Đất pt 21/2
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất pt 21/2 -Đón xem: ptv đọc Trong ct đất và người Quảng Trị, mời mọi người cùng đến thăm một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng qua có tùy bút "Xuân thắm quê hương", được phát sóng 11g, thứ hai ngày 21/2. Mời quý thính giả chú ý đón nghe. -Ptv dẫn: Thưa quý vị và các bạn ! Trong ct tuần này, chúng ta cùng đến với một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng qua tùy bút sau của Xuân Dũng, mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Qúy thính giả vừa nghe ct: đất và người QT, ct này Việt Thanh biên tập, với sự tham gia thực hiện của...thân ái chào tạm biệt.

Tùy bút:

                                  XUÂN THẮM QUÊ HƯƠNG.

                                                                                      (Xuân Dũng)

  Tháng giêng, đất trời Quảng Trị còn se lạnh nhưng cảm giác năm mới thái hòa vẫn còn ẩn hiện trên vùng quê Cam Lộ. Và trong tiết trời mới chớm giêng hai cảm nhận xuân thì còn rạo rực trên mỗi hồn quê góc phố An Hưng.

   Làng quê An Hưng thuộc thị trấn huyện lỵ  theo đơn vị hành chính còn được gọi là khu phố 8, thị trấn Cam Lộ nhưng người dân ở đây vẫn thích gọi tên gốc của quê cha đất tổ. Làng An Hưng được xem là một trong những làng lớn ở vùng quê Cam Lộ. Làng có đến 275 hộ với hơn 1000 khẩu. Mấy thế kỷ qua con dân An Hưng dù đi đâu về đâu cũng luôn hướng về nguồn cội, để xứng đáng là những người luôn coi trọng truyền thống: "Cây có cội, nước có nguồn",  "Chim có tổ, người có tông".  Trải qua nhiều đời và các cuộc chiến tranh ác liệt bậc nhất thế kỷ XX, những cây cổ thụ bên cạnh đình làng vẫn sừng sững hiên ngang như là minh chứng của sức sống quê hương An Hưng trường tồn và bất diệt. Đầu xuân, bà con dân làng hội ngộ ở đình với tâm nguyện hướng đến tiền khai khẩn, hậu khai canh, có công với làng với nước. Câu chuyện về An Hưng cũng như bao làng quê khác luôn hướng tới những bậc tiền nhân, những kẻ khuất mặt khuất mày không nơi nương tựa khói hương được thờ phụng ở miếu Âm Hồn. Đời sống văn hóa tâm linh đâm chồi bén rễ để hướng đến  cuộc đời bình an và no ấm. Tên gọi An Hưng đã gởi gắm ước nguyện từ ngày xưa cho đến bây giờ đã thành mỹ tự của làng được trao truyền từ đời này sang đời khác như là một bảo vật vô giá của hương thôn.

      Nếu tìm hiểu kỹ về vùng đất An Hưng thì sẽ thấy đây là mảnh đất hội tụ anh hùng hào kiệt ngày xưa như danh nhân Khóa Bảo Nguyễn Hữu Đồng, tiếp đó là nhà cách mạng Hồ Chơn Nhơn. Hiện tại làng quê này vẫn còn lưu giữ một ngôi nhà tưởng niệm danh nhân Khóa Bảo và cũng là từ đường của ông được cháu con và dân làng luôn thành kính khói hương ngưỡng vọng. Danh nhân Khóa Bảo là một trong những niềm tự hào của phong trào Cần Vương trên đất Quảng Trị, một người văn võ song toàn. Khi không thể cầm kiếm giết giặc, ông về An Hưng-Cam Lộ  mở trường dạy học và quyết tâm chống xâm lược đến cùng. Tấm gương này còn mãi với muôn sau.

      Hồ Xuân Lưu có tên trong nhiều cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương cấp huyện, cấp tỉnh (thành phố), ngoài ra ông còn hiện diện trong một cuốn sách khá đồ sộ : "Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam" của các tác giả Nguyễn Q Thắng và Nguyễn Bá Thế, NXB Khoa học xã hội, 1991. Ông sinh năm 1914, hy sinh năm 1957, quê gốc ở Cổ Thành, Triệu Phong, Quảng Trị nhưng gia đình lên sinh cơ lập nghiệp ở huyện Cam Lộ. Ông là em ruột của nhà cách mạng, liệt sĩ  Hồ Chơn Nhơn hy sinh tại nhà tù Buôn Ma Thuộc năm 1937.

   Hôm rồi, tôi theo đồng nghiệp Anh Vũ công tác Cam  Lộ. Anh kể với tôi về chuyện đồng chí Hồ Xuân Lưu từng gắn bó với quê hương này từ chợ phiên Cam Lộ cho đến miếu An Mỹ ở Cồn Nậy, nay thuộc xã Cam Tuyền là những địa chỉ đỏ. Chính những nơi này, đồng chí Lê Duẩn đã về hoạt động với các chiến sĩ cộng sản địa phương như Hồ Chơn Nhơn, Hồ Xuân Lưu, Hồ Tần, Lê Quang Soạn...trong những ngày cách mạng còn trong trứng nước.

     Sau ngày chia đôi đất nước, ông vào Sài Gòn hoạt động bí mật, là Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, lấy tên là Trần Quốc Thảo. Đây có thể coi là giai đoạn cam go bậc nhất của cách mạng miền Nam. Đầu năm 1957, ông bị địch bắt và giam ở nhà lao Phú Nhuận và bị tra tấn. Vào 16/10/1957 ông trút hơi thở cuối cùng trong chốn lao tù.

   Hiện ở Quảng Trị có tên đường, trường mang tên Hồ Xuân Lưu, còn ở TP.Hồ Chí Minh thì lại có tên đường, tên trường mang tên Trần Quốc Thảo. Hiện tượng độc đáo một con người, hai tên đường khác nhau có lẽ chỉ có ở Việt Nam do những đặc thù lịch sử cách mạng.

      Mới đây khi tôi về làng An Hưng thuộc thị trấn Cam Lộ, quê hương thứ hai của nhà cách mạng Hồ Xuân Lưu được nghe các bậc cao niên kể nhiều về hai anh em Hồ Chơn Nhơn và Hồ Xuân Lưu. Các cụ còn kể đã có khi làng này mang tên Chơn Nhơn. Và còn nói về bí thư tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Xuân Lưu. Vui chuyện, tôi nói thêm ông còn là Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn; trước đó còn là Bí thư thị ủy Huế, Bí thư Đặc khu ủy Hòn Gai, Chủ tịch Khu Hồng Quảng (Quảng Ninh sau này), chưa kể có thời gian là Phó Tổng thư ký công đoàn Việt Nam, Chủ nhiệm báo Lao động...mọi người nghe vậy rộn ràng, phấn khích. Nhưng tên gọi Trần Quốc Thảo vẫn còn lạ tai với nhiều người Quảng Trị. Chỉ riêng chuyện một con người có hai tên đường cũng đủ bất ngờ và lý thú, gợi mở nhiều điều về cách mạng Việt Nam.

     Với những người lần đầu đến An Hưng sự bất ngờ không chỉ dừng tại đó. Bởi trên mảnh đất này còn có ngôi nhà lưu niệm và thờ phụng nhà thơ lớn Chế Lan Viên do gia đình tạo dựng bên cạnh nhà lưu niệm do nhà nước kiến tạo ở Cam An gần Ngã Tư Sòng. Ngôi nhà lưu niệm nhà thơ nổi tiếng dựa lưng vào sông Hiếu quay mặt hướng Nam, hòa mình trong thiên nhiên cây cỏ ở An Hưng như phảng phất hồn vía đâu đây của một người con quê hương Cam Lộ.

   Qúa trình An Hưng từ làng lên phố là một chặng đường khá dài và đó điều tất yếu ở những địa bàn nhất thiết phải đô thị hóa cho phù hợp với điều kiện cụ thể và xu hướng phát triển của địa phương. Điều đáng nói là dù văn minh, tiến bộ đến đâu thì những điều hay lẽ phải của dân gian, những đạo lý truyền thống tốt đẹp của cha ông cần được gìn giữ, tô bồi. Mỹ tục phải giữ lấy, hủ tục phải phê phán xóa bỏ. Từ đó mới có thể phát triển bền vững về kinh tế xã hội nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của riêng mình.

Trong niềm xuân hứng khởi, vùng quê An Hưng dù trong quá trình đô thị hóa vẫn giữ được nét quê gốc rễ, tạo nên gương mặt văn minh và xinh tươi nửa phố nửa làng rất cuốn hút những ai ghé lại qua đây dù chỉ một lần. Những con đường ngang dọc tạo nên điểm nhấn giao thông, những ngôi nhà ẩn mình sau cây cối yên bình đến lạ. Hoa lá mùa xuân cũng như trở mình cho kịp  tiết thanh minh. Vạn vật dù có thể vôn ngôn nhưng chứa đựng một sức sống thanh tân làm say đắm lòng người.

   Tháng giêng ở An Hưng đất đã nghỉ ngơi sau những vụ mùa hối hả của nhà nông, còn ra năm dài tháng rộng thì rồi mỗi người một việc. Nhưng quang cảnh đất trời, phố phường và làng quê thì như muốn níu niềm xuân ở lại. Những gì tạo hóa ban tặng cho con người sẽ được bà con nơi đây rút ruột mình ra mà cống hiến cho đời, đặng làm nên những mùa xuân trên quê hương Cam Lộ, những mùa xuân không chỉ đến từ đất trời mà còn đến từ chính mỗi con người nơi đây, để xây đắp một An Hưng đúng nghĩa  an bình và hưng thịnh.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 17/02/2022 12:36 Lê Vĩnh Nhiên 23/02/2022 08:52

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà