Nước về vùng đất khát
Danh mục
Ký sự - Tài liệu
NỘI DUNG
Lời dẫn : PHIM TÀI LIỆU NƯỚC VỀ VÙNG ĐẤT KHÁT. -Đón xem: ptv đọc Quảng Trị có hơn 130 hồ đập, đây chính là nhân tố quan trọng bậc nhất phục vụ cho công tác thủy lợi, thủy điện, tưới mát ruộng đồng, tạo nên những vụ mùa bội thu no ấm và cũng là những điểm nhấn sinh động của cảnh quan làng mạc, tô vẽ cho bức tranh quê. Những hồ nước này gắn bó mật thiết với sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn đến nỗi như những đường nét song trùng không thể tách rời nhau một khi hình dung về quang cảnh quê hương. Nội dung này sẽ được phát sóng vào CN, ngày 23/6, vào lúc 6g15 và 23g15,mời quý vị và các bạn đón xem. (Xuân Dũng-Hồng Quân)

-Lời:

   Đất Quảng Trị từ xa xưa đã được mệnh danh là vùng Ô Châu ác địa, nghĩa là thiên nhiên khắc nghiệt mà biểu trưng là nắng lửa gió Lào, thiên tai hạn hán thường xuyên đe dọa cuộc sống con người, nhất là người nhà nông quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Bởi vậy mơ ước về một nguồn nước để tắm mát ruộng đồng là một ước mơ chảy bỏng.

   Trải qua kiến tạo, Quảng Trị có hơn 130 hồ đập, đây chính là nhân tố quan trọng bậc nhất phục vụ cho công tác thủy lợi, thủy điện,  tưới mát ruộng đồng, tạo nên những vụ mùa bội thu no ấm và cũng là những điểm nhấn sinh động của cảnh quan làng mạc, tô vẽ cho bức tranh quê. Những hồ nước này gắn bó mật thiết với sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn đến nỗi như những đường nét song trùng không thể tách rời nhau một khi hình dung về quang cảnh quê hương (tên phim)

   Có một công trình  ra đời cách đây gần bảy mươi năm, được coi là mở đầu cho lịch sử thủy lợi Quảng Trị thời hiện đại, có một vị trí rất quan trọng nhưng lại rất ít người biết đến, đó là công trình Bàu Nhum thuộc đặc khu Vĩnh Linh đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Đây là công trình thủy lợi  được khai sinh từ bàu nước tự nhiên có tác dụng tưới mát cho khoảng 700 ha lúa ở Vĩnh Linh từ khi ra đời cho đến tận bây giờ. Đây là công trình ra đời cũng vào những tháng năm gian khó nhất của miền Bắc sau ngày hòa bình lập lại bởi hiệp định Gieneve. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn về nhân tài vật lực nhưng đảng bộ, chính quyền và nhân dân đặc khu Vĩnh Linh lúc ấy đã quyết tâm sắt đá tạo dựng nên một công trình thủy lợi đặt nền móng cho nông nghiệp Quảng Trị phát triển đột phá. Đây là công trình thủy lợi độc đáo được xây dựng bằng thủ công và đắp bằng cát nhưng lại có độ bền đáng khâm phục. Mặc dù qua nhiều thử thách của chiến tranh, thiên tai và thời gian nhưng nó vẫn tồn tại hiên ngang, tắm mát cho nhiều cánh đồng phía bắc của quê hương Quảng Trị. Nó tượng trưng cho ý chí, trí tuệ và bản lĩnh cũng như tình yêu quê hương sâu sắc của những người hết lòng trong tái thiết quê hương khi nước nhà còn đang chia cắt; để lại mọt bài học về sự tận hiến từng được văn chương  ngợi ca khi phản ánh thực tế một thời " Bàn tay làm nên tất cả/Có sức người  sỏi đá cũng thành cơm".

  Mấy chục năm qua, thủy lợi Quảng Trị tiếp tục tạo nên những dấu son trên gương mặt nông nghiệp quê nhà với những công trình nối tiếp nhau đưa nước về những vùng đất khát. Những cái tên như Nam Thạch Hãn, Bảo Đài, Trúc Kinh, Rào Quán ngày càng trở nên thân thuộc với nhà nông Quảng Trị. Những công trình này là mơ ước bao đời với nông dân lam lũ, cơ hàn từ ngàn xưa nhưng mãi vẫn chưa thành hiện thực. Chỉ sau khi nước nhà thống nhất, đặc biệt là sau ngày tái lập tỉnh mới có thể huy động nguồn lực tạo nên những công trình thủy lợi, thủy điện, làm nên những  "cú hích" đổi thay căn bản về chất và lượng trên mặt trận nông nghiệp, đem lại no ấm cho rất nhiều làng quê, bảo đảm được an ninh lương thực; đổi đời hàng chục vạn hộ nông dân,  để nói như một nhà kinh điển nổi tiếng: hãy để nông dân suy nghĩ trên luống cày của họ. Bộ mặt tam nông: nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã có những chuyển biến ngoạn mục, mà trong đó có sự tương tác trực tiếp và to lớn của những công trình thủy lợi trên quê hương Quảng Trị. Dù khiêm tốn nhưng chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng đó là một trong những thành công cơ bản được minh chứng hùng hồn không thể nào nói khác trong mấy chục năm qua.

  Nếu thủy lợi Bàu Nhum là dấu ấn quan trọng thời nước nhà còn chia cắt thì công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn là bản tráng ca hùng vĩ của nước sau ngày giang sơn nhất thống mà dân gian quen gọi vắn tắt là thủy lợi  Đập Trấm. Công trình này được khởi công vào cuối thập niên 70 và hoàn thành vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, chủ yếu cũng bằng thủ công. Được xây dựng cũng vào thời điểm hậu chiến trong hoàn cảnh cam go khi đạn bom còn sót lại sau chiến tranh, đói rét, ốm đau vây bủa mọi người nhưng vượt lên tất cả những bàn tay, khối óc của người dân Bình Trị Thiên đã viết nên trang sử hoành tráng để đời, chặn dòng sông Thạch Hãn, tạo nên một Đập Trấm kỳ vĩ, tưới mát cho một nửa nền nông nghiệp Quảng Trị và góp phần cho thủy lợi của Thừa Thiên-Huế. Cũng cần nói thêm rằng, chỉ huy trưởng công trường ngày đó là kỹ sư thủy lợi Nguyễn Đức Hoan, sau này là Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị. Công trình này đúng nghĩa  là "cỗ máy cái" thủy lợi Quảng Trị với tác dụng rất to lớn không chỉ về tưới tiêu mà còn về nhiều mặt khác như cải tạo môi trường, cảnh quan, tạo nên những đột biến căn bản và lâu dài. Điều này cũng đã được chứng thực gần bốn chục năm qua.

*Ông Lê Đình Thanh, thôn Tân Mỹ, Hải Lệ, tx Quảng Trị, nói

   Muốn hiểu tác dụng thủy lợi như thế nào hãy nhìn vào thực tế cuộc sống, hãy nhìn vào những cánh đồng Quảng Trị sẽ biết được câu trả lời rõ nhất từ đất và nước.

   Nói đến công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn không thể không nhắc đến một người ưu tú của quê hương Quảng Trị, cố TBT Lê Duẩn. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng ngoài chuyện quốc gia đại sự vẫn luôn đau đáu với quê nhà, trong đó có việc tâm huyết với công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn để làm thay đổi diện mạo của nông nghiệp Quảng Trị. Nguyện vọng tha thiết của người con từng gắn bó bên dòng sông Thạch Hãn là làm thế nào để lấy nước chính con sông này tưới mát ruộng đồng, đem lại no ấm cho bao người. Tâm nguyện ấy đã thành hiện thực với sự ra đời của công trình thủy lợi thế kỷ ở Quảng Trị, đáp ứng khát khao của đất và người quê hương, đem lại cuộc sống ấm no và an lành cho những ước mơ nay đã thành hiện thực.

*Ông Đỗ Xuân Hiệu, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Bích Khê, Triệu Long, Triệu Phong, nói

   Câu chuyện thủy lợi không chỉ gói gọn trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn đem lại những thu hoạch thực sự về chính trị, về thế thái nhân tình. Một bài học lớn được rút ra, đó là khi trên dưới một lòng thì nhất định sẽ làm nên mọi việc dù khó khăn đến mấy. Ý Đảng, lòng dân thống nhất không hề là câu khẩu hiệu nếu ta biết nhìn lại những bài học sinh học từ quá khứ không xa và biết thành tâm vận dụng vào hiện tại.

     Nói đến thủy lợi Cam Lộ, Đông Hà và nhất là Gio Linh không thể không nhắc tới hồ Trúc Kinh. Để có thể biết những nét tổng thể và có thể hình dung khái quát về công trình này, cũng như tránh những nhầm lẫn, cần phải biết một số thông tin cơ bản.  Hồ thủy lợi Trúc Kinh hiện nằm ở địa bàn xã Linh Hải-huyện Gio Linh. Công trình đầu mối hồ thủy lợi Trúc Kinh được xây dựng năm 1992, đưa vào sử dụng năm 1996, có chức năng tưới nước cho hơn 2350 ha ruộng và cải tạo môi sinh, môi trường các xã Gio Mai, Gio Quang, Gio Việt, Gio Thành - huyện Gio Linh; các xã Cam An, Cam Thanh-huyện Cam Lộ;  và phường Đông Giang, Đông Thanh-tp.Đông Hà. Hệ thông mương và khu tưới cũng thuộc các địa bàn vừa mới kể trên.  Lưu vực lòng hồ thuộc các xã Linh Hải, Gio Quang-huyện Gio Linh; các xã Cam An, Cam Thanh, Cam Thủy-huyện Cam Lộ. Địa hình lòng hồ thuộc vùng đồi núi có lưu vực rộng gần 50km, chu vi đường viền ước tính 62km.  Hệ thống đê bao khá quy mô kiến tạo và bảo vệ hồ đầu mối cùng với các công trình phục vụ cho công tác thủy lợi như nhà làm viêc, tràn xả đã cho thấy sự đầu tư của nhà nước đối với một công trình quan trọng cho thủy nông Quảng Trị từ khi tỉnh nhà vừa thành lập lại. Xung quanh hồ là những cánh rừng cao su, rừng tràm có tác dụng giữ nước cho hồ thủy lợi lại được ảnh hưởng tích cực bởi môi trường trong lành mà hồ Trúc Kinh mang lại, rừng và nước dựa vào nhau, nâng đỡ nhau trong tác dụng tương hỗ như là một sự bù trừ có sẵn từ thiên nhiên nay được con người vận dụng hợp lý vào cuộc sống của chính mình, và đó tất nhiên là một lựa chọn sáng suốt để hòa hợp với thiên nhiên, chung sống với thiên nhiên lâu dài chứ không phải là chụp giật, ăn xổi ở thì, không quan tâm đến tương lai lâu dài. Bởi vì đầu tư cho nông nghiệp là đầu tư cho mặt trận hàng đầu ở tỉnh ta, nước ta khi muốn nông dân no ấm, muốn cải thiện ruộng đồng và phát triển kinh tế. Hơn hai mươi năm đã trôi qua, thời gian ngày càng chứng minh sự cần thiết của công trình hồ thủy lợi Trúc Kinh trong đời sống kinh tế thường nhật của người dân.  Mặc dù vào giữa thời điểm mùa hè nắng nóng nhưng hồ Trúc Kinh vẫn làm dịu mát mắt người, với một không gian rộng rãi, trải dài giữa núi đồi Gio Linh,  với cảnh những chiếc đò trên hồ như điểm xuyết cho gương mặt nước non ở phía đầu nguồn, xa xa phía sau hồ là những cánh rừng đẹp như tranh vẽ điểm tô cho phong cảnh nơi này.  Từ bộ phận cho đến toàn cảnh hồ Trúc Kinh đã cho thấy tầm quan trọng của công tác giữ nước, giữ rừng ngày càng trở nên quan trọng và khẩn thiết, điều đó cần sự quan tâm thường trực và dài lâu của con người không phải trong một sớm một chiều.

   Xung quanh hồ Trúc Kinh là bà con xã Linh Hải, huyện Gio Linh tập trung đồng bào từ huyện Hải Lăng đi kinh tế mới từ sau ngày nước nhà thống nhất. Họ đã vượt qua rất nhiều gian khó và cũng đã hy sinh quyền lợi của mình khi phải thay đổi chỗ ở ngay chính gần hồ khi tạo dựng công trình thủy lợi này, cho lợi ích lâu dài của bà con nông dân phía dưới xuôi.

*Ông Hoàng Văn Đen, thôn Hải Quế, xã Linh Hải, nói

   Nhờ công trình thủy lợi Trúc Kinh mà người nông dân nhiều nơi, đặc biệt là ở huyện Gio Linh đã nhận được sự đổi thay trong sản xuất nông nghiệp nhờ chủ động được nguồn tưới tiêu, nhất là trong việc trồng lúa, cây lương thực chủ chốt cho an ninh lương thực cũng như việc cải tạo môi trường, môi sinh và cả cảnh quan của đồng bằng. Cũng qua chuyến đi này, chúng tôi vỡ vạc thêm nhiều điều như nguyên ủy của hồ Trúc Kinh vốn là một dòng sông, hay tên gọi hiện nay của hồ là Trúc Kinh, cũng đúng nhưng chưa đủ vì nó có dính dáng đến Trúc Lâm.

*Ông Nguyễn Đình Tính, thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang, nói

   Nếu hồ Trúc Kinh cùng với sông Cánh Hòm gắn bó mật thiết với mảnh đất Gio Linh thì hồ Bảo Đài là một bầu sữa tưới mát ruộng đồng ở phía bắc tỉnh Quảng Trị, quê hương Vĩnh Linh cũng từ nhiều năm nay. Hồ Bảo Đài nằm trên địa phận hai xã Vĩnh Hòa và Vĩnh Khê.

   Nhiều hồ nước thủy lợi ngoài tác dụng tưới mát ruộng đồng còn là tạo nên những cảnh quan thơ mộng, trữ tình, trở thành những điểm du lịch sinh thái, điều này càng có ý nghĩa vào những ngày hè chói chang, nóng bỏng. Bảo Đài từ nhiều năm nay đã là một địa chỉ hòa hợp giữa nước, trời, phong cảnh xung quanh khiến nhiều người tìm đến đây, vui chơi thăm thú. Được hòa mình với thiên nhiên dịu mát từ hồ nước bao la cũng là một thú vui tao nhã, một cách thư giãn sau những ngày lao động, học hành vất vả. Đó cũng là một cách tìm đến thiên nhiên, trở về với thiên nhiên để hiểu hơn thiên nhiên và khám phá chính bản thân mình, lắng đọng với những trải nghiệm không ồn ào nhưng thực sự có ích, vì nó bồi dưỡng tâm hồn và thẩm mỹ trong cảm quan sinh thái.

   Tìm hiểu vai trò của hai hồ thủy lợi Trúc Kinh và Bảo Đài sẽ thấu hiểu hơn vai trò của nước đối với sản xuất nông nghiệp, hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này. Trước hết như chúng ta đã thấy trong bốn yếu tố quyết định của sản xuất nông nghiệp được người xưa dày công đúc kết, là: nước- phân- cần- giống thì cho đến nay câu tục ngữ này vẫn chính xác, đặc biệt là với yếu tố tiên quyết chính là nguồn nước. Thành công hay thất bại đối với một nền nông nghiệp lúa nước, trước hết chính là nằm ở điểm này. Các hồ thủy lợi cùng với hệ thống kênh mương như những cánh tay nối dài đã quanh co uốn lượn đưa nước về với ruộng đồng. Nhờ vậy cuộc sống những người chân lấm tay bùn sau lũy tre làng mới mới vất vả, cuộc đời mới có những đôi thay đáng kể, làng quê mới có dịp nở mày nở mặt, cuộc sống sau lũy tre làng, nay gọi khái quát là tam nông: nông nghiệp, nông dân và nông thôn cũng khác xưa nhiều lắm. Chỉ so sánh với những ngày đầu tái lập tỉnh nhà, nay cũng đã nhiều chuyện đổi thay đáng mừng cho những con người một nắng hai sương. Nước từ các sông, các hồ đã hồi sinh lại những cánh đồng hạn hán, vốn xưa kia sinh chuyện mất mùa, đói kém thì bây giờ đã trải dài một màu xanh no ấm khi vào mùa gặt hay cũng là đồng đất không còn nứt nẻ vì mãi trông chờ con nước. Như thế tìm đáp số bài toán thủy lợi là bài toán thuộc loại khó giải nhất trong trận đồ nông nghiệp xưa nay đã giải giáp được nhu cầu tưới tiêu của ruộng đồng, thiết thực giúp nhà nông cởi bỏ âu lo ám ảnh trên từng chân ruộng, mái nhà, làng mạc, trong từng giấc ngủ chân quê. Bởi chủ động được nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với cây lúa cũng gần như đồng nghĩa với việc tác động quan trọng, thiết thân vào sự thay đổi cách thức, diện tích, thời vụ, năng suất và đương nhiên kéo theo  thu nhập, từ đó góp phần đáng kể vào việc thay đổi vận mạng, cuộc đời của những người gắn bó với công việc đồng áng ở các làng quê.

   Lên với miền tây Quảng Trị chúng ta sẽ bắt gặp công trình thủy lợi, thủy điện Rào Quán, đứng đầu trong hàng ngũ thủy điện quê nhà, với số vốn đầu tư cho công trình này là khoảng 1700 tỷ đồng, đưa vào sử dụng hơn mười năm nay và ngày càng phát huy tác dụng. Nhân đây cũng cần nói thêm cho rõ, đây không chỉ là công trình thủy điện mà còn là công trình thủy lợi, thậm chí chức năng thủy lợi như tưới tiêu, xả lũ còn đặt lên hàng đầu. Công trình này chặn dòng chính của sông Rào Quán, một phụ lưu của sông Ba Lòng trong hệ thống sông Thạch Hãn để phát điện hòa vào mạng lưới điện quốc gia và như đã nói tưới tắm cho hơn 1000 ha lúa ở đồng bằng Triệu Hải. Sự xuất hiện của công trình thủy lợi, thủy điện này là một dấu son trên bản đồ năng lượng và thủy lợi Quảng Trị, nó không chỉ làm thay đổi bộ mặt của miền núi Hướng Hóa mà còn góp phần thay đổi và tạo lập nên môi trường xanh với những cánh rừng tươi tốt bao bọc bảo vệ xung quanh, góp phần làm  nên một điểm nhấn cảnh quan khá quy mô và thơ mộng giữa đại ngàn Quảng Trị.

*Ông Nguyễn Trí Thức, PQĐ Phân xưởng vận hành, công ty thủy lợi-thủy điện Rào Quán, nói

   Tham quan phân xưởng vận hành sẽ hiểu thêm công việc thầm lặng của những CBCNV nơi đây. Họ lặng lẽ làm việc và cống hiến trong tư cách một mắt lưới của  nguồn điện quốc gia và một đầu nguồn của thủy lợi Quảng Trị. Lặng thầm nhưng công việc không hề đơn giản, nhẹ nhàng như nhiều người vẫn tưởng, nhất là vào những lúc cao điểm, vào giai đoạn bão lũ thì rất nhiều nguy cơ cần được nhìn nhận, đối phó và kiểm soát. Họ luân phiên túc trực ngày đêm quanh năm suốt tháng để vận hành trôi chảy, sẵn sàng ứng phó với những trường hợp bất ngờ, những sự cố đột biến và những biến động khó lường của thời tiết, của thiên nhiên ngày càng trở nên khó tính và khó lường.

  Lên rừng, xuống gần biển và đi ngang đi dọc theo những công trình thủy lợi, thủy điện để cảm nhận rõ hơn những tác nhân tích cực đã và đang thay đổi vận mệnh nông nghiệp quê nhà, làm thay đồi số phận hàng chục vạn gia đình Quảng Trị bao đời này gắn bó với ruộng đồng. Những đổi thay này đã có từ trước, đó là điều không thể phủ nhận nhưng thực sự chuyển mình kể từ khi tái lập tỉnh nhà, chúng ta mới có điều kiện và cơ hội nhiều hơn, tập trung hơn lo lắng cho nông nghiệp, đặc biệt là về phương diện thủy lợi. Những cố gắng của nhiều thế hệ đã tô bồi cho gương mặt ruộng đồng, quê hương, tạo nên những mùa vàng no ấm và hạnh phúc, để từ đó có đà tạo nên những vận hội mới trên mảnh đất mà bao thế hệ đã sinh thành và tiếp nối. Những công trình này đã hòa với những giọt mồ hôi cần lao của bà con nông dân Quảng Trị mà sinh hạ nên những xanh tươi cho cuộc đời vốn vẫn còn nhiều gian khó. Câu chuyện thủy lợi là câu chuyện vừa thời sự lại vừa muôn thưở đối với một nền nông nghiệp, nhất là quan thiết trong nền văn minh lúa nước. Đó là nỗi ám ảnh thường trực và dài lâu đối với mỗi cánh đồng, mỗi nóc nhà, mỗi làng quê Quảng Trị và rất nhiều nơi khác. Trường ca thủy lợi nếu biết khai thác sẽ câu chuyện không hề khô khan mà ẩn chứa nhiều điều thú vị và đem lại nhiều bài học nhân sinh quý giá. Sử thi thủy lợi, nếu có thể gọi như vậy, tiềm ẩn bao điều chưa nói hết cần được tìm hiểu và khám phá để có một bức tranh tương đối hoàn chỉnh về vai trò của nước đối với nhà nông từ trước đến nay và kể cả mai sau, nếu như nền nông nghiệp lúa nước vẫn còn. Cuốn phim này chỉ mới là những phác thảo ban đầu, những ký họa đơn sơ về họa phẩm hoành tráng của thủy lợi Quảng Trị. Hy vọng nếu có dịp, sẽ tiếp tục quay lại với đề tài mới nghe qua tưởng chừng khô như ngói nhưng kỳ thực lại không phải như vậy. Nó vẫn hàm chứa nhiều điều bất ngờ, nhiều số phận con người mà nhiều sách báo , phim ảnh vẫn chưa chạm được chiều sâu của dòng nước cuộc đời. Vì vậy vẫn cần được lắng nghe, tìm tòi và khám phá.

       Và như vậy, câu chuyện của những chiếc hồ thủy lợi, thủy điện chắc chắn sẽ còn nhiều điều đáng nói, đáng kể, với những điều thú vị và cả những tình tiết mới mẻ mà chỉ có đi sâu tìm hiểu mới có thể biết thêm những ngóc ngách đáng nói về cuộc đời này như mặt nước quen thuộc bao đời mà vẫn luôn bí ẩn. Đó là bản giao hưởng của nước vẫn luôn được ngân vang giữa đất trời Quảng Trị và để lại muôn vạn dư âm trong mỗi đời người.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 16/06/2019 09:18 Lê Vĩnh Nhiên 20/11/2019 07:11
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà