Đông Hà cho biết thêm...

Còn bạn Nguyễn Văn Lợi, đến từ Gio Linh, may mắn không phải chịu áp lực học tập quá nặng nề, nhưng Lợi chia sẻ câu chuyện về người bạn của mình...

(BĂNG PHỎNG VẤN)

Như vậy, quả thực áp lực học tập là điều mà không ít học sinh chúng mình gặp phải, và nó có tác động tiêu cực đến các em. Điều đó cũng được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam cảnh báo, rằng  áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em Việt Nam rối loạn về sức khỏe tâm thần, bị trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc.

NHẠC CẮT

Các em tuổi thần tiên thân mến, như vậy qua phần đầu tiên của chương trình, chúng ta đã phần nào hiểu được tác động tiêu cực khi mà học sinh chúng mình bị áp lực học hành. Ngay cả người lớn, khi nhìn vào lịch học của nhiều học sinh từ cấp tiểu học tới trung học cũng phải lắc đầu. Bố mẹ đi làm 8 tiếng/ngày, nhưng chúng mình đi học còn nhiều hơn 8 tiếng.

Làm thế nào để giảm áp lực học tập

Nhà giáo dục Nguyễn Quốc Vượng chia sẻ quan điểm của mình rằng Thèm khát con cái thành đạt thông qua thi cử đã làm cho nhiều phụ huynh trở nên mù quáng.
Học ở trường-chưa đủ. 

Học ở trung tâm-chưa đủ

Học ngày, học đêm, vừa ăn vừa học, vừa đi xe vừa học. Mỗi ngày chỉ có 24 giờ, sức lực con người chỉ có hạn. Hệ quả là sức khỏe của học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể xác và tinh thần

Tất nhiên là ở lứa tuổi học trò, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là học tập, tuy nhiên, các em nên học một cách chủ động, hào hứng chứ không phải học vì lo sợ bị bố mẹ, thầy cô trách mắng, vì sợ không được điểm cao.

Bây giờ, chúng ta hãy cùng lắng nghe chia sẻ của một nhóm các bạn học sinh để xem xem các bạn ấy giảm tải áp lực bài vở bằng cách nào nhé?

(BĂNG PV)

Các em thân mến, áp lực học tập do bố mẹ, thầy cô giáo đặt kỳ vọng, mục tiêu quá cao, hay do chính các em tự tạo áp lực cho mình có thể khiến học sinh chúng ta cảm thấy chán nản, mệt mỏi, sợ học, thậm chí bị rối loạn, sốc tâm lý, stress kéo dài, phải tham gia điều trị tâm lý. Do đó, chúng ta cần giảm thời lượng và khối lượng học tập, tăng thời gian vui chơi, thể dục thể thao để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy đến với chính mình. Chúng ta hãy cùng lắng nghe một vài lời khuyên của cô giáo Lê Thị Thanh Hà, đến từ trường THPT Nguyễn Du, huyện Gio Linh....

(BĂNG PV)

Các em thân mến, hi vọng rằng thông qua chương trình hôm nay, chúng ta sẽ biết cách để cân đối giữa việc học với các hoạt động xã hội khác để không phải cảm thấy gánh nặng với việc học, mà học tập thực sự là niềm vui của chúng mình. Và những người làm chương trình cũng hi vọng các bậc làm cha làm mẹ sẽ quan tâm triệt để đến con em mình, những đứa trẻ đang độ tuổi phát triển tâm lý chưa hoàn thiện, để kịp thời định hướng, mang đến cho con trẻ những điều tốt đẹp nhất.

Tuổi thần tiên thân mến, suốt những ngày qua, trên khắp cả nước và tại tỉnh ta, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được diễn ra nhân Ngày sách VN 21-4. Phần cuối chương trình hôm nay, chúng ta hãy cùng tham gia vào Ngày hội sách 2018 diễn ra tại QT, được đông đảo các bạn học sinh hưởng ứng tích cực.

Ngày hội sách 2018

Trong đời sống của mỗi chúng ta, sách là kho tàng tri thức, là sản phẩm văn hóa tinh thần đóng vai trò rất quan trọng. Có thể nói sách là người thầy dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả; Sách là người bạn gần gũi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của mỗi chúng ta. Vì thế, từ lâu đọc sách đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của mỗi người. Dù ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học là một trong những phương cách để hoàn thiện bản thân, đóng góp vào phát triển xã hội và đọc sách là một trong những cách học hiệu quả. Từ đọc sách, sưu tầm sách đến xây dựng tủ sách, xây dựng thư viện là các bước hình thành văn hóa đọc.

Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 21/4 hàng năm được chọn là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Bạn Lê Thị Ánh Tuyết, 14 tuổi, ở thành phố Đông Hà chia sẻ về sở thích đọc sách của mình....

Ngày hội sách 2018 diễn ra tại QT năm nay là sự kiện văn hóa quan trọng đối với các em học sinh và những người yêu sách, là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, là dịp tôn vinh người đọc và những người tham gia sáng tác, xuất bản. Ngày hội thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị, trường học, các gian hàng trưng bày sách vô cùng ấn tượng, đẹp mắt. Đồng thời, trong khuôn khổ ngày hội các tổ chức, cá nhân còn hỗ trợ sách cho học sinh các trường vùng sâu, vùng xa, những nơi còn gặp nhiều khó khăn, và hội chợ sách với các gian hàng bán sách với giá ưu đãi.

Bạn Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ cảm xúc khi đến với hội sách lần này.....

Thông qua các hoạt động của Ngày hội sách năm nay, các đơn vị tổ chức muốn gửi một thông điệp tới các bạn đọc nhiều lứa tuổi, rằng, hãy quý trọng sách và đọc sách mỗi ngày, đọc sách mọi lúc, mọi nơi, coi việc đọc sách là một công việc cần thiết...

Các em thân mến, đến đây thời lượng của chương trình tuần này cũng đã hết, chương trình do chị Ngân Hà biên tập, dàn dựng cùng với sự tham gia của... Thân ái chào tạm biệt và hẹn gặp lại các em

File đính kèm:
tuoi-than-tien-18-4.mp3
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Hồ Ngân Hà 15/04/2018 11:08 Võ Nguyên Thủy 20/04/2018 14:53

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà