Đất và người Quảng Trị (pt) 25/10
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất pt 25/10 -Ptv dẫn: Thưa quý vị và các bạn ! Trong ct tuần này, chúng ta cùng về với một vùng quê ở xã Vĩnh Tú qua bút ký sau của Xuân Dũng, mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Chào cuối: Qúy thính giả vừa theo dõi ct: đất và người QT, ct có sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt!

-Lời:

                   MỘT GÓC VÙNG QUÊ VĨNH TÚ...

                                                                                         (Xuân Dũng)

  Nói đến Vĩnh Tú thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị là nói đến chiếc nôi chuyện trạng Vĩnh Hoàng nổi tiếng cả nước. Nhưng ngoài đặc sản văn hóa phi vật thể này thì nơi đây còn nhiều điều bổ ích và thú vị cần được những người quan tâm khám phá.

   Về thôn Thủy Tú 2 thuộc xã Vĩnh Tú dù vào mùa đại hạn, cả tỉnh Quảng Trị đang phải đối mặt tình trạng thiếu nước đồng khô hồ cạn nhưng ở đây, cảnh vật vẫn xanh tươi, không khí vẫn trong lành, mát mẻ. Thủy Tú tạm dịch là vẻ đẹp của nước, cách bàu Thủy Ứ không xa. Hình như tiền nhân ngày trước khi xem phong thủy địa lý, tâm đắc với nguồn nước nơi đây nên mới đặt tên làng là Thủy Tú, một mỹ tự rất hợp với vùng quê đắc địa hưởng lộc của đất trời. Đặc biệt làng có một giếng cổ tên gọi Giếng Khai,  có từ ngày xửa ngày xưa, tự đời nào dân làng nhiều người không rõ. Nhưng có điều này thì ai cũng rõ: giếng nước trong lành, ngọt mát từ ngàn xưa khi mới lập làng. Dù hạn hán đến đâu cũng không bao giờ khô cạn, mùa hè thì nước mát rượi, ai cũng khoan khoái, mùa đông thì nước lại ấm ai cũng ưa dùng. Giếng làng đã thành một tụ điểm sinh hoạt, nghỉ ngơi vào mùa hè nóng nực cũng thành nếp từ đời nảo đời nao. Không những thế giếng này còn có trữ lượng nước dồi dào cung cấp cho cả cánh đồng xung quanh nó nên khi nhiều nơi đồng khô cỏ cháy thì cây cỏ ở đây vẫn xanh tốt lạ thường như không hề hấn gì bởi nắng hạn bốn bề. Thật là một sự lạ ở vùng quê thường được mệnh danh là nắng lửa gió Lào. Ông Nguyễn Quốc Hiệu, một bậc cao niên ở đây cho biết (băng).

   Nhưng đó chỉ mới là ân sủng của thiên nhiên nhưng nếu địa linh mà không sinh nhân kiệt thì mọi chuyện chưa thể gọi là viên mãn. Trong chuyến đi này, chúng tôi đã được biết thêm về một mái trường chứa đựng một phần lịch sử của mảnh đất Vĩnh Linh.  Ngay trên mảnh đất Thủy Tú 2 này những năm qua đã hiện hữu một ngôi trường khang trang, xinh đẹp, một địa chỉ trồng người đáng tin cậy của ngành giáo dục địa phương: trường THCS Trần Công Ái. Đây là một người con ưu tú của quê hương Vĩnh Tú-Vĩnh Linh-Quảng Trị từ những ngày cả dân tộc này đang phải sống trong đêm trường nô lệ.

      Trần Công Ái tên thật là Trần Văn Ái,  sinh năm 1905 trong một gia đình khá giả ở phủ Vĩnh Linh. Ông còn có người anh là Trần Công Đại cùng chung chí hướng. Hai anh em giấu  chánh tổng Trần Công Nghi rồi  cùng nhau bí mật hăng hái tham gia phong trào cách mạng. Hai năm sau khi chi bộ Huỳnh Công được thành lập, năm 1933 Trần Công Ái được đứng vào hàng ngũ của Đảng, khẳng định lý tưởng của mình là đấu tranh đến cùng vì lợi quyền của nhân dân và Tổ quốc. Ông hoạt động hết mình, mưu trí và dũng cảm nên chẳng bao lâu đã được đồng chí và tổ chức tin cậy bầu vào phủ ủy Vĩnh Linh cũng như tỉnh ủy Quảng Trị. Nhưng rồi địch theo dõi biết ông là cán bộ cộng sản nên định bắt giữ nhưng ông được mật báo nên thoát nạn rồi vào Triệu Phong tiếp tục hoạt động theo sự phân công của cấp trên. Địch vẫn dò la tung tích của người cộng sản tuổi tuy còn trẻ nhưng hoạt động xông xáo, trầm tĩnh và gan dạ, nhiều phen thoát hiểm là mối nguy không nhỏ cho nền cai trị của nước  Pháp và chính quyền phong kiến tay sai. Sau một thời gian truy bắt ráo riết, ngày 10 tháng chạp năm 1941 tại chợ Ngô Xá (Triệu Phong) ông đã bị bọn mật thám Pháp ập đến bắt giữ. Chính quyền và mật thám hí hửng vì biết ông là một đầu mối rất quan trọng để từ đó lần ra đường dây giao liên cũng như bắt gọn tỉnh ủy Quảng Trị, phủ ủy Vĩnh Linh nếu ông chịu hé răng. Bởi vậy chúng đã tra tấn ông hết sức dã man trong suốt hai mươi ngày trời. Vừa dùng cực hình, bọn giặc vừa dụ dỗ, hứa hẹn những lời đường mật, vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng nếu ông chịu khai báo. Nhưng vô hiệu, ông vẫn không nói nửa lời. Cuộc chiến đấu hết sức gay go vẫn chưa thể kết thúc, trong khi đó không bên nào có dấu hiệu rút lui. Tình thế căng như sợi dây đàn. Đêm giao thừa lại đến.

   Bỗng nhiên, sáng mồng một tết, ông Trần Công Ái bảo với lính canh ngục báo với cấp trên,  mình sẽ đồng ý đi chỉ điểm cơ quan tỉnh ủy. Bọn chúng báo tin cho nhau mừng rơn như bắt được vàng. Địch cho dọn một mâm cơm thịnh soạn cho ông trước lúc lên đường. Ông cũng ăn uống lấy sức để đi hết con đường mình đã chọn. Xe chở đầy lính áp tải Trần Công Ái chạy theo đường cái quan theo hướng dẫn của người tù. Đến cầu Lai Phước (Đông Hà), ông bảo dừng lại, xuống đi bộ kẻo đến gần quá sẽ bị lộ. Bọn giặc nghe theo. Tên chỉ huy đi theo ông, bất thình lình đến giữa cầu, ông định xô ngả nó xuống sông nhưng sức yếu nên ý định không thành, ông bèn tự mình gieo xuống dòng nước quê hương. Điên cuồng, bọn giặc xả súng không ngớt, máu nhuộm ngày nguyên đán. Nhân dân và đồng chí biết tin ai nấy sững sờ ! Tấm gương hy sinh lẫm liệt của ông vào đúng ngày mồng một tết, ngày đầu năm mới, để bảo vệ tổ chức và lý tưởng đã vang vọng nhiều nơi khiến mọi người tiếc thương, cảm phục vô vàn, kể cả kẻ thù cũng phải nghiêng mình trước cái chết của một người cộng sản đích thực.

Thầy giáo Nguyễn Văn Anh, một người từng gắn bó với mái trường THCS Trần Công Ái đã nói (băng)

   Như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chính nhờ những tấm gương cách mạng tiền bối như vậy mà đất nước ta, dân tộc ta mới: nở hoa độc lập, kết quả tự do, mới làm nên cách mạng Tháng Tám và quốc khánh 2/9/1945. Ngay trên quê hương nhà cách mạng Trần Công Ái, một mái trường mang tên ông vẫn hàng ngày miệt mài theo sự nghiệp trồng người. Thầy trò ở đây vẫn luôn tâm huyết với công việc dạy tốt và học tốt để xứng đáng với cuộc đời và tâm nguyện của người xưa, nhất là với những chiến sĩ đã ngã xuống vì quê hương đất nước. Bài học làm người vẫn là bài học lớn nhất đối với các em, nhất là phải luôn có trách nhiệm trước vận mệnh an nguy của Tổ quốc. Nhìn các em hăng say với việc nắm bắt khoa học công nghệ hiện đại nhưng vẫn không quên lịch sử hào hùng, không sao nhãng với công tích của lớp người đi trước thì đó quả thật là hồng phúc cho hôm nay.

   Lịch sử là những gì đã qua và tương lai là những ngày sắp tới. Và khi đến với làng quê Thủy Tú 2 thuộc xã Vĩnh Tú sẽ cảm nhận hiện tại làm yên lòng những tâm hồn cả nghĩ, nhất là là khi muốn nhìn nhận hai chiều thời gian: hôm qua và ngày mai. Bởi như một câu hát ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay khi mà ngày hôm nay vẫn không bao giờ lãng quên những ngày đã qua. Điều này xiết bao ý nghĩa với những người luôn nặng lòng với quê hương đất nước. Những con người đang làm nên hương sắc quê nhà đẹp đẽ như bức tranh dân dã mang tên Thủy Tú hôm nay.

  

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 21/10/2021 15:25 Lê Vĩnh Nhiên 22/10/2021 08:29

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà